K.Marx - F.Enggels
Tiểu luận về chiến tranh


TIỂU LUẬN VỀ CHIẾN TRANH- XII

Đã đăng trên tờ "The Pall Mall Gazette" số 1727, ngày 26 tháng Tám 1870

Hai sự kiện gần đây của chiến tranh là: thái tử tiến chiếm Sa-lôn, còn Mác-ma-hông thì rút toàn bộ quân đội của mình ra khỏi Rêm-xơ, nhưng không biết chính xác là rút về đâu. Theo những bản tin của Pháp, Mác-ma-hông thấy rằng chiến tranh diễn biến quá chậm; để làm cho cuộc chiến mau kết thúc, ông ta - như người ta nói- đã rút ra khỏi Rêm-xơ để đến cứu Ba-den. Thật vậy, điều ấy sẽ đẩy nhanh việc nổ ra một cuộc khủng hoảng hầu như triệt để.

Trong bài báo của chúng tôi đăng hôm thứ tư, chúng tôi đã xác định số quân của Mác-ma-hông là 130.000- 150.000 khi cho rằng tất cả các đơn vị từ Pa-ri đã hợp nhất với ông ta[1*]. Chúng tôi đã nói đúng khi giả định rang tại Sa-lôn, ông ta có tàn quân của những đơn vị của chính ông ta và của Đơ Phai-i, và ở đó cũng có 2 sư đoàn của Đu-ê, đi đến địa điểm ấy bằng một con đường vòng theo đường xe lửa qua Pa-ri như giờ đây người ta đã biết rõ cũng như lính thuỷ đánh bộ và những đơn vị khác của quân đoàn Ban-tích. Nhưng giờ đây chúng ta biết rằng, trong các pháo đài chung quanh Pa-ri vẫn còn có những đơn vị chủ lực, rằng một bộ phận các đơn vị của Mác-ma-hông và của Phrốt-xa, đặc biệt là ky binh, đã quay trở về Pa-ri để tồ chức lại, và trong trại của Mác-ma-hông chỉ còn gần 80.000 quân chính quy. Vì vậy, trong sự tính toán của chúng tôi, chúng tôi có thể rút bớt tới 25.000 người và xác định quân số tối đa các đơn vị quân đội của Mác- Ma-hông là 110.000- 120.000 người, mà một phần ba là lính mới chưa được huấn luyện. Và như người ta nói chính với một đội quân như thế, ông ta đã tiến đến Mét-xơ cứu Ba-den.

Hiện nay, kẻ địch gần nhất và trực tiếp nhất của Mác-ma-hông là đạo quân của thái tử. Ngày 24 tháng Tám, những đơn vị tiên phong của ông ta đã chiếm trại Sa-lôn trước đây, điều mà chúng ta biết được theo bản tin từ Bác-lê-Đuých điện đi. Qua đó, chúng ta có thể kết luận rằng hồi bấy giờ bộ tư lệnh đã đóng ở thành phố ấy. Con đường gần nhất của Mác-ma-hông để đi đến Mét-xơ là đi qua Véc-đen. Con đường làng hầu như thẳng tắp chạy từ Rem-xơ tới Véc-đen dài đến 70 dặm; đi theo con đường lớn qua Xanh-mê-nu thì hơn 80 dặm; ngoài ra con đường này lại đi qua trại Sa-lôn, nghĩa là qua chỗ bố trí của quân Đức, khoảng cách từ Bác-lê-Đuých đến Véc-đen chưa đầy 40 dặm.

Như vậy, nếu Mác-ma-hông sử dụng một trong những con đường đã nói để đi đến Véc-đen, thì đạo quân của thái tử sẽ có thể không những công kích ông ta ở phía sườn trong thời gian cuộc hành quân, mà còn có thể vượt qua sông Ma-xơ và hội nhập với hai đạo quân còn lại của Đức ở giữa Véc-đen và Mét-xơ rất lâu trước khi Mác-ma-hông có thể từ Véc-đen tiến qua hữu ngạn sông Ma-xơ. Tình hình cũng sẽ không thay đồi chút nào, ngay cả khi thái từ tiến đến Vi-tơ-ri-lơ-phrăng-xoa hay nếu như ông ta cần thêm một ngày nữa để tập trung những đơn vị quân đội của mình, đã bị kéo dài ra trong thời gian tiến quân trên mặt trận, - bởi vì sự chênh lệch quá lớn giữa các khoảng cách có lợi cho ông ta.

