Các Mác
Đấu tranh giai cấp ở Pháp 1848 - 1850


Hậu quả của sự kiện ngày 13 tháng sáu 1849


Ngày 20 tháng Chạp, cái đầu Gia-nu-xơ của chế độ cộng hòa lập hiến chỉ mới cho người ta thấy có một bộ mặt của nó, tức là cái bộ mặt hành pháp dưới những nét vừa mờ ảo, vừa tầm thường của Lu-i Bô-na-pác-tơ; ngày 28 tháng Năm 1849, nó cho người ta thấy nốt cái bộ mặt thứ hai của nó, bộ mặt lập pháp nhằng nhịt những vết sẹo mà những cuộc lễ tử thần của thời kỳ phục tích và của thời kỳ Quân chủ tháng Bảy đã để lại. Với Quốc hội lập pháp, chế độ cộng hòa lập hiến coi như đã được hoàn thành, nghĩa là đã xuất hiện dưới hình thức nhà nước cộng hòa của nó, trong đó, sự thống trị của giai cấp tư sản đã được xác lập, tức là sự thống trị chung của hai phái bảo hoàng lớn họp thành giai cấp tư sản Pháp, phái chính thống và phái Oóc-lê-ăng liên minh với nhau, tức là sự thống trị của đảng trật tự. Như vậy, trong khi chế độ cộng hòa Pháp trở thành vật sở hữu của liên minh các phái bảo hoàng, thì đồng thời liên minh châu âu của các cường quốc phản cách mạng cũng tiến hành cuộc công kích thập tự toàn diện vào những nơi trú ẩn cuối cùng của các cuộc cách mạng tháng Ba. Nước Nga nhẩy xổ vào Hung-ga-ri; quân đội Phổ tiến đánh đội quân bảo vệ hiến pháp đế chế, và U-đi-nô bắn phá La Mã. Cuộc khủng hoảng ở châu âu rõ ràng là đã tiến gần đến một bước ngoặt quyết định. Toàn thể châu âu chăm chú nhìn vào Pa-ri; còn toàn thể Pa-ri thì chăm chú nhìn vào Quốc hội lập pháp.

Ngày 11 tháng Sáu, Lơ-đruy-Rô-lanh lên diễn đàn, ông ta không đọc diễn văn mà chỉ đưa ra một bản cáo trạng lên án các bộ trưởng một cách không úp mở, không văn hoa, căn cứ trên những sự kiện, một bản cáo trạng xúc tích, quyết liệt.

Cuộc tấn công vào La Mã là một cuộc tấn công vào hiến pháp; cuộc tấn công vào nước Cộng hòa La Mã là một cuộc tấn công vào nền Cộng hòa Pháp. Điều V trong hiến pháp[1] đã quy định như sau: "Nước Cộng hòa Pháp không bao giờ dùng lực lượng vũ trang của mình để chống lại nền tự do của bất cứ dân tộc nào", ấy thế mà tổng thống lại đưa quân đội Pháp đi chống lại nền tự do của La Mã. Điều 54 của hiến pháp cấm quyền lực hành pháp tuyên bố bất cứ một cuộc chiến tranh nào nếu không được sự đồng ý của Quốc hội[2]. Nghị quyết của Quốc hội lập hiến ngày 8 tháng Năm đã dứt khoát ra lệnh cho các bộ trưởng phải mau chóng đưa cuộc viễn chinh đánh La Mã trở về mục đích ban đầu của nó, như vậy là Quốc hội lập hiến cũng đã dứt khoát ngăn cấm cuộc chiến tranh chống La Mã, ấy thế mà U-đi-nô lại bắn phá La Mã. Như thế là Lơ-đruy-Rô-lanh đã viện đến chính ngay hiến pháp để luận chứng kết tội Bô-na-pác-tơ và các bộ trưởng của Bô-na-pác-tơ. ông ta, người đại biểu cho hiến pháp, đã thét vào mặt cái đa số bảo hoàng trong Quốc hội lời tuyên bố có tính chất đe dọa sau đây: "Những người cộng hòa sẽ biết dùng mọi biện pháp, thậm chí dùng vũ lực, để làm cho hiến pháp phải được tôn trọng!". "Dùng vũ lực!" , hàng trăm tiếng hưởng ứng của phái Núi lắp lại lời tuyên bố đó. Phe đa số đáp lại bằng những tiếng la ó ghê gớm. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Lơ-đruy-Rô-lanh giữ trật tự. Lơ-đruy-Rô-lanh liền nhắc lại lời tuyên bố khiêu khích của mình, và cuối cùng đặt lên bàn của chủ tịch bản kiến nghị đòi truy tố Bô-na-pác-tơ và các bộ trưởng của y trước tòa án. Với 361 phiếu thuận và 203 phiếu chống, Quốc hội đã quyết định thông qua một cách đơn giản vấn đề bắn phá La Mã trong chương trình nghị sự.

