K.Marx - F.Enggels
Tiểu luận về chiến tranh


TIỂU LUẬN VỀ CHIẾN TRANH-XXVII

Đã đăng trên tờ "The Pall Mall Gazette" số 1797, ngày 16 tháng Mười một 1870

Những ai giống như ngài Gam-béc-ta nghĩ rằng tiếp sau cuộc cơ động tài tình, phối hợp tốt mà kết quả là đạo quân Loa-rơ đã buộc quân đoàn Ba-vi-e của Phôn Đe Tan bỏ Oóc-lê-ăng, sẽ lập tức là cuộc tiến quân về Pa-ri, những người đó nhất định vỡ mộng. Cuộc đụng độ ở Cun-mơ[100] hoặc sau này người ta gọi nó là gì đi nữa, xảy ra ngày 9 tháng Mười một, và chập tối ngày 13 các đơn vị đi đầu của quân đoàn Ba-vi-e không bị ai quấy rối hình như đã dừng lại ở gần Tu-ri, chỉ cách Oóc-lê-ăng có 25 dặm.

Điều đem lại vinh dự lớn cho tướng Đ' ô-ren-lơ Đơ Pa-la-đin-nơ là sau thắng lợi đầu tiên của ông, ông không những đã tìm được một ý nghĩ đúng đắn mà còn tìm được cả sức mạnh tinh thần để dừng lại đúng lúc. Vì tiếp sau ông ta, ngài Gam-béc-ta đã tuyên bố với binh sĩ của ông ta rằng họ đang tiến về Pa-ri, rằng Pa-ri trông đợi họ và phải được giải phóng khỏi bọn dã man, vì vậy kìm được những đội quân mới và kỷ luật chẳng đâu ra đâu ấy là việc không dễ gì, nhưng đội quân này sẵn sàng la ngay lên là "phản bội" nếu như không lập tức cho họ tiến về phía địch và sẽ tháo chạy khi kẻ địch ấy làm cho họ cảm thấy thấm thía sự có mặt của họ. Sự việc Đ'ô-ren-lơ đã kìm được binh sĩ của mình trên con đường đi Pa-ri chứng tỏ rằng những cố gắng của ông để đưa họ vào kỷ luật không phải là không kết quả và bằng thắng lợi đầu tiên của mình ông đã tranh thủ được sự tín nhiệm của họ. Cách bố trí của ông để tiến hành tất cả những hoạt động chiến đấu ấy là hợp lý về mọi mặt, những hoạt động chiến đấu này đã kết thúc bằng thắng lợi đầu tiên của quân Pháp. Phôn Đe Tan không thể có trên 25.000 người ở ngoại ô Oóc-lê-ăng, ấy thế mà ông ta đã có thể tiếp tục giữ vững được cái trận địa bỏ ngỏ cho địch tấn công là vì ông ta biết rằng những đội quân đã được thử thách của ông ta trong bất kể tình huống nào cũng có thể mở được cho mình con đường xuyên qua những đội quân tân binh đối địch với họ dù số lượng ra sao. Đ'ô-ren-lơ đã có thể tác chiến chống lại quân Ba-vi-e bằng những đội quân ít ra vượt 4 lần quân số của họ và ông ta đã hành động như người ta thường làm trong tình huống tương tự: ông ta đánh bọc 2 bên sườn địch và triển khai, nhất là ở phía sau sườn phải của địch, những lực lượng lớn đến nỗi Phôn Đe Tan lập tức buộc phải rút lui ngay về chỗ có viện binh của mình. Viện binh này đã hội quân với Phôn Đe Tan ở Tu-ri ngày 11 hoặc chậm nhất là ngày 12 mà gồm có sư đoàn bộ binh Bắc Đức 22 của Vít-tích, sư đoàn kỵ binh của hoàng thân An-brếch và quân đoàn 13 (sư đoàn Bắc Đức 17 và sư đoàn Vuyếc-tem-béc). Như vậy là ở Tu-ri đã tập trung dưới quyền chỉ huy của đại công tước Mếch-clen-bua một lực lượng ít ra là 65.000-70.000 người, và tướng Đ'ô-ren-lơ buộc phải cân nhắc nghiêm chỉnh mọi tình huống trước khi quyết định công kích quân Đức mặc dù chúng do một viên tư lệnh hết sức bình thường chỉ huy.

