Ănggen
Cách mạng và phản cách mạng ở Đức


XI.Cuộc khởi nghĩa ở Viên

Ngày 19 tháng 03 năm 1852

Bây giờ chúng ta nói tới những sự biến có tính quyết định mà ở Đức nó cũng có ý nghĩa cách mạng như cuộc khởi nghĩa tháng Sáu ở Pa-ri, và bằng một cú đánh, sự biến đã lập tức làm nghiêng cán cân có lợi cho đảng phản cách mạng, - tức là tới cuộc khởi nghĩa tháng Mười 1848 ở Viên.

Chúng ta đã biết lập trường của các giai cấp khác nhau ở Viên sau chiến thắng ngày 13 tháng Ba. Ngoài ra, chúng ta còn thấy phong trào của miền áo thuộc Đức là gắn liền với những sự biến của các miền áo không thuộc Đức và bị những sự biến này kìm hãm như thế nào. Bởi vậy chúng ta chỉ còn phải xét qua xem những nguyên nhân nào đã dẫn tới cuộc nổi dậy mạnh mẽ vừa rồi ở miền áo thuộc Đức.

Ngay cả sau những sự biến tháng Ba, giai cấp đại quý tộc và giai cấp tư sản tài chính, tức là những trụ cột chủ yếu không chính thức của chính phủ Mét-téc-ních, vẫn có thể duy trì được một ảnh hưởng quyết định đối với chính phủ, không những nhờ triều đình, quân đội và bộ máy quan liêu, mà hơn nữa, còn nhờ vào nỗi hoảng sợ đã lan tràn nhanh chóng trong giai cấp tư sản đối với "tình trạng vô chính phủ". Các giai cấp ấy liền thử thả mấy quả bóng thăm dò dưới hình thức một đạo luật về báo chí, một bản hiến pháp có tính chất quý tộc hết chỗ nói và một đạo luật tuyển cử dựa trên sự phân chia "đẳng cấp"[32*] cũ. Ngày 18 tháng Năm, cái nội các gọi là lập hiến, gồm bọn quan lại nửa tự do chủ nghĩa, nhút nhát và bất lực, đã dám liều một trận tấn công trực tiếp vào các tổ chức cách mạng của quần chúng bằng cách giải tán ủy ban trung ương gồm các đại biểu của đội cận vệ quốc gia và của Quân đoàn sinh viên, một cơ quan được thành lập nhằm mục đích chỉ là để kiểm soát chính phủ và khi cần thì kêu gọi các lực lượng nhân dân chống lại chính phủ. Nhưng hành động ấy chỉ gây ra cuộc khởi nghĩa ngày 15 tháng Năm khiến cho chính phủ buộc phải công nhận ủy ban ấy, hủy bỏ hiến pháp và luật tuyển cử, và giao cho Quốc hội lập hiến được bầu ra bằng đầu phiếu phổ thông được toàn quyền thảo ra một đạo luật cơ bản mới. Tất cả những điều ấy được một bản tuyên ngôn của hoàng đế xác nhận vào ngày hôm sau. Nhưng đảng phản động mà đại biểu của nó cũng nằm trong nội các, liền thúc đẩy ngay các bạn đồng sự "tự do chủ nghĩa" của nó tiến hành một cuộc tấn công mới vào những thành quả của quần chúng. Quân đoàn sinh viên là thành trì của đảng của phong trào, trung tâm của một cuộc cổ động liên tục, và chính vì thế mà nó bị bọn thị dân ôn hòa nhất ở Viên căm ghét. Ngày 26 tháng Năm, nó đã bị một sắc lệnh của nội các giải tán. Lẽ ra việc giải tán ấy đã thành công nếu người ta chỉ giao trách nhiệm ấy cho một đơn vị quân cận vệ quốc gia, nhưng chính phủ không tin đội cận vệ quốc gia, đã điều động quân đội; thế là quân cận vệ quốc gia liền quay ngay lại chống chính phủ, liên hiệp với Quân đoàn sinh viên và phá vỡ kế hoạch của nội các.

