K.Marx - F.Enggels
Tiểu luận về chiến tranh


TIỂU LUẬN VỀ CHIẾN TRANH- XVII

Đã đăng trên tờ "The Pall Mall Gazette" số 1739, ngày 9 tháng Chín 1870

Khi quân Đức tiến về Pa-ri và đến được Pa-ri là mở đầu một giai đoạn mới của chiến tranh, chúng ta có thời gian nhìn lại những việc xảy ra đằng sau mặt trận của quân dã chiến tại các cứ điểm.

Chưa nói gì đến Xê-đăng, sự đầu hàng của cứ điểm này tất nhiên đi liền với sự đầu hàng của đạo quân Mác-ma-hông, quân Đức đã chiếm bốn cứ điểm: La-pơ-tít-tơ- Pi-e-rơ và Vi-tơ-ri không qua chiến đấu; Li-sten-béc và Mác-xan sau một cuộc bắn pháo ngắn. Họ chỉ phong tỏa Bi-trơ, bao vây Xtơ-ra-xbua, bắn pháo vào Phan-xbua, Tun và Mông-mê-đi hiện chưa có kết quả, họ định mấy ngày nữa sẽ bắt đầu bao vây chính quy Tun và Mét-xơ.

Trừ Mét-xơ được bảo vệ bằng những pháo đài độc lập cách khá xa thành phố, tất cả các cứ điểm khác có chống cự đều bị bắn pháo. Biện pháp này bao giờ cũng là bộ phận hợp thành của hoạt động chiến đấu trong vây đánh chính quy; ban đầu mục đích chính của nó là phá hủy các kho lương thực và đạn dược của bên bị vây, nhưng từ khi những thứ ấy thường được cất giấu trong các hầm xây dựng đặc biệt chống được đạn pháo thì việc bắn pháo ngày càng được sử dụng để đốt và phá hủy cho được một số lượng càng nhiều càng tốt các công trình bên trong cứ điểm. Tiêu hủy tài sản và lương thực của dân cư trong cứ điểm trở thành thủ đoạn gây sức ép đối với họ và thông qua họ đối với quân đồn trú và viên chỉ huy. Trong trường hợp quân đồn trú yếu, kỷ luật kém và mất tinh thần, viên chỉ huy thiếu kiên quyết thì thường thường chỉ một mình cuộc bắn pháo thôi cũng dẫn tới sự đầu hàng của cứ điểm. Tình hình đã xẩy ra như vậy, đặc biệt là năm 1815 sau trận Oa-téc-lô[55] trong đó hàng loạt cứ điểm với quân đồn trú chủ yếu gồm quân cận vệ quốc gia đã đầu hàng sau một cuộc bắn pháo ngắn, không chờ cuộc vây đánh chính quy. Tất cả các cứ điểm đó như A-vanh, Guy-dơ, Mô-be-giơ, Lăng-đrê-xi, Ma-rêm-buốc, Phi-líp-vin v.v. đều thất thủ sau mấy giờ, giỏi lắm là sau mấy ngày bắn pháo. Rõ ràng là chính những thắng lợi còn in sâu trong tâm trí người ta ấy cũng như tin tức nói rằng quân đồn trú của phần lớn các cứ điểm biên giới chủ yếu gồm quân cận vệ lưu động và quân cận vệ quốc gia ở địa phương đã thúc đẩy quân Đức thí nghiệm lại thủ đoạn ấy. Ngoài ra vì với việc sử dụng pháo nòng có rãnh, đạn pháo hầu như chỉ toàn là lựu đạn ngay cả đối với pháo dã chiến nên hiện nay có thể bắn phá tương đối dễ dàng vào cứ điểm và đốt cháy các công trình của nó bằng pháo dã chiến thông thường của bất cứ quân đoàn nào không phải chờ cối và lựu pháo công thành hạng nặng đến như trước kia.

Tuy trong chiến tranh hiện đại việc bắn phá các nhà tư nhân trong cứ điểm đã được thừa nhận, nhưng dù sao cũng vẫn không nên quên rằng biện pháp ấy bao giờ cũng rất tàn bạo và ác độc và không nên sử dụng đến, ít ra là khi không hy vọng chắc chắn đạt được sự đầu hàng của cứ điểm và khi trên mức độ nào đó không cần thiết phải làm. Nếu bắn phá các cứ điểm như Phan-xbua, Li-sten-béc, Tun, người ta có thể viện lý do chúng khống chế đường núi và đường sắt mà việc trực tiếp chiếm lĩnh những con đường này là cực kỳ quan trọng đối với địch xâm nhập, tuy vậy còn có căn cứ để hy vọng rằng mục đích ấy sẽ đạt được nhờ mấy ngày bắn pháo. Nếu như hai trong số cứ điểm ấy cho tới nay vẫn đứng vững thì điều đó đem lại càng nhiều vinh quang hơn cho quân đồn trú và dân cư. Nhưng về cuộc bắn phá Xtơ-ra-xbua đi trước cuộc vây đánh chính quy thì ở đây sự việc lại khác hẳn.

