V.I.Lenin
Mục lục


ý nghĩa của cuộc đấu tranh để thực hiện việc kiểm kê và kiểm soát của toàn dân

Nhà nước, vốn là một công cụ áp bức và cướp bóc nhân dân suốt hàng bao nhiêu thế kỷ nay, đã để lại cho chúng ta một di sản, đó là lòng căm thù dữ dội và sự nghi kỵ của quần chúng đối với bất cứ cái gì thuộc về nhà nước. Khắc phục được tâm trạng đó là một nhiệm vụ rất khó khăn, mà chỉ có Chính quyền xô-viết mới đủ sức làm được, nhưng ngay cả đối với chính quyền này, nhiệm vụ đó cũng đòi hỏi một thời gian lâu dài và một sự kiên trì rất lớn. Trong vấn đề kiểm kê và kiểm soát - vấn đề căn bản đối với cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, ngay sau khi lật đổ được giai cấp tư sản, - ảnh hưởng của cái "di sản" ấy biểu hiện ra đặc biệt rõ rệt. Nhất định phải trải qua một thời gian nào đó thì những quần chúng lần đầu tiên cảm thấy mình được tự do sau khi lật đổ được bọn địa chủ và tư sản, mới hiểu được và cảm thấy rõ - không phải nhờ sách vở, mà là nhờ kinh nghiệm của bản thân mình, kinh nghiệm xô-viết - rằng nếu nhà nước không tiến hành kiểm kê và kiểm soát toàn diện đối với việc sản xuất và phân phối các sản phẩm, thì chính quyền của những người lao động, nền tự do của họ, sẽ không thể nào duy trì được và nhất định họ sẽ phải sống trở lại dưới ách của chủ nghĩa tư bản.

Tất cả những thói quen và những truyền thống của giai cấp tư sản nói chung, và của giai cấp tiểu tư sản nói riêng, đều chống lại chế độ kiểm soát của nhà nước và đều bảo vệ tính bất khả xâm phạm của "quyền tư hữu thiêng liêng", của quyền kinh doanh tư nhân "thiêng liêng". Ngày nay, chúng ta thấy đặc biệt rõ rằng luận điểm mác-xít cho chủ nghĩa vô chính phủ và chủ nghĩa công đoàn - vô chính phủ thực chất đều là những xu hướng tư sản - là luận điểm đúng biết bao; rằng những xu hướng này mâu thuẫn không thể điều hòa được biết chừng nào với chủ nghĩa xã hội, với chuyên chính vô sản, với chủ nghĩa cộng sản. Cuộc đấu tranh để làm cho quần chúng thấm nhuần tư tưởng về sự kiểm kê và kiểm soát có tính chất xô-viết của nhà nước, cuộc đấu tranh để thực hành tư tưởng ấy, để đoạn tuyệt với cái quá khứ đáng nguyền rủa đã gây ra cho người ta cái thói quen coi việc kiếm cơm ăn, áo mặc là một việc "riêng", là việc mua bán, là một việc "chỉ có liên quan đến cá nhân mình mà thôi", - cuộc đấu tranh đó là rất vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử toàn thế giới, là cuộc đấu tranh của ý thức giác ngộ xã hội chủ nghĩa chống tính tự phát tư sản - vô chính phủ.

ở nước chúng ta, sự kiểm soát của công nhân được chế định thành luật pháp, nhưng nó chỉ vừa mới bắt đầu thấm vào đời sống, thậm chí vừa mới bắt đầu thấm vào ý thức của đông đảo quần chúng vô sản mà thôi. Trong công tác cổ động, chúng ta chưa nói đầy đủ, mà những công nhân và nông dân tiên tiến cũng không suy nghĩ, không nói đầy đủ đến điều sau đây: không có chế độ kế toán và kiểm soát trong sự sản xuất và phân phối sản phẩm, thì những mầm mống của chủ nghĩa xã hội sẽ bị tiêu diệt, thì có nghĩa là ăn cắp quốc khố (vì tất cả của cải đều thuộc về quốc khố mà quốc khố đây lại chính là Chính quyền xô-viết, chính quyền của đa số những người lao động); cẩu thả đối với việc kiểm kê và kiểm soát là trực tiếp giúp sức cho bọn Coóc-ni-lốp Đức và Nga, là những kê chỉ có thể lật đổ chính quyền của những người lao động, nếu chúng ta không giải quyết được nhiệm vụ kiểm kê và kiểm soát; bọn chúng được sự giúp đỡ của toàn bộ giai cấp tư sản mu-gích, của bọn dân chủ - lập hiến, của bọn men-sê-vích và bọn xã hội chủ nghĩa - cách mạng cánh hữu, đang "rình" chúng ta, đang chờ thời cơ thuận lợi. Mà chừng nào sự kiểm soát của công nhân chưa trở thành sự thật hẳn hoi, chừng nào những công nhân tiên tiến chưa tổ chức và chưa tiến hành một cuộc tấn công thắng lợi không khoan nhượng chống tất cả những kẻ vi phạm sự kiểm soát ấy, hoặc những kẻ tỏ ra thờ ơ về mặt đó, thì chừng đó sẽ không thể nào tiến từ bước thứ nhất (thực hiện việc kiểm soát của công nhân) lên bước thứ hai trên con đường đi tới chủ nghĩa xã hội, tức là bước chuyển sang việc công nhân điều tiết sản xuất.

