K.Marx - F.Enggels
Tiểu luận về chiến tranh


NHỮNG THỦ ĐÔ CÓ BỐ PHÒNG BẰNG CÔNG SỰ

Đã đăng trên tờ "The Pall Mall Gazette" số 1801, ngày 21 tháng Mười một 1870

Nếu có thể nói rằng nhờ kinh nghiệm của cuộc chiến tranh này mà một vấn đề quân sự nào đó được giải quyết triệt để thì đấy chính là vấn đề xây dựng công sự ở thủ đô nước lớn có hợp lý hay không. Từ ngày có quyết định xây dựng công sự ở Pa-ri, trên sách báo quân sự tất cả các nước người ta tiếp tục tranh cãi về việc phòng thủ một cứ điểm lớn như vậy có hợp lý hay không hay thậm chí chỉ đơn giản là có khả năng làm được hay không. Vấn đề này chỉ có thể giải quyết trên thực tiễn khi có cuộc vây đánh thực sự Pa-ri - thủ đô duy nhất được bố phòng bằng công sự hiện có và tuy rằng cuộc vây đánh thực sự Pa-ri còn chưa bắt đầu, nhưng những công sự ở Pa-ri cũng đã có những cống hiến lớn cho nước Pháp đến mức có thể xem như vấn đề đã được giải quyết theo tinh thần khẳng định.

Pa-ri ở gần- một độ gần nguy hiểm- với biên giới đông-bắc của nước Pháp- một biên giới thêm vào đó lại còn hoàn toàn không có sông hoặc núi có thể dùng làm phòng tuyến; độ gần nguy hiểm đó đã kéo theo nó là một sự xâm chiếm những đất đai sát biên giới, hai là việc xây dựng ba vành đai các điểm kéo dài từ sông Ranh .đến Bắc hải và ba là khát vọng thường xuyên không gì kiềm chế được muốn chiếm toàn bộ tả ngạn sông Ranh, khát vọng này rút cục đẩy nước Pháp vào tình trạng hiện nay. Đất đai xâm chiếm được đã bị cắt bớt và giới hạn của chúng đã được các hiệp ước năm 1814 và 1815[101] quy định; các cứ điểm- như hai cuộc xâm lấn của địch trong cùng hai năm đó đã chứng minh tỏ ra hầu như vô dụng và hoàn toàn không thể ngăn chặn một đạo quân lớn; sau hết lời kêu gọi chiếm sông Ranh đã bị tạm thời chấm dứt vào năm 1840 do sự thành lập liên minh châu âu chống Pháp[102]. Và giống như một nước lớn phải làm, bấy giờ nước Pháp đã tìm cách bù đắp vị trí nguy hiểm của Pa-ri bằng thủ đoạn duy nhất mà nó có thể làm được là xây dựng công sự ở Pa-ri.

Trong cuộc chiến tranh hiện nay, nước Pháp đã được che chắn ở phía yếu nhất của nó nhờ sự trung lập của Bỉ. Tuy vậy cả thảy chỉ có một tháng là đủ để quét sạch tất cả các lực lượng có tổ chức của Pháp ra khỏi chiến trường. Một nửa lực lượng đó đã đầu hàng làm tù binh còn một nửa bị khóa chặt trong tình cảnh tuyệt vọng ở Mét-xơ mà hơn nữa sự đầu hàng của nửa này chỉ là vấn đề hàng tuần. Trong điều kiện bình thường, chiến tranh sẽ kết thúc Quân Đức sẽ chiếm Pa-ri và phần nước Pháp còn lại mà nó muốn chiếm, và sau khi Mét-xơ đầu hàng nếu không phải là sớm hơn, hòa ước sẽ được ký kết. Hầu như tất cả các cứ điểm của Pháp đều ở gần biên giới; ngay khi vòng đai thành phố có công sự ấy bị chọc thủng trên một chính diện đủ rộng đảm bảo được sự tự do vận động là có thể coi thường các cứ điểm còn lại ở biên giới hoặc bờ biển và chiếm lĩnh toàn bộ miền Trung nước Pháp; sau đó cũng đễ buộc các cứ điểm biên giới lần lượt đầu hàng. Đồng thời, ngay trong chiến tranh du kích, các cứ điểm ở nội địa các nước phát triển cũng cần thiết với tính cách là những trung tâm bảo đàm an toàn khi rút lui. Trong cuộc chiến tranh trên bán đảo Pi-rê-nê, cuộc kháng chiến của nhân dân Tây Ban Nha có thể tiến hành được chủ yếu là nhờ các cứ điểm. Năm 1809, quân Pháp đã đuổi được quân Anh của huân tước Giôn Mu-rơ khỏi Tây Ban Nha; trong dã chiến họ đã giành được thắng lợi ở khắp nơi nhưng vẫn không chinh phục được nước này. Khi xuất hiện lần thứ hai, đạo quân Anh - Bồ Đào Nha tương đối nhỏ có lẽ không thể chống lại được quân Pháp nếu như không có vô số đơn vị vũ trang Tây Ban Nha, những đơn vị này dễ bị đánh bại trong dã chiến, nhưng chúng đã quấy rối bên sườn và phía sau các cánh quân của quân Pháp và kiềm chế một bộ phận lớn đạo quân xâm lăng của địch. Mà những đơn vị ấy không thể đứng vững một thời gian dài nào đó nếu như trong nước không có nhiều cứ điểm, những cứ điểm này chủ yếu là nhỏ và cổ nhưng muốn chiếm lĩnh cũng phải vây đánh chính quy; do đó chúng là nơi ẩn nấp chắc chắn cho những đơn vị ấy khi họ bị tấn công trên địa hình trống trải. Vì ở Pháp không có những cứ điểm như thế nên ở đầy ngay chiến tranh du kích cũng không phải là sự nguy hiểm rất lớn nếu như không có những điều kiện khác bù đấp cho tình trạng không có cứ điểm. Mà một trong những điều kiện ấy là công sự của Pa-ri.

