K.Marx - F.Enggels
Tiểu luận về chiến tranh


TIỂU LUẬN VỀ CHIẾN TRANH-VIII

Đã đăng trên tờ "The Pall Mall Gazette" số 1717, ngày 15 tháng Tám 1870

Mác-ma-hông ở đâu? Kỵ binh Đức trong khi đột kích đến tận cửa ngõ Luy-nê-vin và Năng-xi hình như không gặp ông ta; nếu không chúng ta đã nghe được tin tức về những cuộc chạm súng đã xảy ra. Thêm nữa, nếu như ông ta đến được Năng-xi một cách yên ổn và do đó khôi phục được liên lạc với đạo quân ở Mét-xơ thì không nghi ngờ gì hết, Tồng hành dinh quân Pháp sẽ báo tin ngay lập tức về cái sự việc làm yên lòng người như vậy. Từ sự lặng thinh đó về Mác-ma-hông, chúng ta có thể rút ra kết luận duy nhất là ông ta cảm thấy rằng vận động theo đường thằng từ Xa-véc-nơ đến Luy-nê-vin và Năng-xi là quá nguy hiểm, và để không hở sườn phải của mình cho quân địch, ông ta đã đi con đường vòng xa hơn về phía nam, vượt sông Mô-den ở Bai-on hoặc thậm ở phía trên Bai-on. Nếu giả định ấy đúng thì ông ta có rất ít hy vọng đến được Mét-xơ vào lúc nào đó, và trong trường hợp ấy hoàng đế hoặc người nào khác chỉ huy ở Mét -xơ phải giải quyết vấn đề: rút lui ngay về Sa-lôn trên sông Mác-nơ là địa điểm gần nhất có thể hội quân với Mác-ma-hông có lợi cho quân đội hơn không ? Vì vậy chúng tôi nghiêng về cho rằng tin tức về cuộc tổng rút lui của quân Pháp theo hướng đó là xác thực.

Trong khi đó chúng tôi nhận được tin tức cho biết có những lực lượng tăng viện lớn cho quân Pháp. Bộ trưởng chiến tranh mới cam đoan với nghị viện rằng trong 4 ngày nữa nhất định sẽ có hai quân đoàn, mỗi quân đoàn 35.000 người được đưa ra mặt trận. Nhưng họ ở đâu ? Chúng ta biết rằng 8 quân đoàn của đạo quân Ranh và những đơn vị định gửi đi Ban-tích cùng với quân đồn trú ở An-giê-ri là toàn bộ binh lực của Pháp tính đến tiểu đoàn cuối cùng kể cả lính thủy đánh bộ. Chúng ta biết rằng 40.000 người của quân đoàn Can-rô-béc và lực lượng viễn chinh Ban-tích đang ở Pa-ri. Qua lời phát biểu của tướng Dơ-giăng tại nghị viện, chúng ta biết rằng các tiểu đoàn thứ tư còn lâu mới chuẩn bị xong và cần được bổ sung mà điều đó tất phải đạt được bằng cách lấy người của quân cảnh vệ lưu động bổ sung cho chúng. Vậy thì có thể lấy ở đâu ra 70.000 người đó nhất là nếu tướng Mông-tô-băng Đơ Pa-li-cao dự định, điều này rất chắc chắn là như thế, giữ đến cùng 40.000 người ở Pa-ri? Song nếu như lời nói của ông ta thực sự có ý nghĩa nào đó thì nên hiểu 2 quân đoàn ấy là những đơn vị đang ở Pa-ri và quân đoàn Can-rô-béc, quân đoàn cho tới nay vẫn luôn luôn được xem là một bộ phận của đạo quân Ranh; trong trường hợp này, vì chỉ có quân đồn trú Pa-ri là lực lượng tăng viện thực tế duy nhất nên tổng số quân tác chiến sẽ tăng từ 25 lên 28 sư đoàn trong đó ít ra có 7 sư đoàn đã bị thiệt hại nặng.

