K.Marx - F.Enggels
Tiểu luận về chiến tranh


TIỂU LUẬN VỀ CHIẾN TRANH- XVIII

Đã đăng trên tờ "The Pall Mall Gazette" số 1744, ngày 15 tháng Chín 1870

Hình như vẫn còn có những quan niệm hoàn toàn không chính xác về các cuộc vây đánh đang được tiến hành ở Pháp. Một số đồng nghiệp báo giới của chúng tôi, như tờ "Times", nghiêng về ý kiến cho rằng tuy quân Đức hoạt động dã chiến thì tuyệt vời nhưng họ không giỏi vây đánh; một số khác cho rằng cuộc vây đánh Xtơ-ra-xbua được tiến hành nhằm mục đích chiếm lấy thành phố ít hơn là để thí nghiệm và để rèn luyện thực tế cho các công trình sự và các chuyên gia pháo binh Đức. Sở dĩ tất cả ý kiến như thế được đưa ra là vì Xtơ-ra-xbua cũng như Tun, Mét-xơ cũng như Phan-xbua cho tới nay đều chưa đầu hàng. Rõ ràng là người ta hoàn toàn quên mất rằng trong cuộc vây đánh cuối cùng được tiến hành trước cuộc chiến tranh này, cuộc vây đánh Xê-va-xtô-pôn, sau khi đã đào xong chiến hào còn phải mất 11 tháng nữa cứ điểm mới buộc phải đầu hàng.

Để sửa đổi những ý kiến non nớt như thế, những ý kiến mà chỉ những người không am hiểu về quân sự mới có thể truyền bá, cần nhắc để họ nhớ rằng vây đánh thực ra là gì. Tường của phần lớn các cứ điểm đều có xây ba-xti-ông, nghĩa là các góc của các cứ điểm đều có bộ phận nhô ra hình năm cạnh gọi là ba-xti-ông, dùng hỏa lực của nó yểm hộ cho khu vực trước các công sự cũng như con hào trực tiếp ở dưới chân các công sự ấy Trong hào ấy; cứ giữa hai ba-xti-ông lại có công sự hình ba góc độc lập gọi là ra-vơ-lanh yểm hộ cho một phần ba-xti-ông và cho cuốc-tin, tức là đoạn tường ở giữa hai ba-xti-ông ấy; ra-vơ-lanh có hào bao quanh. Phía ngoài của hào chính là một con đường có yểm trợ, tức là một con đường rộng được sự yểm hộ của đỉnh lũy tức là ụ bằng đất cao khoảng 7 phút, phía ngoài có dốc thoai thoải. Trong nhiều trường hợp, để tăng thêm khó khăn cho tấn công người ta còn làm thêm những công sự khác. Dưới chân tường của những công sự ấy đều có xây một lớp đá hoặc bảo vệ bằng hào chứa nước để không thể cường tập vào những công sự chưa bị phá hoại, những công sự ấy được bố trí sao cho công sự lớp trong khống chế lớp ngoài, nghĩa là ở cao hơn công sự lớp ngoài, còn công sự lớp ngoài lại khống chế khu vực xung quanh từ đỉnh tường của nó.