Nhà nước xã hội chủ nghĩa chỉ có thể ra đời dưới hình thức một hệ thống những công xã sản xuất và tiêu dùng biết tính toán một cách thật thà sự sản xuất và tiêu dùng của mình, biết tiết kiệm lao động, không ngừng tăng năng suất và do đó tạo điều kiện giảm ngày lao động xuống bảy giờ, sáu giờ hay ít hơn thế nữa. Trong lĩnh vực đó, người ta sẽ không thể nào không dùng đến sự kiểm kê và kiểm soát chặt chẽ nhất và toàn diện nhất của toàn dân đối với lúa mì và việc sản xuất lúa mì (rồi đến tất cả những sản phẩm cần thiết khác). Chủ nghĩa tư bản đã để lại cho chúng ta những tổ chức quần chúng có thể làm giảm nhẹ việc chuyển sang kiểm kê và kiểm soát một cách rộng rãi sự phân phối các sản phẩm: đó là những hội tiêu dùng. ở Nga, những hội này phát triển kém hơn ở các nước tiên tiến, nhưng dù sao cũng có được hơn 10 triệu hội viên. Sắc lệnh về các hội tiêu dùng67 vừa được công bố là hiện tượng hết sức tiêu biểu: nó cho ta thấy rõ hiện nay đặc điểm của tình hình và nhiệm vụ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa xô-viết là như thế nào.

Sắc lệnh đó là một sự thỏa thuận với các hợp tác xã tư sản và với những hợp tác xã công nhân còn giữ quan điểm tư sản. Thỏa thuận hay thỏa hiệp, trước hết là ở chỗ những đại diện của các tổ chức đó không những tham gia thảo luận bản dự án sắc lệnh đó, mà còn thực tế có quyền quyết định nữa, vì trong sắc lệnh, những phần nào mà các tổ chức nói trên đã kiên quyết phản đối thì đều bị bỏ đi cả. Hai là, về thực chất thì sự thỏa hiệp còn là ở chỗ Chính quyền xô-viết từ bỏ nguyên tắc tham gia hợp tác xã không phải nộp tiền (là nguyên tắc duy nhất triệt để vô sản) và nguyên tắc tập hợp toàn thể dân cư của một địa phương vào trong một hợp tác xã. Do từ bỏ nguyên tắc đó, nguyên tắc duy nhất có tính chất xã hội chủ nghĩa và phù hợp với nhiệm vụ thủ tiêu các giai cấp, nên chúng ta đã để cho "các hợp tác xã công nhân có tính chất giai cấp" (ở đây, sở dĩ những hợp tác xã đó được gọi là "có tính chất giai cấp" chỉ vì nó phục tùng quyền lợi giai cấp của giai cấp tư sản) có quyền được tiếp tục tồn tại. Cuối cùng là đề nghị của Chính quyền xô-viết về việc loại hẳn giai cấp tư sản ra khỏi ban quản trị các hợp tác xã, cũng đã được giảm nhẹ đi rất nhiều, và việc cấm tham gia các ban quản trị chỉ áp dụng đối với những chủ xí nghiệp thương nghiệp và công nghiệp có tính chất tư bản chủ nghĩa tư nhân thôi.

Nếu giai cấp vô sản, thông qua Chính quyền xô-viết, đã kịp thời tổ chức được việc kiểm kê và kiểm soát trong phạm vi cả nước, hay ít ra là đã đặt được nền móng của sự kiểm soát đó thì đã không cần đến những sự thỏa hiệp như vậy. Nếu được như vậy, thì chúng ta đã thông qua các ban lương thực của các Xô-viết và các cơ quan cung cấp trực thuộc các Xô-viết, mà tập hợp dân cư vào một hợp tác xã duy nhất, do giai cấp vô sản lãnh đạo, không cần có sự giúp đỡ của các hợp tác xã tư sản, không cần phải nhượng bộ cái nguyên tắc thuần túy tư sản ấy, cái nguyên tắc khiến cho hợp tác xã công nhân phải tồn tại với tư cách là hợp tác xã công nhân song song với hợp tác xã tư sản, - mà lẽ ra phải bắt hợp tác xã tư sản đó hoàn toàn phụ thuộc mình, bằng cách tiến hành hợp nhất hai tổ chức đó lại, bằng cách nắm lấy toàn bộ việc quản lý và nắm lấy việc giám sát sự tiêu dùng của bọn giàu có.

Khi thực hiện sự thỏa thuận như thế với các hợp tác xã tư sản, Chính quyền xô-viết đã xác định cụ thể những nhiệm vụ sách lược của mình và những phương pháp hành động đặc thù trong giai đoạn phát triển hiện nay, tức là: thông qua việc lãnh đạo những phần tử tư sản, sử dụng họ, nhượng bộ họ một phần nào đó, chúng ta tạo ra những điều kiện để tiến lên, tuy tiến chậm hơn so với dự kiến lúc đầu của chúng ta, nhưng lại vững bền hơn, đảm bảo vững chắc hơn cho chúng ta có được một cơ sở và những đường giao thông, làm cho những vị trí đã chiếm được sẽ được củng cố hơn. Hiện giờ, các Xô-viết có thể (và phải) đánh giá những thành tựu của mình trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, bằng cái thước đo cực kỳ rõ ràng, đơn giản và thực tế: bằng cách xét xem có bao nhiêu địa phương (công xã, làng, xóm, v.v.), ở đó các hợp tác xã đang tiến gần và tiến gần trên mức độ nào đến chỗ bao gồm toàn bộ dân cư.

[Chương trước]   [Mục lục]   [Chương tiếp theo]