Nhưng ngày 16 tháng Năm, hoàng đế[1] và triều đình đã bỏ thành Viên và trốn đến In-xbrúc, chính ở đó, ở giữa những người Ti-rôn cuồng tín mà lòng trung thành lại trỗi dậy mạnh mẽ trước nguy cơ đất nước bị quân đội Xác-đi-ni - Lôm-bác-đi xâm lăng, và được ủng hộ bởi quân đội của Ra-đét-xki đóng sát nách, vì In-xbrúc nằm trong tầm pháo của quân đội này; chính ở đó mà phái phản cách mạng có thể tránh được mọi sự kiểm soát và giám sát, và hoàn toàn được an toàn trong việc tập hợp và khôi phục những lực lượng tản mát của mình để rồi sẽ lại trùm lên khắp đất nước mạng lưới âm mưu của nó. Người ta lại tiếp xúc với Ra-đét-xki, I-ê-la-sích và Vin-đi-sơ-grét-xơ cũng như với những người đáng tin cậy khác trong hệ thống hành chính ở các tỉnh; người ta lại âm mưu với những thủ lĩnh của người Xla-vơ. Theo cách thức như vậy, người ta đã tạo nên một lực lượng thực sự thuộc quyền sử dụng của bọn quần thần phản cách mạng, trong khi đó người ta mặc cho các bộ trưởng bất lực ở Viên tha hồ tiêu hao cái uy tín ngắn ngủi và mỏng manh của họ bằng những cuộc xung đột liên miên với quần chúng cách mạng và những cuộc tranh cãi ở Quốc hội lập hiến sắp họp nay mai. Như vậy chính sách tạm thời để mặc cho phong trào ở thủ đô diễn biến, nếu như ở một nước trung ương tập quyền và thuần nhất như nước Pháp thì chính sách đó đã có thể làm cho đảng của phong trào trở thành mạnh mẽ vô song, nhưng ở nước áo này, trong một tập hợp chính trị không thuần nhất, chính sách ấy lại là một trong những phương pháp chắc chắn nhất để tổ chức lại lực lượng cho phe phản cách mạng.