Phải chăng Lơ-đruy-Rô-lanh cho rằng có thể dùng hiến pháp để đánh bại Quốc hội, và dùng Quốc hội để đánh bại tổng thống?

Đành rằng hiến pháp đã nghiêm cấm mọi sự xâm phạm vào nền tự do của các dân tộc khác, nhưng cái mà quân đội Pháp tấn công ở La Mã thì, theo ý kiến của nội các, đó không phải nền "tự do", mà là "chế độ độc tài của bọn vô chính phủ". Mặc dầu đã trải qua tất cả những kinh nghiệm của Quốc hội lập hiến, phái Núi lẽ nào lại vẫn chưa hiểu rằng việc giải thích hiến pháp không phải là thuộc quyền những người đã lập ra hiến pháp, mà là chỉ thuộc quyền những người đã chấp nhận hiến pháp đó hay sao. Rằng lời văn của hiến pháp phải được giải thích theo ý nghĩa phù hợp với thực tế, ý nghĩa tư sản là ý nghĩa duy nhất phù hợp với thực tế đó sao? Rằng Bô-na-pác-tơ và cái đa số bảo hoàng trong Quốc hội mới đích thực là những người giải thích hiến pháp, cũng như linh mục mới đích thực là người giải thích kinh thánh, và quan tòa mới đích thực là người giải thích pháp luật đó sao? Quốc hội vừa mới được tổng tuyển cử bầu ra, liệu có cảm thấy bị những lời di chúc của cái Quốc hội lập hiến đã quá cố, cái Quốc hội lập hiến mà một người như ô-đi-lông Ba-rô đã đập tan ý chí ngay lúc nó đang còn sống, - ràng buộc mình hay không. Trong khi viện đến bản nghị quyết ngày 8 tháng Năm của Quốc hội lập hiến, lẽ nào Lơ-đruy-Rô-lanh đã quên mất rằng ngày 11 tháng Năm, cũng chính cái Quốc hội lập hiến này đã gạt bỏ lời đề nghị lần thứ nhất của ông ta đòi truy tố Bô-na-pác-tơ và các bộ trưởng của y, rằng Quốc hội đó đã tuyên bố là tổng thống và các bộ trưởng đều vô tội, rằng như vậy là Quốc hội đã thừa nhận cuộc bắn phá La Mã là "hợp hiến"; rằng thực ra ông ta chỉ làm cái việc là kháng cáo về một bản án đã được xử rồi, và sau hết, như thế là ông ta đã đưa Quốc hội lập hiến của chế độ cộng hòa ra trước Quốc hội lập pháp của phái bảo hoàng hay sao? Bản hiến pháp tự nó đã viện đến cuộc khởi nghĩa, khi kêu gọi, trong một điều khoản đặc biệt, mọi người công dân hãy bảo vệ hiến pháp. Lơ-đruy-Rô-lanh đã dựa vào điều khoản ấy. Nhưng mặt khác, các cơ quan quyền lực nhà nước chẳng phải đã được tổ chức ra cũng là để bảo vệ hiến pháp đó sao, và việc vi phạm hiến pháp chẳng phải là chỉ bắt đầu từ lúc mà một cơ quan quyền lực hợp hiến này nổi lên chống lại một cơ quan quyền lực hợp hiến khác đó sao? Trong khi đó thì tổng thống của chế độ cộng hòa, các viên bộ trưởng của chế độ cộng hòa, quốc hội của chế độ cộng hòa đều đã hoàn toàn hòa hợp với nhau.

Cái mà phái Núi mong muốn ngày 11 tháng Sáu là một "cuộc khởi nghĩa trong phạm vi của lý tính thuần túy" , nghĩa là một Cuộc khởi nghĩa thuần túy trong phạm vi nghị trường. Nó cho rằng vì hoảng sợ trước triển vọng xảy ra một cuộc khởi nghĩa vũ trang của quần chúng nhân dân, nên phe đa số trong Quốc hội đã phải đánh bại Bô-na-pác-tơ và các bộ trưởng của hắn, tức là đập tan quyền lực của chính mình. Trước kia Quốc hội lập hiến chẳng phải đã tìm cách dùng thủ đoạn tương tự như thế để phá vỡ cuộc bầu cử Bô-na-pác-tơ, khi Quốc hội cứ nhất quyết đòi bãi miễn nội các Ba-rô-Phan-lu đó sao?

