K.Marx - F.Enggels
Tiểu luận về chiến tranh


TIểU LUậN VÊ CHIếN TRANH- XXI

Đã đăng trên tờ "The Pall Mall Gazette" số 1762, ngày 6 tháng Mười 1870

Nếu tin theo những tin tức được chuyển từ Pa-ri bằng khí cầu thì thành phố này do những lực lượng đồ sộ phòng thủ. Ở đây có từ 100.000 đến 200.000 quân cận vệ lưu động từ các tỉnh đến cũng như 250 tiểu đoàn quân vệ binh quốc gia Pa-ri, mỗi tiểu đoàn có 1.500 người, còn theo lời một số ngườ thì lên tới 1.800 hoặc 1.900 người, nghĩa là theo những tính toán khiêm tốn nhất, tất cả cũng có 375.000 người; ở đây còn có ít ra là 50.000 quân chủ lực ngoài lính thủy đánh bộ, thủy binh, lính nghĩa dũng v.v.. Và theo tin tức mlới nhất, nếu như tất cả các đơn vị ấy bị loại khỏi vòng chiến thì đằng sau họ còn có 500.000 dân thành phố có thể cầm vũ khí và sẵn sàng thay thế họ khi cần.

Đạo quân Đức ở sát Pa-ri gồm 6 quân đoàn Bắc Đức (các quân đoàn 4, 5, 6, 11, 12 và quân đoàn vệ binh), 2 quân đoàn Ba-vi-e và 1 sư đoàn Vuyếc-tem-béc, tất cả là 8 quân đoàn rưỡi có khoảng từ 200.000 đến 230.000 người, dù thế nào đi nữa cũng không nhiều hơn. Ấy thế mà đạo quân Đức ấy tuy bị trải dài suốt tuyến bao vây ít nhất là 80 dặm, nhưng, như mọi người đều biết, nó vẫn kìm chặt được những lực lượng đồ sộ nói trên bên trong thành phố, cắt đứt đường tiếp tế của họ, khống chế tất cả các con đường lớn nhỏ chạy từ Pa-ri ra, và, cho tới nay vẫn đẩy lùi thắng lợi mọi cuộc xuất kích của đội quân phòng thủ. Lấy gì để giải thích điều đó?

Một là vị tất có thể hoài nghi rằng tin tức về số lượng đồ sộ lực lượng vũ trang ở Pa-ri là điều bịa đặt. Nếu như giảm con số 600.000 nhân viên vũ trang mà người ta nói đến nhiều như thế xuống 350.000 hoặc 400.000 người thì chúng tôi cho là gần với sự thực hơn. Nhưng không thể phủ nhận điều này: ở Pa-ri số nhân viên vũ trang để phòng thủ nó lớn hơn nhiều so với số nhân viên vũ trang ở bên ngoài Pa-ri để tấn công cứ điểm này.