Nhưng ngoài tình hình trên ra, còn có những nguyên nhân khác chắc chắn đã buộc tướng D'ô-ren-lơ phải từ từ trước khi tiến hành một sự cơ động mới nào. Nếu như ông ta quả thực có ý định đi cứu viện Pa-ri thì ông ta phải biết rất rõ rằng lực lượng của bản thân ông ta không đủ để đạt tới mục tiêu ấy nếu như phía bản thân cứ điểm không đồng thời có những hành động kiên quyết để chi viện ông ta. Chúng ta biết rằng tướng Tơ-rô-suy đã lựa chọn bộ phận có kỷ luật nhất và có tổ chức nhất trong các đội quân của mình và từ đó lập nên cái có thể gọi là đạo quân tích cực của Pa-ri. Đạo quân này do tướng Đuy-cơ-rô chỉ huy rõ ràng là lùng để tiến hành những cuộc xuất kích lớn mà không có thì sự phòng ngự một cứ điểm như Pa-ri sẽ giống như một người lính chiến đấu với cánh tay phải bị băng bó.

Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà việc tổ chức lại đạo quân Pa-ri ấy trùng hợp về thời gian với cuộc tiến quân của đạo quân Loa-rơ. Rõ ràng là tướng Tơ-rô-suy và tướng D'ô-ren-lơ đã cố gắng dùng khí cầu và chim bồ câu đưa thư để ước định tiến hành những hoạt động hiệp đồng vào thời gian định trước; nếu như quân Đức không công kích trước đạo quân Loa-rơ thì chúng ta có thể chờ đợi cuộc đánh thọc ra quy mô lớn từ Pa-ri tiến hành đồng thời hoặc hầu như đồng thời với cuộc tiếp tục tiến quân của D'ô-ren-lơ. cuộc đánh thọc ra ấy chắc sẽ được tiến hành ít ra là với binh lực của cả 3 quân đoàn của Đuy-cơ-rô ở phía nam thành phố, nơi đây nếu thành công thì sẽ có thể bắt liên lạc, được với đạo quân Loa-rơ. Đồng thời ở phía đông-bắc và tây-bắc, "đạo quân thứ ba" của Tơ-rô-suy sẽ mở cuộc tấn công có tính chất nghi binh và cuộc công kích có tính chất đánh lạc hướng với sự yểm hộ của hỏa lực của các pháo đài để ngăn càn đạo quân bao vây phái viện binh về phía nam. Đồng thời, chúng tôi có thể tin rằng tướng Môn-tơ-kê sẽ dự kiến được tất cả những cái đó và ông ta sẽ không bị bất ngờ. Mặc dù các đội quân mà quân Pháp có thể đưa ra chiến trường có ưu thế lớn về số lượng song chúng tôi vẫn tin chắc rằng sự khác nhau về chất lượng và trình độ chỉ huy những đội quân ấy sẽ có ảnh hưởng còn lớn hơn.