Trong thời kỳ Hội nghị Quốc ước, có thiếu gì những trường hợp mà sự nổi dậy trong nghị trường đã đảo lộn ngay lập tức tương quan lực lượng giữa phe đa số và phe thiểu số, - ấy thế mà tại sao phái Núi trẻ lại không làm được cái điều mà phái Núi cũ trước kia đã làm được? Mà những điều kiện lúc đó hình như cũng không phải là không thuận lợi cho một công cuộc như thế. ở Pa-ri, sự phấn khích của dân chúng đã lên tới một mức độ đáng lo sợ; căn cứ vào số phiếu mà quân đội đã bỏ, thì quân đội hình như cũng không ủng hộ chính phủ lắm; bản thân phe đa số trong Quốc hội lập pháp lúc đó cũng còn quá non trẻ nên chưa phải là đã được củng cố, vả lại nó lại gồm những người đã lớn tuổi. Nếu phái Núi thành công trong cuộc nổi dậy ở nghị trường thì quyền lãnh đạo nhà nước sẽ lập tức rơi vào tay họ. Còn về phần giai cấp tiểu tư sản dân chủ, thì bao giờ cũng vậy, họ thiết tha không mong muốn gì hơn là cuộc đấu tranh diễn ra ở trên đầu họ, trên tít tầng mây, giữa những bóng ma trong nghị viện. Sau hết, cả hai giai cấp tiểu tư sản dân chủ và các đại biểu của nó tức là phái Núi, đều do một cuộc nổi dậy ở nghị trường mà thực hiện được mục tiêu lớn của mình là: đập tan quyền lực của giai cấp tư sản mà không phải giải thoát giai cấp vô sản khỏi xiềng xích của giai cấp tư sản hoặc không làm cho sự giải thoát xuất hiện một cách nào khác hơn là trong viễn ảnh; như vậy là đã lợi dụng được giai cấp vô sản mà vẫn không để cho nó trở thành một cái gì nguy hiểm cả.

Sau cuộc bỏ phiếu ngày 11 tháng Sáu của Quốc hội đã có một cuộc hội đàm giữa một vài người trong phái Núi với những đại biểu của các hội bí mật của công nhân. Các hội này khăng khăng đòi phải phát động khởi nghĩa ngay chiều hôm đó. Phái Núi kiên quyết bác bỏ kế hoạch này. Nó kiên quyết không để bị tước mất quyền lãnh đạo phong trào, nó nghi ngờ cả bạn đồng minh của nó cũng như kẻ đối địch với nó, và như vậy là đúng. Hồi ức về tháng Sáu 1848 đã kích động hàng ngũ giai cấp vô sản Pa-ri một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Song giai cấp này lại bị sự liên minh của mình với phái Núi trói buộc. Trong Quốc hội, phái này đại diện cho đa số các tỉnh; nó khuyếch đại ảnh hưởng của nó ở trong quân đội; nó nắm được bộ phận dân chủ trong đội cận vệ quốc gia; sau hết, nó có cái thế lực tinh thần của bọn chủ tiệm nhỏ làm hậu thuẫn. Trong lúc này mà phát động khởi nghĩa ngược lại ý chí của phái Núi, thì như thế là giai cấp vô sản - vả chăng đã bị bệnh dịch tả giết hại mất nhiều, và đang bị nạn thất nghiệp xua đuổi hàng loạt ra khỏi Pa-ri, - diễn lại một cách vô ích những ngày tháng Sáu 1848 mà tình thế lại không buộc phải tiến hành cuộc chiến đấu tuyệt vọng đó. Các đại biểu công nhân đã tiến hành cái điều duy nhất hợp lý: họ đã buộc phái Núi phải tự mình phá hoại danh dự của mình, nghĩa là sẽ phải vượt ra ngoài phạm vi cuộc đấu tranh nghị trường trong trường hợp bản cáo trạng của phái ấy bị Quốc hội bác bỏ. Suốt trong ngày 13 tháng Sáu, giai cấp vô sản đã giữ cái thái độ quan sát hoài nghi đó, và nó chờ đợi cuộc vật lộn nhất định sẽ nổ ra một cách nghiêm trọng và quyết liệt giữa đội cận vệ quốc gia dân chủ và quân đội, để lúc đó nó nhẩy vào vòng chiến và mau chóng thúc đẩy cuộc cách mạng tiến vượt quá cái đích tiểu tư sản mà người ta ấn định cho nó. Nếu thắng lợi thì như thế là đã thành lập xong công xã vô sản, song song với chính phủ chính thức. Công nhân Pa-ri đã học được bài học đẫm máu của tháng Sáu 1848.

