K.Marx - F.Enggels
Tiểu luận về chiến tranh


TIỂU LUẬN VỀ CHIẾN TRANH- XL

Đã đăng trên tờ "The Pall Mall Gazette" số 1864, ngày 2 tháng Hai 1871

Nếu tin theo tin điện gần đầy từ Béc-nơ đánh đi - bây giờ thì chẳng có căn cứ gì để không tin vào tin điện ấy - thì dự đoán của chúng tôi về số phận đạo quân của Buốc-ba-ki[1*] đã thành sự thực. Tin tức cho biết Hội đồng liên bang Thụy Sĩ đã nhận được báo cáo chính thức rằng đạo quân ấy có khoảng 80.000 người đã tiến vào lãnh thố Thụy Sĩ, ở đó đương nhiên nó phải hạ vũ khí. Người ta không nêu lên chính xác địa điểm xảy ra việc đó nhưng chắc là xảy ra ở nơi nào đó tại phía nam Bla-mông chứ không phải ở phía nam Pông-tác-h-ơ. Có lẽ một số đơn vị đã vượt biên giới ở những địa điểm khác nhau, nhưng đại bộ phận đạo quân ấy hình như đã vượt biên giới ở Lơ-bre-nơ, nơi mà con đường từ Bơ-dăng-xông đi Nơ-sa-ten chạy vào lãnh thổ Thụy Sĩ.

Như thế là thêm một đạo quân nữa của Pháp đã không còn tồn tại do-nói nhẹ đi- sự thiếu kiên quyết của viên tư lệnh của nó. Buốc-ba-ki có thể là một viên sĩ quan dũng cảm đứng đầu một sư đoàn, nhưng sự dũng cảm cần thiết để có nhuệ khí và có quyết định táo bạo trong giờ phút gay go, hoàn toàn khác sự dũng cảm cho phép người ta chỉ huy xuất sắc một sư đoàn dưới hỏa lực. Giống như nhiều người có sự dũng cảm cá nhân không thể hoài nghi và biểu hiện rõ ràng, Buốc-ba-ki hình như thiếu nghị lực cần thiết để hạ quyết tâm dứt khoát không chút do dự. Lẽ ra chậm nhất là chiều tối ngày 17 tháng Giêng khi đối với ông ta khả năng không thể chọc thủng trận tuyến của Véc-đe đã trở nên hết sức rô ràng thì ông ta phải lập tức quyết định mình phải làm gì tiếp theo. Ông ta phải biết rằng quân tăng viện của Phổ đang từ phía tây-bắc tiến gần vào đường rút lui của mình; rằng khi mà phía trước ông ta là kẻ địch đã thắng lợi còn sau lưng ông ta là con đường rút lui dài gần biên giới nước trung lập, thì tình cảnh của ông cực kỳ nguy hiểm; rằng cuộc tiến quân của ông hoàn toàn không đạt được mục đích và trong tình hình đó trách nhiệm bức bách, hơn thế nữa, duy nhất của ông ta là cứu vãn đạo quân của mình. Nói cách khác, ông ta phải rút lui với tốc độ mà tình hình đạo quân của ông ta cho phép. Nhưng quyết định rút lui như vậy, thừa nhận trên thực tế rằng mình đã thất bại trong cuộc tiến quân thì hình như ông ta không làm nổi. ông ta đã mất thời gian ở nơi không xa địa điểm chiến đấu cuối cùng của mình; không đủ sức tiến công mà lại không muốn rút lui, như vậy ông ta đã để cho Man-toi-phen có thời gian để cắt đường rút lui của ông ta. Nếu ông ta rút lui ngay thì mỗi ngày chỉ đi 15 dặm ông ta cũng có thể đến được Bơ-dăng-xông ngay 20 tháng Giêng, đến vùng phụ cận Đô-lơ ngày 21, nghĩa là đúng vào lúc ở đó xuất hiện những lính Phổ đầu tiên. Nhưng đội quân Phổ này không thể đông lắm; thậm chí tiền vệ của Buốc-ba-ki cũng đủ để, nếu không phải là hoàn toàn đẩy lùi nó, thì cũng đủ để giữ được nó ở hữu ngạn tức bờ phía tây sông Đu và điều đó hoàn toàn chỉ để bảo đảm con đường rút lui cho Buốc-ba-ki, đặc biệt là trước kẻ địch như Man-toi-phen, một con người chỉ hành động khá đúng khi việc thi hành lệnh của Môn-tơ-kê không vấp phải sự chống cự nào nhưng sẽ tụt xuống dưới mức độ kém cỏi ngay khi sự chống cự ấy đòi hỏi biểu hiện tài trí riêng của mình.

Một trong những điều khoản lạ lùng nhất trong văn kiện được thỏa thuận giữa Bi-xmác và Giuy-lơ Pha-vrơ[130] là điều khoản căn cứ vào đó bốn tỉnh mà Buốc-ba-ki và Ga-ri-ban-đi hoạt động không nằm trong khu vực đình chiến chung và trên thực tế quân Phổ vẫn giữ lại cho mình quyền tiếp tục tùy ý tiến hành hoạt động quân sự ở đấy. Điều kiện chưa từng có ấy chứng minh rõ hơn các điều kiện khác rằng kẻ chiến thắng hành động theo tinh thần Phổ chân chính đã đòi hết tất cả những nhượng bộ mà ưu thế tạm thời của nó cho phép đoạt được. Đình chiến phải được thi hành ở phía tây nơi mà Phri-đrích-các-lơ cho rằng tốt hơn hết là ông ta không tiến quá Lơ-măng, ở phía bắc nơi mà Guê-ben bị các cứ điểm ngăn cản, nhưng không được thi hành ở phía đông-nam nơi mà cuộc tiến quân của Man-toi-phen hứa hẹn giành được Xê-đăng lần thứ hai. Thỏa thuận điều khoản đó, Giuy-lơ Pha-vrơ đã đồng ý trên thực tế cho Buốc-ba-ki đầu hàng hoặc quân Phổ, hoặc người Thụy Sĩ chỉ có một điểm khác nhau có lợi cho ông ta là trách nhiệm về hành động này, ông ta đã đưa từ vai mình sang vai Buốc-ba-ki.

