K.Marx - F.Enggels
Tiểu luận về chiến tranh


TIỂU LUẬN VỀ CHIẾN TRANH- XXXII

Đã đăng trên tờ "The Pall Mall Gazette" số 1829, ngày 23 tháng Chạp 1870

Những hoạt động chiến đấu tuần qua chứng minh rằng chúng tôi đã đánh giá đúng đắn đến mức nào tình hình của mỗi bên tham chiến khi khẳng định rằng đạo quân từ Mét-xơ kéo đến sông Loa-rơ và Noóc-măng-đi đã mất đi trên mức độ quan trọng năng lực chiếm thêm đất đai mới[1*]. Quy mô lãnh thổ do quân Đức chiếm đóng từ đó hầu như hoàn toàn không tăng lên. Đại công tước Mếch-clen-bua, thống soái quân Ba-vi-e của Phôn Đe Tan (không thể không có chúng trên mặt trận, mặc dầu tổ chức của chúng xộc xệch và thiếu giầy), quân đoàn 10 và các sư đoàn 17 và 22 đã truy kích dai dẳng quân của Săng-di vừa rút lui từ từ vừa vẫn luôn luôn chiến đấu từ Bơ-giăng-xi đến Blua, từ Blua đến Văng-đôm, Ê-piu-dơ và xa hơn nữa. Săng-di phòng ngự tất cả các trận địa do những con sông nhỏ từ phía bắc chảy vào sông Loa-rơ tạo thành, và khi quân đoàn 9 (hoặc ít nhất là sư đoàn Hét-xen của quân đoàn này) tiến từ tả ngạn sông này đánh bọc hậu cánh phải của ông ta ở gần Blua thì ông ta rút về Văng-đôm và chiếm trận địa trên tuyến sông Loa. ông giữ vững trận địa này trong ngày 14 và 15 tháng Chạp bất chấp những cuộc tấn công của địch nhưng tối 15 thì ông bỏ trận địa này và rút lui từ từ về Lơ-măng không hề có sự hỗn loạn nào. Ngày 17 ở gần Ê-piu-dơ, nơi gặp nhau của hai con đường đi từ Văng-đôm và Mô-rơ đến Xanh-ca-lơ, ông ta còn tiến hành một trận chiến đấu hậu vệ với các đơn vị của Phôn Đe Tan rồi rút lui, còn quân Đức thì hình như không truy kích ông xa nữa.