Ngày 12 tháng Sáu, bộ trưởng La-crốt-xơ đã tự mình đề nghị với Quốc hội lập pháp lập tức thảo luận ngay bản cáo trạng. Đêm hôm ấy, chính phủ đã chuẩn bị tất cả mọi biện pháp phòng ngự và tấn công phe đa số trong Quốc hội quyết định đẩy phe thiếu số phản nghịch ra ngoài đường phố; bản thân phe thiểu số cũng không thể lùi bước được nữa, đành phải ứng chiến, kết quả là 377 phiếu chống 8 phiếu, đã gạt bỏ bản cáo trạng; phái Núi không bỏ phiếu, vừa la lối vừa tức tốc chạy vào phòng tuyên truyền của "phái dân chủ yêu hòa bình", phòng biên tập của báo "Democratie pacifique"[3].

Một khi đã bị tách khỏi hội trường của quốc hội thì sức mạnh của phái Núi cũng bị tiêu ma, chẳng khác nào Ăng-tê, đứa con trai khổng lồ của trái đất, khi bị tách khỏi trái đất thì không còn sức mạnh nữa. Là những Xăm-xông trong trụ sở của Quốc hội lập pháp, những người môn-ta-nhơ[4] chỉ còn là những người phi-li-xtanh ở trong trụ sở của "phái dân chủ yêu hòa bình. Một cuộc tranh luận kéo dài, ầm ĩ và rỗng tuếch đã diễn ra. Phái Núi đã quyết dùng tất cả mọi biện pháp, "trừ biện pháp vũ lực", để buộc phải tôn trọng hiến pháp. Quyết định của phái Núi được những người "bạn của hiến pháp" ủng hộ bằng một bản tuyên ngôn[5] và một đoàn đại biểu. Những người "bạn của hiến pháp", đó là tên gọi của những phần tử còn sót lại của nhóm "National", tức là của đảng tư sản cộng hòa. Trong khi 6 người trong số những đại biểu của nhóm National còn lại trong Quốc hội đã bỏ phiếu chống lại việc bác bỏ bản cáo trạng, còn tất cả những người khác đều đã bỏ phiếu tán thành, trong khi Ca-ve-nhắc đem lưỡi kiếm của mình cho đảng trật tự sử dụng thì đại bộ phận của nhóm "National", cái bộ phận ngoài nghị trường, đã hăm hở nắm ngay lấy cơ hội đế thoát khỏi cái địa vị của mình là tầng lớp hạ đẳng về mặt chính trị và lũ lượt gia nhập đảng dân chủ. Thật vậy, lẽ nào họ chẳng phải là những kẻ truyền lệnh tự nhiên của đảng ấy, một đảng nấp sau chiếc lá chắn của họ, nấp sau nguyên tắc của họ, sau bản hiến pháp đó ư?

"Phái Núi" trở dạ mãi cho đến khi trời mờ sáng. Nó đẻ ra được Một bản tuyên bố gửi nhân dân" đăng trên hai tờ báo xã hội chủ nghĩa[6] vào sáng ngày 13 tháng Sáu, ở một góc không lấy gì làm vinh hạnh cho lắm. Nó tuyên bố rằng tổng thống, các bộ trưởng, phe đa số của Quốc hội lập pháp là " không hợp hiến" (hors la Constitution) và kêu gọi đội cận vệ quốc gia, quân đội và sau cùng là cả nhân dân nữa hãy "nổi dậy". "Hiến pháp muôn năm!", đó là khẩu hiệu mà người ta đã tung ra, một khẩu hiệu không có ý nghĩa nào khác hơn là "đả đảo cách mạng!".