Tóm lại, văn kiện đầu hàng của Pa-ri là không có tiền lệ. Khi Na-pô-lê-ông đầu hàng ở Xê-đăng, ông ta từ chối đàm phán vê tất cả những cái gì không liên quan đến sự đầu hàng của bản thân ông và đạo quân của ông là tù binh, ông ta không có quyền ràng buộc chính phủ và nước Pháp bằng những cam kết. Khi Pa-ri và quân đội của nó đầu hàng, Giuy-lơ Pha-vrơ chấp nhận những điều kiện ràng buộc bộ phận còn lại của nước Pháp tuy rằng ông ta ở vào tình cảnh giống như, có lẽ thậm chí còn xấu hơn, Na-pô-lê-ông ở Xê-đăng. Na-pô-lê-ông hầu như đến tận khi đầu hàng vẫn tự do liên hệ được với bộ phận còn lại của nước Pháp; trái lại, ông Giuy-lơ Pha-vrơ trong 5 hoặc 6 tuần có mấy cơ hội lẻ tẻ hiếm hoi là có thể biết được tình hình xảy ra ở bên ngoài Pa-ri. Tin tức về tình hình quân sự ở bên kia tuyến pháo đài, ông ta chỉ có thể nhận được của Bi-xmác và ông ta quyết định hành động dựa trong cơ sở những tin một chiều ấy do kẻ địch cung cấp cho ông.

Ông Giuy-lơ Pha-vrơ phải lựa chọn một trong hai tai họa. Ông ta có thể hành động như ông đã làm nghĩa là ký kết đình chiến 3 tuần theo điều kiện do địch đưa ra, lấy cái đó ràng buộc chính phủ thực tế của Pháp ở Boóc-đô[131]. Nhưng ông ta cũng có thể cự tuyệt thay mặt cho bộ phận còn lại của nước Pháp, đề nghị chỉ nhân danh riêng Pa-ri để đàm phán, và nếu bên bao vây bắt đầu gây trở ngại thì hành động như viên tư lệnh ở Phan-xbua đã làm nghĩa là mở cửa thành và mời kẻ chiến thắng vào. Phương thức hành động này đáp ứng tốt hơn lợi ích của ông ta xét về phẩm cách và tương lai của ông ta với tư cách một chính khách.

Còn chính phủ ở Boóc-đô thì nó phải đồng ý đình chiến và bầu quốc hội. Nó không có phương tiện để buộc các tướng lĩnh bác bỏ đình chiến, mà nó cũng không dám gây ra những sự bất đồng ý kiến trong nhân dân. Việc Buốc-ba-ki đầu hàng người Thụy Sĩ là một đòn nặng nề nữa tiếp thêm vào nhiều đòn khác mà nước Pháp phải chịu trong thời gian gần đây, và như chúng tôi đã chỉ ra khi dự đoán về sự kiện này[2*], chúng tôi cho rằng đòn này tiếp liền ngay sau sự đầu hàng của Pa-ri sẽ gây ra trong quốc dân cái tâm trạng nặng nề là hòa ước sẽ được ký kết. Còn về tài nguyên của nước Pháp thì còn lâu mới cạn và cuộc đấu tranh còn có thể tiếp tục hàng tháng. Một sự thực đáng kinh ngạc cho thấy rằng trên con đường chinh phục hoàn toàn nước Pháp có những khó khăn lớn như thế nào. Sau 7 ngày giao chiến, hoàng thân Phri-đrích- Các-lơ đã đánh bật đạo quân của Săng-di đang trong tình trạng hoàn toàn tan rã. Trừ mấy lữ đoạn tuyệt nhiên không còn đơn vị nào có thể chống cự với hoàng thân. Trước mặt ông ta là một vùng phì nhiêu, tương đối chưa bị kiệt quệ. Thế nhưng ông ta đã ngừng cuộc tiến quân của mình ở Lơ-măng và chỉ có tiền vệ tiếp tục truy kích xa hơn nhưng ở một cự ly không lớn lắm. Bạn đọc còn nhớ chúng tôi không dự kiến những kết quả khác thế[3*] vì rằng có những căn cứ nhất định để nói rằng khi xâm chiếm một nước lớn, trong lúc diện tích ông bị chiếm đóng tăng lên theo cấp số cộng thì những khó khăn trong sự chiếm đóng tăng lên theo cấp số nhân.

Tuy vậy chúng tôi cho rằng những thất bại liên tiếp trong chiến dịch tháng Giêng chắc chắn làm cho tinh thần của quốc dân lung lay đến mức quốc hội mà người ta đã dự kiến không những sẽ được triệu tập mà có lẽ còn ký kết hòa ước nữa; như vậy cùng với chiến tranh những bài "Tiểu luận về chiến tranh" này sễ kết thúc


[Chương trước]   [Mục lục]   [Chương tiếp theo]


Chú thích

[1*]. Xem tập này tr.330-331.

[2*]. Xem tập này. tr. 331.

[3*]. Xem tập này. tr. 325-327.