Tiếp nữa, chúng tôi lại được biết rằng tướng Tơ-rô-suy được cử làm tư lệnh quân đoàn 12 thành lập ở Pa-ri, còn tướng Văng-đe(?) làm tư lệnh quân đoàn 13 thành lập ở Li-ông. Cho tới nay, quân đội Pháp gồm có quân cận vệ và các quân đoàn từ quân đoàn 1 đến quân đoàn 7. Chúng tôi chưa hề nghe thấy các số 8,9,10 và 11, ấy thế mà đột nhiên giờ đây nghe nói về các quân đoàn 12 và 13. Chúng tôi thấy rằng không làm gì ra có những đơn vị quân đội để có thể từ đó thành lập một quân đoàn nào đó trong những quân đoàn trên, trừ quân đoàn 12, nếu hiểu đấy là đơn vị đồn trú Pa-ri. Xem ra thì tất cả những cái đó chỉ là một mánh khóe thảm hại nhằm lấy lại sự tín nhiệm của công chúng bằng cách thành lập những đạo quân tưởng tượng trên giấy, nếu không thì quả thật là không thể giải thích được lời khẳng định triển khai dường như 5 quân đoàn mà trong đó thì 4 quân đoàn cho tới nay chưa hề tồn tại.

Đúng là người ta có ý định thành lập một quân đoàn mới. Nhưng có những nguồn lực lượng nào để làm việc đó? Một là hiến binh, người ta có thể lấy từ đây ra thành lập một trung đoàn ky binh và một trung đoàn bộ binh; đấy là quân tinh nhuệ nhưng số lượng không vượt quá 3.000 người mà lại phải tập hợp từ khắp các miền của nước Pháp. Về douaniers"[1*] , tình hình cũng vậy, người ta đang dự tính lấy những người lính hải quan này bổ sung quân số cho 24 tiểu đoàn; nhưng chúng tôi không tin là số người của họ có đủ dù chỉ là một nửa số lượng ấy hay không. Kế đến cựu binh nhập ngũ những năm 1858-1863, trong số đó những người chưa vợ đã bị gọi nhập ngũ theo đạo luật đặc biệt. Tổng số những người này có thể đạt tới 200.000 người và họ là lực lượng bổ sung có giá trị nhất đối với quân đội. Non một nửa của họ đã đủ để bổ sung các tiểu đoàn thứ tư, số còn lại có thể đưa vào thành lập các tiểu đoàn mới. Nhưng ở đây lại có khó khăn: tìm đâu ra sĩ quan ? Đành phải lấy sĩ quan trong quân tác chiến và tuy rằng điều đó có thể thực hiện bằng cách đề bạt một số lượng lớn thượng sĩ lên thiếu úy nhưng biện pháp này ắt sẽ làm yếu những đơn vị bị rút sĩ quan đi. Gộp chung ba loại ấy cũng chỉ tăng được nhiều nhất là 220.000 đến 230.000 người và trong những điều kiện thuận lợi cũng cần ít nhất là 14 đến 20 ngày mới có thể có chỉ một bộ phận của họ được chuẩn bị xong để đưa vào quân tác chiến. Nhưng tiếc thay tình hình không thuận lợi cho họ. Giờ đây người ta đã thừa nhận rằng không những ngành quân nhu mà toàn thể bộ máy hành chính của quân đội Pháp đều tỏ ra hoàn toàn vô dụng, thậm chí bất lực trong việc bảo đảm cung cấp cho quân đội ở biên giới. Làm sao mà có thể nói đến việc sẵn sàng cung cấp quần áo và trang bị cho lực lượng hậu bị ấy khi mà không bao giờ có ai nghĩ đến mặt trận sẽ cần đến họ ? Thực ra, điều rất đáng ngờ là không biết ngoài các tiểu đoàn thứ tư ra, liệu có đơn vị nào mới thành lập mà chưa đầy mấy tháng đã chuẩn bị xong xuôi không. Vả chăng chớ nên quên rằng trong số họ chưa ai từng cầm trong tay khẩu súng nạp đạn bằng quy lát, rằng tất cả họ hoàn toàn không biết gì về chiến thuật mới được áp dụng do sự xuất hiện của vũ khí ấy. Nếu như quân chủ lực hiện có của Pháp, như bản thân họ thừa nhận, còn bắn hấp tấp và hú họa, lãng phí đạn dược thì những tiểu đoàn mới thành lập này sẽ làm ăn ra sao trước quân địch, những người mà tiếng ầm ầm của bom đạn xem ra ít ảnh hưởng đến tính quả cảm và sự bắn phá chuẩn xác của họ.