Ở Viên, giai cấp tư sản tin chắc rằng sau ba lần thất bại liên tiếp và đứng trước một Quốc hội lập hiến do đầu phiếu phổ thông bầu ra thì triều đình không còn là một kẻ địch đáng sợ nữa, nên nó ngày càng buông mình rơi vào tình trạng mệt mỏi, tình trạng thờ ơ, tình trạng luôn miệng kêu gọi trật tự và yên bình, một tình trạng mà giai cấp tư sản ở bất cứ đâu cũng đều mong muốn sau những cơn chấn động kịch liệt làm rối loạn hoạt động kinh doanh. Công nghiệp ở thủ đô áo hầu như hoàn toàn chỉ sản xuất những xa xỉ phẩm, mà từ ngày cách mạng nổ ra và triều đình bỏ trốn thì tất nhiên nhu cầu về những sản phẩm ấy giảm đi một cách đột ngột. Những lời kêu gọi khôi phục lại một chế độ cai trị có quy củ và triều đình trở về, những điều mà người ta hy vọng là sẽ làm cho thương mại trở lại phồn vinh như xưa, bây giờ đã trở thành phổ biến trong giai cấp tư sản. Người ta vui vẻ chào mừng cuộc họp của Quốc hội lập hiến vào tháng Bảy, coi đó là sự kết thúc của thời đại cách mạng; người ta cũng phấn khởi chào đón triều đình trở về; mà triều đình này thì sau những chiến thắng của Ra-đét-xki ở I-ta-li-a và sau việc thành lập nội các phản động Đô-blơ-hốp, đã tự cho là mình đã đủ mạnh để đương đầu với sự tấn công của nhân dân và thấy cần thiết phải có mặt ở Viên để có thể tiến hành đến cùng những âm mưu của mình với cái đa số Xla-vơ trong Quốc hội. Trong khi Quốc hội lập hiến thảo luận những đạo luật về việc giải phóng nông dân khỏi sự lệ thuộc phong kiến và khỏi chế độ lao dịch bắt buộc cho quý tộc, thì triều đình đã tiến hành thắng lợi một mưu kế khôn khéo. Ngày 19 tháng Tám, người ta mời hoàng đế đi duyệt đội cận vệ quốc gia; hoàng gia, triều đình và các tướng tá thi nhau tán dương bọn thị dân vũ trang, là bọn đã say sưa trong niềm kiêu hãnh thấy mình được công khai thừa nhận là một trong những lực lượng quyết định của nhà nước; và ngay lập tức sau đó, một sắc lệnh ký tên ông Svác-txơ, vị bộ trưởng duy nhất được nhân dân biết tiếng trong nội các, được ban bố nhằm xóa bỏ khoản tiền cứu tế mà từ trước đến nay, chính phủ vẫn cấp cho công nhân thất nghiệp. Quỷ kế đã thành công; giai cấp công nhân biểu tình; bọn tư sản trong đội cận vệ quốc gia ủng hộ sắc lệnh của vị bộ trưởng của chúng; chúng đàn áp "những người vô chính phủ", ngày 23 tháng Tám, chúng lăn xả như cọp vào những công nhân không có vũ khí và không hề chống cự lại, chúng đã tàn sát nhiều người. Như vậy là sự đoàn kết và sức mạnh của lực lượng cách mạng đã bị phá tan. Ở Viên, cuộc đấu tranh giai cấp giữa tư sản và vô sản cũng dẫn đến một cuộc đổ máu và bọn quần thần phản cách mạng thấy rằng cái ngày mà chúng có thể đánh một đòn ác liệt, đã sắp đến.

Tình hình ở Hung-ga-ri đã nhanh chóng tạo điều kiện cho chúng tuyên bố công khai những nguyên tắc hành động của chúng. Ngày 5 tháng Mười, tờ "Wiener Zeitungt" đăng một sắc lệnh của hoàng đế - không có một bộ trưởng có trách nhiệm nào của Hung-ga-ri ký cả - tuyên bố giải tán Quốc hội Hung-ga-ri và cử tên thái thú ở Crô-a-xi là I-ê-la-sích, một thủ lĩnh của bọn phản động miền Nam Xla-vơ và là người thực sự chống đối các nhà cầm quyền hợp pháp của Hung-ga-ri, lên làm thống đốc dân sự và quân sự của Hung-ga-ri. Đồng thời, quân đội ở Viên được lệnh lên đường và hợp nhất với đội quân sẽ phải trở thành chỗ dựa của chính quyền I-ê-la-sích. Nhưng làm như vậy là đã để lộ quá rõ âm mưu đen tối; mọi người ở Viên đều cảm thấy rằng chiến tranh với Hung-ga-ri là chiến tranh chống nguyên tắc của chính phủ lập hiến. Nguyên tắc này đã bị chà đạp ngay một trong sắc lệnh trong đó hoàng đế mưu toan làm cho các lệnh của mình có hiệu lực của pháp luật mà không cần có chữ ký của bộ trưởng phụ trách. Nhân dân, Quân đoàn sinh viên, đội cận vệ quốc gia ở Viên nhất tề nổi dậy vào ngày 6 tháng Mười và chống lại cuộc xuất phát của quân đội; vài người lính phóng lựu đạn chạy sang hàng ngũ nhân dân, một cuộc xung đột ngắn xảy ra giữa lực lượng nhân dân vũ trang và quân đội; Bộ trưởng chiến tranh La-tua bị nhân dân giết chết, đến buổi chiều, nhân dân đã chiến thắng. Trong khi ấy thì ở Stun-vai-sen-buốc[2] thái thú I-ê-la-sích đã bị Péc-txen đánh bại phải chạy trốn vào vùng lãnh thổ áo thuộc Đức, gần Viên. Quân đội viên có nhiệm vụ đi cứu hắn thì lại không cứu hắn mà lại có thái độ chống đối hắn rõ ràng và sẵn sàng phòng vệ; hoàng đế và triều đình một lần nữa lại phải chạy trốn đến ôn-muýt-xơ[3] một lãnh thổ nửa Xla-vơ.