Ngày 2 tháng Chín, đạo quân Pháp cuối cùng tác chiến ngoài cứ điểm đã đầu hàng. Hôm nay ngày 21 tháng Mười một, sau gần 11 tuần lễ, chừng một nửa toàn bộ quân Đức ở Pháp vẫn còn bị giam chân chặt ở Pa-ri trong khi đó đại bộ phận các đội quân còn lại vội vã dời Mét-xơ để bảo đảm an toàn cho những đơn vị quân đội bao vây Pa-ri trước đạo quân Loa-rơ được thành lập lại, dù đạo quần ấy có giá trị như thế nào, thì thậm chí cũng không thể thành lập được nó nếu không có công sự ở Pa-ri. Những công sự ấy đã bị vây tròn 2 tháng mà việc chuẩn bị tiến hành vây đánh chính quy vẫn chưa hoàn thành; điều đó có nghĩa là cuộc vây đánh một cứ điểm quy mô lớn như Pa-ri, dù chỉ do tân binh và dân cư hết sức kiên quyết phòng thủ, chỉ có thể bắt đầu khi mà cuộc vây đánh một cứ điểm thông thường đã hoàn thành thắng lợi từ lâu. Điều đó chứng minh rằng cung cấp lương thực cho một thành phố 2 triệu dân có lẽ dễ hơn cung cấp cho một cứ điểm nhỏ không phải là trung tâm tiêu thụ sản phẩm của những vùng nông nghiệp xung quanh với mức độ giống như thế mặc dầu việc cung cấp lương thực cho Pa-ri chỉ thực sự bắt đầu được tiến hành sau ngày 4 tháng Chín, nghĩa là cả thảy có 2 tuần lễ trước khi vòng vây khép kín. Ấy thế mà sau 9 tuần bị vây, Pa-ri vẫn còn chưa lâm vào cảnh đói buộc nó đầu hàng. Các đạo quân Pháp trên thực tế mới chống cự có 1 tháng trong khi Pa-ri đã chống cự 2 tháng và vẫn kiềm chế chặt chủ lực của quân địch xâm lược. Không nghi ngờ gì nữa, thành tựu đó lớn hơn thành tựu mà bất cứ cứ điểm nào đạt được trước đây và hoàn toàn chứng minh rằng chi phí để xây dựng công sự là xứng đáng. Ngoài ra, như chúng tôi đã nhiều lần chỉ rõ, không nên quên rằng cuộc phòng thủ của Pa-ri lần này được tiến hành trong những điều kiện hoàn toàn không bình thường, vì nó diễn ra trong tình hình không có đạo quân dã chiến tích cực Nếu như đạo quân của Mác-ma-hông tiến không phải về Xê-đăng mà là về thủ đô thì cuộc kháng cự đó sẽ như thế nào, nó có thể chặn lại cuộc bao vây đến mức nào hay có thể hoàn toàn ngăn cản cuộc bao vây đó, và bao nhiêu quân nữa của kẻ địch xâm lược sẽ bị giam chân xung quanh Pa-ri?

