Các Mác
Đấu tranh giai cấp ở Pháp 1848 - 1850


Ngày 13 tháng sáu 1849


Ngày 25 tháng Hai 1848 mang chế độ cộng hòa lại cho nước Pháp, ngày 25 tháng Sáu cưỡng bức nước Pháp phải nhận cuộc cách mạng. Và sau tháng Sáu thì cách mạng có nghĩa là:lật đổ xã hội tư sản, còn trước tháng Hai thì cách mạng có nghĩa là: lật đổ hình thức nhà nước.

Cuộc chiến đấu hồi tháng Sáu là do phái cộng hòa của giai cấp tư sản lãnh đạo và cùng thắng lợi, tất nhiên là chính quyền nhà nước là thuộc về phái đó. Việc thiết quân luật đã khiến Pa-ri phải quỳ gối trước phái đó mà không kháng cự lại được chút nào, còn tại các tỉnh thì chiếm ưu thế là một trạng thái thiết quân luật về mặt tinh thần, sự ngạo nghễ của bọn tư sản về cái thắng lợi đầy tính thô bạo đáng ghê sợ và sự ưa thích điên cuồng của nông dân đối với chế độ tư hữu. Như vậy là không có sự nguy hiểm nào từ bên dưới cả!

Lực lượng cách mạng của công nhân sụp đổ thì đồng thời cũng sụp đổ luôn cả ảnh hưởng chính trị của những người cộng hòa dân chủ, tức là những người cộng hòa tiểu tư sản mà đại biểu trong Uỷ ban chấp hành là Lơ-đruy-Rô-lanh, còn trong Quốc hội lập hiến là phái Núi, và trong báo chí là tờ "Réforme"[1]. Ngày 16 tháng Tư, phái cộng hòa dân chủ ấy đã cùng với phái cộng hòa tư sản âm mưu chống lại giai cấp vô sản, và trong những ngày tháng sáu, bọn chúng đã chiến đấu sát cánh với nhau. Như vậy là chính bản thân họ đã phá tan cái cơ sở trên đó đảng của họ đã trở thành một lực lượng, vì giai cấp tiểu tư sản chỉ có thể giữ được một lập trường cách mạng chống lại giai cấp tư sản chừng nào có giai cấp vô sản đứng sau nó. Phái cộng hòa dân chủ đã bị gạt bỏ. Sự liên minh giả tạo, được miễn cưỡng ký kết với họ một cách có ẩn ý trong thời kỳ của chính phủ lâm thời và Uỷ ban chấp hành, thì nay đã bị phái cộng hòa tư sản xóa bỏ một cách công khai. Là những người đồng minh bị khinh rẻ và ruồng bỏ, phái cộng hòa dân chủ đã tụt xuống hàng tôi tớ của bọn cộng hòa tam tài, họ đã không thể giành được một sự nhượng bộ nào từ tay bọn chúng mà còn buộc phải ủng hộ sự thống trị của bọn chúng mỗi khi sự thống trị đó và cùng với nó là nền cộng hòa, bị đe dọa bởi những phe phái chống lại nền cộng hòa trong giai cấp tư sản. Rút cục là ngay từ đầu, những phe phái này, tức là phái Oóc-lê-ăng và phái chính thống, là thiểu số trong Quốc hội lập hiến. Trước những ngày tháng Sáu, bản thân các phe phái đó chỉ dám xuất đầu lộ diện dưới cái chiêu bài chủ nghĩa cộng hòa tư sản thôi; thắng lợi hồi tháng Sáu, có một lúc, đã khiến cả nước Pháp tư sản tập hợp xung quanh Ca-ve-nhắc và chào mừng Ca-ve-nhắc như vị cứu tinh của mình, và khi ít lâu sau những ngày tháng Sáu, phái chống cộng hòa đã xuất hiện trở lại một cách độc lập, thì chế độ độc tài quân sự và tình trạng thiết quân luật ở Pa-ri chỉ cho phép phái này giơ bộ vòi của nó ra một cách rất dè dặt và hết sức thận trọng.

Từ năm 1830, phái cộng hòa tư sản, mà đại biểu là những nhà văn, những diễn giả, "những nhân vật có tài năng, và những kẻ có tham vọng mưu cầu danh lợi, những nghị sĩ , tướng tá, chủ ngân hàng và luật sư, đã tụ tập lại chung quanh một tờ báo xuất bản ở Pa-ri, tờ "National". Tờ báo này có đặt chi nhánh ở các tỉnh. Cái nhóm "National", đó chính là triều đại của nền cộng hòa tam tài. Nhóm đó lập tức chiếm ngay lấy tất cả các chức vị nhà nước, các bộ, cục cảnh sát, tổng cục bưu điện, các quận trưởng, các chức vị cao trong quân đội đang thiếu người đảm nhiệm. Đứng đầu quyền hành chính là viên tướng của nhóm đó, Ca-ve-nhắc; Ma-ra-xtơ, tổng biên tập của tờ báo, trở thành chủ tịch thường trực của Quốc hội lập hiến. Đồng thời, trong những phòng khách của hắn, hắn đã nhân danh nền cộng hòa "chân chính" để tiếp khách, hệt như một người phụ trách lễ tân vậy.

Ngay cả những nhà văn cách mạng Pháp do cái gọi là tinh thần sùng bái truyền thống cộng hòa, đã lưu truyền ý kiến sai lầm cho rằng phái bảo hoàng đã thống trị trong Quốc hội lập hiến. Trái lại, sau những ngày tháng Sáu, Quốc hội lập hiến vẫn hoàn toàn chỉ đại biểu cho chủ nghĩa cộng hòa tư sản, và ảnh hưởng của phái cộng hòa tam tài ở ngoài Quốc hội mà càng suy sụp thì khía cạnh đó của Quốc hội lập hiến biểu lộ ra càng kiên quyết. Khi có vấn đề là bảo vệ cái hình thức của chế độ cộng hòa tư sản thì Quốc hội có được những lá phiếu của phái cộng hòa dân chủ, khi nêu ra vấn đề là bảo vệ nội dung của chế độ cộng hòa đó thì ngay cả luận điệu của Quốc hội cũng không khác gì luận điệu của những phái tư sản bảo hoàng, vì chính những lợi ích của giai cấp tư sản, những điều kiện vật chất của sự thống trị của giai cấp đó và của sự bóc lột giai cấp của giai cấp đó, là nội dung của chế độ cộng hòa tư sản.

Như vậy không phải là chủ nghĩa bảo hoàng, mà chính chủ nghĩa cộng hòa tư sản đã được thể hiện trong đời sống và trong những hành vi của Quốc hội lập hiến ấy, cái Quốc hội, rút cục lại không phải sẽ chết đi hay sẽ bị giết, mà sẽ thối rữa ra.

Trong suốt thời gian Quốc hội lập hiến thống trị, khi nó trình diễn vở kịch ở tiền sân khấu cho đám công chúng tai to mặt lớn xem thì ở hậu trường lại diễn ra một cuộc lễ tế thần không ngừng - đó là những bản kết án liên tiếp, theo quân luật, những người tham gia khởi nghĩa hồi tháng Sáu đã bị cầm tù, hoặc những cuộc phát vãng không xét xử đối với họ. Quốc hội lập hiến đã thật thà thú nhận rằng những người tham gia khởi nghĩa hồi tháng Sáu không phải là những người phạm tội mà Quốc hội xét xử, mà là những kẻ thù mà Quốc hội tiêu diệt.

Hành động đầu tiên của Quốc hội lập hiến là thành lập một ủy ban điều tra những sự biến xảy ra hồi tháng Sáu và ngày 15 tháng Năm, và sự tham gia của những lãnh tụ các đảng xã hội chủ nghĩa và dân chủ trong những ngày đó. Cuộc điều tra nhằm trực tiếp vào Lu-i Blăng, Lơ-đruy-Rô-lanh và Cô-si-đi-e. Phái cộng hòa tư sản nóng lòng muốn loại bỏ những địch thủ này. Chúng không thể giao phó việc thực hiện phục thù của chúng cho một người nào khác có đủ tư cách hơn là ngài ô-đi-lông Ba-rô, cựu lãnh tụ của phe đối lập của vương triều, hiện thân của chủ nghĩa tự do, một nullité grave[2], một kẻ nói suông thâm căn cố đế, hắn không phải chỉ trả thù cho một triều vua mà thậm chí còn muốn thanh toán cả với những người cách mạng đã làm hắn hụt mất chức thủ tướng nội các. Đó là điều bảo đảm chắc chắn rằng hắn hành động thẳng tay! Vì vậy, chính tên Ba-rô này đã được chỉ định làm chủ tịch ủy ban điều tra, và để chống lại cuộc cách mạng tháng Hai, hắn đã dựng đứng lên cả một hồ sơ đầy đủ về vụ án, có thể tóm tắt lại như sau: l7 tháng Ba - biểu tình; 16 tháng Tư - âm mưu làm loạn; 15 tháng Năm - mưu sát; 23 tháng Sáu - nội chiến! Tại sao hắn không mở rộng cuộc điều tra uyên bác về hình pháp học của hắn ngược lên tận ngày 24 tháng Hai? Tờ "Journal des Débats " trả lời[3]: ngày 24 tháng Hai giống như ngày thành lập La Mã. Nguồn gốc các nhà nước biến mất tăm trong các chuyện thần thoại mà người ta phải tin chứ không được bàn cãi gì cả. Lu-i Blăng và Cô-si-đi-e bị đem nộp cho toà án. Quốc hội hoàn thành công việc thanh trừng nội bộ của mình, công việc mà nó đã bắt đầu tiến hành từ ngày 15 tháng Năm.

Dự án đánh thuế vào tư bản do chính phủ lâm thời đề ra, và được Gút-sô nêu lại - dưới hình thức một thứ thuế về cầm cố - đã bị Quốc hội lập hiến bác bỏ; đạo luật hạn chế ngày làm việc xuống còn 10 giờ bị thủ tiêu; chế độ bỏ tù vì nợ được ban hành trở lại; đa số nhân dân Pháp, bộ phận không biết đọc, biết viết, bị tước bỏ tư cách tham gia tòa án bồi thẩm. Tại sao không tước luôn cả quyền bầu cử của họ đi cho rồi? Chế độ ký quỹ đối với báo chí được phục hồi, quyền lập hội bị thu hẹp lại.

Nhưng trong khi nôn nóng muốn phục hồi những đảm bảo cũ cho những quan hệ tư sản cũ và muốn xóa bỏ tất cả các dấu vết do những làn sóng cách mạng để lại, phái cộng hòa tư sản đã vấp phải một sự phản kháng có thể dẫn tới một nguy cơ bất ngờ.

Trong những ngày tháng Sáu, không ai đấu tranh cuồng nhiệt hơn để cứu vãn quyền sở hữu tài sản và phục hồi tín dụng bằng những người tiểu tư sản Pa-ri, những chủ tiệm cà-phê, chủ tiệm ăn, marehands de vin[4],tiểu thương, chủ tiệm buôn nhỏ, thợ thủ công, v.v.. Tập trung tất cả lực lượng của mình lại, tiệm buôn nhỏ liền tấn công vào lũy chướng ngại để khôi phục lại giao thông từ đường phố đến tiệm buôn. Nhưng đằng sau lũy chướng ngại là những khách hàng và những con nợ, trước mặt các lũy chướng ngại là những chủ nợ của cửa hiệu. Và khi các lũy chướng ngại đã bị phá hủy và công nhân bị đè bẹp, khi những chủ tiệm buôn nhỏ, say sưa vì thắng lợi, chạy ùa trở về các cửa hiệu của mình, thì họ liền thấy lối vào bị chặn lại bởi một vị cứu tinh của quyền sở hữu tài sản, một nhân viên chính thức của sở tín dụng đưa cho họ những giấy tờ đáng sợ: kỳ phiếu đã quá hạn! Tiền thuê nhà đã quá hạn trả! Giấy nợ đã quá hạn trả! Cửa hiệu tiêu ma! Chủ hiệu cũng hết đời!

Cứu vãn quyền sở hữu tài sản! Nhưng ngôi nhà họ ở, đâu có phải là tài sản của họ; cửa hàng mà họ trông nom đâu có phải là tài sản của họ; hàng hóa mà họ bán ra đâu phải là tài sản của họ. Cả cửa hiệu của họ, cả cái đĩa họ dùng để ăn, cả cái giường họ nằm đều không thuộc về họ nữa. Chính là để chống lại họ thì mới cần cứu vãn quyền sở hữu tài sản đó, - vì lợi ích của người chủ đã cho thuê nhà, của tên chủ ngân hàng đã chiết khấu kỳ phiếu, của tên tư bản đã ứng trước tiền mặt, của người chủ xưởng đã giao hàng hóa cho những người chủ hiệu để bán, của người buôn sỉ đã bán chịu nguyên liệu cho những người thợ thủ công ấy. Phục hồi lại tín dụng! Nhưng khi đã được củng cố, tín dụng biểu hiện ra thành một ông thần tích cực và đầy nhiệt tình, chính là bằng cách ném người vay nợ không trả được nợ, cùng với vợ con họ ra khỏi nhà họ, giao cái được mệnh danh là tài sản của họ cho tư bản, và tống luôn bản thân họ vào cái nhà tù giam con nợ, nó đã đứng sừng sững, dọa dẫm, trên xác chết của những người tham gia cuộc khởi nghĩa tháng Sáu.

Những người tiểu tư sản kinh hãi nhận ra rằng họ đánh giai cấp công nhân, như thế là họ đã tự nộp mình cho bọn chủ nợ mà không hề chống cự lại. Sự phá sản của họ kéo dài, như một bệnh mãn tính, từ tháng Hai và có vẻ như không được ai biết tới, thì giờ đây đã được chính thức công bố sau tháng Sáu.

Người ta chỉ để cho cái tài sản trên danh nghĩa của họ được yên ổn trong thời gian mà, vì tài sản, người ta cần ném họ ra bãi chiến trường. Bây giờ, người ta đã giải quyết xong câu chuyện lớn với giai cấp vô sản rồi thì người ta cũng lại có thể thanh toán món nợ nhỏ đối với anh chủ hiệu tạp hóa. ở Pa-ri, tổng giá trị những kỳ phiếu quá hạn lên tới trên 21 triệu phrăng, tại các tỉnh thì lên tới trên 11 triệu phrăng. Từ tháng Hai đến nay, hơn 7000 chủ hiệu buôn ở Pa-ri đã không trả tiền thuê nhà.