Rõ ràng là, toàn bộ cuộc rút lui này được tiến hành rất thận trọng. Sau khi quyết định chia đạo quân Loa-rơ trước đây thành hai bộ phận, một bộ phận do Buốc-ba-ki chỉ huy phải hoạt động ở phía nam Oóc-lê-ăng, còn bộ phận kia đặt dưới quyền chỉ huy của Săng-di, các đơn vị vùng lân cận Lơ-măng cũng được giao cho ông này chỉ huy phải phòng ngự miền Tây nước Pháp ở phía bắc sông Loa-rơ, sau khi việc đã được tiến hành thì Săng-di không thể đạt ra cho mình mục đích tiến hành những hoạt động chiến đấu có tính chất quyết định. Trái lại kế hoạch của ông phải là giữ lấy từng tấc đất chừng nào còn giữ được, tránh nguy cơ bị kéo vào trận quyết chiến, bằng cách đó gây cho địch những tổn thất càng nặng nề càng hay và rèn luyện cho những đơn vị mới của mình giữ được trật tự và sự vững vàng dưới hỏa lực. Đương nhiên, trong cuộc rút lui này, ông ta đã thiệt hại nhiều người hơn địch, đặc biệt là nhiều người lạc ngũ, nhưng đấy là những binh sĩ tồi nhất trong các tiểu đoàn của ông ta, thiếu họ thì ông vẫn hoàn toàn chẳng sao cả. Có lẽ ông đã giữ vững được tinh thần quân đội của ông, đồng thời tiếp tục gây cho địch lòng kính trọng quân cộng hòa, lòng kính trọng mà đạo quân Loa-rơ đã giành được. Và ông ta sẽ nhanh chóng đạt tới điểm ngoặt là những đội quân truy kích ông ta bị yếu đi vì thiệt hại trong chiến đấu, vì bệnh tật cũng như phải để lại những đơn vị giữ đường tiếp tế ở hậu phương sẽ phải bỏ cuộc truy kích hoặc đến lượt nó lại rơi vào nguy cơ thất bại. Điểm ngoặt ấy rất có thể là Lơ-măng; ở đây, tại I-vrơ-Lê-vếch và Côn-li có hai trại huấn luyện với số lượng quân không cố định có trình độ tổ chức khác nhau và được trang bị ở mức độ khác nhau. Nhưng các tiểu đoàn có tổ chức ở đây nhất định phải nhiều hơn số mà Săng-di cần để đẩy lùi bất cứ cuộc tấn công nào mà công tước Mếch-clen-bua có thể tiến hành chống lại ông. Viên tư lệnh Phổ, hoặc nói đúng hơn là viên tham mưu trưởng của ông ta, tướng Stô-sơ, người thực tế chỉ huy cuộc tiến quân của đạo quân của công tước Mếch-clen-bua, hình như đã cảm thấy điều đó. Thật thế, sau khi chúng ta được biết rằng ngày 18 quân đoàn 10 Bắc Đức truy kích Săng-di đến quá Ê-piu-dơ, bây giờ chúng ta lại được biết ngày 21 tướng Phoi-gtơ-Rết-xơ (chi huy chính quân đoàn 10 ấy) đánh bại một đơn vị quân Pháp ở ngoại ô Môn-nơ và đẩy lùi nó quá Noóc-tơ-dam-đ'uê. Mà Môn-nơ ở phía nam Ê-piu-dơ chừng 35 dặm trên con đường từ Văng-đôm đi Tua, còn Noóc-tơ-đam- đ'uê thì ở gần Tua hơn mấy dặm. Như vậy là sau khi truy kích chủ lực của Săng-di cho đến tận Lơ-măng, quân của công tước Mếcb-clen-bua, ít ra là một bộ phận của nó, hình như giờ đầy đang tiến về hướng Tua, nơi mà lúc này có lẽ họ đã đến được rồi nhưng chưa chắc có thể chiếm được một thời gian dài.

Các nhà bình luận Phổ chỉ trích đạo quân Loa-rơ về cuộc rút lui ly tâm của nó sau trận Oóc-lê-ăng và khẳng định rằng quân Pháp buộc đi bước sai lầm đó chỉ vì hành động kiên quyết của hoàng thân Phri-đrích-Các-lơ mà kết quả là ông "đã phá thủng trung tâm của nó". Chúng tôi sẵn sàng đồng ý rằng cuộc rút lui ly tâm và thậm chí sự phân chia đạo quân này thành hai cụm độc lập tiếp theo cuộc rút lui ấy trên mức độ lớn là do sự bố trí sai lầm của Ô-ren-lơ vào lúc địch công kích ông ta, gây ra. Nhưng ở đây còn có một nguyên nhân khác. Dể tổ chức quân đội, trước hết nước Pháp cần có thời gian và không gian, nghĩa là càng nhiều đất đai càng tốt để thu thập ở đấy những phương tiện tổ chức quân đội là người và của. Chừng nào nước Pháp còn chưa đủ sức vươn tới những trận quyết chiến, nó phải tìm cách cứu càng nhiều đất đai càng tốt khỏi bị địch chiếm đóng. Vì sự xâm nhập hiện nay đã đạt tới giai đoan mà lực lượng tấn công và lực lượng phòng ngự hầu như ngang nhau, bên phòng ngự không cần phải tập trung quân giống như sự tập trung quân mà những hoạt động có tính chất quyết định đòi hỏi. Trái lại, bên phòng ngự có thể phân chia quân của mình thành mấy cụm quân lớn mà không có nguy hiểm lớn để chúng có thể bảo vệ đất đai càng rộng càng tốt và đề dùng những lực lượng khá lớn có thể ngăn cản sự chiếm đóng lâu dài chống lại kẻ thù trên bất cứ hướng nào mà địch có thể tấn công. Vì ở gần Lơ-măng vẫn còn khoảng 60.000 người, mà cũng có thể là còn đến 100.000 người (cố nhiên trang bị, huấn luyện và kỷ luật của họ còn rất kém nhưng đang cải thiện từng ngày) và vì phương tiện để trang bị quân trang vũ khí và tiếp tế cho họ đang được chuẩn bị và tập trung ở miền Tây nước Pháp nên sẽ là sai lầm lớn nếu vứt bỏ tất cả những thứ ấy chỉ vì về mặt lý luận chiến lược đòi hỏi rằng trong tình hình thông thường, đạo quân thua trận phải rút lui như một chỉnh thể; trong trường hợp này, điều đó chỉ có thể đạt được bằng cách vận động về phía nam vả từ bỏ bảo vệ miền Tây. Ngược lại, ở ngay các trại gần Lơ-măng cũng có đủ nguồn lực để dần dần biến đạo quân miền Tây mới trở thành một đạo quân thậm chí còn mạnh hơn đạo quân Loa-rơ trước đây trong khi toàn bộ miền Nam là lực lượng tiếp viện cho Buốc-ba-ki. Vì vậy, điều mà thoạt nhìn tưởng như sai lầm thì trên thực tế lại là một biện pháp hoàn toàn đúng đắn và cần thiết, nó không hề cản trở tất cả các đơn vị quân Pháp sau đó ít lâu sẽ có đủ sức tham gia những hoạt động tác chiến hợp đồng có tính chất quyết đinh.