Nhưng không phải chỉ có thế. Cuộc phòng ngự Pa-ri không những đã đem lại cho nước Pháp 2 tháng tạm nghỉ, điều này trong tình hình ít nguy ngập hơn, có ý nghĩa vô cùng quý giá và thậm chí hiện nay vẫn vô cùng quý giá, mà còn cũng đem lại cho nước Pháp cơ hội thuận lợi có thể do những biến chuyển về chính trị trong thời gian bị vây tạo ra. Chúng ta có thể nhắc đi nhắc lại bao nhiêu lần cũng được rằng Pa-ri là một cứ điểm cũng giống như bất cứ cứ điểm nào khác nhưng điều đó không làm thay đổi tình hình là cuộc bao vây thực tế một cứ điểm như Pa-ri gây ra trên toàn thế giới sự xúc động lớn hơn nhiều so với cuộc bao vây một trăm cứ điểm nhỏ hơn. Dù luật lệ về chiến tranh như thế nào đi nữa thì lương tri hiện nay của chúng ta cũng không thể chịu để cho người ta đối xử với Pa-ri như với Xtơ-ra-xbua. Có thể mạnh dạn dự kiến rằng trong trường hợp ấy các nước trung lập sẽ tìm cách đứng ra làm trung gian; sự nghi ngờ về chính trị đối với kẻ chinh phục hầu như không tránh khỏi biểu hiện trước khi cứ điểm rút cục buộc phải đầu hàng và rất có thể là kết cục của một hoạt động quy mô lớn và kéo dài như cuộc bao vây Pa-ri sẽ được giải quyết trên thực tế trong nội các của một cường quốc nào đó không tham chiến bằng liên minh và phản liên minh với mức độ giống như mức độ nó được giải quyết trên thực tế trong chiến hào bằng các đơn vị pháo phá hoại[103] và các đơn vị pháo phá thành. Ví dụ này có lẽ chúng ta sắp trông thấy. Hoàn toàn có thể là vấn đề phương Đông[104] đột nhiên trở nên gay gắt ở châu Âu sẽ có thể làm cho Pa-ri cái mà đạo quân Loa-rơ không thể làm được tức là cứu Pa-ri khỏi sự đầu hàng và giải vây cho nó. Nếu như Phổ không thể thoát khỏi sự nghi ngờ là đồng lõa trên mức độ nào đó với Nga- điều này rất có thể xảy ra,- nếu châu Âu quyết định không để Nga bội ước vi phạm những cam kết của mình thì bấy giờ điều cực kỳ quan trọng là Pháp phải làm sao cho không bị suy yếu hẳn và Pa-ri không bị quân Phổ chiếm. Vì vậy ngay giờ đây điều hoàn toàn cần thiết là buộc Phổ tuyên bố không úp mở gì về ý định của mình và nếu như nó tránh né thì lập tức phải có những biện pháp để tăng thêm hy vọng thắng lợi và tăng cường sự chống cự của Pa-ri. 30 nghìn lính Anh đổ bộ lên Séc-bua hoặc Brê-xtơ và hội quân với đạo quân Loa-rơ sẽ là một bộ phận của đạo quân này, đem lại cho nó tính kiên định mà xưa nay nó chưa hề có. Bộ binh Anh, do tính kiên định phi thường của họ, thậm chí do khuyết điểm liên quan với tính kiên định ấy, tức là sự thiếu linh hoạt của họ trong những cuộc cơ động mà bộ binh nhẹ tiến hành, do đó đặc biệt thích hợp để đem lại tinh thần vững vàng cho những đơn vị mới thành lập gồm tân binh; vai trò đó, nó đã thực hiện một cách tuyệt vời dưới sự chi huy của Oen-lin-tơn ở Tầy Ban Nha; vai trò ấy nó cũng đã đóng được trong tất cả các cuộc chiến tranh ở Ấn Độ đối với các đội quân bản xứ ít vững vàng hơn. Trong điều kiện ấy, quân đoàn Anh đó sẽ có ảnh hưởng lớn hơn là người ta có thể chờ đợi nếu chỉ xuất phát từ quân số của nó, mà điều này thì bao giờ cũng thế khi quân đoàn Anh được sử dụng như vậy . Mấy sư đoàn I-ta-li-a với tính cách tiền vệ của quân I-ta-li-a tiến về hướng Li-ông và thung lũng sông Xô-na sẽ nhanh chóng thu hút những đơn vị quân đội của hoàng thân Phri-đrích-các-lơ; ngoài ra còn Áo; còn các vương quốc Xcăng-đi-na-vơ, họ có thể uy hiếp Phổ ở các mặt trận khác và thu hút quân đội của Phổ; nếu nhận được tin này thì nhất định bản thân Pa-ri thà chịu đựng hầu như bất cứ sự đói khát nào- hơn nữa hình như ở đó hoàn toàn đủ bánh mì - hơn là đầu hàng, và như thế là công sự của thành phố có thể thực sự cứu vãn đất nước ngay cả trong tình hình nguy khốn hiện nay, đem lại cho nó khả năng giữ vững cho đến khi viện binh tới.


[Chương trước]   [Mục lục]   [Chương tiếp theo]