Nếu Quốc hội đi mở cuộc điều tra về vụ phạm tội chính trị, kể từ tháng Hai trở đi thì về phía mình, những người tiểu tư sản, bây giờ đây, cũng đòi mở cuộc điều tra về những món nợ dân sự, kể từ ngày 24 tháng Hai trở về trước. Họ tụ tập đông đảo trong phòng lớn của sở giao dịch và họ yêu cầu, với một thái độ hăm dọa, rằng nhà buôn nào có thể chứng minh là mình vỡ nợ chỉ vì cuộc cách mạng đã làm cho công việc kinh doanh bị ngừng lại, và việc buôn bán của mình đã tiến hành tốt trước ngày 24 tháng Hai, thì được kéo dài thời hạn thanh toán ra bằng một quyết định của tòa án thương mại, còn các chủ nợ thì buộc phải xóa bỏ những khoản cho vay của họ với điều kiện được trả một lãi suất vừa phải. Vấn đề này được đưa ra thảo luận ở Quốc hội như một dự luật và dưới hình thức dự luật về những concordats à laniable"[5]. Quốc hội đang còn do dự thì bỗng nhiên được tin rằng ngay lúc đó, ở cửa ô Xanh-Đơ-ni, hàng nghìn vợ con của những người tham gia khởi nghĩa đang chuẩn bị một kiến nghị xin ân xá.

Đứng trước cái bóng ma hồi sinh của tháng Sáu, phái tiểu tư sản đâm run sợ, và Quốc hội lại trở lại quyết liệt như trước kia.

Những concordats à l'amiable - những hợp đồng thỏa thuận giữa đôi bên - giữa người chủ nợ và con nợ đều bị bác bỏ trên những điều khoản chủ yếu.

Trong khi đó thì ở trong Quốc hội, những đại biểu dân chủ của giai cấp tiểu tư sản đã từ lâu bị các đại biểu cộng hòa của giai cấp tư sản đẩy lùi cho nên sự phân biệt đó trong nghị viện đã có một ý nghĩa kinh tế thực sự tư sản ở chỗ là những người tiểu tư sản mắc nợ đều bị đem nộp cho bọn tư sản chủ nợ. Phần lớn những người tiểu tư sản mắc nợ đều hoàn toàn phá sản, số còn lại chỉ được phép tiếp tục buôn bán với những điều kiện khiến họ biến thành những nô lệ hoàn toàn thuộc quyền chi phối của tư bản. Ngày 22 tháng Tám 1848, Quốc hội bác bỏ những concordats à l'amiable; ngày 19 tháng Chín 1848, ngay giữa lúc thiết quân luật hoàng thân Lu-i Bô-na-pác-tơ và người đảng viên cộng sản Ra-xpai bị giam tại Vanh-xen-nơ lại được bầu làm đại biểu thành phố Pa-ri. Còn giai cấp tư sản thì bầu Phun-đơ, tên chủ ngân hàng người Do Thái, thuộc phái Oóc-lê-ăng. Như vậy là cùng một lúc từ mọi phía, người ta đều tuyên chiến công khai với Quốc hội lập hiến, với chủ nghĩa cộng hòa tư sản, với Ca-ve-nhắc.

Không cần phải giải thích dài dòng cũng thấy rõ rằng sự phá sản hàng loạt của những người tiểu tư sản Pa-ri đã có ảnh hưởng lan rộng cả ra ngoài phạm vi những người bị thiệt hại trực tiếp, và tất nhiên là sự phá sản đó làm rung chuyển một lần nữa việc lưu thông hàng hóa tư sản, đồng thời ngân sách quốc gia đã bị thiếu hụt, lại càng thiếu hụt thêm một lần nữa vì những tổn phí do cuộc khởi nghĩa hồi tháng Sáu gây ra, và vì thu nhập của nhà nước giảm sút không ngừng do sản xuất bị đình trệ, do tiêu dùng bị giảm bớt và việc nhập cảng bị thu hẹp lại. Ca-ve-nhắc và Quốc hội không biết xoay cách nào hơn là lại đi vay, thành thử họ lại càng bị đè nặng hơn dưới cái ách của bọn quý tộc tài chính.

Nếu đối với những người tiểu tư sản, kết quả của thắng lợi hồi tháng Sáu là sự phá sản và sự bán đấu giá thì ngược lại, đối với những tên lính bộ hạ của Ca-ve-nhắc, đội cận vệ lưu động phần thưởng của chúng là những cánh tay êm dịu của các cô gái điếm, còn những "vị cứu tinh trẻ tuổi của xã hội" thì được tiếp đãi với đủ mọi loại lễ nghi long trọng trong những phòng khách của Ma-ra-xtơ tên hiệp sĩ của ngọn cờ tam tài, hắn vừa đóng vai chủ tiệc, lại vừa đóng vai kẻ hát rong của chính thể cộng hòa "chân thực". Tuy nhiên, những sự ưu đãi ấy của xã hội đối với đội quân lưu động và tiền lương hết sức cao của bọn này đã làm cho quân đội phẫn nộ; đồng thời cũng tiêu tan tất cả các ảo tưởng dân tộc mà dưới thời Lu-i Phi-líp phái cộng hòa tư sản, thông qua tờ "National" của mình, đã tranh thủ được một bộ phận quân đội và một bộ phận nông dân. Vai trò trọng tài mà Ca-ve-nhắc và Quốc hội đã giữ ở miền Bắc nước I-ta-li-a để đem nộp miền này cho nước áo với sự đồng ý của Anh, - chỉ một ngày chấp chính ấy đã xóa sạch mười tám năm đối lập của tờ "National". Không có chính phủ nào lại kém tinh thần dân tộc như chính phủ của nhóm báo "National", không có chính phủ nào lại phụ thuộc nhiều vào nước Anh đến như vậy, thế mà dưới thời Lu-i Phi-líp, báo "National" đã sinh sống bằng cách lắp đi lắp lại hằng ngày câu châm ngôn của Ca-tôn: Carthaginem esse delendam[6]; không có chính phủ nào lại tỏ ra phục tùng Liên minh thần thánh đến như vậy, trong khi báo "National" đã yêu cầu một Ghi-dô nào đó hủy bỏ những điều ước Viên. Lịch sử trớ trêu đã đưa Ba-xti-đơ, cựu biên tập viên trong ban đối ngoại của báo "National", lên làm bộ trưởng bộ ngoại giao của nước Pháp để hắn bác bỏ từng bài báo của hắn bằng từng bức thông điệp của hắn.

Có một lúc, quân đội và nông dân tưởng rằng nền độc tài quân sự sẽ đồng thời đưa vào chương trình nghị sự của nước Pháp một cuộc chiến tranh với nước ngoài và "niềm vinh quang". Nhưng Ca-ve-nhắc không phải là nền độc tài của lưỡi kiếm đối với xã hội tư sản, mà nền chuyên chính tư sản được thực hiện bằng lưỡi kiếm. Trong lúc này thì đối với hắn, quân đội chỉ dùng làm hiến binh thôi. Dưới cái vẻ nghiêm trang của một thái độ chịu đựng của phái cộng hòa cũ, Ca-ve-nhắc đã giấu kín sự phục tùng một cách hèn hạ những điều kiện nhục nhã của cái chức tước tư sản của hắn. L'argent n'a pas de maltre! Tiền không có chủ. Nói chung giống như Quốc hội lập hiến, hắn lý tưởng hóa câu cách ngôn cũ đó của đẳng cấp thứ ba bằng cách chuyển nó thành ngôn ngữ chính trị: giai cấp tư sản không có vua, hình thức thống trị thực sự của giai cấp đó là chế độ cộng hòa.

Dựng lên hình thức ấy, đẻ ra một bản hiến pháp cộng hòa đó là cái "sự nghiệp lớn lao về mặt tổ chức" của Quốc hội lập hiến. Đổi cái tên lịch Cơ Đốc giáo thành cái tên lịch cộng hòa, thay thánh Bác-thê-lê-mi bằng thánh Rô-be-xpi-e, thì cũng chẳng làm cho thời tiết thay đổi gì cả, cũng giống như bản hiến pháp ấy chẳng làm thay đổi và cũng không thể làm thay đổi được xã hội tư sản. Khi hiến pháp ấy vượt ra ngoài phạm vi sự thay đổi trang phục thì như thế là để xác nhận những sự việc hiện có. Chính vì thế mà nó đã ghi sổ một cách long trọng việc thành lập nước cộng hòa, việc ban hành chế độ phổ thông đầu phiếu, việc thiết lập một quốc hội tối cao duy nhất thay cho hai viện lập hiến với quyền hành có hạn. Chính vì thế mà nó đã ghi sổ và hợp pháp hóa nền độc tài của Ca-ve-nhắc bằng cách thay thế cái vương quyền thế tập; vĩnh viễn, vô trách nhiệm, bằng một vương quyền do dân bầu ra, có tính chất tạm thời có trách nhiệm, nghĩa là bằng chế độ tổng thống với nhiệm kỳ bốn năm. Chính vì thế mà nó đi đến chỗ đề lên thành đạo luât cơ bản, những đặc quyền mà sau những sự kiện khủng khiếp xảy ra ngày l5 tháng Năm và 25 tháng Sáu, Quốc hội, do phòng xa, đã trao cho vị chủ tịch của nó, vì sự an toàn của bản thân Quốc hội. Phần còn lại của hiến pháp chỉ là những thuật ngữ mà thôi. Người ta bóc những nhãn hiệu bảo hoàng trên các bộ máy của nền quân chủ cũ, rồi dán vào đó những nhãn hiệu cộng hòa. Ma-ra-xtơ trước đây là tổng biển tập của tờ "National", từ nay đã trở thành tổng biên tập của hiến pháp, và đã hoàn thành nhiệm vụ mang tính chất kinh viện đó một cách không phải là không tài tình.

Quốc hội lập hiến giống như một công chức nọ ở Chi-nê, anh này muốn củng cố những quan hệ sở hữu ruộng đất bằng cách phân định ranh giới đất đai ngay giữa lúc mà tiếng rung chuyển trong lòng đất đã báo hiệu rằng núi lửa sắp nổ ra và sẽ làm bắn tung ngay cả mảnh đất dưới chân anh ta. Trong khi về mặt lý luận, Quốc hội lập hiến vạch ra một cách chặt chẽ những hình thức thống trị theo kiểu cộng hòa cho giai cấp tư sản thì trong thực tế, Quốc hội đó chỉ đứng vững được bằng cách xóa bỏ tất cả các công thức, bằng bạo lực sans phrase[7], bằng tình trạng thiết quân luật. Hai ngày trước khi bắt đầu thảo ra hiến pháp, Quốc hội tuyên bố kéo dài tình trạng thiết quân luật. Trước đây, thường thường người ta thảo ra và phê chuẩn những bản hiến pháp khi quá trình cải biến xã hội đã tiến tới chỗ ổn định, khi những quan hệ mới giữa các giai cấp đã được củng cố, khi những phái đối lập với nhau trong giai cấp cầm quyền đã đi đến một sự thỏa hiệp cho phép những phái đó tiếp tục đấu tranh với nhau nhưng đồng thời lại gạt được quần chúng nhân dân đã bị kiệt sức ra khỏi cuộc đấu tranh ấy. Trái lại, hiến pháp này không thừa nhận một cuộc cách mạng xã hội nào. Nó thừa nhận thắng lợi tạm thời của xã hội cũ đối với cách mạng.

Trong bản dự án thứ nhất của hiến pháp, được thảo ra trước những ngày tháng Sáu, người ta còn thấy đề cập đến "droit au trvail", quyền được lao động, cái công thức vụng về đầu tiên trong đó khái quát những yêu sách cách mạng của giai cấp vô sản. Người ta đem đổi nó thành droit à l'assistance[8], quyền được cứu tế xã hội, nhưng thử hỏi có nhà nước hiện đại nào mà lại không nuôi những kẻ bần cùng của nó bằng cách này hay cách khác! Quyền được lao động, theo ý nghĩa tư sản, là một điều vô nghĩa, một ước mong hão huyền, đáng thương hại, nhưng thực ra thì cái hận đằng sau quyền được lao động là quyền khống chế đối với tư bản, cái đằng sau quyền khống chế đối với tư bản là việc chiếm hữu những tư liệu sản xuất, việc đặt những tư liệu sản xuất đó dưới sự chi phối của giai cấp công nhân đã liên hiệp lại, nghĩa là việc xóa bỏ lao động làm thuê, xóa bỏ tư bản và những quan hệ qua lại giữa lao động làm thuê và tư bản. Đứng đằng sau "quyền được lao động" là cuộc khởi nghĩa tháng Sáu. Thực ra, cái Quốc hội lập hiến đã đặt giai cấp vô sản cách mạng hors la loi, ra ngoài vòng pháp luật, thì về nguyên tắc, buộc phải loại một công thức của giai cấp vô sản ra khỏi hiến pháp, tức là ra khỏi đạo luật của các luật, phải nguyền rủa cái "quyền được lao động". Nhưng nó không dừng lại ở đây. Chẳng khác gì Pla-tôn trục xuất các thi sĩ ra khỏi nước cộng hòa của ông ta, Quốc hội lập hiến cũng đã vĩnh viễn gạt bỏ thuế luỹ tiến ra khỏi nước cộng hòa của mình. Thế nhưng, thuế lũy tiến không chỉ là một biện pháp tư sản ít hay nhiều có thể thực hiện được trong phạm vi những quan hệ sản xuất hiện tại, mà hơn nữa, nó còn là thủ đoạn duy nhất để buộc chặt những tầng lớp trung đẳng của xã hội tư sản vào nền cộng hoà "chân chính", để giảm bớt những món nợ quốc gia và để giáng trả cái đa số chống lại nền cộng hoà trong giai cấp tư sản.

Vào dịp những concordats à l'amiable, những người cộng hòa tam tài đã thực sự hy sinh giai cấp tiểu tư sản cho bọn đại tư sản. Chúng đã nâng sự kiện cá biệt này lên thành một nguyên tắc bằng cách dùng luật pháp để cấm đánh thuế lũy tiến. Chúng coi cải cách tư sản và cách mạng vô sản là như nhau. Vậy thì còn lại giai cấp nào để làm chỗ dựa cho nền cộng hòa ấy? còn lại giai cấp đại tư sản. Nhưng số đông trong giai cấp này lại chống nền cộng hòa. Nếu giai cấp đó lợi dụng những người cộng hòa của nhóm báo "National" để củng cố những quan hệ cũ trong đời sống kinh tế thì mặt khác, nó lại định lợi dụng những quan hệ xã hội cũ đã được củng cố để khôi phục lại những hình thức chính trị thích ứng với những quan hệ đó. Đến đầu tháng Mười, bất chấp cả sự căm ghép và phản đối om sòm của bọn thanh giáo ngu xuẩn trong đảng mình, Ca-ve-nhắc vẫn buộc phải mời Duy-phô-rơ và Vi-vi-en, những cựu bộ trưởng của Lu-i Phi-líp ra làm những bộ trưởng của nước cộng hòa.

