Ănggen
Cách mạng và phản cách mạng ở Đức


VI.Cuộc khởi nghĩa ở Béc-Lin

Ngày 28 tháng 11 năm 1851

Béc-lin là trung tâm thứ hai của phong trào cách mạng. Theo những điều đã nói trong các bài báo trước, chúng ta có thể dễ hiểu tại sao ở Béc-lin, những hoạt động cách mạng còn xa mới có được sự ủng hộ nhất trí của hầu hết các giai cấp, như đã diễn ra ở Viên. Ở Phổ, giai cấp tư sản đã bị lôi cuốn vào những cuộc đấu tranh thực sự với chính phủ. Kết quả khóa họp của "Nghị viện liên hợp" là sự tuyệt giao; một cuộc cách mạng tư sản đang đến gần, và ít nhất là vào lúc bắt đầu nổ ra, lẽ ra trong cuộc cách mạng ấy cũng có thể có được tính nhất trí như cuộc cách mạng ở Viên, nếu cuộc cách mạng tháng Hai ở Pa-ri không nổ ra. Cuộc cách mạng này đẩy nhanh mọi việc mặc dầu nó được tiến hành dưới một lá cờ hoàn toàn khác với lá cờ mà giai cấp tư sản Phổ đang dùng để sửa soạn đương đầu với chính phủ của mình. Cuộc cách mạng tháng Hai ở Pháp đã lật đổ chính cái loại chính phủ mà giai cấp tư sản Phổ đang định thiết lập ở nước mình. Cuộc cách mạng tháng Hai tỏ ra là một cuộc cách mạng của giai cấp công nhân chống giai cấp tư sản; nó tuyên bố lật đổ chính phủ tư sản và giải phóng công nhân. Nhưng trong thời gian gần đây giai cấp tư sản Phổ cũng đã gặp quá nhiều sự phiến động của giai cấp công nhân ở chính nước họ. Sau khi nỗi khủng khiếp đầu tiên do những cuộc nổi dậy ở Xi-lê-di gây ra đã tiêu tan thì giai cấp tư sản Phổ thậm chí còn mưu toan lái phong trào công nhân theo hướng có lợi cho nó. Nhưng tuy vậy nó vẫn cảnh giác ghê sợ chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản cách mạng; bởi thế, khi nó thấy đứng đầu chính phủ ở Pa-ri là những con người mà nó coi là những kẻ thù nguy hiểm nhất của chế độ sở hữu, của trật tự, của tôn giáo, của gia đình và của mọi điều thiêng liêng khác của giới tư sản hiện đại, thì lập tức nó cảm thấy nhiệt tình cách mạng của nó nguội lạnh hẳn đi. Nó biết rằng phải nắm lấy cơ hội và nếu không có sự ủng hộ của quần chúng công nhân thì nó sẽ bị đánh bại; nhưng mặc dầu thế, nó vẫn không có gan làm như vậy. Thành thử trong những cuộc nổi dậy lẻ tẻ đầu tiên ở địa phương, nó đều đứng về phía chính phủ và tìm cách trấn an nhân dân Béc-lin khi họ tập hợp đông đảo trước cung vua trong năm ngày liền để thảo luận về những tin tức và đòi cải tổ chính phủ. Cuối cùng, khi nghe tin Mét-téc-ních bị đổ, nhà vua phải nhượng bộ ít nhiều thì giai cấp tư sản cho là cuộc cách mạng đã chấm dứt và vội vàng cám ơn nhà vua đã sẵn sàng thỏa mãn mọi nguyện vọng của nhân dân. Nhưng ngay sau đó là việc binh lính nổ súng vào quần chúng, việc xây dựng những chiến lũy, cuộc chiến đấu và sự thất bại của vương quyền. Thế là tất cả đều thay đổi. Chính giai cấp công nhân mà giai cấp tư sản đã cố gắng kìm lại ở hậu trường, đã được đẩy lên phía trước. Công nhân đã chiến đấu và chiến thắng, và lập tức giác ngộ về sức mạnh của mình. Chấp nhận việc hạn chế quyền đầu phiếu, quyền tự do báo chí, quyền được làm bồi thẩm, quyền hội họp - những sự hạn chế mà giai cấp tư sản sẽ rất lấy làm hài lòng vì những sự hạn chế ấy chỉ đánh vào các giai cấp ở bên dưới nó - giờ đây không còn là điều có thể có được nữa. Nguy cơ tái diễn những cảnh "vô chính phủ" của Pa-ri đã rất gần. Trước nguy cơ đó, tất cả những tranh chấp cũ đều biến mất. Để chống lại công nhân chiến thắng, mặc dầu công nhân chưa đề ra yêu sách riêng nào cho bản thân họ, những bạn và thù cũ đã liên hiệp với nhau; và sự liên minh giữa giai cấp tư sản với những người ủng hộ chế độ đã bị lật đổ được ký kết ngay trên những lũy chướng ngại ở Béc-lin. Người ta ký những nhượng bộ cần thiết nhưng chỉ trong chừng mực đó là những nhượng bộ không thể tránh được; người ta sẽ lập ra một nội các gồm những thủ lĩnh của phe đối lập trong Nghị viện liên hợp, và để trả công cứu giá, nội các này sẽ được sự ủng hộ của tất cả những trụ cột của chính phủ cũ: của giai cấp quý tộc phong kiến, của bộ máy quan lại, của quân đội. Chính với những điều kiện đó mà các ngài Cam-pơ-hau-den và Han-dơ-man đứng ra lập nội các.

