K.Marx - F.Enggels
Tiểu luận về chiến tranh


KHỦNG HOẢNG CỦA CHIẾN TRANH

Đã đăng trên tờ "The Pall Mall Gazette" số 1722, ngày 20 tháng Tám 1870

Hoàng đế đã từ giã quân đội, nhưng hung thần của ông ta vẫn còn lại đó - vị hung thần đã thúc đẩy ông ta, làm cho ông ta sốt ruột vội vã tuyên chiến, nhưng khi làm việc đó rồi thì hóa ra ông ta lại không có khả năng quyết định gì hết thảy. Quân đội phải sẵn sàng xuất quân chậm nhất là vào ngày 20 tháng Bảy. Ngày 20 tháng Bảy đã đến, nhưng chưa một việc gì được làm xong cả. Ngày 29, tại Mết-dơ, Na-pô-lê-ông III nắm lấy quyền chỉ huy tối cao, lúc đó vẫn còn có thì giờ để tấn công cho đến tận sông Ranh mà hầu như không gặp phải kháng cự; nhưng quân đội đã không nhúc nhích. Như người ta thấy, những sự do dự thậm chí còn đi xa tới mức hoàng đế đã không thể quyết định là ông ta nên tấn công nói chung hay là chiếm lĩnh vị trí để phòng ngự. Những đơn vị đi đầu của các đội quân Đức từ tất cả mọi phía đã tập trung đến Pphan-xơ, và mỗi ngày đều có thể chờ đợi sự tấn công của họ. Mặc dầu thế, quân Pháp vẫn nằm lại ở biên giới tại các vị trí của mình, những vị trí nhằm dùng cho một cuộc tấn công song cuộc tiến công đã không diễn ra,- nhưng lại hoàn toàn không dùng được cho phòng ngự, thế mà chẳng bao lâu ngoài phòng ngự ra thì họ không còn có một sự lựa chọn nào khác nữa. Trạng thái do dự, kéo dài từ ngày 29 tháng Bảy đến ngày 5 tháng Tám, là nét đặc trưng cho toàn bộ chiến dịch. Quân đội Pháp, bố trí ngay tại biên giới, đã không có những đơn vị tiền tiêu nằm cách các lực lượng chủ yếu một khoảng cách thích đáng và chỉ có hai cách để xóa bỏ thiếu sót đó: hoặc đẩy những đơn vị tiền tiêu lên phía trước, vào lãnh thổ của quân địch, hoặc giữ những đơn vị đó tại những vị trí đã chiếm lĩnh ở biên giới, còn các lực lượng chủ yếu sau khi tập trung lại dày đặc hơn thì lùi về phía sau với khoảng cách một ngày đêm hành quân. Nhưng kế hoạch thứ nhất sẽ gây ra một sự đụng độ với địch trong những điều kiện mà hoàng đế sẽ không thể tác động gì đến cả, trong khi đó thì kế hoạch thứ hai lại không thể thực hiện được vì những lý do chính trị, không cho phép rút lui trước khi xảy ra cuộc chiến đấu đầu tiên. Như vậy, những dao động vẫn tiếp diễn, và người ta hoàn toàn không làm gì cả; dường như là người ta tính rằng cả địch cũng sẽ nhiễm lây sự do dự và cũng sẽ án binh bất động. Nhưng địch đã bắt đầu hành động. Đúng một ngày trước khi tất cả các đơn vị của quân địch đến mặt trận, tức là ngày 4 tháng Tám, thì họ đã quyết định lợi dụng sự bố trí không đúng của quân Pháp. Trận chiến đấu tại Vít-xăm-buốc đã kéo tất cả các đơn vị thuộc các quân đoàn của Mác-ma-hông và Đơ Phai-i ra càng xa trung tâm các vị trí của quân Pháp, và ngày 6 tháng Tám, khi quân Đức đã hoàn toàn sẵn sàng , thì đạo quân thứ ba của họ đã đánh bại 6 sư đoàn của Mác-ma-hông ở Vuếc-thơ, hất những sư đoàn này cùng với 2 sư đoàn còn lại của Đơ Phai-i về Luy-nê-vin qua Xa-véc-nơ. Đồng thời, những đơn vị tiên phong của các đạo quân thứ nhất và thứ hai đã đánh tan các đơn vị của Phrốt-xa và một phần đội quân của Ba-den ở Spi-khéc-nơ, đẩy lùi toàn bộ trung tâm và cánh bên trái của quân Pháp về Mét-xơ. Như vậy, nằm giữa hai đạo quân Pháp đang rút lui là toàn bộ vùng Lo-ren-rơ; và ky binh Đức ồ ạt tiến vào cái cửa mở rộng rãi ấy, theo sau nó là bộ binh, để lợi dụng một cách tốt nhất ưu thế đã đạt được. Thái tử đã bị khiển trách vì ông ta không truy kích đạo quân của Mác-ma-hông đã bị đánh tan cho đến tận Xa-véc-nơ và xa hơn nữa. Nhưng sau trận ở Vuếc-thơ, việc truy kích được tiến hành một cách hoàn toàn đúng đắn. Khi các đơn vị bị đánh tan vừa mới bị hất xuống phía Nam tới một khoảng cách xa đến mức chúng chỉ có thể tập hợp lại với bộ phận còn lại của quân đội Pháp bằng một con đường vòng, thì những đơn vị truy kích chúng, tiến thẳng theo hướng Năng-xi, lúc nào cũng nằm giữa hai nhóm quân ấy. Phương thức truy kích đó (cũng chính là phương thức của Na-pô-lê-ông đã dùng sau trận l-ê-na[36]), như những kết quà của nó giờ đây đã cho thấy, ít ra cũng hiệu nghiệm như việc trực tiếp đuổi theo một kẻ địch đang tháo chạy. Tất cả những gì còn lại của 8 sư đoàn đó thì hoặc bị cắt khỏi những lực lượng chủ yếu, hoặc về hợp được với những lực lượng này trong trạng thái hoàn toàn hỗn loạn.