Trong khi hiến pháp tam tài bác bỏ mọi sự thỏa hiệp với giai cấp tiểu tư sản và chưa biết thu hút được một thành phần xã hội mới nào vào hình thức mới của nhà nước, thì ngược lại, hiến pháp đó lại vội vàng trả lại quyền bất khả xâm phạm cổ truyền cho một tập đoàn đã từng bảo vệ nhà nước cũ một cách hết sức hăng hái và cuồng nhiệt. Hiến pháp ấy đã nâng quyền không thay đổi các thẩm phán, một quyền đã bị chính phủ lâm thời vi phạm, lên thành một đạo luật cơ bản. Một ông vua bị nó truất ngôi đã được phục sinh lại thành bằng trăm ông vua trong những quan tòa không thể bãi miễn được do pháp chế quy định.

Báo chí Pháp thường vẫn tranh luận về những mâu thuân trong bản hiến pháp của ngài Ma-ra-xtơ, chẳng hạn như về sự song song tồn tại của hai quyền lực tối cao là Quốc hội và tổng thống, v.v., v.v..

Nhưng mâu thuẫn chủ yếu của bản hiến pháp đó là ở chỗ này: những giai cấp mà hiến pháp đó cần phải kéo dài kiếp nô lệ về mặt xã hội, tức là giai cấp vô sản, nông dân, tiểu tư sản, lại được hiến pháp ban cho quyền lực chính trị, bằng chế độ phổ thông đầu phiếu. Còn đối với cái giai cấp mà quyền lực xã hội cũ đã được nó xác nhận, tức là giai cấp tư sản, thì nó lại tước đoạt những bảo đảm chính trị cho quyền lực đó. Nó khuôn quyền thống trị chính trị của giai cấp tư sản vào những điều kiện dân chủ, là những điều kiện luôn luôn giúp cho các giai cấp thù địch của giai cấp tư sản giành được thắng lợi, và đe dọa ngay cả những cơ sở của xã hội tư sản. Đối với những giai cấp này, nó đòi hỏi không được tiến từ sự giải phóng về mặt chính trị đến sự giải phóng về mặt xã hội; đối với những giai cấp kia, nó đòi hỏi không được từ sự phục tích về mặt xã hội mà quay trở lại sự phục tích về mặt chính trị.

Những mâu thuẫn đó, phái cộng hòa tư sản không quan tâm đến mấy. Chúng dần dần không còn là những nhân vật cần thiết nữa, - và chúng chỉ là những nhân vật cần thiết khi chúng còn là đội tiên phong của xã hội cũ trong cuộc đấu tranh chống lại giai cấp vô sản cách mạng, - nên mới vài tuần sau thắng lợi, chúng đã tụt từ chỗ là một đảng xuống thành một nhóm. Còn hiến pháp thì chúng coi là một âm mưu lớn. Cái mà trước hết phải quy định trong hiến pháp, là sự thống trị của nhóm đó. Người ta muốn kéo dài quyền hành của Ca-ve-nhắc bằng chức tổng thống, và kéo dài quyền hành của Quốc hội lập hiến bằng Quốc hội lập pháp. Chúng hy vọng biến quyền lực chính trị của quần chúng nhân dân thành một thứ quyền lực hữu danh vô thực và chúng tưởng rằng chỉ cần lợi dụng cái quyền lực hữu danh vô thực ấy là đủ để không ngừng đe dọa cái đa số của giai cấp tư sản bằng hai khả năng do những ngày tháng Sáu đề ra: hoặc là sự thống trị của nhóm "National", hoặc là sự thống trị của tình trạng vô chính phủ.

Bản hiến pháp bắt đầu được soạn thảo từ ngày 4 tháng Chín đã hoàn thành vào ngày 23 tháng Mười. Ngày 2 tháng Chín, Quốc hội lập hiến đã quyết định không tự giải tán trước khi công bố những đạo luật về tổ chức cơ cấu để bổ sung cho hiến pháp. Tuy nhiên, vào ngày 10 tháng Chạp, nghĩa là rất lâu trước khi nó hết nhiệm kỳ, nó đã quyết định cho ra đời cái mà chính nó sáng tạo ra, tức là chức tổng thống. Vì nó rất tin là sẽ được chào mừng cái thực thể siêu nhiên của hiến pháp là đứa con đẻ xứng đáng của mẹ. Để phòng xa, người ta đã quy định rằng nếu không có ứng cử viên nào được đủ hai triệu phiếu thì quyền bầu cử tổng thống sẽ được chuyển từ tay nhân dân sang tay Quốc hội lập hiến.

Phòng xa vô ích! Ngày đầu tiên áp dụng hiến pháp cũng là ngày thống trị cuối cùng của Quốc hội lập hiến. Trong cái đáy sâu thăm thẳm của thùng phiếu bầu cử, đã có sẵn bản án tử hình của Quốc hội lập hiến. Quốc hội lập hiến muốn kiếm "đứa con đẻ của mẹ" thì gặp phải "đứa cháu của bác". Xa-un - Ca-ve-nhắc đươc một triệu phiếu, nhưng Đa-vít Na-pô-lê-ông lại được những sáu triệu. Xa-un-Ca-ve-nhắc đã bị thua những sáu lần[9].

Ngày 10 tháng Chạp 1848 là ngày khởi nghĩa của nông dân. Chỉ từ ngày đó, mới bắt đầu cuộc cách mạng tháng Hai của nông dân Pháp. Cái biểu tượng nói lên sự tham gia của nông dân vào phong trào cách mạng, cái biểu tượng vừa vụng về vừa ranh mãnh vừa gian xảo vừa ngây thơ, vừa trì độn vừa cao thượng, đồng thời là sư mê tín có tính toán, sư khôi hài bi ai, sự lỗi thời vừa tài tình vừa ngu ngốc, trò tinh nghịch của lịch sử thế giới, thứ văn tự tượng hình khó hiểu đối với lý trí của những người văn minh, - cái biểu tượng đó mang dấu vết không thể lầm lẫn được của giai cấp đại biểu cho sự dã man ngay trong lòng nền văn minh. Thông qua hình bóng nhân viên thu thuế, chế độ cộng hòa tuyên bố với giai cấp đó về sự tồn tại của mình; còn giai cấp đó thì tuyên bố sự tồn tại của nó với nền cộng hòa bằng vị hoàng đế. Na-pô-lê-ông là người độc nhất đại biểu triệt để cho những lợi ích và ước mơ của giai cấp nông dân mới mà năm 1789 đã tạo ra. Viết cái tên của mình lên mặt chính diện của nền cộng hòa, như vậy là giai cấp nông dân tuyên chiến với nước ngoài và đòi thực hiện những lợi ích giai cấp của mình ở trong nước. Đối với nông dân, Na-pô-lê-ông không phải là một nhân vật, mà là một cương lĩnh. Họ đã vác cờ đi đến thùng phiếu trong tiếng nhạc và hô to: "Plus d'impôts, à bas les riches, à bas la république, vive l'Empereur!" - Xóa bỏ thuế má, đả đảo bọn nhà giầu, đả đảo chế độ cộng hòa, hoàng đế muôn năm!". Đằng sau hoàng đế là cuộc chiến tranh của nông dân. Chế độ cộng hòa mà họ đã lật đổ bằng cuộc bỏ phiếu là chế độ cộng hòa của những người giàu .

Ngày 10 tháng Chạp là ngày nổ ra coup-d’état[10] của nông dân nhằm lật đổ chính phủ hiện hành, và bắt đầu từ cái ngày mà họ đã lật đổ và lập ra một chính phủ cho nước Pháp, họ luôn luôn chăm chú nhìn về Pa-ri. Đã một lúc là những nhân vật tích cực của tấn kịch cách mạng, họ không thể bị gạt xuống đóng vai trò thụ động và ngoan ngoãn của đội hợp xướng nữa.

Những giai cấp khác cũng góp phần hoàn thành thắng lợi của cuộc tuyển cử của nông dân. Đối với giai cấp vô sản thì bầu Na-pôlê-ông có nghĩa là truất chức Ca-ve-nhắc, là lật đổ Quốc hội lập hiến, là tống cổ phái cộng hòa tư sản, là hủy bỏ thắng lợi tháng Sáu. Đối với giai cấp tiểu tư sản, việc bầu Na-pô-lê-ông là sự thắng thế của con nợ đối với chủ nợ. Đối với số đông trong giai cấp đại tư sản, việc bầu Na-pô-lê-ông có nghĩa là đoạn tuyệt công khai với cái nhóm mà họ đã phải tạm dùng để chống lại cách mạng, nhưng họ lại không chịu nổi khi mà nhóm đó tìm cách chuyển cái vị trí tạm thời của mình thành một vị trí hợp hiến. Đối với họ thì Na-pô-lê-ông thay thế Ca-ve-nhắc, có nghĩa là chế độ quân chủ thay thế chế độ cộng hòa, tức là bước đầu của việc khôi phục triều vua, cái triều của công tước Oóc-lê-ăng mà người ta nói đến một cách úp mở là hoa huệ ẩn sau hoa vi-ô-let[11]. Cuối cùng, quân đội đã bỏ phiếu cho Na-pô-lê-ông để chống lại đội cận vệ lưu động, chống lại bản tình ca về hòa bình, tán thành chiến tranh.

Vì vậy đã xảy ra cái tình trạng, mà báo "Neue Rheinische zeitung" đã nói, là một người thiển cận của nước Pháp lại có được một tầm quan trọng[12] nhiều mặt nhất[13]. Chính vì hắn chẳng là gì cả, nên hắn có thể là tất cả, trừ bản thân hắn ra.

Tuy nhiên, dù cái tên Na-pô-lê-ông, trong cửa miệng những giai cấp khác nhau, có những ý nghĩa khác nhau thế nào chăng nữa, nhưng mỗi một giai cấp đó, khi ghi cái tên ấy trên lá phiếu, thì đồng thời cũng có nghĩa là đã viết: "Đả đảo nhóm "National", đả đảo Ca-ve-nhắc, đả đảo Quốc hội lập hiến, đả đảo nền cộng hòa tư sản!". Bộ trưởng Đuy-phô-rơ đã công khai tuyên bố điều đó trước Quốc hội lập hiến: Ngày 10 tháng Chạp là một ngày 21 tháng Hai thứ hai".

Giai cấp tiểu tư sản và giai cấp vô sản đã bỏ phiếu en bloc[14] cho Na-pô-lê-ông, nhằm chống lại Ca-ve-nhắc, và tước quyền quyết định tối hậu của Quốc hội lập hiến bằng cách tập trung toàn bộ số phiếu của họ bỏ cho một ứng cử viên. Tuy nhiên, bộ phận tiên tiến nhất của hai giai cấp này đã đưa ra những ứng cử viên riêng của mình. Na-pô-lê-ông là một cái tên chung của tất cả các đảng phái liên minh với nhau để chống lại chế độ cộng hòa tư sản, Lơ-đruy-Rô-lanh Ra-xpai là những tên riêng, tên riêng thứ nhất là của giai cấp tiểu tư sản dân chủ, còn tên riêng thứ hai là của giai cấp vô sản cách mạng. Những phiếu bỏ cho Ra-xpai, theo như những người vô sản và những lãnh tụ xã hội chủ nghĩa của họ, đã lớn tiếng tuyên bố, - chỉ có tính chất thị uy thôi; có bao nhiêu phiếu là bấy nhiêu lời phản đối mọi chế độ tổng thống, tức là phản đối chính bản hiến pháp; là bấy nhiêu
phiếu chống lại Lơ-đruy-Rô-lanh; đó là hành động đầu tiên, thông qua đó giai cấp vô sản, với tư cách là một chính đảng độc lập, đã tách khỏi đảng dân chủ. Trái lại, đảng này, tức là giai cấp tiểu tư sản dân chủ và đại biểu của nó ở Quốc hội là phái Núi - đối với việc đưa Lơ-đruy-Rô-lanh ra ứng cử - đã tỏ một thái độ hoàn toàn nghiêm túc, hoàn toàn trịnh trọng mà đảng ấy vẫn quen dùng để tự lừa dối mình. Chẳng qua đó cũng là lần cuối cùng mà đảng đó mưu toan đứng đối lập với giai cấp công nhân, với tư cách là một đảng độc lập. Không những đảng tư sản cộng hòa mà cả giai cấp tiểu tư sản dân chủ và phái Núi của nó cũng đều thất bại ngày 10 tháng Chạp

Bây giờ, bên cạnh phái Núi, nước Pháp lại có Na-pô-lê-ông, điều đó chứng tỏ rằng cả hai đều chỉ là những biếm họa chết cứng về những hiện tượng lịch sử vĩ đại mà cả hai đều mang tên Lu-i. Na-pô-lê-ông, với chiếc mũ hoàng đế và con phượng hoàng, chẳng qua chỉ bắt chước theo cựu hoàng đế Na-pô-lê-ông một cách thảm hại không kém gì phái Núi, với những câu nói vay mượn của năm 1793 và những bộ dạng mị dân của nó, đã bắt chước phái Núi cũ. Như vậy là sự mê tín cổ truyền đối với năm 1793 cũng bị đập tan cùng với sự mê tín cổ truyền đối với Na-pô-lê-ông. Cách mạng chỉ có thể thật sự là cách mạng khi nó có được cái tên riêng và độc đáo của nó và nó chỉ có thể có được như thế khi giai cấp cách mạng mới, tức là giai cấp vô sản công nghiệp, đã xuất hiện một cách uy nghiêm ở ngay hàng đầu của cách mạng. Người ta có thể nói rằng sự kiện ngày 10 tháng Chạp đã làm cho phái Núi chưng hửng và lầm lẫn, vì bằng một trò đùa nông dân thô kệch, sự kiện đó đã vừa cười vừa phá vỡ cái lối so sánh cổ điển với cuộc cách mạng cũ.

Ngày 20 tháng Chạp, Ca-ve-nhắc từ chức và Quốc hội lập hiến tuyên bố Lu-i Na-pô-lê-ông là tổng thống của nước cộng hòa. Ngày 19 tháng Chạp, ngày cuối cùng của sự thống trị chuyên chế của nó, Quốc hội lập hiến bác bỏ đề nghị xin ân xá cho những người tham gia khởi nghĩa tháng Sáu. Không thừa nhận sắc lệnh của Quốc hội ngày 27 tháng Sáu về việc phát vãng 15000 người khởi nghĩa, không qua xét xử, thì như vậy há chẳng phải là phủ nhận chính ngay cuộc chiến đấu hồi tháng Sáu hay sao?

ô-đi-lông Ba-rô, bộ trưởng cuối cùng của Lu-i Phi-líp, trở thành thủ tướng của Lu-i Na-pô-lê-ông. Cũng giống như Lu-i Na-pô-lê-ông cho rằng mình lên nắm quyền không phải bắt đầu từ ngày 10 tháng Chạp, mà là bắt đầu từ một quyết nghị của thượng nghị viện năm 1804, Na-pô-lê-ông đã tìm được một vị thủ tướng cũng cho rằng mình lập nội các không phải bắt đầu từ ngày 20 tháng Chạp mà là bắt đầu từ một sắc chỉ của nhà vua ngày 24 tháng Hai. Là người nối ngôi hợp pháp của Lu-i Phi-líp, Lu-i Na-pô-lê-ông đã làm giảm bớt sự thay đổi của chính phủ bằng cách giữ lại nội các cũ, một nội các, vả lại, cũng chưa có thời gian để bị mòn hỏng, vì nó chưa kịp ra đời.