Tầm quan trọng của Tua là ở chỗ nó là đầu mối đường sắt cuối cùng ở miền Tây giữa miền Tây-bắc và miền Nam nước Pháp. Nếu Tua vẫn nằm trong tay quân Phổ thì Săng-di không thể liên lạc bằng đường sắt với chính phủ ở Boóc-đô cũng như với Buốc-ba-ki ở Buốc-giơ. Nhưng với lực lượng hiện có, quân Phổ không có hy vọng giữ được Tua. Địa vị của chúng ở đây sẽ không vững bằng địa vị của Phôn Đe Tan ở Oóc-lê-ăng vào đầu tháng Mười một. Và mặc dù- việc tạm thời mất Tua là một điều bất lợi nhưng dù sao cũng vẫn có thể bị mất.

Về những đơn vị khác của quân Đức thì chúng tôi có ít tin tức. Hoàng thân Phri-đrích-các-lơ đem theo quân đoàn 3 và có lẽ nửa quân đoàn 9 nữa đã hoàn toàn mất tăm nhưng điều đó tuyệt nhiên không chứng tỏ rằng ông ta có lực lượng để tấn công. Các đơn vị của Man-toi-phen buộc phải chỉ đóng khung trong vai trò một đội lưu động lớn để tiến hành việc trưng tập mà thôi; hình như nó không đủ sức chiếm đóng lâu dài khu vực quá Ru-ăng. Bốn phía xung quanh Véc-đe đều có các đơn vị du kích hoạt động, ông ta có thể đứng vững được ở Đi-giông là chỉ độc nhờ ở hoạt động tích cực của mình, đồng thời ông ta bỗng phát biện rằng nếu muốn bảo đảm hậu phương của minh thì ông ta phải phong tỏa cả Lăng-grơ. Chúng tôi không biết ông ta lấy đâu ra quân để thực hiện mục đích ấy; bản thân ông ta không thể rút một đơn vị nào, còn các đơn vị lan-ve ở vùng ngoại ô Ben-pho và ở An-da-xơ thì đã đủ bận với công việc của họ rồi. Do đó xem ra thì chỗ nào lực lượng cũng hầu như cân bằng. Hiện đang diễn ra cuộc chạy đua xem ai sẽ nhận được nhiều lực lượng tăng viện hơn, nhưng trong cuộc chạy đua này nước Pháp có nhiều triển vọng hơn nhiều so với ba tháng trước đây. Nếu như có thể nói chắc rằng Pa-ri sẽ giữ vững được đến cuối tháng Hai thì chúng tôi có thể cho rằng nước Pháp sẽ thắng trong cuộc chạy đua này.


[Chương trước]   [Mục lục]   [Chương tiếp theo]


Chú thích

[1*]. Xem tập này. tr.267-269.