Tương ứng với lời tuyên ngôn hợp hiến đó của phái Núi thì ngày 13 tháng Sáu, có cái gọi là một cuộc thị uy hòa bình của những người tiểu tư sản. Đó là một cuộc diễu hành xuất phát từ Sa-tô-đô qua các đường phố lớn, gồm 30000 người, phần nhiều là những người trong đội cận vệ quốc gia, không mang vũ khí, đi lẫn với các thành viên của các đoàn thể bí mật của công nhân, vừa đi vừa hô " Hiến pháp muôn năm!", những tiếng hô mà chính ngay những người tham gia cuộc diễu hành đã hô lên một cách máy móc, một cách nhạt nhẽo, không tự giác, những tiếng hô mà quần chúng nhân dân đang tràn ngập trên vỉa hè đã nhại lại một cách diễu cợt chứ không hưởng ứng hô vang to lên như sấm động. Trong tiếng hát nhiều giọng của họ lại thiếu mất cái giọng từ trái tim phát ra. Và khi đoàn diễu hành đi qua trước trụ sở của những người "bạn của hiến pháp" và khi một tên truyền lệnh, làm thuê cho hiến pháp, xuất hiện trên nóc trụ sở, vung mạnh chiếc mũ cao của hắn, căng lồng ngực đại lực sĩ của hắn lên mà trút xa xả lên đầu những người hành hương ấy cái khẩu hiệu: "Hiến pháp muôn năm!", thì chính những người tham gia diễu hành hình như trong một lúc cũng cảm thấy tình hình thật là lố bịch. Người ta biết rằng đoàn diễu hành đó đi đến những đại lộ, bước vào phố đờ la Pe thì được đội ky binh và đội quân truy kích của Săng-gác-ni-ê tiếp đón một cách rất ít có tính cách nghị trường; rằng trong nháy mắt, đoàn diễu hành ấy đã chạy tán loạn khắp các ngả, chỉ để lại sau nó vài tiếng hô lẻ tẻ: "hãy sử dụng vũ khí!", để chấp hành lời hiệu triệu khởi nghĩa đã được tung ra ngày 11 tháng Sáu trong Quốc hội.

Đại bộ phận của phái Núi, lúc đó tụ tập ở phố Ha-dác, liền biến mất khi sự giải tán bằng bạo lực như vậy đối với đoàn diễu hành hòa bình, những tin đồn ầm ĩ về vụ tàn sát những công dân tay không trên các đại lộ và sự huyên náo ngày càng tăng ở ngoài phố dường như báo trước một cuộc khởi nghĩa sắp bùng nổ. Đứng đầu một nhóm gồm một số ít nghị sĩ, Lơ-đruy-Rô-lanh đã cứu vãn danh dự của phái Núi. Dưới sự yểm hộ của đội pháo binh Pa-ri đã tập hợp lại ở Pa-le-Na-xi-ô-nan, họ kéo sang Học viện công nghệ là nơi binh đoàn thứ 5 và binh đoàn thứ 6 của đội cận vệ quốc gia sẽ kéo tới. Nhưng phái Núi đã hoài công chờ đợi binh đoàn thứ 5 và thứ 6; những người lính cận vệ quốc gia thận trọng này đã bỏ rơi các đại biểu của họ, ngay đội pháo binh Pa-ri cũng ngăn cản không cho dân chúng dựng lũy chướng ngại; một tình trạng cực kỳ hỗn loạn khiến cho không thể quyết định được một điều gì; quân đội chính quy tiến lên, lưỡi lê tuốt trần; một số các đại biểu đã bị bắt giam, một số khác chạy thoát được. Ngày 13 tháng Sáu đã kết thúc như vậy đó.

Nếu ngày 23 tháng Sáu 1848 là ngày khởi nghĩa của giai cấp vô sản cách mạng thì ngày 13 tháng Sáu 1849 là ngày khởi nghĩa của những người tiểu tư sản dân chủ; cả hai cuộc khởi nghĩa đó đều là biểu hiện thuần túy, cổ điển của cái giai cấp đã phát động cuộc khởi nghĩa.

Chỉ có ở Ly-ông là sự biến đã đi đến chỗ trở thành một cuộc xung đột ngoan cường, đổ máu. Tại thành phố này giai cấp tư sản công nghiệp và giai cấp vô sản công nghiệp trực tiếp đương đầu với nhau, trong đó phong trào công nhân không nằm trong khuôn khổ phong trào chung và không do phong trào chung quyết định như ở Pa-ri; cho nên ngày 13 tháng Sáu, - với sự thất bại của bản thân nó - đã mất đi tính chất ban đầu của nó. Còn ở những địa phương khác trong tỉnh, nơi mà sự biến đó được hưởng ứng thì nó không làm bốc cháy lên được, đó chỉ là một tia chớp lạnh lẽo mà