Các bộ trưởng mới hoảng sợ sự phấn kích của quần chúng đến nỗi họ coi mọi phương tiện đều là tốt, miễn là những phương tiện ấy nhằm củng cố những nền móng đã hết sức lung lay của quyền uy. Những kẻ lầm lẫn đáng thương ấy tưởng rằng mọi nguy cơ phục tích chế độ cũ đã được loại trừ; và họ huy động tất cả bộ máy nhà nước cũ để khôi phục lại "trật tự". Không một viên quan lại hay sĩ quan nào bị sa thải; không có một sự thay đổi nhỏ nào được tiến hành trong hệ thống hành chính quan liêu cũ. Các vị bộ trưởng lập hiến kiểu mẫu và có trách nhiệm ấy đã phục chức cho cả những viên chức mà nhân dân, trong nhiệt tình cách mạng buổi đầu, đã đuổi đi vì những thói hống hách quan liêu cũ của họ. Ở Phổ, không có một sự thay đổi nào ngoài sự thay đổi những nhân vật giữ chức bộ trưởng; người ta không động đến cả những nhân viên chủ quản của các bộ; còn đối với tất cả bọn lập hiến cầu xin các chức vụ và đang vây quanh những kẻ thống trị mới và hy vọng được chia phần quyền hành và chức vụ thì người ta đã trả lời là phải chờ cho tình thế ổn định trở lại mới có thể có sự thay đổi nhân sự trong bộ máy quan lại, song hiện nay mà thay đổi thì nguy hiểm.

Nhà vua, hoàn toàn mất tinh thần từ sau cuộc khởi nghĩa ngày 18 tháng Ba, chẳng bao lâu đã nhận ra rằng những vị bộ trưởng "tự do chủ nghĩa" ấy cũng cần đến ông ta, chẳng khác gì ông ta cần đến họ. Ngai vàng không bị động chạm tới trong cuộc khởi nghĩa; ngai vàng là vật chướng ngại cuối cùng để đối phó với tình trạng "vô chính phủ"; vì vậy, giai cấp tư sản tự do chủ nghĩa và những lãnh tụ của nó, hiện ở trong nội các, có mọi lý do để giữ những quan hệ tốt nhất với nhà vua. Nhà vua và bầy cận thần phản động cũng sớm nhận thấy điều ấy và chúng đã lợi dụng cơ hội để ngăn trở nội các thi hành ngay cả những cải cách chẳng có nghĩa lý gì mà đôi khi nội các muốn thực hiện.

Điều quan tâm đầu tiên của nội các là mang lại cho những thay đổi vừa đạt được bằng bạo lực một bộ mặt hợp pháp nào đó. Nghị viện liên hợp được triệu tập, bất chấp mọi sự phản đối của quần chúng nhân dân, để phê chuẩn, - với danh nghĩa là cơ quan hợp pháp và lập hiến của nhân dân, - một đạo luật tuyển cử mới nhằm bầu ra một nghị viện để nghị viện này thỏa thuận với nhà vua về một hiến pháp mới. Cuộc bầu cử phải được tiến hành một cách gián tiếp, nghĩa là quần chúng cử tri bầu ra một số lượng nhất định đại biểu cử tri, sau đó số này bầu ra các đại biểu. Bất chấp mọi sự phản đối, chế độ bầu cử hai vòng này vẫn được thông qua. Sau đó, người ta yêu cầu Nghị viện liên hợp chấp nhận một công trái 25 triệu đô-la; khoản công trái đó đã được nghị viện chấp nhận bất chấp sự phản đối của đảng nhân dân.

Những hành động ấy của nội các làm cho đảng nhân dân, hay là đảng dân chủ, như đảng này giờ đây tự xưng là như vậy, phát triển nhanh chóng. Đảng này - một đảng được lãnh đạo bởi tầng lớp tiểu thủ công và tiểu thương, và hồi đầu cách mạng đã tập hợp được đại đa số công nhân dưới ngọn cờ của nó, - đòi có chế độ đầu phiếu trực tiếp và phổ thông như ở Pháp, một nghị viện lập pháp duy nhất và đòi hoàn toàn thừa nhận cuộc cách mạng ngày 18 tháng Ba là nền tảng của chính thể mới. Cánh ôn hòa nhất của đảng này lấy làm mãn nguyện với một chế độ quân chủ "dân chủ hóa" theo phương thức như vậy; bộ phận tiên tiến hơn thì đòi hỏi mục đích cuối cùng phải là thiết lập chế độ cộng hòa. Hai bộ phận ấy nhất trí với nhau ở một điểm là thừa nhận Quốc hội Đức ở Phran-phuốc là quyền lực tối cao của đất nước, trong khi bọn lập hiến và bọn phản động lại hết sức ghê sợ cái quyền tối cao của cơ quan ấy mà chúng xem là hết sức cách mạng.