Các lãnh tụ của những phái tư sản bảo hoàng đã khuyên Lu-i Na-pô-lê-ông nên dùng biện pháp ấy. Người cầm đầu phe đối lập của vương triều cũ, kẻ đã tiến hành một cách vô ý thức cái bước quá độ về phía bọn cộng hòa của tờ "National", lại còn có đủ tư cách hơn để tiến hành một cách hoàn toàn có ý thức cái bước quá độ từ chế độ cộng hòa tư sản sang chế độ quân chủ.

ô-đi-lông Ba-rô trước kia là lãnh tụ của đảng đối lập cũ duy nhất, một đảng chưa bị suy nhược trong cuộc đấu tranh luôn luôn vô hiệu để dành lấy một ghế bộ trưởng. Cách mạng đã đẩy hết đảng đối lập cũ này đến đảng đối lập cũ kia nhanh chóng kế tiếp nhau lên những đỉnh cao của nhà nước, để cho họ buộc phải phủ nhận và từ bỏ không những bằng việc làm, mà cả bằng lời nói, những lời tuyên bố cũ của họ, và để cho họ, sau khi họp nhau lại thành một thứ hổ lốn ghê tởm thì cuối cùng, bị nhân dân ném vào đống rác của lịch sử. Còn cái ông Ba-rô, hiện thân của chủ nghĩa tự do tư sản; trong suốt mười tám năm liền, đã che giấu sự đê tiện và sự trống rỗng bên trong bằng thái độ đạo mạo vờ vịt; thì không từ một sự phản bội nào cả. Nếu có những lúc nào đó, sự trái ngược quá rõ rệt giữa những gai góc của hiện tại với những vinh quang của quá khứ đã làm cho bản thân ông ta khiếp sợ thì ông ta chỉ soi gương một cái là lại có lại được cái thái độ tự chủ kiểu bộ trưởng và sự kính phục rất con người đối với chính bản thân ông ta. Cái phản ánh trong tấm gương chhính là Ghi-dô, - ông ta hằng mong muốn được như Ghi-dô và vẫn luôn luôn bị ông này coi là một đứa học trò nhỏ, - chính là bản thân Ghi-dô, nhưng lại là một Ghi-dô có cái trán đạo mạo của ô-đi-lông. Cái mà ông ta không nhìn thấy là đôi tai của Mi-đa-xơ[15].

Cái ông Ba-rô của ngày 24 tháng Hai chỉ biểu lộ ra ở cái ông Ba-rô của ngày 20 tháng Chạp. ông ta, một người thuộc phái Oóc-lê-ăng và theo chủ nghĩa Vôn-te, đã chọn Phan-lu, bộ trưởng bộ lễ nghi, một người thuộc phái chính thống và là thầy tu dòng Tên, làm người phụ giúp cho mình.

Mấy ngày sau, bộ nội vụ được trao cho Phô-sê Lê-ông, một người theo chủ nghĩa Man-tút. Pháp luật, tôn giáo, kinh tế chính trị học! Nội các Ba-rô chứa đựng tất cả những cái đó và hơn nữa, nó còn là một sự hợp nhất giữa phái chính thống và phái Oóc-lê-ăng. Chỉ còn thiếu người theo chủ nghĩa Bô-na-pác-tơ nữa thôi. Lúc này Bô-na-pác-tơ đang còn dấu tham vọng của mlnh là muốn làm Na-pô-lê-ông vì Xu-lu-cơ chưa diễn cái vai trò của Tút-xanh Lu-véc-tuya[16].

Lập tức, người ta gạt nhóm báo "National" ra khỏi tất cả các chức vụ cao mà nó đang bám chặt lấy: cục cảnh sát, tổng cục bưu điện, viện trưởng lý, tòa thị chính Pa-ri, tất cả các ghế đó nay đều do những tay chân cũ của chế độ quân chủ nắm giữ. Săng-gác-ni-ê, một người thuộc phái chính thống, được nhận chức tổng chỉ huy của đội cận vệ quốc gia ở tỉnh Xen, kiêm chỉ huy đội cận vệ lưu động và những đội quân chính quy của sư đoàn thứ nhất. Buy-giô, một người thuộc phái Oóc-lê-ăng được chỉ định làm tư lệnh trưởng quân đội miền An-pơ. Những chuyện thuyên chuyển các công chức như vậy đã liên tiếp diễn ra dưới chính phủ Ba-rô. Hành động đầu tiên của nội các của hắn là phục hồi cơ quan hành chính bảo hoàng cũ. Toàn bộ cái sân khấu quan phương đã thay đổi trong nháy mắt - hậu trường, trang phục, cách nói, diễn viên, vai phụ, vai câm, người nhắc vở, vị trí của các diễn viên, đề tài của vở kịch, nội dung của xung đột, toàn bộ cục diện. Duy chỉ có cái Quốc hội lập hiến cổ lỗ là còn nguyên tại chỗ. Nhưng bắt đầu từ cái giờ phút mà Quốc hội bổ nhiệm Bô-na-pác-tơ, mà Bô-na-pác-tơ bổ nhiệm Ba-rô, mà Ba-rô bổ nhiệm Săng-gác-ni-ê, thì nước Pháp bước ra khỏi thời kỳ thành lập chế độ cộng hòa để bước vào thời kỳ chế độ cộng hòa đã được thành lập xong. Và trong cái chế độ cộng hòa đã được thành lập xong ấy thì Quốc hội lập hiến còn dùng để làm gì? Một khi quả đất đã được sáng tạo rồi thì người sáng tạo ra nó chỉ còn có cái việc là lên ở trên trời thôi. Quốc hội lập hiến nhất quyết không theo gương đó, Quốc hội là nơi ẩn náu cuối cùng của đảng cộng hòa tư sản. Nếu tất cả những đòn bẩy của quyền hành pháp của nó đã bị tước đoạt, thì liệu nó còn giữ được cái quyền lập hiến vạn năng nữa không. ý nghĩ đầu tiên của nó là bằng mọi giá phải bám chặt lấy cái cương vị tối cao mà nó vẫn nắm giữ, rồi từ đó mà dành lại những vị trí đã mất. Một khi nội các Ba-rô bị thay thế bằng một nội các của nhóm "National" thì bọn quan lại thuộc phái bảo hoàng sẽ buộc phải rời bỏ lập tức các cơ quan hành chính và những nhân viên tam tài sẽ trở lại đấy một cách đắc thắng. Thế là Quốc hội quyết định lật đổ nội các, và bản thân nội các lại tạo ra một cơ hội cho Quốc hội tấn công vào chính mình, đến nỗi Quốc hội lập hiến cũng không thể tưởng tượng được một cơ hội nào thích hợp hơn thế nữa.

Chúng ta còn nhớ rằng đối với nông dân, Lu-i Bô-na-pác-tơ có nghĩa là: xóa bỏ thuế má? ông ta đã ngồi trên ghế tổng thống được sáu ngày rồi, thì đến ngày thứ bảy, ngày 27 tháng Chạp, nội các của hắn đề nghị duy trì thuế muối, là thứ thuế mà chính phủ lâm thời đã ra sắc lệnh xóa bỏ. Thuế muối cùng với thuế rượu được hưởng cái đặc quyền làm kẻ giơ đầu chịu tội cho chế độ tài chính cũ của Pháp, nhất là dưới con mắt của dân nông thôn. Nội các Ba-rô không thể gà cho người mà nông dân đã bầu lên, một câu đả kích nào cay chua hơn đối với các cử tri của người đó như những tiếng: khôi phục thuế muối! Do thuế muối, Bô-na-pác-tơ bị mất cái vẻ mặn mà cách mạng của mình, Na-pô-lê-ông của cuộc khởi nghĩa nông dân đã tan đi như một đám mây mù, và chỉ còn lại cái ẩn số lớn của cái âm mưu của bọn tư sản bảo hoàng. Và không phải là không có dụng ý mà nội các Ba-rô đã lấy hành động làm vỡ mộng một cách thô bạo và tàn nhẫn ấy làm hành động đầu tiên của chính phủ của tổng thống.

Về phần mình, Quốc hội lập hiến hăm hở nắm ngay lấy cái cơ hội lưỡng tiện ấy đế lật đổ nội các và để với tư cách là kẻ bảo vệ lợi ích của nông dân và đứng đối lập với người đã được nông dân bầu lên. Quốc hội lập hiến đã bác bỏ đề nghị của bộ trưởng bộ tài chính và đã giảm số thuế muối xuống một phần ba so với trước, khiến cho ngân sách đã bị hụt 560 triệu thì nay lại hụt thêm 60 triệu nữa, và sau cuộc bỏ phiếu không tín nhiệm này Quốc hội lập hiến bình tĩnh ngồi đợi cho nội các rút lui.

Thật là nó hiểu quá ít về cái thế giới mới chung quanh nó, và về sự biến đổi xảy ra trong địa vị của chính bản thân nó. Đằng sau nội các có tổng thống, và đằng sau tổng thống có 6 triệu công dân đã bỏ vào thùng phiếu bấy nhiêu triệu số phiếu không tín nhiệm Quốc hội lập hiến. Quốc hội lập hiến đã trả lại cho quốc dân những phiếu không tín nhiệm của quốc dân. Một sự trao đổi thật là nực cười! Quốc hội lập hiến quên lãng những phiếu của mình đã mất cái thị giá cưỡng bức của chúng rồi. Việc bác bỏ thuế muối chỉ làm cho Bô-na-pác-tơ và nội các của hắn tăng thêm quyết tâm "chấm dứt" cái Quốc hội lập hiến đó đi. Thế là bắt đầu cuộc đấu tranh lâu dài đó, nó chiếm hẳn một nửa thời gian tồn tại của Quốc hội lập hiến. Ngày 29 tháng Giêng, ngày 21 tháng Ba, ngày 8 tháng Năm đều là những journées, những ngày đáng ghi nhớ của sự khủng hoảng ấy và cũng là những điềm báo hiệu ngày 13 tháng Sáu. Những người Pháp, chẳng hạn như Lu-i Blăng, đều coi ngày 29 tháng Giêng là biểu hiện của một mâu thuẫn trong chế độ lập hiến, của một mâu thuẫn giữa Quốc hội có quyền hành tối cao, không thể giải tán được, do phổ thông đầu phiếu bầu ra, với một tổng thống, về danh nghĩa thì chịu trách nhiệm trước Quốc hội, nhưng về thực tế thì không những cũng đã được cuộc phổ thông đầu phiếu công nhận, và hơn nữa đã tập hợp được cho bản thân tất cả những lá phiếu phân tán và tản mát hàng trăm lần giữa các thành viên khác nhau của Quốc hội, mà còn nắm được toàn bộ quyền hành pháp, trên đó Quốc hội chỉ đứng lơ lửng với tư cách là một quyền lực tinh thần. Việc giải thích sự kiện ngày 29 tháng Giêng theo cách đó đã làm cho việc đấu khẩu trong nghị viện, trên báo chí, trong các câu lạc bộ, lẫn lộn với nội dung hiện thực của nó. Lu-i Bô-na-pác-tơ đứng đối lập với Quốc hội lập hiến, đây không phải là một phương diện này của quyền lập hiến đứng đối lập với phương diện kia của quyền lập hiến, không phải là quyền hành pháp đứng đối lập với quyền lập pháp. Bô-na-pác-tơ - đó là bản thân chế độ cộng hòa tư sản đã được thành lập đứng đối lập với những công cụ dùng để thành lập chế độ cộng hòa đó, đứng đối lập với những âm mưu đầy tham vọng và những yêu cầu tư tưởng của nhóm tư sản cách mạng đã sáng lập ra chế độ cộng hòa đó và bây giờ đây, đang lấy làm kinh ngạc thấy rằng chế độ cộng hòa đã thành lập xong của mình lại giống hệt như một chế độ quân chủ đã được phục tích, và đang muốn duy trì bằng bạo lực cái thời kỳ lập hiến, với những điều kiện, những ảo tưởng, cách nói và những nhân vật của thời kỳ đó, đồng thời muốn ngăn cản chế độ cộng hòa tư sản đã đạt tới trình độ thành thục xuất hiện dưới hình thức hoàn thiện và đặc thù của nó. Cũng như Quốc hội lập hiến đại biểu cho một Ca-ve-nhắc đã trở về trong lòng nó, Bô-na-pác-tơ cũng đại biểu cho một Quốc hội lập pháp chưa tách rời khỏi hắn, nghĩa là cho một quốc hội của chế độ cộng hòa tư sản đã được thành lập xong.

Chỉ có thể hiểu được việc bầu Bô-na-pác-tơ khi thấy rằng chỉ độc một tên gọi thôi mà lại bao hàm nhiều ý nghĩa, khi thấy rằng cuộc bầu cử quốc hội mới là sự tái diễn của việc bầu đó. Ngày 10 tháng Chạp đã hủy bỏ quyền đại biểu của quốc hội cũ. Như vậy thì, ngày 29 tháng giêng, những cái đối lập với nhau, không phải là tổng thống và quốc hội của cùng một chế độ cộng hòa, mà một mặt, là quốc hội của chế độ cộng hòa đang được thành lập, và mặt khác, là tổng thống của chế độ cộng hòa đã được lập ra, hai thế lực thể hiện hai thời kỳ hoàn toàn khác nhau của quá trình tồn tại của chế độ cộng hòa. Một thế lực là nhóm cộng hòa nhỏ bé của giai cấp tư sản, nhóm này duy nhất có thể tuyên bố thành lập chế độ cộng hòa, giành lấy chế độ đó trong tay giai cấp vô sản cách mạng bằng những cuôc chiến đấu ngoài đường phố và bằng khủng bố, và phác ra trong hiến pháp những nét lý tưởng của chế độ đó; còn thế lực kia là toàn bộ khối bảo hoàng trong giai cấp tư sản, khối này duy nhất có thể thống trị trong cái chế độ cộng hòa tư sản đã được thành lập trong đó, có thể tước bỏ những trang trí tư tưởng của hiến pháp và thực hiện, thông qua cơ quan lập pháp và cơ quan hành chính của mình, những điều kiện không thể thiếu được để nô dịch giai cấp vô sản.