Nhưng nói về những hậu quả của sự thiếu kiên quyết đánh dấu bước đầu chiến địch như thế cũng đủ rồi. Dĩ nhiên, người ta có thể mong chờ rằng một sai lầm như thế sẽ không lặp lại nữa. Hoàng đế đã trao quyền chỉ huy tối cao cho thống chế Ba-den, còn thống chế Ba-den thì dầu sao cũng phải biết rằng bất kể bản thân ông ta sẽ hành động hay không, kẻ địch sẽ không để mất thì giờ một cách vô ích.

Khoảng cách từ Phoóc-ba-khơ đến Mét-xơ dài non 50 dặm. Còn đa số các quân đoàn thì phải vượt qua không đầy 30 dặm. Trong thời gian 3 ngày, tất cả những quân đoàn ấy sẽ có thể đến được những nơi trú ẩn ở Mét-xơ một cách thuận lợi, và ngày thứ tư thì bắt đầu cuộc rút lui về Véc-đen và Sa-lôn, bởi vì người ta không thể nghi ngờ gì nữa về sự cần thiết của một cuộc rút lui như thế. 8 sư đoàn của thống chế Mác-ma-hông và 2 sư đoàn còn lại của tướng Đu-ê- tức là hơn một phần ba toàn thể quân đội - rõ ràng không có khả năng hội quân với Ba-den ở một địa điểm khác gần hơn Sa-lôn. Ba-den có 12 sư đoàn, gồm cả đội cận vệ của hoàng đế, như vậy, ngay cả sau khi 3 sư đoàn của Can-rô-béc sáp nhập với ông ta, thì số lượng quân đội của ông ta, cùng với ky binh và pháo binh, cũng không thể vượt quá 180.000 người,- những lực lượng hoàn toàn không đủ để đối phó với quân thù trên chiến trường. Vi vậy, nếu ông ta không có ý định giao cả nước Phập vào tay quân thù xâm lược, và cho phép hãm mình vào một địa điểm ở đấy nạn đói sẽ nhanh chóng buộc ông ta hoặc phải đầu hàng, hoặc phải chiến đấu trong những điều kiện do kẻ địch quy định, thì rõ ràng là ông ta sẽ không thể nghi ngờ một phút nào về sự tất yếu của một cuộc rút lui ngay tức khắc khỏi Mét-xơ. Nhưng ông ta vẫn không nhúc nhích một chút nào cả. Ngày 11 tháng Tám kỵ binh Đức đã ở Luy-nê-vin, nhưng ông ta vẫn chưa có dấu hiệu nào của sự chuyển quân. Ngày 12, ky binh vượt qua Mô-den, tiến hành những cuộc trưng dụng ở Năng-xi, phá hủy con đường sắt giữa Mét-xơ và Phru-ác, và xuất hiện ở Pông-a-mút-xông. Ngày 13 tháng Tám, bộ binh Đức chiếm Pông-a-mút-xông, và từ đó quân Đức làm chủ cả hai bờ sông Mô-den. Cuối cùng, ngày chủ nhật 14, Ba-den bắt đầu chuyển quân của mình sang tả ngạn sông đó. Đụng độ nổ ra ở Păng-giơ, vì thế mà rõ ràng cuộc rút lui lại bị chậm lại; có thể cho rằng cuộc rút lui về Sa-lôn đã thực tế bắt đầu từ ngày thứ hai với việc chuyển các đoàn xe vận tải nặng và pháo binh đi. Nhưng ngay ngày hôm đó, ky binh Đức đã ở Côm-méc-xi và Vi-nhơn-lơ, phía bên kia sông Ma-xơ, cách tuyến rút lui của quân Pháp không quá 10 dặm. Chúng tôi không thể nói rõ là bao nhiêu đơn vị đã đi được hôm thứ hai và sáng sớm thứ ba, nhưng rõ ràng là