Ngày 13 tháng Sáu đã kết thúc thời kỳ thứ nhất của sự tồn tại của chế độ cộng hòa lập hiến; cái chế độ cộng hòa lập hiến đã do cuộc khai mạc của Quốc hội lập pháp vào ngày 28 tháng Năm 1849 mà bắt đầu tồn tại một cách bình thường. Trong suốt cả cái màn dạo đầu ấy, luôn luôn xảy ra nhũng cuộc đấu tranh ầm ĩ giữa đảng trật tự và phái Núi, giữa giai cấp tư sản và giai cấp tiểu tư sản là giai cấp đã uổng công lồng lộn lên chống lại việc thành lập nền cộng hòa tư sản, nền cộng hòa mà vì nó, trước đây chính bản thân giai cấp tiểu tư sản đã luôn luôn tiến hành những âm mưu trong chính phủ lâm thời và trong Uỷ ban chấp hành, và vì nó, giai cấp tư sản đã cuồng nhiệt chống lại giai cấp vô sản trong những ngày tháng Sáu. Ngày 13 tháng Sáu đã đập tan sức phản kháng của giai cấp tiểu tư sản và làm cho nền độc tài lập pháp của phái bảo hoàng thống nhất trở thành một sự việc đã rồi. Từ đó trở đi Quốc hội chỉ là Uỷ ban cứu nguy xã hội của đảng trật tự mà thôi.

Nhân dân Pari đã đặt tổng thống, các bộ trưởng và phe đa số của Quốc hội vào "địa vị bị cáo"; còn họ thì lại đặt Pa-ri vào "tình trạng thiết quân luật". Phái Núi đã tuyên bố phe đa số của Quốc hội lập pháp là không hợp hiến"; phe đa số thì đưa phái Núi ra trước Tòa án tối cao về tội vi phạm hiến pháp và đã phế bỏ tất cả những gì còn có sinh lực nhất trong phái đó. Người ta đã sát hại nó đến mức nó chỉ còn là một cái thân không đầu,
không tim. Phe thiểu số đi đến chỗ mưu toan một cuộc nổi dậy ở nghị trường; phe đa số thì nâng quyền chuyên chế nghị trường của mình thành pháp luật. Phe đa số đã ban bố một quy chế mới của Quốc hội nhằm thủ tiêu quyền tự do lên diễn đàn phát biểu ý kiến và trao cho chủ tịch Quốc hội quyền sử dụng các biện pháp tước quyền phát biểu, phạt tiền, đình chỉ phụ cấp nghị sĩ, trục xuất tạm thời, giam giữ để trừng phạt các nghị sĩ về tội làm rối trật tự. Bên trên cái thân không đầu của phái Núi, phe đa số đã treo không phải một thanh gươm, mà là cái roi. Số còn lại trong đám các nghị sĩ phái Núi, muốn bảo toàn được danh dự của họ, đáng lẽ nên rút lui hàng loạt. Một hành động như thế có lẽ sẽ làm cho đảng trật tự nhanh chóng đi đến chỗ tan rã. Khi cái vẻ bề ngoài của một phe đối lập không còn giữ cho đảng trật tự phải đoàn kết hơn thì đảng này chỉ có thể phân liệt thành
những bộ phận cấu thành ban đầu của nó mà thôi.

Cùng với việc tước bỏ lực lượng nghị trường của phái tiểu tư sản dân chủ, người ta cũng đồng thời tước luôn cả lực lượng võ trang của họ bằng cách giải tán đội pháo binh Pa-ri, cũng như những binh đoàn thứ 8, 9 và 12 của đội cận vệ quốc gia. Trái lại, cái binh đoàn của bọn quý tộc tài chính, ngày 13 tháng Sáu, đã tấn công các nhà in ở Bu-lơ và Ru, đập các máy in, phá tan hoang các tòa soạn của những tờ báo cộng hòa, tùy tiện bắt giam các biên tập viên, các công nhân xếp chữ, các công nhân in, các nhân viên thu phát báo lẫn những người chạy giấy, thì lại được hoan nghênh khuyến khích ở trên diễn đàn của Quốc hội. Trong toàn cõi nước Pháp, các đội cận vệ quốc gia cũng đều bị giải tán vì bị nghi là theo chủ nghĩa cộng hòa.

Một đạo luật mới về báo chí, một đạo luật mới về việc lập hội, một đạo luật mới về việc thiết quân luật, các nhà lao ở Pa-ri đầy ắp, việc trục xuất những người lưu vong chính trị, tất cả những tờ báo vượt ra ngoài khuôn khổ của tờ "National" đều bị đình bản, Ly-ông và năm tỉnh xung quanh bị đặt dưới ách tàn bạo của nền chuyên chế quân sự, cơ quan kiểm sát có mặt ở khắp nơi, đạo quân công chức vốn đã luôn luôn bị thanh trừng nay lại bị thanh trừng một lần nữa, - đó là những biện pháp quen dùng và tất yếu mà thế lực phản động đắc thắng dã không ngừng dừng lại, những biện pháp đáng được nêu lên sau những cuộc tàn sát và tù đày xảy ra hồi tháng Sáu, vì lần này chúng được thi hành không những để chống lại Pa-ri, mà còn để chống lại các tỉnh, không những để chống lại giai cấp vô sản, mà trước hết là để chống các tầng lớp trung đẳng nữa.