Để tấn công lại cứ điểm đó người ta vẫn còn dùng phương pháp do Vô-băng cải tiến mặc dầu pháo nòng có rãnh của bên bị vây có thể buộc bên bao vây cải tiến phương pháp ấy nếu như khu vực trước cứ điểm là một khoảng rộng hoàn toàn bằng phẳng. Nhưng, vì hầu hết tất cả những cứ điểm ấy đều xây dựng trong thời kỳ mà pháo nòng trơn chiếm địa vị thống trị, nên khu vực công sự xa hơn 800 i-ác-đơ thường không được tính đến và hầu như bao giờ bên bao vây cũng có thể hành quân kín đáo ở cự ly ấy không cần đào chiến hào chính quy. Do đó trước hết cần bao vây cứ điểm, đánh bật đơn vị cảnh giới và những đơn vị khác của nó, trinh sát công sự, đưa pháo công thành, đạn dược và các chiến cụ khác đến, lập kho tàng. Trong cuộc chiến tranh này, cuộc bắn phá đầu tiên bằng pháo dã chiến cũng thuộc vào thời kỳ chuẩn bị, thời kỳ này có thể kéo dài nhiều thời gian. Cuộc bao vây lỏng Xtơ-ra-xbua bắt đầu ngày 10 tháng Tám, cuộc bao vây chặt bắt đầu khoảng ngày 20, từ 23 đến 28 Xtơ-ra-xbua đã bị bắn pháo nhưng chỉ đến ngày 29 cuộc bao vây chính quy mới bắt đầu. Cuộc vây đánh chính quy được coi là bắt đầu từ lúc đào hào song song đầu tiên, nghĩa là chiến hào mà đất đào ra được đắp về phía cứ điểm để che dấu và bảo vệ những người đi lại trong hào. Hào song song đầu tiên này thường bao quanh công sự của cứ điểm ớ cự ly 600 đến 700 i-ác-đơ. Trong hào đặt các đại đội pháo bắn dọc; chúng được bố trí trên tuyến kéo dài của các chính diện, nghĩa là của phía tường mà hỏa lực khống chế khu vực nằm phía trước; cái đó là để đối phó với toàn bộ bộ phận sẽ bị tấn công của cứ điểm. Nhiệm vụ của những đơn vị pháo ấy là bắn dọc theo các chính diện kể trên, bằng cách đó tiêu diệt pháo và pháo thủ ở đó Muốn thế cần ít ra 20 đơn vị pháo có 2 hoặc 3 khẩu, cả thảy chừng 50 khẩu trọng pháo. Ở hào song song thứ nhất cũng thường đặt một số cối để bắn phá thành phố hoặc kho của quân đồn trú có trang bị phòng đạn pháo; khi có pháo hiện đại thì cối chỉ cần cho mục tiêu thứ hai, đối với mục tiêu thứ nhất thì hiện nay pháo nòng có rãnh là đủ rồi.

Từ hào song song thứ nhất người ta đào về phía trước những hào tiếp cận theo một tuyến mà kéo dài ra sẽ không chạy ngang qua công sự nào để không một công sự nào có thể bắn hỏa lực dọc vào nó; hào tiếp cận sẽ đào lên phía trước theo chữ chi cho đến khi cách công sự chừng 850 i-ác-đơ, ở đây sẽ đào hào song song thứ hai, đó là chiến hào giống hào song song thứ nhất nhưng ngắn hơn. Thông thường hào này đào vào đêm thứ tư hoặc thứ năm sau khi bắt đầu đào chiến hào. Ở hào song song thứ hai người ta đặt những đại đội pháo phản pháo, cứ trước mỗi chính diện bị tấn công, và hầu như song song với chính diện đó, đặt một đại đội; những đại đội pháo ấy có nhiệm vụ tiêu diệt pháo và phá hủy tường cứ điểm thẳng phía trước nó cũng như cùng với các đại đội pháo bắn dọc hình thành hỏa lực đan chéo. Các đơn vị pháo phản pháo cần tất cả chừng 60 khẩu pháo cỡ lớn. Tiếp đó bên bao vây lại tiến về phía trước, đào chiến hào chữ chi mới ngày càng ngắn hơn và gần nhau hơn khi càng gần cứ điểm. Cách công sự chừng 150 i-ác-đơ người ta đào hào nửa song song cho các đơn vị cối và ở dưới chân gla-xi cách công sự chừng 60 i-ác-đơ người ta đào hào song song thứ ba, trong đó cũng đặt các đơn vị cối. Việc này có thể kết thúc vào đêm thứ chín hoặc thứ mười kể từ khi bắt đầu đào chiến hào.