những lực lượng chủ yếu vẫn còn ở phía sau, lúc mà khoảng 9 giờ sáng thứ ba, ngày 16 tháng Tám, quân đoàn 3 của Đức và đội ky binh dự bị tấn công những đơn vị đang vận động gần Mác-xơ-la - Tu-rơ. Mọi người đã biết rõ kết quả: cuộc rút lui của Ba-den hoàn toàn bị chặn lại; như những bức điện ngày 17 của bản thân ông ta cho thấy, giỏi lắm ông ta cũng chỉ có thể giữ được vị trí của mình, trong lúc nguyện vọng duy nhất của ông là bỏ vị trí đó ở lại đằng sau.

Ngày thứ tư, tức là ngày 17 tháng Tám, cả hai quân đội hình như tạm ngừng hoạt động, nhưng đến ngày thứ năm thì tất cả mọi hy vọng rút lui một cách thuận lợi mà Ba-den còn có thể mơ tưởng đã sụp đồ hẳn. Sáng ngày hôm đó, quân Phổ đã tấn công ông ta, và sau một trận chiến đấu dài 9 giờ

"quân đội Pháp đã hoàn toàn bi đánh lan, bị cắt đứt hên lạc với Pa-ri và bị đánh bật trở về Mét-xơ"[37].

Tối hôm đó, hay ngày hôm sau, đạo quân Ranh đã phải trở lại cái pháo đài mà nó đã bỏ đi hồi đầu tuần. Chừng nào đạo quân đó còn bị hãm ở đấy thì quân Đức sẽ có thể cắt đứt tất cả những con đường tiếp tế của nó một cách dễ dàng, hơn nữa, địa phương đó đã hoàn toàn bị phá rỗng vì quân đội đã đóng lâu tại đó: và tất cả những gì còn có thể thu lượm được thì rõ ràng là đội quân bao vây sẽ cần để dùng cho những nhu cầu của bản thân nó. Như vậy nạn đói nhất định chẳng bao lâu sẽ buộc Ba-den phải hành động; nhưng khó mà nói được là sẽ theo hướng nào. Vận động sang phía tây nhất định sẽ bị những lực lượng áp đảo của quân thù chặn lại; vận động lên phía bắc sẽ cực kỳ nguy hiểm; vận động về phía tây- nam có thể sẽ thành công một phần, nhưng nó sẽ không đem lại những kết quả trực tiếp nào cả. Dù ông ta cùng đạo quân đã rã rời có đến được Ben-pho hay Bơ-dăng-xông đi nữa thì ông ta cũng sẽ không gây được một ảnh hưởng nào rõ rệt đến vận mệnh của chiến dịch. Đó là tình thế mà sự do dự trong giai đoạn thứ hai của chiến dịch đã dẫn quân đội Pháp đến. Rõ ràng là chính phủ ở Pa-ri biết rõ tất cả những điều ấy. Chứng cớ là việc gọi đội cảnh vệ lưu động từ Sa-lôn về Pa-ri. Từ khi các lực lượng chủ yếu của Ba-den bị cắt, thì vị trí ở Sa-lôn - trước kia chỉ là một địa điểm tập trung quân đội- đã mất hết mọi ý nghĩa. Địa điểm gần nhất để tập hợp tất cả các lực lượng bây giờ là Pa-ri, và từ nay tất cả những lực lượng đó đều phải chuyển về đấy. Nhưng không có những lực lượng nào có thể đối chọi được với đạo quân thứ ba của Đức trên chiến trường, đạo quân này chắc hẳn là hiện nay đang tiến về phía thủ đô. Chẳng bao lâu nửa qua kinh nghiệm người Pháp sẽ biết rõ là những công sự của Pa-ri có xứng đáng với những phí tồn chi cho chúng hay không.