Xtơ ra-xbua là một thành phố có trên 80.000 dân, xung quanh có công sự kiểu cũ thuộc thế kỷ XVI được tăng cường nhờ Vô-băng, nơi này đã xây dựng một ngôi thành bên ngoài thành phố gần sông Ranh và nối liền ngôi thành ấy với tường thành của thành phố bằng một tuyến công sự liên tục bấy giờ gọi là dinh lũy. Vì ngôi thành khống chế thành phố và có thể độc lập phòng thủ sau khi thành phố đầu hàng cho nên phương pháp giản đơn nhất để chiếm cả ngôi thành và thành phố là tấn công ngay ngôi thành để tránh phải tiến hành hai cuộc vây đánh nối tiếp nhau. Nhưng công sự của ngôi thành rất kiên cố và nó nằm ở dải đất thấp lầy lội gần sông Ranh gây nhiều khó khăn cho việc đào nhanh chóng chiến hào, cho nên tình hình có thể khiến cho người ta phải tấn công thành phố trước, - giống như điều đó vẫn thường xảy ra - vì với sự thất thủ của thành phố, việc tiếp tục phòng thủ riêng một ngôi thành sẽ mất ý nghĩa trên mức độ rất lớn đối với viên chỉ huy thiếu vững vàng, trừ phi tính toán rằng việc đó có thể bảo đảm cho ông ta điều kiện đầu hàng khá hơn. Nhưng dù sao nếu chỉ chiếm thành phố thì vẫn còn phải chiếm ngôi thành và viên chi huy ngoan cường có thể tiếp tục chống cự, đặt thành phố và quân vây đánh đóng trong thành phố dưới hỏa lực của ông ta.

Trong tình hình đó, cuộc bắn pháo vào thành phố có lợi gì? Nhiều lắm dân cư có thể làm mất tinh thần phần lớn quân đồn trú và buộc viên chỉ huy rời thành phố, chuyển vào trong ngôi thành đem theo những người đáng tin cậy nhất trong số 3.000 - 5.000 binh sĩ của mình, tiếp tục cuộc phòng thủ ở đó và khống chế thành phố bằng pháo. Cốt cách của tướng U-rích (họ của người lính già dũng cảm ấy là như thế chứ hoàn toàn không phải là Un-ních) thì người ta biết khá rõ đến mức có người không chắc rằng có thể dọa nạt ông ta, bắt ông ta phải nộp thành phố và ngôi thành dù số đạn pháo bắn vào đó nhiều đến thế nào đi nữa. Bản thân việc bắn phá thành phố trong đó có một ngôi thành đứng độc lập khống chế thành phố là một hành động tàn bạo vô nghĩa lý và vô ích. Dĩ nhiên đạn pháo bắn bất kỳ hoặc cuộc bắn pháo không dày đặc trong khi vây đánh bao giờ cũng gây thiệt hại cho thành phố bị vây, nhưng cái đó chẳng ăn thua gì so với những sự tàn phá và những sự chết chóc của dân cư trong cuộc bắn pháo chính quy và có hệ thống 6 ngày trời mà thành phố bất hạnh đó phải chịu.

Quân Đức nói rằng họ phải chiếm thành phố đó một cách nhanh chóng hơn vì lý do chính trị. Họ định giữ thành phố này sau khi ký hòa ước. Nhưng nếu như thế thì cuộc bắn phá mà sự tàn bạo không có gì so sánh được không những là một tội ác mà còn là một sai lầm nghiêm trọng. Tranh thủ cảm tình của một thành phố không tránh khỏi bị thôn tính bằng cách dùng đạn trái phá thiêu hủy và giết hại rất nhiều dân cư của thành phố ấy quả là một phương pháp tuyệt vời? Cuộc bắn pháo có làm cho sự đầu hàng đến sớm hơn dù chỉ là một ngày không? Điều đó người ta không thấy. Nếu quân Đức muốn thôn tính thành phố và loại trừ tận gốc tình cảm của dân cư đối với quân Pháp thì họ phải chiếm thành phố bằng một cuộc vây đánh chính quy hết sức ngắn rồi bao vây ngôi thành và đặt viên chỉ huy trước một sự lựa chọn: hoặc từ bỏ một số phương tiện phòng ngự mà ông ta có, hoặc để thành phố bị bắn phá.

Thực ra số lượng lớn đạn pháo được bắn vào Xtơ-ra-xbua không loại trừ được sự cần thiết phải tiến hành vây đánh chính quy. Ngày 29 tháng Tám người ta đã phải đào hào song song thứ nhất ở tây bắc cứ điểm, gần Sin-ti-hêm, cách công sự phòng thủ 500 600 i-ác-đơ. Ngày 3 tháng Chín người ta đã đào hào song song thứ hai (một số phóng viên gọi nhầm là hào song song thứ ba) cách công sự phòng thủ 330 i-ác-đơ; theo lệnh của vua Phổ, cuộc bắn pháo không có mục tiêu đã tạm ngừng và có lẽ đến khoảng ngày 17 hoặc 20 mới có thể chọc thủng được một cửa mở khá lớn trong tường cứ điểm. Nhưng trong trường hợp này mà đưa ra ý kiến nào đó là mạo hiểm. Đây là kiểu mẫu đầu tiên về vây đánh sử dụng pháo hiện đại có rãnh bắn đạn có ngòi nổ vào công sự bằng đá. Trong cuộc thí nghiệm phá hoại công sự phòng ngự ở Giuy-lích, quân Đức đã đạt được những kết quả khác thường: phá thủng được tường đá và phá hủy được lô-cốt bằng hỏa lực gián tiếp (nghĩa là của những khẩu đội pháo không nhìn thấy mục tiêu) bắn từ cự ly xa; nhưng đấy mới chi là cuộc thí nghiệm thời bình, nó cần được xác nhận trong cuộc chiến tranh hiện nay. Xtơ-ra-xbua cho chúng ta một quan niệm rõ ràng về hoạt động của pháo hiện đại hạng nặng có rãnh trong vây đánh và về mặt này cuộc vây đánh Xtơ-ra-xbua đang được đặc biệt chú ý.


[Chương trước]   [Mục lục]   [Chương tiếp theo]