Trong tình hình như thế, chưa chắc Mác-ma-hông đã sử dụng một con đường nào trong những con đường đã nói, mà không ngay lập tức rời khỏi khu vực hoạt động trực tiếp của đạo quân của thái tử, bằng cách chọn con đường từ Rêm-xơ đi Véc-đen qua Vu-di-ê, Trăng- prê và Va-ren, hay đi Xte-nơ qua Vu-di-ê, tại đây ông ta sẽ vượt qua sông Ma-xơ và sau đó sẽ vận động về phía đông - nam để đến Mét-xơ. Nhưng điều đó có nghĩa là chỉ giành được một ưu thế ngắn ngủi, làm cho thất bại hoàn toàn trở nên chắc chấn hơn nhiều. Cả hai con đường này quanh co hơn và chúng sẽ cho phép thái tử có nhiều thời gian hơn nữa để sáp nhập các lực lượng của ông ta với những đơn vị đang nằm ở Mét-xơ, để, do đó, có được một ưu thế áp đảo về số lượng đối với Mác- Ma-hông cũng như đối với Ba-den.

Như vậy, dầu cho Mác-ma-hông chọn con đường nào đi nữa để đến Mét-xơ, thì ông ta vẫn không thể thoát khỏi thái tử, thêm nữa ông này lại còn có khả năng lựa chọn là: độc lập bước vào trận chiến đấu với kẻ địch hay cùng phối hợp với những đạo quân khác của Đức. Do đó người ta thấy rõ rằng việc Mác-ma-hông vận động đến cứu Ba-den sẽ là một sai lầm lớn trong khi ông ta hoàn toàn chưa tránh được thái tử. Đối với ông ta, con đường ngắn nhất, nhanh nhất và chắc chắn nhất để đi đến Mét-xơ là con đường trực tiếp đi qua đạo quân thứ ba của Đức. Nếu ông ta tiến thảng vào đạo quân đó, tấn công nó ở bất cứ nơi nào mà ông ta gặp nó, đánh bại nó và truy kích nó trong thời gian mấy ngày theo hướng đông- nam, để cho đạo quân chiến thắng của ông cắm vào giữa đạo quân thứ ba của Dực và hai đạo quân Đức khác- nghĩa là hành động như thái tử đã biểu diễn cho ông ta thấy trước đây rồi,- thì lúc đó, chứ không phải sớm hơn, ông ta sẽ có hy vọng đến được lMét-xơ và giải thoát Ba-den. Nhưng chúng ta có thể tin chắc rằng nếu ông ta tự cảm thấy mình đủ mạnh để hành động như thế thì hẳn ông ta đã tiến hành ngay những hoạt động đó. Như vậy, việc rời khỏi Rên-xơ biểu hiện dưới một vẻ khác. Đó không phải chủ yếu là mưu toan cứu Ba-den khỏi Stai-nơ-me-xơ và Phri-đrích-các-lơ, mà chủ yếu là mưu toan của Mác-ma-hông định thoát khỏi thái tử. Nhưng đứng trên quan điểm đó để xét, thì đó là điều tồi tệ nhất trong tất cả những gì có thể thực hiện được. Tất cả những đường liên lạc trực tiếp với Pa-ri đang nằm trong tay địch; những đơn vị cuối cùng có thể sử dụng được của nước Pháp bị rút từ trung tâm ra vùng ngoại vi và được bố trí theo ý định trước, cách trung tâm xa hơn là khoảng cáchb giữa trung tâm và địch trong lúc này. Một sự vận động như vậy sẽ khi có thể được biện hộ nếu như nó được thực hiện với ưu thế lớn về số lượng; nhưng trong trường hợp nói trên thì nó được tiến hành với những lực lượng kém thua lực lượng của địch một cách vô hy vọng, và đứng trước một sự thất bại hầu như chắc chắn. Vậy sự thất bại đó sẽ dẫn đến cái gì? Dầu cho sự thất bại đó diễn ra ở đâu chăng nữa, thì những tàn dư của đạo quân bị đánh bại cũng sẽ bị bật ra khỏi Pa-ri xa hơn nữa, đến biên giới phía bắc, ở đấy họ có thể bị dồn vào một lãnh thồ trung lập hay bị buộc phải đầu hàng. Thật vậy, nếu Mác-ma-hông tiến hành sự vận động đã nói trên, thì ông ta sẽ chủ tâm đặt quân đội của ông ta vào đúng cái tình cảnh mà năm 1806 Na-pô-lê-ông đã đặt quân Phổ vào trong trận I-ê-na, bằng một cuộc hành quân ở phía sườn quanh biên giới phía nam cánh rừng Thuy-rinh-ghen. Một đạo quân yếu hơn về mặt số lượng và về mặt tinh thần, sẽ bị người ta cố ý đặt vào một tình thế mà con đường rút lui duy nhất sau khi bại trận lại đi qua một dải đất hẹp dẫn tới một lãnh thồ trung lập hay tới biển. Na-pô-lê-ông đã buộc quân Phổ đầu hàng bằng cách đến Stết-tin trước họ[41]. Có thể là các đơn vị quân đội của Mác-ma-hông sẽ phải đầu hàng tại cái dải đất hẹp của nước Pháp ăn sâu vào lãnh thổ Bỉ, giữa Mê-di-rơ và Sác-lơ-mông- Gi-vê[42]. Trong trường hợp tốt nhất, họ có thể trốn thoát vào các pháo đài ở phía bắc- Va-lan-xi-en, Li-lơ, v.v.,- ở đấy trong bất cứ tình huống nào họ cũng không hề bị đe dọa. Và khi đó, nước Pháp sẽ nằm dưới quyền lực của kẻ thù đột nhập.