Mặc dầu sự đe dọa của thảm họa cuối cùng như vậy đã tồn tại mấy ngày rồi, nhưng vẫn khó hình dung được là trên thực tế nó đã diễn ra như thế nào. Thực tế đã vượt qua mọi sự trông đợi. Hai tuần lễ trước, người Anh đã đưa ra những dự đoán về những hậu quả có thể có của sự thắng lợi của quân đội Pháp trong trận chiến đấu lớn đầu tiên. Mối đe dọa mà họ lo lắng hơn cả là Na-pô-lê-ông III có thể lợi dụng thắng lợi đầu tiên của mình làn lý do để vội vã ký một hòa ước không lợi cho Bỉ. Nhưng họ đã chóng yên tâm về phương diện ấy. Những trận ở Vuếc-thơ và Phoóc- ba-khơ đã chỉ rô rằng quân đội Pháp không thể trông mong một cuộc khải hoàn có tính chất kịch tính nào cả. Cái sự việc là nước Đức- như đã lộ rõ- không có gì để sợ nước Pháp, dường như đã hứa hẹn một sự kết thúc nhanh chóng chiến tranh. Người ta cho rằng, chẳng bao lâu nữa sẽ đến lúc mà người Pháp thừa nhận rằng, mưu toan chống lại việc thống nhất nước Đức dưới quyền bá chủ của Phổ đã không thành, rằng, do đó, họ chẳng còn lý do gì nữa để tiến hành đấu tranh, trong khi người Đức chưa chắc sẽ tiếp tục một cuộc chiến tranh nguy hiểm và không chắc chắn, sau khi họ đã có được sự thừa nhận mà họ đã cố đòi cho được. Trong thời gian 5 ngày đầu của tuần lễ này, tình hình sự vật lại thay đổi một cách căn bản. Sức mạnh quân sự của Pháp rất có thể là đã hoàn toàn bị tiêu diệt, và giờ đây những tham vọng của người Đức hình như không có những giới hạn nào khác ngoài một trở ngại chưa hẳn sẽ có- đó là sự tiết chế của người Đức. Nhưng hiện giờ chúng ta chưa thể đánh giá những kết quả chính trị của tai họa ghê gớm đó. Chúng ta chỉ có thể ngạc nhiên về quy mô và tính chất bất ngờ của nó, và khâm phục thái độ mà quân đội Pháp chịu đựng nó mà thôi. Sau bốn ngày chiến đấu hầu như không ngừng, trong những điều kiện không thuận lợi nhất mà người ta có thể hình dung được, qua ngày thứ năm, trong 9 giờ liền, họ đã có thể chống cự lại cuộc tấn công của một kẻ thù hơn hẳn họ về số lượng,- điều đó đã đem lại vinh dự hết sức lớn lao cho sự anh dũng và sự ngoan cường của họ. Chưa bao giờ, ngay cả trong những chiến dịch thắng lợi nhất, quân đội Pháp lại có được vinh quang xứng đáng hơn là trong cuộc rút lui bất hạnh của họ ra khỏi Mét-xơ.


[Chương trước]   [Mục lục]   [Chương tiếp theo]