Cơn bão táp, nổ ra ngày 29 tháng Giêng, đã được tích lại trong suốt tháng Giêng. Bằng việc bỏ phiếu không tín nhiệm, Quốc hội lập hiến muốn đẩy nội các Ba-rô đến chỗ phải từ chức. Nhưng để trả lời cho việc làm đó, nội các Ba-rô lại đề nghị với Quốc hội lập hiến hãy tự mình bỏ phiếu không tín nhiệm vĩnh viễn bản thân mình, hãy quyết định tự sát, hãy ra lệnh giải thề chính bản thân mình. Ngày 6 tháng Giêng, Ra-tô, một trong những nghị sĩ không có tiếng tăm gì, theo lệnh của nội các, đã đệ trình một bản đề nghị về điều đó với Quốc hội lập hiến, với chính cái Quốc hội lập hiến đã từng quyết định từ hồi tháng Tám là sẽ không tự giải tán trước khi ban hành một loạt những đạo luật về tổ chức cơ cấu để bổ sung cho hiến pháp. Phun-đơ, một người tán thành nội các, đã tuyên bố thẳng với Quốc hội rằng sự giải thể của nó là cần thiết "để khôi phục lại uy tín đã bị lung lay". Chẳng phải là nó đã làm lung lay uy tín bằng cách kéo dài tình trạng tạm thời, bằng cách chỉ trích Ba-rô để đặt Bô-na-pác-tơ thành vấn đề, và chỉ trích Bô-na-pác-tơ để đặt chế độ cộng hòa đã được thành lập, thành vấn đề đó sao? Ba-rô, con người uy nghiêm, trở thành Rô-lăng giận dữ trước cái triển vọng có thể bị tước mất, sau khi chỉ được hưởng, chưa đầy mười lăm hôm, cái chức thủ tướng nội các trầy trật mãi mới giật được, cái chức mà có lần phái cộng hòa đã bắt hắn chờ đợi mất đồng một "đê-xen-na", nghĩa là đúng mười tháng. Vậy là Ba-rô đã đối xử với cái Quốc hội đáng thương ấy bằng một thái độ còn tàn bạo hơn là một tên bạo chúa nữa. Câu nói ôn tồn nhất của hắn là: "Cái Quốc hội này không thể có tương lai được". Và quả thực là Quốc hội đó giờ đây chỉ còn đại biểu cho quá khứ thôi. "Nó không có khả năng - hắn nói thêm một cách mỉa mai, - thiết lập ra chung quanh chế độ cộng hòa những cơ quan cần thiết cho việc củng cố chế độ đó". Và đúng là như vậy! Tinh thần tư sản của Quốc hội đã tan vỡ khi nó kịch liệt chống lại giai cấp vô sản, đồng thời nhiệt tình của nó đối với chế độ cộng hòa lại được phục hồi khi nó chống lại bọn bảo hoàng. Cho nên nó bất lực gấp đôi trong việc dùng những cơ quan thích hợp để củng cố cái chế độ cộng hòa tư sản mà nó không còn hiểu nổi nữa.

Cùng lúc đó, do đề nghị của Ra-tô, nội các đã gây ra một cơn bão táp những kiến nghị trong khắp cả nước, và mỗi ngày, Quốc hội lập hiến đã nhận được hàng kiện billets-doux[17] từ khắp nơi trong nước Pháp gửi về, trong đó người ta đề nghị với Quốc hội bằng một giọng ít nhiều kiên quyết, là nên tự giải thể và làm di chúc đi. Về phía mình, Quốc hội lập hiến cũng xúi giục người ta đưa ra những phản kiến nghị, yêu cầu nó cứ tiếp tục tồn tại. Cuộc tranh cử giữa Bô-na-pác-tơ và Ca-ve-nhắc lại diễn ra dưới hình thức một cuộc đấu tranh bằng những kiến nghị tán thành hay chống lại việc giải tán Quốc hội. Những kiến nghị đó là những lời giải thích mà người ta đưa ra cho sự kiện ngày 10 tháng Chạp. Cuộc cổ động ấy dai dẳng mãi trong suốt cả tháng Giêng.

Trong cuộc xung đột giữa Quốc hội lập hiến và tổng thống, Quốc hội không thể viện lý do nó là con đẻ của chế độ phổ thông đầu phiếu, vì đối thủ của nó, cũng lại viện đến phổ thông đầu phiếu để chống lại nó. Nó không thể dựa vào bất cứ một quyền lực hợp pháp nào, vì đây là một cuộc đấu tranh chống lại quyền lực được pháp luật quy định. Nó không thể lật đổ nội các bằng những cuộc bỏ phiếu không tín nhiệm, như nó đã thử lại áp dụng biện pháp đó vào những ngày 6 và 26 tháng Giêng, vì nội các không yêu cầu nó tín nhiệm mình. Nó chỉ còn có một con đường duy nhất là khởi nghĩa. Lực lượng vũ trang của cuộc khởi nghĩa là bộ phận của đảng cộng hoà trong đội cận vệ quốc gia, đội cận vệ lưu động và những trung tâm của giai cấp vô sản cách mạng, tức là những câu lạc bộ. Các đội quân lưu động, những vị anh hùng ấy của những ngày tháng Sáu, đã trở thành, vào tháng Chạp, những lực lượng vũ trang có tổ chức của nhóm cộng hòa trong giai cấp tư sản, cũng giống như hồi trước cuộc khởi nghĩa tháng Sáu, những công xưởng quốc gia đã trở thành những lực lượng vũ trang có tổ chức của giai cấp vô sản cách mạng. Cũng như Uỷ ban chấp hành của Quốc hội lập hiến đã tấn công tàn bạo vào những công xưởng quốc gia khi nó thấy cần phải chấm dứt những yêu sách đã trở nên không thể chịu được của giai cấp
vô sản đối với nó, nội các của Bô-na-pác-tơ cũng tấn công vào đội cận vệ lưu động, khi nó thấy cần phải chấm dứt những yêu sách trở nên không thể chịu được của những nhóm cộng hòa trong giai cấp tư sản. Nội các đó ra lệnh giải tán đội cận vệ lưu động. Một nửa đội quân đó bị thải hồi và bị ném ra vỉa hè; còn nửa kia thì bị tổ chức theo kiểu quân chủ thay cho tổ chức dân chủ của nó, và lương của nó bị giảm xuống bằng mức lương thường của quân đội chính quy. Đội cận vệ lưu động đã bị rơi vào tình trạng của những người khởi nghĩa tháng Sáu, và mỗi ngày báo chí lại đăng những lời thú tội công khai của nó trong đó nó thừa nhận sai lầm của nó trong những ngày tháng Sáu và van xin giai cấp vô sản tha thứ cho nó.

Còn các câu lạc bộ thì sao? Từ khi Quốc hội lập hiến chỉ trích Ba-rô để đặt tổng thống thành vấn đề, chỉ trích tổng thống để đặt nền cộng hòa tư sản đã được thành lập thành vấn đề và chỉ trích nền cộng hòa đã được thành lập này để đặt chế độ cộng hòa tư sản nói chung thành vấn đề, thì tất phải đoàn kết xung quanh Quốc hội tất cả những phần tử lập hiến của nền cộng hòa tháng Hai, tất cả những đảng phái muốn lật đổ chế độ cộng hòa hiện hành và muốn cải biến nó, bằng cách dùng bạo lực để đẩy nó lùi trở về trạng thái cũ, nghĩa là cải biến nó thành một chế độ cộng hòa biểu hiện lợi ích giai cấp và nguyên tắc của các phần tử và đảng phái nói trên. Cái đã diển ra rồi thì dường như chưa diễn ra, còn tất cả những cái đã kết tinh trong phong trào cách mạng thì lại tan ra; chế độ cộng hòa mà người ta đã vì nó mà chiến đấu thì lại trở thành chế độ cộng hòa không có hình thù của những ngày tháng Hai mà mỗi đảng phái hiểu theo cách riêng của mình. Những đảng phái lại trở lại, trong chốc lát, với những lập trường cũ của mình hồi tháng Hai, nhưng không còn nuôi những ảo tưởng của tháng Hai nữa. Phái cộng hòa tam tài của nhóm "National" lại dựa vào những người cộng hòa dân chủ của báo "Réfome" và đưa họ ra tiền sân khấu, đi tiên phong trong cuộc đấu tranh nghị trường. Phái cộng hòa dân chủ lại dựa vào phái cộng hòa xã hội chủ nghĩa, - ngày 27 tháng Giêng, đã có một bản tuyên ngôn công khai về sự hòa giải và liên hợp của họ, - và họ chuẩn bị, trong các câu lạc bộ, cơ sở cho cuộc khởi nghĩa của họ. Báo chí của nội các đã coi một cách có lý, phái cộng hòa tam tài của nhóm báo "National" là những người khởi nghĩa hồi tháng Sáu đã sống lại. Để duy trì địa vị của mình là cầm đầu chế độ cộng hòa tư sản, chúng đã đặt ngay cả bản thân chế độ cộng hòa đó thành vấn đề. Ngày 26 tháng Giêng, viên bộ trưởng Phô-sê đề nghị một đạo luật về quyền lập hội, mà điều khoản thứ nhất là: "Các câu lạc bộ đều bị cấm" Hắn đề nghị rằng bản dự luật này cần được đem thảo luận ngay, theo thủ tục khẩn cấp. Quốc hội lập hiến bác đề nghị khẩn cấp đó, và ngày 27 tháng Giêng, Lơ-đruy-Rô-lanh lại đưa ra một đề nghị lên án nội các về tội vi phạm hiến pháp, với 230 chữ ký. Vào lúc mà một hành động như việc lên án nội các là một điều thú nhận vụng về sự bất lực của người xử án, nghĩa là của đa số trong nghị viện, hay là một sự phản kháng bất lực của người buộc tội chống lại chính cái đa số ấy thì việc lên án ấy là con chủ bài cách mạng lớn mà từ đó trở đi, cái phái Núi sinh sau đẻ muộn đã dùng mỗi khi cuộc khủng hoảng lên đến cực độ. Đáng thương thay phái Núi, nó đã bị đè bẹp dưới sức nặng của chính cái tên của nó!

Ngày 15 tháng Năm, Blăng-ki, Bác-be, Ra-xpai, v.v., đã toan dùng vũ lực giải tán Quốc hội lập hiến, bằng cách cầm đầu giai cấp vô sản Pa-ri đột nhập vào hội trường. Ba-rô cũng chuẩn bị cho cái Quốc hội này một ngày 15 tháng Năm về tinh thần, khi hắn định ra lệnh cho nó phải tự giải tán và đóng cửa hội trường của nó lại. Chính cái Quốc hội này đã ủy nhiệm cho Ba-rô mở cuộc điều tra về những can phạm trong vụ tháng Năm; và giờ đây, đúng vào lúc mà hắn xuất hiện đối lập với Quốc hội như một Blăng-ki bảo hoàng và vào lúc mà Quốc hội, để chống lại Ba-rô, đã tìm những đồng minh trong các câu lạc bộ, trong những người vô sản cách mạng, trong đảng của Blăng-ki, đúng vào lúc đó thì tên Ba-rô lòng lim dạ sắt lại dày vò Quốc hội bằng cái đề nghị rút những người can phạm trong vụ tháng Năm ra khỏi tòa án bồi thẩm để đưa ra xét xử tại tòa án tối cao do nhóm báo "National" đặt ra, nghĩa là tại haute cour. Thật rất đáng chú ý là nỗi lo mất ghế bộ trưởng đã làm cho đầu óc một tên Ba-rô đã nảy ra những điều sắc sảo xứng đáng với một Bô-mác-se! Sau khi đã do dự khá lâu, Quốc hội chấp thuận đề nghị của hắn. Trong vấn đề những can phạm trong vụ khởi nghĩa tháng Năm, Quốc hội đã trở lại tính chất bình thường của nó.

Nếu Quốc hội lập hiến, trong cuộc đấu tranh với tổng thống và nội các, đã buộc phải đi vào con đường khởi nghĩa, thì tổng thống và nội các trong cuộc đấu tranh với Quốc hội lập hiến, buộc phải đi vào con đường làm chính biến, vì họ không có cách nào hợp pháp để giải tán Quốc hội cả. Nhưng Quốc hội lập hiến là mẹ đẻ ra hiến pháp, và hiến pháp là mẹ đẻ ra tổng thống. Làm chính biến tức là tổng thống xé bản hiến pháp và đồng thời xóa bỏ cơ sở pháp lý cộng hòa của mình đi. Như thế thì tổng thống sẽ buộc phải trưng những quyền hoàng đế của mình ra; nhưng những quyền hoàng đế của hắn lại gợi lên những quyền của giòng Oóc-lê-ăng, và cả hai loại quyền đó đều bị lu mờ trước những quyền của giòng chính thống. Việc lật đổ chế độ cộng hòa hợp pháp chỉ có thể làm nảy sinh ra cái cực đối lập với nó, tức là chế độ quân chủ thuộc phái chính thống, vì vào lúc này phái
Oóc-lê-ăng chỉ còn là kẻ bị thua hồi tháng Hai và Bô-na-pác-tơ chỉ còn là kẻ đã thắng vào ngày 10 tháng Chạp, mà cả hai đều chỉ còn có thể đem những quyền quân chủ cũng do tiếm đoạt mới có được mà đối lập với sự tiếm đoạt của phái cộng hòa. Phái chính thống hiểu rằng đó là thời cơ thuận lợi cho chúng, nên chúng âm mưu công khai. Chúng hy vọng rằng Săng-gác-ni-ê là một Môn-cơ[18] của chúng. Sự thiết lập một chế độ quân chủ trắng đã được tuyên bố một cách cũng công khai trong những câu lạc bộ của chúng, như sự thiết lập một chế độ cộng hòa đỏ trong những câu lạc bộ vô sản.

Một cuộc khởi nghĩa bị trấn áp một cách dễ dàng có lẽ sẽ khiến cho nội các thoát được mọi khó khăn. ô-đi-lông Ba-rô la lớn lên rằng: "Tính hợp pháp giết chúng ta!". Nếu một cuộc khởi nghĩa nổ ra thì người ta sẽ có thể vin vào cớ vì salut public[19]) mà giải tán Quốc hội lập hiến và vi phạm hiến pháp, vì chính ngay lợi ích của hiến pháp. Sự can thiệp thô bạo của ô-đi-lông Ba-rô tại Quốc hội, việc đề nghị giải tán các câu lạc bộ, việc cách chức một cách ầm ĩ năm mươi thị trưởng tam tài và thay thế họ bằng những phần tử bảo hoàng, việc giải tán đội cận vệ lưu động, thái độ thô bạo của Săng-gác-ni-ê đối với những người chỉ huy của đội quân này, việc phục chức cho Léc-mi-ni-ê, một giáo sư mà ngay dưới thời Ghi-dô người ta đã không thể nào dung thứ được, việc dung túng những sự huênh hoang của phái chính thống, - tất cả những việc đó đều là những việc khích động cuộc khởi nghĩa. Nhưng cuộc khởi nghĩa vẫn lặng thinh. Nó đợi hiệu lệnh của Quốc hội lập hiến chứ không phải của nội các.