Lại còn quân cận vệ lưu động, lớp lính gồm toàn thể nam giới chưa vợ dưới 30 tuổi bị gọi nhập ngũ và quân cận vệ quốc gia ở địa phương. Về quân cận vệ lưu động thì ngay cả các bộ phận nhỏ của nó có một tổ chức chính quy nào đó xem ra cũng không còn đâu là tổ chức chính quy nữa ngay khi được đưa đến Sa-lôn. Kỷ luật hoàn toàn không có uy tín của sĩ quan mà phần lớn hoàn toàn không biết chức trách của mình xem ra ngày một suy sụp, chiến sĩ thì thậm chí không có cả vũ khí và hiện nay toàn bộ cái tổ chức đó hình như đang ở vào tình trạng suy sụp hoàn toàn. Tướng Dơ-giăng đã gián tiếp thừa nhận điều đó khi đề nghị lấy quân cận vệ lưu động bổ sung cho các tiểu đoàn thứ tư. Nhưng nếu như cái bộ phận tựa hồ có tổ chức ấy của lực lượng tổng động viên là hoàn toàn vô dụng thì có thể trông đợi gì ở các bộ phận khác của nó? Cho dù kiếm được sĩ quan, đạn dược và vũ khí cho họ thì cần bao nhiêu thời gian để biến họ thành binh sĩ? Thế nhưng người ta đã chẳng dự kiến một chút gì để đề phòng những tình huống nguy ngập. Mỗi sĩ quan có thể phục vụ đều đã sử dụng rồi. Quân Pháp không có cái nguồn sĩ quan hậu bị hầu như vô tận mà chế độ "lính tình nguyện một năm" của quân Đức cung cấp hàng năm có chừng 7.000 người "lính tình nguyện một năm" như thế tham gia quân đội Đức mà khi hết hạn phục vụ hầu như mỗi người trong họ đều hoàn toàn đảm đương được chức vụ sĩ quan. Trang bị và vũ khí dường như cũng không có, nghe nói người ta phải lôi từ trong kho ra sử dụng thậm chí cả súng bắn mồi đá lửa đã lỗi thời. Trong tình hình như vậy 200.000 người ấy phỏng có thể có giá trị gì đối với nước Pháp? Đương nhiên người Pháp có quyền viện dẫn Nghị viện quốc ước, viện đẫn Các-nô với đạo quân biên giới"[31] xây dựng từ không đến có của ông ta, v v Tuy chúng tôi không hề có ý khẳng định rằng Pháp dứt khoát bại trận, nhưng dù sao chớ nên quên rằng quân đồng minh đã đóng vai trò quan trọng trong thắng lợi của Nghị viện quốc ước. Những đạo quân tấn công nước Pháp ấy bấy giờ trung bình mỗi đạo có 40.000 người; có 3 hoặc 4 đạo hoạt động riêng lẻ- một đạo hoạt động trên sông Sen-đa, một đạo hoạt động trên sông Mô-den và một đạo hoạt động ở An-da-xơ v.v.. Để chống lại mỗi một đạo quân nhỏ ấy, Nghị viện quốc ước đưa ra một số lượng rất lớn tân binh đã qua huấn luyện chút ít; những tân binh này hoạt động ở bên sườn và sau lưng quân địch - quân địch bấy giờ hoàn toàn phụ thuộc vào các kho tàng của chúng- nhìn chung buộc chúng phải đứng chân ở càng gần biên giới càng tốt, và 5 năm tham gia chiến tranh đã rèn luyện những tân binh ấy thành những người lính thật sự, cuối cùng họ đuổi được quân địch sang bên kia sông Ranh. Nhưng liệu có thể tạm giả định rằng chiến thuật như thế sẽ thích hợp để dối phó với đạo quân xâm nhập khổng lồ hiện nay, cái đạo quân tuy tổ chức thành 3 đơn vị độc lập nhưng bao giờ cũng có thể tập trung ở cự ly bảo đảm chi viện được cho nhau hoặc liệu có thể tạm giả định rằng quân Đức sẽ để cho quân Pháp có thời gian phát huy những nguồn lực hiện nay còn tiềm ẩn của mình không. Chỉ có thể phát huy những nguồn lực ấy trên mức độ nào đó khi người Pháp sẵn sàng làm điều mà họ chưa bao giờ làm tức là phó mặc Pa-ri và quân đồn trú của nó cho số phận của chúng và tiếp tục cuộc chiến đấu bằng cách lấy phòng tuyến sông Loa-rơ làm căn cứ tác chiến của mình. Có lẽ sự việc sẽ không bao giờ phát triển đến bước ấy, nhưng chừng nào mà nước Pháp còn chưa chuẩn bị làm như thế thì tốt hơn hết là nó đừng nói đến việc tổng tuyển quân.


[Chương trước]   [Mục lục]   [Chương tiếp theo]


Chú thích

[1*]. lính hải quan