Để ý đồ giải phóng Pa-ri khỏi gọng kìm của "bọn dã man", nhìn chung, có được hy vọng thành công nào đó thì phải thực hiện nó càng sớm càng tốt. Ngoài 5 sư đoàn bộ binh trực diện với đạo quân Loa-rơ, ở sát Pa-ri hiện nay còn có 16 sư đoàn bộ binh (các quân đoàn 2, 4, 5, 6, 12, quân đoàn cận vệ, quân đoàn 2 Ba-vi-e, sư đoàn 21 và sư đoàn cận vệ lan-ve). Theo ý kiến Môn-tơ-kê, lực lượng ấy chắc chắn là hoàn toàn đủ để phong tỏa Pa-ri một cách có hiệu quả; nếu không, ông ta sẽ điều từ đạo quân rảnh rang sau khi Mét-xơ đầu hàng để đưa đến Pa-ri nhiều quân hơn chứ không chỉ riêng quân đoàn 2. Nếu chú ý rằng các trận địa của quân Đức ở Pa-ri chỗ nào cũng xây dựng công sự kiên cố và chẳng bao lâu sẽ được sự yểm hộ của những đơn vị pháo công thành mạnh thì không còn nghi ngờ gì nữa, ý kiến ấy là đúng. Nhưng bây giờ chúng tôi bắt đầu nhận được tin tức về hoàng thân Phri-đrích-các-lơ, ông ta đã cùng 3 quân đoàn (3, 9 và 10) biến mất sau khi Mét-xơ đầu hàng. Nhưng tin đầu tiên mà chúng tôi nhận được từ lúc đó về những đơn vị quân của ông ta là một bản tin ngắn nói rằng từ ngày 7 tháng . Mười một đã xảy ra cuộc xung đột giữa "trung đoàn 9" và quân cảnh vệ lưu động ở ngay bên kia Sô-mông thuộc Thượng Mác-nơ. Trung đoàn 9 thuộc lữ đoàn 7 của một quân đoàn (quân đoàn 2) đã đến Pa-ri, vì thế toàn bộ bản tin trở thành khó hiểu. Sau đó mới xác minh được rằng bức điện đã viết nhầm lữ đoàn 9 thành trung đoàn 9. Thế là sự việc đã rõ ràng: lữ đoàn 9 là lữ đoàn thứ nhất của quân đoàn 3 do đó thuộc đạo quân của hoàng thân Phri-đrích-các-lơ. Địa điểm xảy ra cuộc xung đột cũng như tin mà giới quân sự Béc-lin cho rằng nhìn chung, là đáng tin cậy nói rằng hoàng thân tiến về Tơ-roay-ơ, và theo tin cho biết ông đã tới đây vào ngày 7 hoặc 8, làm cho người ta hầu như không còn nghi ngờ gì nữa rằng ông ta đã lựa chọn con đường mà, như chúng tôi dự đoán, chủ lực của ông ta đã đi qua, tức là "tiến từ Mét-xơ qua Sô-mông và Ô-xe và tiến nhanh theo hướng Boóc-đô sau khi đã quét sạch trước tuyến sông Loa-rơ từ Tua đến Nê-véc"[1*]. Hiện nay chúng tôi được biết đạo quân đó đã chiếm tuyến sông I-ôn ở gần Xăng-xơ, cách Giên trên sông Loa-rơ gần 50 dặm và chỉ cách Mông-tác-gi có 30 dặm, từ đây sau trọn một ngày đêm hành quân có thể đến sườn của bất cứ trận địa nào của quân Pháp ở phía bắc Oóc-lê-ăng. Những đơn vị mà, theo tin nhận được đang ở Man-déc-bơ và Nơ-mua có thể là do hoàng thân Phri-đrích-các-lơ phái đi để bắt liên lạc với cánh trái của Phôn Đe Tan; hoặc cũng có thể là các đơn vị ở phía ngoài cùng cánh trái của tuyến hành quân của quân đoàn 13. Dù sao hiện nay chúng ta cũng có thể dự đoán rằng dựa vào các đơn vị lưu động hoàng thân rất nhanh chóng bắt liên lạc được một mặt với Phôn Đe Tan ở Tu-ri và mặt khác với Véc-đe ở Đi-giông. Nếu đạo quân Loa-rơ trì hoãn cuộc tấn công cho đến khi hoàng thân Phri-đrích- Các-lơ tới thì ngoài 70.000 người hiện đang ở trước mặt nó còn có 75.000 người nữa ở cánh phải và sau lưng nó và bấy giờ sẽ buộc phải từ bỏ mọi ý nghĩ về giải phóng Pa-ri. Nó sẽ phải bận tâm khá nhiều về sự an toàn của bản thân và không còn con đường nào khác hơn là rút lui trước dòng thác quân xâm lăng đông đảo, dòng thác này sẽ tràn đến khắp miền Trung nước Pháp trên một tuyến kéo dài từ Sa-tơ-rơ đến Đi-giông.


[Chương trước]   [Mục lục]   [Chương tiếp theo]


Chú thích

[1*]. Xem tập này. tr.206.