Nhưng ở ôn-muýt-xơ, triều đình lại ở vào một hoàn cảnh khác hẳn với khi ở In-xbrúc. Lúc này triều đình đã có khả năng trực tiếp bắt đầu cuộc hành quân chống cách mạng. Xung quanh nó là bọn nghị viên người Xla-vơ của Quốc hội lập hiến, bọn này đã lũ lượt chạy về ôn-muýt-xơ và bọn người Xla-vơ cuồng nhiệt từ bốn phía của vương quốc kéo đến. Theo bọn họ hình dung thì cuộc chiến tranh này phải biến thành chiến tranh để khôi phục bá quyền Xla-vơ và tiêu diệt hai kẻ ngoại lai xâm nhập vào lãnh thổ mà bọn họ coi là lãnh thổ Xla-vơ, tức là chiến tranh chống người Đức và người Hung-ga-ri. Vin-đi-sơ-grét-xơ, kẻ chinh phục Pra-ha, giờ đây là tư lệnh của quân đội tập trung xung quanh thành Viên, bỗng nhiên trở thành anh hùng dân tộc Xla-vơ. Đội quân của y được tăng cường mau chóng bằng cách huy động người ở khắp nơi về. Hết trung đoàn này đến trung đoàn khác, từ Bô-hêm, Mô-ra-vi, Xtê-ria, từ miền Thượng áo và từ I-ta-li-a, kéo về Viên, để sáp nhập với quân đội của I-ê-la-sích, và đội quân trước kia bảo vệ thủ đô. Như vậy là vào cuối tháng Mười, hơn 6 vạn người đã tập hợp và họ liền bắt đầu bao vây tứ phía thủ đô của đế chế, và cuối cùng, đến ngày 30 tháng Mười, họ đã tiến đến chỗ có thể mở một trận tấn công quyết định.