Hai là chất lượng chiến đấu của những người bảo vệ Pa-ri hết sức khác nhau. Trong số đó, chúng tôi có thể cho rằng chỉ có lính thủy đánh bộ và thủy binh hiện giữ các pháo đài ngoại vi là những đội quân thực sự đáng tin cậy. Quân chủ lực- tàn binh của đạo quân Mác-ma-hông được bổ sung bằng lính dự bị phần lớn là tân binh chưa qua huấn luyện- đã chứng tỏ trong trận chiến đấu ngày 19 tháng Chín ở Mơ-đông rằng họ đã mất tinh thần. Bản thân quân cận vệ lưu động là một chất liệu tốt, nhưng chỉ đến bây giờ họ mới được huấn luyện cơ bản; họ thiếu sĩ quan và được trang bị ba loại súng trường khác nhau: súng Sa-xpô, súng Mi-ni-ê cải tiến và chưa cải tiến. Không một sự cố gắng nào, không một sự bắn nhau nào với địch có thể trong một thời gian ngắn đem lại cho họ đức tính sắt đá, mà chỉ có đức tính này thôi mới có thể giúp cho họ hoàn thành được điều cần thiết nhất là đón đánh và đánh bại địch ở địa hình trống trải. Thiếu sót chủ yếu trong tổ chức của quân vệ binh lưu động là thiếu giáo viên, sĩ quan và hạ sĩ quan có kinh nghiệm nên trở ngại cho việc biến họ thành những binh sĩ tốt. Tuy thế, dường như họ vẫn là bộ phận tốt nhất trong cuộc phòng thủ Pa-ri, ít ra chắc họ cũng sẵn sàng tuân theo kỷ luật Quân vệ binh quốc gia địa phương có thành phần cực kỳ hỗn tạp Các tiểu đoàn ở ngoại ô gồm công nhân đều hoàn toàn tự nguyện và quyết tâm chiến đấu, họ sẽ phục tùng và biểu hiện một thứ kỷ luật bản năng nếu họ ở dưới sự lãnh đạo của những người được họ tín nhiệm về tư cách cá nhân cũng như về chính trị; nhưng họ sẽ không phục tùng bất cứ thủ trưởng nào khác. Ngoài ra, họ chưa qua huấn luyện và không có sĩ quan giàu kinh nghiệm và nếu sự việc không phát triển tới chỗ quyết chiến trên chiến lũy thì chất lượng chiến đấu tốt nhất của họ không được kiểm nghiệm. Nhưng đại bộ phận quân vệ binh quốc gia mà Pa-li-cao vũ trang gồm giai cấp tư sản, chủ yếu là tiểu thương mà những con người ấy nói chung không thích chiến đấu. Được vũ trang, họ làm cái việc bảo vệ cửa hàng và nhà ở của họ; và nếu địch từ xa bắn vào cửa hàng và nhà ở của họ thì nhiệt tình chiến đấu của họ chắc sẽ tiêu tan. Thêm vào đó, họ là lực lượng được tổ chức ra để đấu tranh với kẻ thù bên ngoài thì ít mà để đấu tranh với kẻ thù bên trong thì nhiều. Toàn bộ truyền thống trước đây của họ đã nói lên điều đó; và trong họ cứ 10 người thì 9 người tin rằng chính vào lúc này kẻ thù bên trong đó ẩn mình ở ngay trung tâng Pa-ri và chỉ chờ đợi thời cơ thuận lợi để tấn công họ. Phần lớn bọn họ đã có vợ, không quen thiếu thốn và nguy hiểm; và thực ra họ đã ca thán về sự gian khổ của việc phục vụ trong quân ngũ, cái sự phục vụ buộc họ cứ ba đêm lại phải một đêm ở ngoài trời trên tường cứ điểm của thành phố. Trong số quân ấy, có thể có những đại đội, thậm chí những tiểu đoàn trong những tình huống nhất định sẽ tỏ ra dũng cảm; nhưng nếu gộp chung lại, thì không thể trông cậy vào họ, nhất là khi làm những nhiệm vụ chính quy và vất vả.

Với những đội quân như vậy ở Pa-ri, thì chẳng có gì là lạ khi quân Đức bao vây họ thua xa họ về số lượng mà lại hết sức phân tán chẳng sợ bất cứ cuộc tập kích nào từ Pa-ri. Thực ra, tất cả những hoạt động quân sự được tiến hành cho tới nay đều chứng minh rằng đạo quân ở Pa-ri (nếu có thể gọi như thế) không thể hoạt động trong điều kiện dã chiến. Cuộc tấn công lớn đầu tiên vào quân đội bao vây ngày 19 tháng Chín là khá điển hình. Quân đoàn của tướng Đuy-cơ-rô gồm chừng 30.000 hoặc 40.000 người đã bị 2 trung đoàn quân Phổ (7 và 47) kiềm chế trong nửa giờ cho đến khi 2 trung đoàn Ba-vi-e đến tiếp viện và một lữ đoàn Ba-vi-e khác đánh mạnh vào sườn quân Pháp; quân Pháp rút lui hỗn độn, để rơi vào tay địch một đồn có 8 khẩu pháo và một số lượng lớn tù binh. Số lượng quân Đức tham gia trận đánh này không thể vượt 15.000 người. Từ đó, các cuộc xuất kích của quân Pháp được tiến hành khác hẳn. Họ từ bỏ mọi ý đồ đánh những trận có tính chất quyết định; họ cử những toán nhỏ tập kích vào các trạm tiền tiêu và các đơn vị nhỏ khác; nếu như một lữ đoàn, một sư đoàn hoặc một binh đoàn Pháp lớn hơn vận động ra ngoài tuyến lô-cốt thì họ chỉ bó hẹp ở nghi binh. Mục đích của những trận chiến đấu ấy nhằm gây thiệt hại cho địch thì ít mà nhằm huấn luyện trong thực tiễn cho tân binh Pháp tác chiến thì nhiều. Rõ ràng là, những hoạt động chiến đấu ấy cải thiện dần dần việc huấn luyện của họ nhưng chỉ có một bộ phận nhỏ trong cái đám đông người khó quản lý tập trung ở Pa-ri có thể được hưởng lợi từ thực tiễn được tiến hành trên quy mô hạn chế như vậy.

