Phần IV
Thái độ của những người cộng sản đối với các đảng đối lập

Căn cứ theo những điều mà chúng tôi đã nói ở chương II thì thái độ của những người cộng sản đối với những đảng công nhân đã được thành lập và do đấy, thái độ của họ đối với phái Hiến chương ở Anh và phái cải cách ruộng đất ở Bắc Mỹ, tự nó cũng đã rõ rồi.

Những người cộng sản chiến đấu cho những mục đích và những lợi ích trước mắt của giai cấp công nhân, nhưng đồng thời trong phong trào hiện tại, họ cũng bảo vệ và đại biểu cho tương lai của phong trào. Ở Pháp, những người cộng sản liên hợp với Đảng dân chủ - xã hội chủ nghĩa[19] chống giai cấp tư sản bảo thủ và cấp tiến, đồng thời vẫn dành cho mình cái quyền phê phán những lời nói suông và những ảo tưởng do truyền thống cách mạng để lại.

Ở Thuỵ sĩ, họ ủng hộ phái cấp tiến, nhưng không phải không biết rằng đảng này gồm những phần tử mâu thuẫn nhau, một nửa là những người dân chủ xã hội chủ nghĩa theo kiểu Pháp, và một nửa là những người tư sản cấp tiến.

Ở Ba Lan, những người cộng sản ủng hộ chính đảng đã coi cách mạng ruộng đất là điều kiện để giải phóng dân tộc, nghĩa là chính đảng đã làm cuộc khởi nghĩa Cra-cốp năm 1846.

Ở Đức, Đảng cộng sản đấu tranh chung với giai cấp tư sản mỗi khi giai cấp này hành động cách mạng chống chế độ quân chủ chuyên chế, chống chế độ sở hữu ruộng đất phong kiến và giai cấp tiểu tư sản phản động.

Nhưng không một phút nào Đảng cộng sản lại quên giáo dục cho công nhân một ý thức hết sức sáng rõ về sự đối kháng kịch liệt giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản, để khi có thời cơ thì công nhân Đức biết sử dụng những điều kiện chính trị và xã hội do sự thống trị của giai cấp tư sản tạo ra, như là vũ khí chống lại giai cấp tư sản, để ngay sau khi đánh đổ xong những giai cấp phản động ở Đức, là có thể tiến hành đấu tranh chống lại chính ngay giai cấp tư sản.

Những người cộng sản chú ý nhiều nhất đến nước Đức, vì nước Đức hiện đương ở vào đêm trước của một cuộc cách mạng tư sản, vì nước Đức sẽ thực hiện cuộc cách mạng ấy trong những điều kiện tiến bộ hơn của nền văn minh châu âu nói chung và với một giai cấp vô sản phát triển mạnh mẽ hơn nhiều so với nước Anh trong thế kỷ XVII và nước Pháp trong thế kỷ XVIII. Và do đấy, cách mạng tư sản Đức chỉ có thể là màn đầu trực tiếp cho một cuộc cách mạng vô sản.

Tóm lại, ở tất cả mọi nơi, những người cộng sản đều ủng hộ mọi phong trào cách mạng chống lại trật tự xã hội và chính trị hiện hành.

Trong tất cả phong trào ấy, họ đều đưa vấn đề chế độ sở hữu lên hàng đầu, coi đó là vấn đề cơ bản của phong trào, không kể là nó đã có thể phát triển đến trình độ nào.

Sau hết, những người cộng sản ở mọi nơi đều phấn đấu cho sự đoàn kết và sự liên hợp của các đảng dân chủ ở tất cả các nước.

Những người cộng sản coi là điều đáng khinh bỉ nếu giấu giếm những quan điểm và ý định của mình. Họ công khai tuyên bố rằng mục đích của họ chỉ có thể đạt được bằng cách dùng bạo lực lật đổ toàn bộ trật tự xã hội hiện hành. Mặc cho các giai cấp thống trị run sợ trước một cuộc Cách mạng cộng sản chủ nghĩa! Trong cuộc cách mạng ấy, những người vô sản chẳng mất gì hết, ngoài những xiềng xích trói buộc họ. Họ sẽ giành được cả thế giới.

Vô sản tất cả các nước, đoàn kết lại!

 

[Chương trước]   [Mục lục]  


Chú thích

[19] Lúc đó, đại biểu cho đảng này, ở trong nghị viện là Lơ-đruy-Rô-lanh; đại biểu cho đảng này trong văn học là Lu-i-Blăng và trong báo chí hàng ngày là tờ "Réforme". Họ dùng cái tên dân chủ - xã hội chủ nghĩa, cái tên mà họ nghĩ ra, để gọi bộ phận ít nhiều có màu sắc xã hội chủ nghĩa trong đảng dân chủ hay cộng hoà. (Chú thích của Ăng-ghen cho lần xuất bản bằng tiếng Anh năm 1888)
Cái đảng lúc đó, ở Pháp, tự gọi là Đảng dân chủ - xã hội chủ nghĩa, có đại biểu chính trị của nó là Lơ-đruy-Rô-lanh và đại biểu văn học của nó là Lu-i-Blăng, vậy là đảng này còn cách xa một trời một vực với Đảng dân chủ - xã hội ngày nay ở Đức. (Chú thích của Ăng-ghen cho lần xuất bản bằng tiếng Đức năm 1890)