Phong trào độc lập của giai cấp công nhân đã bị cuộc cách mạng làm cho ngừng lại một thời gian. Những nhu cầu và điều kiện trực tiếp của phong trào không cho phép đưa lên hàng đầu một yêu sách riêng biệt nào của đảng vô sản. Thực vậy, chừng nào mảnh đất hoạt động độc lập của giai cấp công nhân còn chưa được chuẩn bị, chừng nào quyền đầu phiếu trực tiếp và phổ thông chưa được thiết lập, chừng nào ba mươi sáu bang lớn nhỏ còn tiếp tục chia cắt nước Đức ra thành nhiều mảnh như cũ, thì đảng vô sản có thể làm được gì nếu không phải là noi theo phong trào của Pa-ri, một phong trào có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với nó, và cùng với giai cấp tiểu tư sản, chiến đấu để đoạt lấy những quyền khiến cho nó sau này có thể tiến hành cuộc chiến đấu riêng của nó?

Trong hoạt động chính trị của mình thì đảng vô sản lúc ấy khác với giai cấp tiểu thủ công và tiểu thương, hay đúng hơn là với đảng gọi là dân chủ, chủ yếu ở ba điểm. Thứ nhất là ở sự đánh giá của nó về phong trào Pháp: những người dân chủ công kích đảng cực đoan ở Pa-ri, còn những nhà cách mạng vô sản lại bênh đảng ấy. Thứ hai là ở chỗ những nhà cách mạng vô sản tuyên bố cần phải thiết lập một nước cộng hòa Đức thống nhất và không phân chia trong khi những phần tử cực đoan nhất trong phái dân chủ chỉ dám ước mong một nước cộng hòa liên bang. Thứ ba là ở Đức tính dũng cảm cách mạng và quyết tâm cách mạng trong hành động mà những nhà cách mạng vô sản đều chứng tỏ trong mọi trường hợp, đức tính mà những đảng do những người tiểu tư sản lãnh đạo và chủ yếu gồm những người tiểu tư sản, đều hoàn toàn không có.

Đảng vô sản, một đảng thực sự cách mạng, chỉ có thể dần dần làm cho quần chúng công nhân thoát khỏi ảnh hưởng của phái dân chủ mà buổi đầu của cách mạng, công nhân chỉ là một bộ phận phụ thuộc mà thôi. Nhưng đến một lúc nhất định, thái độ do dự, yếu đuối và hèn nhát của bọn cầm đầu đảng dân chủ sẽ hoàn thành việc ấy; và ngày nay có thể nói rằng một trong những kết quả quan trọng nhất của những biến động trong mấy năm gần đây là ở chỗ giai cấp công nhân, bất cứ ở đâu nó được tập trung thành một khối ít nhiều đông đảo, đều đã hoàn toàn thoát khỏi cái ảnh hưởng của phái dân chủ đã khiến cho nó phạm phải một loạt sai lầm và thất bại vào những năm 1848 và 1849. Nhưng tốt hơn là không nên nói trước: những sự biến của hai năm ấy sẽ cho chúng ta nhiều dịp để thấy các ngài trong phái dân chủ hành động trong thực tế như thế nào.

Cũng như nông dân áo, nông dân Phổ đã lợi dụng cuộc cách mạng để trút bỏ ngay tất cả những xiềng xích phong kiến, mặc dầu họ hành động kém kiên quyết hơn, vì nói chung họ bị chế độ phong kiến áp bức nhẹ hơn ở áo một chút. Nhưng ở đây, vì những lý do đã trình bày trên kia, giai cấp tư sản liền tức khắc quay lại chống nông dân, người bạn đồng minh lâu đời nhất và cần thiết nhất của nó; phái dân chủ, cũng như giai cấp tư sản, cũng sợ cái mà người ta gọi là xâm phạm đến quyền tư hữu, nên cũng không chịu ủng hộ nông dân; và như vậy là sau ba tháng được giải phóng, sau những trận chiến đấu đổ máu và những cuộc xử bắn của quân đội, đặc biệt là ở Xi-lê-di, chế độ phong kiến lại được phục hồi bởi chính bàn tay của giai cấp tư sản mới hôm qua còn chống phong kiến. Với việc làm đó, giai cấp tư sản đã tự lên án nó một cách gay gắt nhất. Trong lịch sử, chưa bao giờ có một đảng nào lại có hành động phản bội như vậy đối với người đồng minh tốt nhất của mình, đối với chính bản thân mình; và trong tương lai, dù đảng tư sản đó có bị sỉ nhục, bị trừng phạt như thế nào chăng nữa thì chỉ riêng hành động đó cũng đủ khiến cho nó đáng phải chịu như vậy rồi.

Luân Đôn. tháng Mười 1851

[Chương trước]   [Mục lục]   [Chương tiếp theo]