Những đạo luật trấn áp trao cho chính phủ quyền quyết định tuyên bố lệnh thiết quân luật, đã trói chặt các báo chí hơn nữa và thủ tiêu quyền lập hội, đã choán hết toàn bộ hoạt động lập pháp của Quốc hội trong tháng Sáu, tháng Bảy và thang Tám.

Song, đặc điểm của thời kỳ này không phải là ở chỗ lợi dụng sự thắng lợi trên thực tế, mà là trên nguyên tắc, không phải là ở những nghị quyết của Quốc hội, mà là ở sự trình bày những lý do đưa đến những nghị quyết đó, không phải là ở việc làm mà là ở lời nói, không phải ở lời nói mà là ở giọng nói và ở điệu bộ minh họa cho lời nói. Sự biểu lộ những quan điểm bảo hoàng một cách trơ trẽn và trắng trợn, sự lăng mạ nền cộng hòa một cách khinh miệt kiểu quý tộc, việc phổ biến những dự án phục tích một cách văn hoa phù phiếm, nói tóm lại là việc huênh hoang vi phạm những thủ tục cộng hòa khiến cho thời kỳ này có một âm điệu và một màu sắc đặc biệt. "Hiến pháp muôn năm!" đó là khẩu hiệu chiến đấu của những kẻ bại trận ngày 13 tháng Sáu. Cho nên những kẻ thắng trận cũng bất tất phải giả nhân giả nghĩa dùng đến những luận điệu hợp hiến, nghĩa là có tính chất cộng hòa. Thế lực phản cách mạng đã chiến thắng Hung-ga-ri, I-ta-li-a và Đức, nên người ta tưởng rằng thời kỳ phục tích đã tới trước cửa ngõ của nước Pháp rồi. Giữa thủ lĩnh các phe phái trong đảng trật tự, đã diễn ra một cuộc cạnh tranh thật sự để hành động trước bằng cách công nhiên biểu lộ chủ nghĩa bảo hoàng của họ trên tờ "Moniteur", thú nhận và ăn năn về những tội lỗi mà chủ nghĩa tự do của họ đã làm cho họ có thể phạm phải dưới thời kỳ quân chủ, và cầu xin chúa và loài người tha thứ cho họ. Không có ngày nào mà trên diễn đàn của Quốc hội cuộc cách mạng tháng Hai lại không bị tuyên bố là một tai họa xã hội, không có ngày nào mà lại không có một gã địa chủ quê mùa nào đó, thuộc phái chính thống, đứng ra trịnh trọng tuyên bố rằng hắn chưa bao giờ thừa nhận chế độ cộng hòa, mà lại không có một trong những kẻ nhát gan nào đó đã đào ngũ và phản bội nền Quân chủ tháng Bảy nhưng, ngay sau đó, lại kể lể về những hành động anh hùng mà chỉ có lòng nhân ái của Lu-i Phi-líp hoặc những sự hiểu lầm khác mới cản trở không cho hắn thực hiện thôi. Hình như điều khiến cho người ta phải thán phục trong những sự kiện tháng Hai không phải là lòng khoan hồng của dân chúng đã chiến thắng, mà lại là sự hy sinh và thái độ ôn hòa của phái bảo hoàng nhờ đó dân chúng đã chiến thắng. Một đại biểu của nhân dân đề nghị lấy một phần số tiền trợ cấp cho những người bị thương trong những ngày tháng Hai đem cấp cho những binh lính trong đội cận vệ quốc gia là những người duy nhất rất xứng đáng với tổ quốc trong những ngày đó. Một đại biểu khác muốn người ta quyết nghị dựng tại quảng trường Caruxen, một bức tượng của công tước Oóc-lê-ăng đang cưỡi ngựa. Chi-e gọi hiến pháp là một mảnh giấy bẩn thỉu. Hết người này đến người khác trong phái Oóc-lê-ăng lên diễn đàn tỏ ý lấy làm tiếc là đã âm mưu chống lại nền quân chủ chính thống; đồng thời hết người nọ đến người kia trong phái chính thống lên phát biểu ý kiến tự trách mình đã làm cho nền quân chủ nói chung mau sụp đổ vì đã chống lại nền quân chủ không chính thống. Chi-e hối tiếc đã âm mưu chống Mô-lê, Mô-lê hối tiếc đã âm mưu chống Ghi-dô, còn Ba-rô hối tiếc đã âm mưu chống lại cả ba người. Khẩu hiệu "Chế độ cộng hòa dân chủ - xã hội muôn năm!" bị tuyên bố là phản hiến pháp. Khẩu hiệu "Chế độ cộng hòa muôn năm!" thì bị coi là một khẩu hiệu dân chủ - xã hội. Ngày kỷ niệm trận Oa-téc-lô, một đại biểu tuyên bố: "Tôi không sợ quân Phổ xâm lược bằng sợ những người cách mạng lưu vong lại được trở về nước Pháp". Đáp lại những lời phàn nàn về chính sách khủng bố được thi hành ở Ly-ông và ở các tỉnh lân cận, Ba-ra-ghê đ'In-li-ê nói: "Tôi thích khủng bố trắng hơn khủng bố đỏ" ("J'aime mieux la terreur blanche que la terreur rouge"). Và cứ mỗi lần mà các diễn giả trong Quốc hội thốt ra một lời đả kích chua cay chống chế độ cộng hòa, chống cách mạng, chống hiến pháp và ủng hộ nền quân chủ, ủng hô Liên minh thần thánh thì Quốc hội lại nhiệt liệt vỗ tay hoan nghênh. Mỗi sự vi phạm những nghi thức cộng hòa vụn vặt nhất, chẳng hạn như gọi các nghị sĩ là "Citoyens"[7] đều làm cho các chàng hiệp sĩ của đảng trật tự hân hoan phấn khởi.