Cuối cùng, đã đến ngày 29 tháng Giêng, cái ngày mà người ta cần phải có ý kiến về đề nghị của Ma-ti-ơ đờ la Đrôm nhằm bác bỏ không điều kiện đề nghị của Ra-tô. Phái chính thống, phái Oóc-lê-ăng, phái Bô-na-pác-tơ, đội cận vệ lưu động, phái Núi, các câu lạc bộ, tất cả mọi người đều âm mưu trong ngày hôm ấy chống lại cả những người được mệnh danh là kẻ thù lẫn những người được mệnh danh là đồng minh. Bô-na-pác-tơ ngồi trên mình ngựa, duyệt một bộ phận quân đội tại quảng trường Hòa hợp, còn Săng-gác-ni-ê thì diễu vô dương oai bằng cách tiến hành những cuộc diễn tập có tính chiến lược, hội trường của Quốc hội lập hiến bị quân đội chiếm đóng. Cái quốc hội ấy, nơi tập trung tất cả những nguyện vọng trái ngược nhau, những lo âu, những mong đợi, những xao xuyến, những sự căng thẳng, những mưu mô, - cái quốc hội quả cảm như sư tử, không còn do dự một chút nào nữa khi nó gần đến ngày có ý nghĩa lịch sử toàn thế giới và quan trọng hơn bao giờ hết. Nó giống như người chiến sĩ nọ, không những sợ phải sử dụng đến vũ khí của chính mình, mà còn tự cho là mình có bổn phận phải bảo toàn vũ khí của kẻ địch nữa. Khinh thường cái chết, nó ký bản án tử hình của chính nó, và nó bác bỏ việc khước từ không điều kiện bản kiến nghị của Ra-tô. Bản thân ở vào tình trạng giới nghiêm nên nó quy định cho hoạt động lập hiến của nó, một phạm vi tất yếu là tình trạng thiết quân luật ở Pa-ri. Nó đã trả thù một cách thật là xứng danh với nó, bằng cách quyết định tiến hành vào ngày hôm sau một cuộc điều tra về sự sợ hãi mà nội các đã gây ra cho nó vào ngày 29 tháng Giêng. Phái Núi đã tỏ ra thiếu nghị lực cách mạng và thiếu kiến thức chính trị khi để cho nhóm "National" biến thành kẻ truyền lệnh trong tấn tuồng âm mưu lớn này. Nhóm "National" đã tiến hành một mưu toan cuối cùng nhằm khẳng định lại một lần nữa, trong nền cộng hòa tư sản đã được thành lập, cái độc quyền thống trị mà nó đã nắm được trong thời kỳ thành lập chế độ cộng hòa. Nhưng mưu toan đó đã thất bại.

Nếu trong cuộc khủng hoảng hồi tháng Giêng, vấn đề được đặt ra là sự sống còn của Quốc hội lập hiến thì trong cuộc khủng hoảng ngày 21 tháng Ba, vấn đề được đặt ra lại là sự sống còn của hiến pháp. Nếu trong trường hợp tthứ nhất, vấn đề là về thành phần trong nhóm "National" thì trường hợp thứ hai, vấn đề là về lý tưởng của nhóm đó. Dĩ nhiên, phái cộng hòa "chân chính" đã bán cái hệ tư tưởng cao siêu của họ, rẻ hơn sự hưởng
thụ thế tục về chính quyền.

Ngày 21 tháng Ba, trong chương trình nghị sự của Quốc hội, có bản dự luật của Phô-sê nhằm chống lại quyền lập hội: cấm các câu lạc bộ. Điều của hiến pháp bảo đảm cho tất cả mọi người Pháp quyền được lập hội. Vậy thì việc cấm các câu lạc bộ là một sự vi phạm rõ rệt đối với hiến pháp, và chính bản thân Quốc hội lập hiến lại phải phê chuẩn việc xúc phạm các ông thánh của mình. Nhưng các câu lạc bộ lại là những nơi tập hợp, những chốn hoạt động bí mật của giai cấp vô sản cách mạng. Chính bản thân Quốc hội đã cấm sự liên minh của công nhân chống lại bọn tư bản của họ. Và những câu lạc bộ là cái gì nếu không là sự liên minh của toàn bộ giai cấp công nhân chống lại toàn bộ giai cấp tư sản, là sự hình thành của một nhà nước công nhân đặc biệt chống lại nhà nước tư sản? Phải chăng bao nhiêu câu lạc bộ đó lại không phải là bấy nhiêu Quốc hội lập hiến của giai cấp vô
sản, là bấy nhiêu đơn vị sẵn sàng chiến đấu của đội quân khởi nghĩa? Cái mà hiến pháp cần phải thiết lập trước hết, là sự thống trị của giai cấp tư sản. Vậy thì hiển nhiên là hiến pháp chỉ có thể chấp nhận quyền lập hội đối với những hội nào tán thành sự thống trị của giai cấp tư sản, nghĩa là tán thành chế độ tư sản mà thôi. Nếu như vì những đòi hỏi về mặt lý luận mà hiến pháp đã nói chung chung, thì phải chăng lại không có chính phủ và Quốc hội để giải thích và áp dụng những câu nói chung chung đó vào những trường hợp cụ thể hay sao? Vả lại, nếu như ở thời kỳ sơ khai của nền cộng hòa, mà các câu lạc bộ, trên thực tế, đã bị cấm do tình trạng thiết quân luật, thì lẽ nào lại không nên dùng pháp luật mà cấm những câu lạc bộ đó trong nền cộng hòa chính thức, đã được thành lập rồi hay sao? Phái cộng hòa tam tài chẳng có cái gì để chống lại việc giải thích hiến pháp một cách tầm thường như vây, ngoài cái lời văn rườm rà của hiến pháp. Một bộ phận trong bọn họ, như Pa-nhe-rơ, Đuy-cléc, v.v., đã bỏ phiếu ủng hộ nội các, nhờ đó nội các được đa số. Bộ phận khác, đứng đầu là thượng đẳng thiên sứ Ca-ve-nhắc và vị linh mục Ma-ra-xtơ, sau khi việc cấm các câu lạc bộ đã được thông qua, thì lui vào trong một gian phòng riêng của tiểu ban để "hội ý" với Lơ-đruy-Rô-lanh và phái Núi. Quốc hội bị tê liệt, nó đã không có đủ số người đã quy định để thông qua quyết nghị. Giữa lúc đang ở trong phòng của tiểu ban thì Crê-mi-ơ bỗng kịp thời nhớ ra rằng từ nơi đây, con đường dẫn thẳng ra phố và lúc này không còn là tháng Hai 1848 nữa, mà là tháng Ba 1849. Đột nhiên tỉnh ngộ, nhóm báo "National" quay trở lại phòng họp của Quốc hội. Theo sau nhóm này là phái Núi, phái này một lần nữa lại bị mắc lừa, nó luôn luôn bị dằn vặt bởi những dục vọng cách mạng, nên cũng luôn luôn tìm kiếm những khả năng hợp hiến, và cảm thấy rằng đứng sau bọn cộng hòa tư sản thì bao giờ cũng hợp với cương vị của mình hơn là đứng trước giai cấp vô sản cách mạng. Thế là tấn hài kịch đã diễn xong. Và chính Quốc hội lập hiến lại tự mình thông qua cái quyết nghị cho rằng việc vi phạm lời văn của bản hiến pháp là cách giải thích duy nhất đúng tinh thần của bản hiến pháp đó.

Chỉ còn có một điểm cần phải giải quyết là: thái độ của nền cộng hòa đã được thành lập đối với cách mạng châu âu, tức là chính sách đối ngoại của nó. Ngày 8 tháng Năm 1849, một nỗi lo lắng khác thường đã tràn ngập Quốc hội lập hiến mà nhiệm kỳ chỉ còn có mấy hôm nữa là hết. Cuộc tấn công của quân đội Pháp vào La Mã, sự thoái lui của nó trước nhân dân La Mã, sự nhục nhã về chính trị và sự nhơ nhuốc về quân sự của nó, việc nền cộng hòa Pháp sát hại nền Cộng hòa La Mã, chiến dịch thứ nhất của Bô-na-pác-tơ thứ hai đánh nước I-ta-li-a được đề ra trong chương trình nghị sự. Một lần nữa, phái Núi lại giở con chủ bài lớn của nó ra: Lơ-đruy-Rô-lanh đã đặt lên bàn chủ tịch bản cáo trạng mà tất nhiên hắn phải đưa ra để buộc tội nội các, và lần này buộc tội cả Bô-na-pác-tơ nữa, về tội vi phạm hiến pháp.

Lý do của ngày 8 tháng Năm được lắp lại sau này thành lý do của ngày 13 tháng Sáu. Chúng ta hãy tìm hiểu cuộc tiến quân vào La Mã.

Từ giữa tháng Mười một 1848, Ca-ve-nhắc đã cử một hạm đội tàu chiến đến Si-vi-ta- Vê-ki-a để bảo vệ giáo hoàng, đón giáo hoàng lên tầu và đưa về Pháp. Giáo hoàng phải ban phước lành cho chế độ cộng hòa "chân chính" và bảo đảm cho Ca-ve-nhắc đươc bầu làm tổng thống. Nắm giáo hoàng là Ca-ve-nhắc muốn nắm các linh mục, nắm các linh mục là để nắm nông dân, và nắm nông dân là để nắm lấy ghế tổng thống. Cuộc viễn chinh của Ca-ve-nhắc là một sự quảng cáo trong cuộc bầu cử nhằm đạt những mục đích trực tiếp của hắn, đồng thời lại là một sự phản đối và một sự đe dọa đối với cách mạng của La Mã. Cuộc viễn chinh ấy chứa đựng sẵn cái mầm mống của sự can thiệp của nước Pháp nhằm ủng hộ giáo hoàng.

Sự can thiệp ấy, hiệp đồng với áo và Na-plơ để ủng hộ giáo hoàng chống lại chế độ Cộng hòa La Mã, đã được quyết định trong phiên họp thứ nhất của hội đồng bộ trưởng của Bô-na-pác-tơ vào ngày 23 tháng Chạp. Phan-lu ngồi ở trong nội các, điều đó có nghĩa là giáo hoàng ngồi ở La Mã, và ở trong La Mã của giáo hoàng. Để trở thành tổng thống của nông dân, Bô-na-pác-tơ đã không còn cần đến giáo hoàng nữa, nhưng hắn lại cần phải duy trì quyền lực của giáo hoàng để giữ lấy nông dân cho tổng thống. Chính sự nhẹ dạ của nông dân đã đưa hắn lên làm tổng thống. Khi họ đã mất tín ngưỡng thì họ cũng mất luôn cả sự nhẹ dạ, khi họ không còn có giáo hoàng nữa thì họ cũng mất luôn cả tín ngưỡng. Còn về phái Oóc-lê-ăng và phái chính thống liên minh với nhau đã thống trị dưới danh nghĩa của Bô-na-pác-tơ, thì trước khi phục hồi ngôi vua, cần phải phục hồi cái quyền lực thần thánh hóa ngôi vua đã. Vấn đề không phải là tại cái tư tưởng bảo hoàng của họ: không có La Mã cổ đại ở dưới quyền thế lực của giáo hoàng thì không có giáo hoàng, không có giáo hoàng thì không có Thiên chúa, không có Thiên chúa giáo thì không có tôn giáo Pháp, và không còn tôn giáo thì cái xã hội cũ của nước Pháp sẽ ra sao? Quyền cầm cố của nông dân đối với hạnh phúc của họ ở trên thiên đường bảo đảm cho quyền cầm cố của nhà tư sản đối với những ruộng đất của nông dân ở dưới trần gian. Vì vậy, cuộc cách mạng của La Mã là một sự xâm phạm vào quyền sở hữu, vào chế độ tư sản, cũng kinh khủng như cuộc cách mạng tháng Sáu vậy. Sự thống trị tư sản được phục hồi ở Pháp đòi hỏi phải phục hồi quyền lực của giáo hoàng ở La Mã. Sau hết, đánh bại những chiến sĩ cách mạng La Mã tức là đánh bại những bạn đồng minh của các chiến sĩ cách mạng Pháp. Sự liên minh của các giai cấp phản cách mạng trong chế độ Cộng hòa đã được thành lập ở Pháp đã có cái bổ sung tất yếu cho nó là sự liên minh giữa chế độ Cộng hòa Pháp với Liền minh thần thánh, với Na-plơ và áo. Quyết định của hội đồng bộ trưởng ngày 23 tháng Chạp không phải là một điều bí mật đối với Quốc hội lập hiến. Ngay từ ngày 8 tháng Giêng, Lơ-đruy-Rô-lanh đã chất vấn nội các về điều này, nội các đã phủ nhận điều đó, Quốc hội liền chuyển sang chương trình nghị sự. Quốc hội có tin vào lời nói của nội các không? Chúng ta biết rằng trong suốt cả tháng Giêng, Quốc hội chỉ làm
có mỗi một việc là bỏ phiếu không tín nhiệm nội các. Nhưng nếu vai trò của nội các là nói dối, thì vai trò của Quốc hội là giả vờ tin vào điều nói dối của nội các và do đó mà cứu vớt cái vỏ bề ngoài của chế độ cộng hòa.

Nhưng Pi-ê-mông đã bị đánh bại, Sác-lơ-An-be đã thoái vị, quân đội áo đã tiến đến tận cửa ngõ nước Pháp, Lơ-đruy-Rô-lanh lại chất vấn gay gắt. Nội các chứng minh rằng nó chỉ tiếp tục ở miền Bắc I-ta-li-a cái chính sách của Ca-ve-nhắc, và Ca-ve-nhắc chỉ tiếp tục chính sách của chính phủ lâm thời, nghĩa là của Lơ-đruy-Rô-lanh mà thôi. Hơn nữa, lần này, nội các lại được Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm, và nó được phép tạm thời chiếm đóng một cứ điểm thích đáng ở miền Bắc I-ta-li-a để làm hậu thuẫn cho những cuộc thương lượng hòa bình với áo về vấn đề giữ toàn vẹn lãnh thổ của Xác-đi-ni và về vấn đề La Mã. Như người ta đã biết, số phận của I-ta-li-a được quyết định trên các chiến trường ở miền Bắc I-ta-li-a. Cho nên hoặc phải để cho La Mã thất thủ cùng với Lôm-bác-đi và xứ Pi-ê-mông, hoặc là nước Pháp phải tuyên chiến với áo, và như vậy tức là tuyên chiến với lực lượng phản cách mạng ở châu âu. Liệu Quốc hội lập hiến có đột nhiên coi nội các Ba-rô như là Uỷ ban cứu nguy xã hội trước kia hay không? Hay nó tự coi bản thân nó là Hội nghị Quốc ước? Tại sao lại cho quân đội Pháp chiếm đóng một cứ điểm ở miền Bắc I-ta-li-a. Người ta che giấu cuộc chinh phạt La Mã bằng bức màn thưa đó.