Toàn bộ kế hoạch đó vô lý đến mức là người ta chỉ có thể giải thích nó bằng một sự cần thiết về mặt chính trị. Điều đó giống y hệt một coup de désespoir[2*]. Người ta tạo ra một ấn tượng là cần phải lãm một cái gì đó, mạo hiểm một cái gì đó trước khi Pa-ri có thể hoàn toàn nhận thức được thực trạng của cục diện. Kế hoạch đó không phải của một nhà chiến lược, mà là của một phần tử "An-giê-ri"[43], quen đánh nhau với những đạo quân không chính quy một kế hoạch không phải của một người lính, mà là của một kẻ phiêu lưu chính trị và quân sự- của một trong những kẻ trong 19 năm gần đây đã làm ở Pháp tất cả những gì mà họ thích. Điều đó hoàn toàn ăn khớp với những lời mà người ta cho là của Mác- ma-hông, nhằm bào chữa cho quyết định ấy: "Người ta sẽ nói gì" nếu ông ta không đến giúp sức cho Ba-den ? Vâng, nhưng "người ta sẽ nói gì", nếu ông ta tự đặt mình vào một tình thế còn tệ hơn là bản thân Ba-den đã làm ? Đế chế thứ hai với tất cả cái vẻ mỹ miều của nó là như thế đấy. Làm ra vẻ là không có gì xảy ra cả, che đậy thất bại, - đó là điều chủ yếu nhất Na-pô-lê-ông đã đặt tất cả vào một con bài và đã thua; còn giờ đây thì Mác-ma-hông lại định chơi trò va banque[3*] khi hy vọng được cuộc của ông ta chỉ là một phần mười. Nước Pháp càng nhanh chóng thoát khỏi những con người như thế thì càng tốt cho nó. Đó là hy vọng duy nhất của nó.


[Chương trước]   [Mục lục]   [Chương tiếp theo]


Chú thích

[1*]. xem lập này. tr. 89.

[2*]. hành dộng tuyệt vọng.

[3*]. mạo hiểm tất cả