Ở cự ly gần công sự như vậy, nhưng khó khăn thực sự đã bắt đầu Lúc đó, hỏa lực pháo của bên bị vây, về mặt khống chế khu vực trống trải, thì hầu như đã bị đè bẹp, nhưng hỏa lực súng trường bấn từ tường cứ điểm trở thành có hiệu lực hơn bao giờ hết; nó sẽ làm chậm trễ một cách nghiêm trọng công việc trong chiến hào. Hào tiếp cận bây giờ phải đào hết sức thận trọng theo một kế hoạch khác mà chúng tôi không thể trình bày tỉ mỉ ở đây. Đêm thứ mười một, bên bao vây có thể tiến đến các góc nhô ra của đường có che kín, trực diện với bộ phận nhô ra của các ba-xti-ông và các ra-vơ-lanh; còn ngày thứ mười sáu, họ có thể hoàn thành việc đào hào bọc gla-xi, nghĩa là đào chiến hào ở bên kia đỉnh gla-xi, ven theo gla-xi, song song với đường có che kín. Chỉ bấy giờ, họ mới có thể đặt pháo để phá hủy lớp bao bằng đá của tường để bảo đảm cho quân lính vượt hào vào cứ điểm và làm câm họng những khẩu pháo bên sườn ba-xti-ông bắn dọc theo hào và cản trở việc vượt hào. Những sườn ấy của ba-xti-ông có thể bị phá hủy và pháo của nó có thể bị tiêu diệt vào ngày thứ mười bảy, bấy giờ mới có thể mở được đột phá khẩu. Đêm hôm sau có thể xuống đến hào và xây dựng xong đường đi có che kín qua hào để bảo vệ đơn vị xung phong khỏi bị hỏa lực bên sườn và cuộc tấn công xung phong có thể bắt đầu.

Trong bài khảo cứu đại cương này, chúng tôi thử điểm qua quá trình vây đánh một trong những kiểu cứ điểm yếu nhất và giản đơn nhất (thành sáu góc kiểu Vô-băng) và xác định thời gian cần thiết cho các giai đoạn khác nhau của cuộc vây đánh nếu như cuộc vây đánh không bị những cuộc xuất kích thành công phá vỡ và trong điều kiện bên phòng ngự không biểu lộ tính tích cực đặc biệt và tinh thần dũng cảm và không có phương tiện gì đặc biệt. Nhưng như chúng ta đã thấy, ngay trong tình hình có lợi như vậy cũng cần ít ra 17 ngày đêm mới có thể mở được đột phá khẩu ở tường chính của cứ điểm và, do đó, mở đường cho cuộc xung phong vào cứ điểm. Khi đủ binh lực và được cung cấp tốt, quân đồn trú không có lý do nào về quân sự buộc họ đầu hàng trước thời hạn đó; xét theo quan điểm quân sự đơn thuần, nghĩa vụ bình thường của bên bị vây là giữ vững ít nhất là trong thời hạn ấy. Nhưng có một số người tỏ ý không hài lòng là Xtơ-ra-xbua còn chưa bị hạ, mà Xtơ-ra-xbua mới chịu đựng cuộc vây đánh chính quy có 14 ngày đêm và có công sự ngoại vi ở phía chính diện bị tiến công khiến nó có thể giữ vững lâu hơn ít ra là 5 ngày đêm so với thời hạn trung bình. Họ không hài lòng về chỗ Mét-xơ, Tun và Phan-xbua vẫn chưa đầu hàng. Thế nhưng chúng ta còn chưa rõ chiến hào vây đánh Tun đã đào chưa dù chỉ là một tuyến thôi, còn về các cứ điểm khác thì chúng ta biết rằng chúng hoàn toàn chưa bị vây đánh chính quy. Còn về Mét-xơ thì hình như lúc này người ta không có ý định vây đánh chính quy cứ điểm đó; rõ ràng là phương pháp hữu hiệu nhất để chiếm Mét-xơ là làm cho đạo quân của Ba-den kiệt sức mà phải đầu hàng. Những cây bút sốt ruột ấy cần biết rằng rất ít có những viên chỉ huy cứ điểm đầu hàng đội trinh sát gồm 4 lính thương kỵ hoặc ngay dù dưới tác động của pháo kích nếu họ còn trong tay quân đồn trú tương đối đầy đủ và dự trữ cần thiết. Nếu như Stết-tin năm 1807 đã đầu hàng trung đoàn ky binh, nếu các cứ điểm biên giới của Pháp năm 1815 đã đầu hàng sau một cuộc bán pháo ngắn, thậm chí vì sợ bị bắn pháo, thì chúng ta chớ nên quên rằng Vuếc-thơ và Spi-khéc-nơ gộp lại cũng không bằng I-ê-na hoặc Oa-téc-lô, vả chăng sẽ vô lý nếu nghi ngờ điều này; trong quân đội Pháp có nhiều sĩ quan có thể chống được vây đánh chính quy ngay dù với quân phòng thủ gồm quân cảnh vệ lưu động.


[Chương trước]   [Mục lục]   [Chương tiếp theo]