Lời kêu gọi ngày 30 tháng Chín của tướng Tơ-rô-suy chứng tỏ rõ ràng rằng sau trận chiến đấu ngày 19 ông hoàn toàn biết rõ chất lượng của quân đội ở dưới quyền chi huy của ông. Dĩ nhiên ông ta quy tội hầu như hoàn toàn vào các đơn vị chủ lực và tỏ ra độ lượng đối với quân cảnh vệ lưu động; nhưng điều đó chỉ chứng minh rằng ông ta coi (và coi một cách đúng đắn) họ là bộ phận khá nhất trong đội quân thuộc quyền chỉ huy của ông. Lời kêu gọi của ông ta cũng như sự thay đổi về chiến thuật sau đó đều chứng minh rõ ràng rằng ông không hề có ảo tưởng gì về năng lực tác chiến trên địa hình trống trải của quân đội của ông. Ngoài ra ông cũng phải biết rằng tất cả những lực lượng khác mà nước Pháp có thể còn có được dưới cái tên đạo quân Li-ông[70], đạo quân Loa-rơ, v.v., đều có thành phần giống hệt như đội quân của bản thân ông, vì vậy không thể hy vọng gì đạo quân đến tiếp viện cho ông sẽ giải tỏa hoặc giải vây được cho Pa-ri. Cho nên tin tức nhận được nói rằng trong hội đồng bộ trưởng, Tơ-rô-suy đã phản đối đề nghị đàm phán hòa bình làm cho người ta ngạc nhiên. Không nghi ngờ gì hết, tin này phát đi từ Béc-lin, một nguồn không đáng tin cậy để đưa ra những tin tức vô tư về những việc xảy ra ở Pa-ri. Nhưng dù sao đi nửa chúng ta không thể tin rằng Tơ-rô-suy hy vọng sẽ thắng lợi. Theo quan điểm mà ông ta phát biểu năm 1867 về tổ chức quân đội[71], ông là người kiên quyết ủng hộ thời hạn 4 năm ở ngạch thường trực và 3 năm ở ngạch dự bị như đã thi hành dưới thời Lu-i-phi-líp. Thậm chí ông ta cho rằng thời hạn phục vụ thi hành trong quân Phổ- 2 hoặc 3 năm- là hoàn toàn không đủ để huấn luyện những người lính tốt. Do sự trớ trêu của lịch sử, giờ đây ông ta bị đặt vào tình cảnh là phải chỉ huy những đội quân hoàn toàn không có kinh nghiệm, hầu như chưa được huấn luyện và thiếu kỷ luật tác chiến với chính quân Phổ mà cách đây không lâu ông còn cho chỉ là những binh sĩ mới được huấn luyện nửa vời; hơn nữa lại tác chiến sau khi quân Phổ ấy trong một tháng đã đánh tan toàn bộ quân đội chính quy của Pháp.


[Chương trước]   [Mục lục]   [Chương tiếp theo]