Trong lúc ấy thì Viên đang ở trong tình trạng rất hỗn loạn và bối rối. Vừa mới giành được thắng lợi, giai cấp tư sản đã lại trở lại nghi kỵ giai cấp công nhân "vô chính phủ"; công nhân vẫn còn nhớ cách đối xử của bọn tư sản võ trang đối với họ cách đây sáu tuần lễ và chính sách do dự, hay thay đổi của giai cấp tư sản nói chung, nên không muốn giao nhiệm vụ bảo vệ thủ đô cho chúng, bèn đòi được trao vũ khí và lập một tổ chức quân sự riêng của mình. Quân đoàn sinh viên, nóng lòng muốn chiến đấu chống ách chuyên chế của hoàng đế, lại hoàn toàn không hiểu nổi nguyên nhân sâu xa của sự cách biệt giữa hai giai cấp, cũng không hiểu nổi những yêu cầu của tình hình. Dân chúng và cả các giới lãnh đạo đều mơ hồ. Trừ một số ít nghị viên Ba Lan có tinh thần cách mạng hơn, số còn lại trong Quốc hội: các nghị viên người Đức và một vài nghị viên người Xla-vơ, đóng vai trò gián điệp cho các bạn hữu của chúng ở ôn-muýt-xơ, lại thường xuyên hội họp. Song, lẽ ra phải hành động cương quyết thì chúng lại mất thì giờ để cãi vã nhau một cách vô bổ xem có khả năng chống lại quân đội đế chế mà không vượt quá giới hạn của những truyền thống lập hiến hay không. Thực ra, Uỷ ban an ninh gồm các đại biểu của hầu hết các tổ chức nhân dân ở Viên, tuy đã quyết tâm chống cự lại, nhưng lại bị chi phối bởi một đa số gồm những thị dân, tiểu thủ công và những tiểu thương là những kẻ không bao giờ cho phép nó được hành động triệt để, kiên quyết và mạnh mẽ. Hội đồng của Quân đoàn sinh viên biểu quyết những quyết nghị dũng cảm, nhưng lại hoàn toàn không có năng lực lãnh đạo. Giai cấp công nhân, bị nghi ngờ, không có vũ khí, không có tổ chức, vừa mới thoát khỏi tư tưởng nô lệ của chế độ cũ, vừa mới tỉnh ngộ, nhưng chưa phải là đã ý thức được mà mới chỉ là hiểu được một cách hoàn toàn theo bản năng, vị trí xã hội của mình và thái độ chính trị mà vị trí ấy buộc phải có, cho nên cũng chỉ có thể biểu lộ ý chí của mình bằng những cuộc biểu tình rầm rộ và không có gì lạ rằng giai cấp ấy không có khả năng ứng phó được với những khó khăn của tình hình. Nhưng cũng như ở khắp nơi trong nước Đức trong thời gian cách mạng, công nhân vẫn sẵn sàng chiến đấu đến cùng, một khi có vũ khí trong tay.

Tình hình ở Viên là như vậy. ở ngoài Viên là quân đội áo được cải tổ và say sưa với những chiến thắng của Ra-đét-xki ở I-ta-li-a; sáu, bảy vạn người được vũ trang tốt, tổ chức tốt và nếu không phải là được chỉ huy tốt thì ít ra cũng có những người chỉ huy. Ở bên trong Viên là tình hình hỗn độn, mâu thuẫn giai cấp, tình trạng không có tổ chức: đội cận vệ quốc gia có một bộ phận quyết không chiến đấu, một bộ phận khác thì do dự và chỉ có bộ phận nhỏ nhất là sẵn sàng hành động; quần chúng vô sản mạnh về số lượng, nhưng không có lãnh tụ, không được giáo dục về chính trị, dễ hốt hoảng mà cũng dễ nổi giận hầu như vô cớ, dễ tin vào những điều đồn bậy mà người ta gieo rắc, hoàn toàn sẵn sàng chiến đấu, nhưng lại không được vũ trang ít ra là vào lúc đầu, và vũ trang không được đầy đủ, chưa được tổ chức hẳn hoi khi được đưa đi chiến đấu; một Quốc hội bất lực, chỉ bàn lý thuyết suông trong khi nóc nhà gần như đã bốc cháy trên đầu; một ủy ban lãnh đạo không nhiệt tâm, không nghị lực. Tất cả đều đã thay đổi, sau những ngày tháng Ba và tháng Năm, khi mà trong phe phản cách mạng hoàn toàn chỉ là sự hỗn độn và chỉ có một lực lượng duy nhất có tổ chức, đó là lực lượng do cách mạng tạo nên. Kết cục của một cuộc chiến đấu như vậy thật là không có gì đáng phải nghi ngờ nữa. Và nếu một mối hồ nghi nào đó còn tồn tại thì nó cũng bị những sự biến những ngày 30 và 31 tháng Mười và ngày 1 tháng Mười một đánh tan.

Luân Đôn, tháng Ba 1852

[Chương trước]   [Mục lục]   [Chương tiếp theo]


Chú thích

[1] - Phéc-đi-năng I

[2] - Tên gọi bằng tiếng Hung-ga-ri là Xê-kê-sphơ-khuê-va

[3] - Tên gọi bằng tiếng Séc là ô-lô-mu-xơ