Ngày 14 tháng Tư, 14000 người, dưới quyền chỉ huy của U-đi-nô, đã xuống tầu tiến về Si-vi-ta-Vê-ki-a. Ngày 16 tháng Tư, Quốc hội chuẩn y cho nội các một ngân sách là 1200000 phrăng để chi phí trong suốt ba tháng cho một hạm đội Pháp dùng để tiến hành việc can thiệp ở Địa Trung Hải. Như vậy Quốc hội đã cung cấp cho nội các tất cả mọi phương tiện để can thiệp vào La Mã trong khi nó vẫn làm ra vẻ buộc nội các phải can thiệp vào nước áo. Nó không nhìn thấy những việc mà nội các đã làm, mà chỉ nghe những điều mà nội các đã nói thôi. Ngay cả ở I-xra-en, cũng không thể thấy có một niềm tin nào như vậy cả. Quốc hội lập hiến đã lâm vào tình trạng không biết những việc mà nền cộng hòa đã được thành lập buộc phải làm.

Cuối cùng, ngày 8 tháng Năm, màn chót của tấn hài kịch đã được trình diễn. Quốc hội lập hiến yêu cầu nội các phải có những biện pháp khẩn cấp để đưa cuộc viễn chinh ở I-ta-li-a đến mục tiêu đã định. Ngay chiều hôm đó, Bô-na-pác-tơ cho đăng một bức thư trên tờ "Moniteur", trong đó hắn gửi U-đi-nô những lời khen ngợi nồng nhiệt nhất. Ngày 11 tháng Năm, Quốc hội bác bỏ bản cáo trạng buộc tội chính ngay Bô-na-pác-tơ ấy và nội các của hắn. Còn phái Núi, đáng lẽ phải xé toang bức màn dối trá này, lại coi hài kịch nghị viện đó là một bi kịch, để bản thân nó đóng cái vai Phu-ki-ê-Tanh-vin trong tấn kịch đó, thì chẳng qua là dưới cái da sư tử mượn của Hội nghị Quốc ước, nó đã để lòi ra cái da bê tiểu tư sản của chính nó?

Nửa cuối của nhiệm kỳ của Quốc hội lập hiến tóm tắt lại là như sau: ngày 29 tháng Giêng, Quốc hội lập hiến thú nhận rằng những nhóm tư sản bảo hoàng là những lãnh tụ tự nhiên của nền cộng hòa do nó lập ra; ngày 21 tháng Ba, nó thú nhận rằng vi phạm hiến pháp là thực hiện hiến pháp, và ngày 11 tháng Năm, nó lại thú nhận rằng sự liên minh tiêu cực mà nước Cộng hòa Pháp đã tuyên bố một cách trịnh trọng với những dân tộc ở châu âu đang đấu tranh giành tự do cho bản thân họ là sự liên minh tích cực của nước Cộng hòa Pháp với thế lực phản cách mạng ở châu Au.

Cái Quốc hội khốn khổ này đã rời khỏi vũ đài sau khi đã tự tạo ra cho mình một điều thích thú nữa là bác bỏ đề nghị ân xá cho những người tham gia khởi nghĩa tháng Sáu, vào ngày 4 tháng Năm, tức là hai ngày trước hôm kỷ niệm ngày sinh của nó. Đã làm tan vỡ quyền lực của mình bị nhân dân vô cùng căm ghét, bị giai cấp tư sản, giai cấp đã dùng nó làm công cụ, ruồng rẫy bạc đãi gạt bỏ một cách khinh bỉ, trong nửa cuối nhiệm kỳ của mình đã buộc phải phủ nhận nửa đầu nhiệm kỳ của mình đã mất hết ảo tưởng về nền cộng hòa, không có thành tựu gì lớn lao trong quá khứ, cũng chẳng có hy vọng gì trong tương lai, Quốc hội lập hiến là một thi thể còn sống nhưng bị rữa ra từng mảng, nó chỉ biết làm sống lại cái xác chết của chính nó bằng cách luôn luôn hồi tưởng lại thắng lợi hồi tháng Sáu, và sống trở lại cái thắng lợi đó, nó tự khẳng định nó bằng cách luôn luôn lên án lại những người đã bị lên án. Một con quỷ hút máu sống bằng máu của những người khởi nghĩa hồi tháng Sáu!

Nó để lại một ngân sách quốc gia đã hao hụt trước đây, lại càng hao hụt, vì những khoản chi phí cho cuộc khời nghĩa tháng Sáu vì xóa bỏ thuế muối, vì những khoản bồi thường cho những chủ đồn điền sau khi bãi bỏ chế độ nô lệ da đen, vì những khoản chi phí cho cuộc viễn chinh ở La Mã, sau hết, vì xoá bỏ thuế rượu; thứ thuế mà trong lúc lâm chung, nó còn cố xóa bỏ đi, giống như một mụ già ranh mãnh lấy làm vui thích trút lên vai kẻ thừa kế sung sướng của mình một món nợ danh dự nguy hại.

Cuộc vận động bầu cử Quốc hội lập pháp bắt đầu được tiến hành từ đầu tháng Ba. Hai tập đoàn chủ yếu chạm trán nhau: đảng trật tự đảng dân chủ - xã hội chủ nghĩa hay đảng đỏ. ở giửa hai đảng là những người "bạn của hiến pháp", dưới cái tên đó bọn cộng hòa tam tài của nhóm "National" muốn đại biểu cho một đảng riêng. Đảng trật tự được thành lập ngay lập tức sau những ngày tháng Sáu; nhưng chỉ sau khi ngày 10 tháng Chạp đã cho phép nó gạt bỏ đươc nhóm "National" tức là những người cộng hòa tư sản, thì điều bí mật về sự tồn tại của nó mới lộ ra, đó là sự liên minh của phái Oóc-lê-ăng với phái chính thống thành một đảng. Giai cấp tư sản chia thành hai phái lớn, bọn đại địa chủ dưới thời phục tích, và bọn quý tộc tài chính cùng với bọn tư sản công nghiệp dưới nền Quân chủ tháng Bảy, hai phái này lần lượt thay nhau độc chiếm chính quyền Buốc-bông là tên một dòng vua đại biểu cho ưu thế của lợi ích của một phái, còn Oóc-lê-ăng là tên một dòng vua khác đại biểu cho ưu thế của lợi ích của phái kia; - cái vương quốc vô danh của chế độ cộng hòa là cái vương quốc duy nhất dưới đó cả hai phái đều có thể duy trì được lợi ích giai cấp chung của chúng một cách ngang nhau mà đồng thời vẫn kình địch với nhau. Nếu chế độ cộng hòa tư sản không thể là cái gì khác hơn là một hình thức thống trị cao nhất, không úp mở của toàn bộ giai cấp tư sản, thì liệu nó có thể là cái gì khác hơn là sự thống trị của phái Oóc-lê-ăng được bổ sung bằng phái chính thống, và của phái chính thống được bổ sung bằng phái Oóc-lê-ăng, một sự tổng hợp của thời phục tích và nền Quân chủ tháng Bảy chăng. Bọn cộng hòa tư sản của nhóm "National" hoàn toàn không đại diện cho một phái lớn nào trong giai cấp của họ có những cơ sở kinh tế cả. Chúng chỉ có một sứ mệnh và một ý nghĩa lịch sử là: dưới chính thể quân chủ, trái với hai phái của giai cấp tư sản chỉ biết có chế độ riêng biệt của mình, chúng đã đề cao chế độ chung của giai cấp tư sản, tức là cái chế độ vô danh của nền cộng hòa mà chúng đã lý tưởng hóa và tô điểm bằng những hoa văn thời cổ, nhưng dĩ nhiên trong đó, cái mà chúng hoan nghênh trước hết là sự thống trị của bọn chúng. Nếu đảng của nhóm "National" đã nhầm lẫn khi thấy bọn bảo hoàng liên minh ngồi chễm chệ trên cái chóp bu của chính thể cộng hòa do nó lập ra, thì bản thân bọn bảo hoàng liên minh này cũng nhầm lẫn không kém về sự thống trị chung của chúng. Chúng không hiểu rằng nếu xét riêng ra thì mỗi một phái của chúng là bảo hoàng, nhưng kết quả của sự kết hợp hóa học của chúng tất nhiên phải là cộng hòa; rằng nền quân chủ trắng và nền quân chủ xanh tất nhiên phải trung hòa lẫn nhau trong nền cộng hòa tam tài. Sự đối lập đối với giai cấp vô sản cách mạng và với những giai cấp trung gian ngày càng hướng về giai cấp vô sản coi như một trung tâm, buộc cả hai phái trong đảng trật tự phải sử dụng những lực lượng phối hợp của chúng và phải duy trì tổ chức của những lực lượng phối hợp này; mỗi một phái trong đảng trật tự, đế chống lại những ý đồ của phái kia muốn phục tích và giành bá quyền, đều buộc phải đưa ra một sự thống trị chung tức là cái hình thức cộng hòa của sự thống trị tư sản. Chính vì vậy mà chúng ta thấy rằng bọn bảo hoàng ấy, lúc đầu tin tưởng vào một sự phục tích ngay lập tức, nhưng về sau chúng phải duy trì hình thức cộng hòa trong khi vẫn điên cuồng nguyền rủa thậm tệ cái hình thức đó, rồi cuối cùng chúng lại phải thú nhận là chúng chỉ có thể thỏa thuận được với nhau trong chế độ cộng hòa thôi và chúng trì hoãn sự phục tích đến một thời gian vô hạn định. Chính ngay việc cùng nắm chính quyền đã khiến cho mỗi phái mạnh lên và khiến cho mỗi phái càng không có khả năng và càng ít muốn phụ thuộc vào phái kia, nghĩa là càng không có khả năng và càng ít muốn phục tích nền quân chủ.

Trong chương trình tuyển cử của mình, đảng trật tự công khai tuyên bố sự thống trị của giai cấp tư sản, nghĩa là tuyên bố duy trì những điều kiện tồn tại của sự thống trị đó, duy trì tài sản, gia đình, tôn giáo và trật tự? Tất nhiên là đảng đó mô tả sự thống trị giai cấp của giai cấp tư sản và những điều kiện của sự thống trị đó là sự thống trị của nền văn minh và là những điều kiện tất yếu của nền sản xuất vật chất cũng như của những quan hệ xã hội nảy sinh từ nền sản xuất đó. Đảng trật tự tuyệt đối nắm trong tay những kinh phí lớn. Nó tổ chức những chi bộ địa phương của nó trong khắp nước Pháp, nó trả công cho tất cả các nhà tư tưởng của xã hội cũ, nó có uy thế của quyền lực chính phủ hiện hành, nó có một đạo quân gồm những gia thần không ăn lương nằm trong cái khối đông đảo những người tiểu tư sản và nông dân, là những người do còn đứng xa phong trào cách mạng nên coi những tên trùm sở hữu tài sản là những đại biểu tự nhiên cho cái tài sản nhỏ bé và những thành kiến nhỏ bé của họ; vì có vô vàn những tên vua nhỏ đại diện cho mình trong cả nước nên đảng trật tự có thể trừng trị việc không chịu bỏ phiếu cho ứng cử viên của nó như trừng trị những kẻ nổi loạn; sa thải những công nhân bướng bỉnh, những cố nông, đầy tớ, những người giúp việc, những nhân viên đường sắt, những thư ký ương ngạnh, tất cả những công chức lệ thuộc vào nó trong hoạt động dân sự. Cuối cùng ở một đôi nơi, đảng trật tự còn có thể duy trì được cái ảo tưởng là Quốc hội lập hiến của chế độ cộng hòa đã ngăn cản được Bô-na-pác-tơ, kẻ được lựa chọn của cái ngày 10 tháng chạp không cho hắn phát huy được những lực lượng thần kỳ của hắn. Trong đảng trật tự, chúng ta không nói đến phái theo Bô-na-pác-tơ. Bọn này không phải là một phái quan trọng của giai cấp tư sản, mà chỉ là một tập hợp những tên tàn phế già nua và mê tín và những tay mạo hiểm trẻ tuổi, không tín ngưỡng. Đảng trật tự đã thắng trong cuộc bầu cử và đã đưa lại đa số các đại biểu của nó vào Quốc hội lập pháp.

Đứng trước giai cấp tư sản phản cách mạng đã liên minh lại thì dĩ nhiên là những phần tử đã được cách mạng hóa của giai cấp tiểu tư sản và của nông dân, phải liên minh với người đại biểu chủ yếu cho những lợi ích cách mạng, tức la giai cấp vô sản cách mạng. Chúng ta đã thấy rằng những đại biểu dân chủ của giai cấp tiểu tư sản ở nghị viện, tức là phái Núi, đã bị những thất bại ở nghị trường đẩy sang liên minh với những đại biểu xã hội chủ nghĩa của giai cấp vô sản, và những người tiểu tư sản chân chính ở ngoài nghị viện cũng đã bị những concordats à l'amiable, sự bênh vực một cách thô bỉ những lợi ích của giai cấp tư sản và sự phá sản, đẩy sang phía những người vô sản chân chính. Ngày 27 tháng Giêng, phái Núi và những người xã hội chủ nghĩa đã ăn mừng sự hòa giải giữa họ với nhau và trong bữa tiệc lớn hồi tháng Hai 1849, họ xác nhận một lần nữa sự liên minh của họ. Đảng xã hội và đảng dân chủ, đảng của giai cấp công nhân và đảng của giai cấp tiểu tư sản, đã thống nhất lại thành đảng dân chủ - xã hội, tức là đảng đỏ.

Tạm thời bị cơn hấp hối tiếp ngay sau những ngày tháng Sáu làm cho tê liệt, chế độ Cộng hòa Pháp, từ khi lệnh thiết quân luật được bãi bỏ, nghĩa là từ ngày 19 tháng Mười, đã trải qua một loạt liên tiếp những cuộc chấn động kịch liệt. Trước hết là cuộc đấu tranh giành ghế tổng thống; tiếp đến là cuộc đấu tranh của tổng thống chống Quốc hội lập hiến, rồi đến cuộc đấu tranh vì các câu lạc bộ; rồi vụ án ở Buốc-giơ[20], một vụ án trong đó, nếu đem so sánh với những nhân vật nhỏ bé của tổng thống, của phái bảo hoàng liên minh, của phái cộng hòa "chân chính", của phái Núi dân chủ, của những nhà khống luận xã hội chủ nghĩa trong giai cấp vô sản, thì những người cách mạng chân chính của giai cấp vô sản đã xuất hiện như những nhân vật khổng lồ thời nguyên thủy mà một trận đại hồng thủy đã để lại trên bề mặt xã hội, hoặc giống những nhân vật khổng lồ chỉ có thể tồn tại trước trận đại hồng thủy xã hội; cuộc vận động tuyển cử; cuộc xử tử những người mưu sát Brê-a[21]; những vụ liên tiếp xử án báo chí; những sự can thiệp bằng bạo lực của cảnh sát của chính phủ vào những bữa tiệc; những vụ khiêu khích vô liêm sỉ của bọn bảo hoàng; sự bêu giếu chân dung của Lu-i Blăng và Cô-si-đi-e trước công chúng; cuộc đấu tranh liên tục giữa chế độ cộng hoà đã được thành lập và Quốc hội lập hiến, tức là cuộc đấu tranh từng giờ từng phút đã đẩy lùi cách mạng về điểm xuất phát của nó, từng giờ từng phút đã khiến cho kẻ thắng thành bại, kẻ bại thành thắng, và trong nháy mắt đã làm đảo lộn vị trí của các đảng và của các giai cấp, đảo lộn sự đoạn tuyệt và sự liên minh của chúng; bước tiến nhanh chóng của lực lượng phản cách mạng ở châu âu; cuộc đấu tranh quang vinh của nhân dân Hung-ga-ri; những cuộc khởi nghĩa ở Đức; cuộc viễn chinh đến La Mã; sự thất bại nhục nhã của quân đội Pháp ở cửa ngõ La Mã - trong cái cuộc vận động quay cuồng ấy, trong cái mớ bòng bong của những biến động lịch sử nặng nề ấy, trong cái cảnh thăng trầm làm xao xuyến lòng người ấy của những nhiệt tình cách mạng, của những niềm hy vọng cách mạng và những nỗi tuyệt vọng cách mạng, tất nhiên là các giai cấp trong xã hội Pháp phải tính những thời kỳ phát triển của chúng bằng tuần lễ, cũng như xưa kia họ đã tính những thời kỳ đó bằng từng nửa thế kỷ một. Một bộ phận lớn của nông dân và của các tỉnh đã được cách mạng hóa. Không những vì Na-pô-lê-ông đã làm cho họ thất vọng, mà còn vì đảng đỏ đã đem lại cho họ cái nội dung chứ không phải cái tên, trả lại cho họ khoản bồi thường là một tỷ phrăng mà trước đây họ đã phải trả cho bọn chính thống, đã mang lại cho họ sự điều chỉnh việc cầm cố, việc xóa bỏ chế độ cho vay nặng lãi, chứ không phải là sự miễn thuế hão huyền.

Cả đến quân đội cũng bị nhiễm phải cơn sốt cách mạng. Bỏ phiếu cho Bô-na-pác-tơ, họ đã bỏ phiếu cho thắng lợi, nhưng hắn đã đem lại cho họ sự thất bại. Bỏ phiếu cho hắn, tức là họ đã bỏ phiếu cho một viên sĩ quan nhỏ đang ẩn giấu một vị thống soái Cách mang vĩ đại, song hắn đã mang lại cho họ những viên đại tướng thực ra chỉ là những viên cai quèn mà thôi. Không nghi ngờ gì nữa, rằng đảng đỏ, tức là đảng dân chủ liên minh, nếu không thu được thắng lợi thì ít nhất cũng được ăn mừng những thành công lớn: rằng Pa-ri, quân đội và đại đa số các tỉnh đều sẽ bỏ phiếu cho nó. Lơ-đruy-Rô-lanh, lãnh tụ của phái Núi, được năm tỉnh bầu ra. Không có lãnh tụ nào của đảng trật tự đạt được thắng lợi như vậy cả, không một ai trong đảng của giai cấp vô sản chân chính thu được thắng lợi như thế cả. Cuộc bầu cử đó cho chúng ta thấy rõ điều bí mật của đảng dân chủ - xã hội. Nếu một mặt, phái Núi, bộ phận tiền phong của giai cấp tiểu tư sản dân chủ trong nghị viện, buộc phải đoàn kết với những người khống luận xã hội chủ nghĩa của giai cấp vô sản, còn giai cấp vô sản, do những thất bại vật chất nặng nề hồi tháng Sáu buộc phải vươn mình lên bằng những thắng lợi tinh thần; và do sự phát triển của các giai cấp khác, vẫn còn chưa có khả năng đoạt lấy chuyên chính cách mạng, nên buộc phải rơi vào tay những kẻ khống luận về sự giải phóng giai cấp vô sản, người sáng lập ra những phái xã hội chủ nghĩa, - thì mặt khác, nông dân cách mạng, quân đội, các tỉnh cũng tập hợp lại đằng sau phái Núi, do đó phái này trở thành bộ chỉ huy các lực lượng cách mạng liên hiệp, và gạt bỏ được mọi sự chia rẽ trong phe cách mạng, bằng cách thỏa hiệp với những người xã hội chủ nghĩa. Trong nửa cuối nhiệm kỳ của Quốc hội lập hiến, phái Núi đại biểu cho cái nhiệt tình cộng hòa trong quốc hội, và nó đã làm cho người ta quên những tội lỗi của nó trong thời kỳ chính phủ lâm thời, trong thời kỳ Uỷ ban chấp hành, và trong những ngày tháng Sáu. Nhóm "National", theo đúng bản chất do dự của nó, càng để cho nội các bảo hoàng đè bẹp mình bao nhiêu, thì phái Núi, bị gạt ra khỏi vũ đài trong thời kỳ nhóm "National" nắm quyền lực vạn năng, càng trỗi dậy và nổi bật lên bấy nhiêu với tư cách là đại biểu của cách mạng trong nghị viện. Thật vậy, nhóm "National" chẳng có gì để chống lại những cánh bảo hoàng khác, ngoài những nhân vật có nhiều tham vọng và những lời nhảm nhí duy tâm. Ngược lại, phái Núi đại diện cho một khối quần chúng ngả nghiêng giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản, những giai cấp mà lợi ích vật chất của họ đòi hỏi phải có những thiết chế dân chủ. Trong cuộc đấu tranh chống Ca-ve-nhắc và Ma-ra-xtơ, Lơ-đruy-Rô-lanh và phái Núi đứng ở trên lập trường cách mạng chân chính, và ý thức về vai trò quan trọng đó đã đem lại cho họ một lòng can đảm càng lớn hơn là khi mà sự biểu lộ nghị lực cách mạng chỉ hạn chế ở những cuộc đả kích trong nghị trường, ở việc đưa ra những lời buộc tội, ở những lời đe dọa, ở những lần to tiếng, ở những bài diễn văn nhức óc và những điều cực đoan đầu lưỡi. Nông dân cũng ở vào một tình trạng giống như tình trạng của những người tiểu tư sản, họ cũng có những yêu sách xã hội gần giống như của những người tiểu tư sản. Bởi vậy, tất cả các tầng lớp trung đẳng của xã hội, trong chừng mực họ bị lôi cuốn vào phong trào cách mạng, tất phải thấy Lơ-đruy-Rô-lanh là vị anh hùng của họ.

Lơ-đruy-Rô-lanh là nhân vật quan trọng của giai cấp tiểu tư sản dân chủ. Trong cuộc đấu tranh với đảng trật tự, thì những người được đẩy lên hàng đầu trước hết tất phải là những người cải lương nửa bảo thủ, nửa cách mạng và hoàn toàn không tưởng theo kiểu ấy.

Nhóm "National" là "những người bạn của hiến pháp quand même"[22], "républicains purs et simples"[23]) bị thất bại hoàn toàn trong cuộc bầu cử. Một số rất nhỏ trong bọn họ, được đưa vào Quốc hội lập pháp. Những lãnh tụ có tên tuổi nhất của họ đã biến khỏi vũ đài, kể cả Ma-ra-xtơ, tổng biên tập và là Oóc-phây của nền cộng hòa "chân chính".

Ngày 28 tháng Năm[24], Quốc hội lập pháp họp; ngày 11 tháng Sáu lại diễn lại vụ xung đột ngày 8 tháng Năm. Lơ-đruy-Rô-lanh, nhân danh phái Núi, đã đưa ra một bản cáo trạng đòi truy tố tổng thống và nội các về tội vi phạm hiến pháp, vì đã bắn phá La Mã. Ngày 12 tháng Sáu, Quốc hội lập pháp bác bỏ bản cáo trạng ấy cũng như Quốc hội lập hiến đã bác bản cáo trạng ngày 11 tháng Năm, nhưng lần này, giai cấp vô sản đẩy phái Núi xuống đường, thực ra không phải là để chiến đấu trên đường phố, mà chỉ là để đi diễu hành ngoài đường phố. Chỉ cần nói rằng phái Núi đứng đầu phong trào này là cũng đủ thấy rằng phong trào đó đã thất bại và sự kiện tháng Sáu 1849 là một sự tái diễn của tháng Sáu 1848 một cách vừa lố bịch vừa xấu xa. Cuộc rút lui vĩ đại ngày 13 tháng Sáu chỉ có thể bị làm lu mờ bởi câu chuyện còn vĩ đại hơn về trận chiến đấu của Săng-gác-ni-ê, con người vĩ đại mà đảng trật tự đã nặn ra. Mỗi thời đại xã hội đều cần có những con người vĩ đại của nó, và nếu nó không tìm ra những người như thế, thì như Hen-vê-ti-uýt đã nói, nó sẽ nặn ra họ.

Ngày 20 tháng Chạp, chỉ tồn tại có một nửa của chế độ cộng hòa tư sản đã được thành lập thôi, đó là tổng thống; ngày 28 tháng Năm, nó được bổ sung bằng nửa kia, đó là Quốc hội lập pháp. Tháng Sáu năm 1848, chế độ cộng hòa tư sản đang được thành lập đã được đánh dấu trong sổ khai sinh của lịch sử bằng một cuộc chiến đấu có một không hai chống lại giai cấp vô sản; tháng sáu 1849, chế độ cộng hòa tư sản được thành lập xong đã làm việc đó bằng một tấn hài kịch khôn bề tả nổi, cùng diễn với giai cấp tiểu tư sản. Tháng Sáu năm 1849 là thần Nê-mê-dít đối với tháng Sáu 1848. Hồi tháng Sáu 1849, không phải công nhân là những người bị thất bại, mà những người tiểu tư sản đứng giữa công nhân và cách mạng đã bị thất bại. Tháng Sáu 1849 không phải là một bi kịch đẫm máu giữa lao động làm thuê và tư bản, mà là một quang cảnh đầy rẫy những cảnh ngục tù, một quang cảnh bi thảm giữa người chủ nợ và con nợ. Đảng trật tự đã chiến thắng, nó đã có quyền lực vạn năng; bây giờ nó cần phải tỏ rõ nó là cái gì.

 

[Chương trước]   [Mục lục]   [Chương tiếp theo]


Chú thích

[1]. "La Réforme" ("Cải cách") - tờ nhật báo Pháp, cơ quan ngôn luận của phái cộng hoà dân chủ tiểu tư sản và của phái xã hội chủ nghĩa tiểu tư sản, xuất bản ở Pa-ri từ năm 1843 đến năm 1850. Từ tháng Mười 1847 đến tháng Giêng 1848 Ăng-ghen đã đăng một số bài trên tờ báo này. - 50.

[2]. Con số không tuyệt đối.

[3]. Đây là nói đến bài xã luận đăng trên tờ "Journal des Débats" ngày 28 tháng Tám 1848.

"Journal des Débats" là tên gọi của tờ nhật báo tư sản Pháp "Journal des Débats politiques et littéraies" ("Báo tranh luận chính trị và văn học") thành lập ở Pa-ri năm 1789. Trong thời ký chế độ Quân chủ tháng Bảy, là tờ báo của chính phủ, là cơ quan ngôn luận của giai cấp tư sản thuộc phát oóc-lê-ăng. Vào thời kỳ cuộc cách mạng năm 1848, báo đã phản ánh những quan điểm của giai cấp tư sản cách mạng, của cái gọi là đảng trật tự.

[4]. Những người buôn bán rượu vang.

[5]. "bản hợp đồng thoả thuận giữa đôi bên"

[6]. Phải tiêu diệt Các-ta-giơ

[7]. Không quanh co, úp mở gì

[8]. Quyền được cứu trợ

[9]. Theo truyền thuyết kinh thánh, Xa-un, nhà vua đầu tiên của vương quốc Do Thái, trong cuộc chiến tranh với những người Phi-li-xtanh đã đánh bại hàng nghìn quân địch, còn dũng sĩ của ông ta là Đa-vít, người được ông che chở, đã đánh bại hàng vạn. Sau khi Xa-un chết, Đa-vít đã trở thành vua của vương quốc Do Thái. - 62.

[10]. Cuộc chính biến, cuộc đảo chính.

[11] . Hoa huệ là huy hiệu tiêu biểu cho chế độ quân chủ Buốc-bông, hoa vi-ô-lét là tượng trưng cho phái Bô-na-pác-tơ. - 63. 'font-family:

[12]. Mác viện dẫn bản tin từ Pa-ri ngày 18 tháng Chạp, đăng trên tờ "Neue Rheinsche Zeitung" số 174, ngày 21 tháng Chạp 1848 với ký hiệu thông tin viên của Phéc-đi-năng Vôn-phơ. Những lời dẫn ra ở đây có thể là của chính Mác, người đã biên tập lại tỉ mỉ tất cả những tài liệu lấy từ các báo. - 63.

[13]. Trong bản tiếng Đức ở đây có sự chơi chữ: "einfaltig" có nghĩa là "thiển cận", "vielfaltig" có nghĩa là "nhiều mặt".

[14]. Về cơ bản, đa số

[15] . Đôi tai của Mi-đa-xơ là đôi tai lừa mà thần A-pô-lông đã tặng cho vua Mi-đa-xơ ở xứ Phri-gi theo truyền thuyết cổ. - 66.

[16]. Báo chí chống Bô-na-pác-tơ đã đặt cho tổng thống Lu-i Bô-na-pác-tơ cái tên là Xu-lu-cơ. Xu-lu-cơ là tổng thống nước Cộng hoà Ha-i-ti, tự xưng là hoàng đế ngày 26 tháng Tám 1849, một người nổi tiếng tàn bạo và hiếu danh.

[17]. Những thư đầy tình yêu thương.

[18]. Đây là nói về viên tướng Anh Gi. Môn-cơ đã dùng quân đội chính phủ dưới quyền chỉ huy của ông ta để khôi phục lại triều đại Xtiu-át năm 1660. - 75.

[19]. Cứu nguy xã hội

[20]. Từ ngày 7 tháng Ba đến ngày 3 tháng Tư 1849 ở Buốc-giơ đã diễn ra vụ án những người tham gia sự kiện ngày 15 tháng Năm 1848 (xem chú thích 19). Blăng-ki bị kết án tù xà lim 10 năm, Đơ-phlốt, Xô-bri-ê, Ra-xpai, An-be và những người khác bị cầm tù với những thời hạn khác nhau, và bị đày đi biệt xứ. - 85.

[21]. Tướng Brê-a chỉ huy đội quân đàn áp cuộc khởi nghĩa tháng Sáu của giai cấp vô sản Pa-ri đã bị những người nổi dậy giết chết ở cửa ô Phông-te-nơ-blô ngày 25 tháng Sáu 1848. Vì vậy, hai người tham gia khởi nghĩa đã bị xử tử. - 85.

[22]. Với bất kỳ giá nào, bất chấp tất cả.

[23]. Những người cộng hoà chính cống.

[24]. Trong lần xuất bản thứ nhất và trong tất cả những lần xuất bản gần đây tác phẩm "Đấu tranh giai cấp ở Pháp 1848 - 1850", đã in sai là ngày 29 tháng Năm. Trên thực tế, Quốc hội lập pháp khai mạc vào ngày 28 tháng Năm 1849. - 88.