Việc tuyển cử bổ sung ngày 8 tháng Bảy ở Pa-ri, tiến hành dưới ảnh hưởng của tình trạng thiết quân luật và trong tình hình đại bộ phận giai cấp vô sản không đi bỏ phiếu; việc quân đội Pháp chiếm đóng La Mã; việc các hồng y giáo chủ[8] tiền hô hậu ủng tiến vào La Mã và theo sau đó là việc xử án và khủng bố những tu sĩ, - tất cả các việc đó là những thắng lợi mới đóng góp vào thắng lợi của tháng Sáu và làm cho đảng trật tự càng thêm say sưa.

Cuối cùng, vào giữa tháng Tám, một phần do có ý định tham dự vào các hội đồng hàng tỉnh vừa nhóm họp, một phần do mệt mỏi vì những cuộc chè chén đã kéo dài quá nhiều tháng, nên phái bảo hoàng tuyên bố Quốc hội nghỉ họp hai tháng. Với một thái độ mỉa mai rõ rệt, họ để lại một tiểu ban gồm hai mươi nhăm nghị sĩ gồm những tinh hoa của phái chính thống và phái Oóc-lê-ăng như Mô-lê, Săng-gác-ni-ê, để thay mặt Quốc hội và bảo vệ chế độ cộng hòa. Nhưng sự mỉa mai lại chua cay hơn chứ không phải như họ đã tưởng. Đã bị lịch sử buộc phải lật đổ cái chế độ quân chủ mà họ yêu quý, họ đồng thời lại bị lịch sử giao cho sứ mệnh phải duy trì chế độ cộng hòa mà họ căm ghét.

Cùng với việc nghỉ họp của Quốc hội lập pháp, cũng kết thúc cái thời kỳ thứ hai của sự tồn tại của chế độ cộng hoà lập hiến, tức là thời kỳ cuồng nhiệt có tính chất bảo hoàng của nó.

Một khi lệnh thiết quân luật được bãi bỏ, báo chí lại tiếp tục hoạt động. Trong thời gian các báo dân chủ - xã hội bị đình bản; trong thời gian thi hành các pháp chế đàn áp và các biện pháp bảo hoàng phi lý thì báo "Siècle"[9], đại biểu văn học cũ của phái tiểu tư sản quân chủ - lập hiến, liền chuyển theo chủ nghĩa cộng hoà. Báo "Presse"[10], cơ quan ngôn luận cũ của phái cải lương tư sản liền chuyển theo hướng chủ nghĩa dân chủ; báo "National", cơ quan ngôn luận cổ điển của phái tư sản cộng hoà chuyển theo chủ nghĩa xã hội.

Các câu lạc bộ công cộng càng không có khả năng tồn tại thì các hội bí mật lại càng phát triển rộng hơn và mạnh hơn. Tất cả các hiệp hội công nhân công nghiệp, được phép tồn tại, vì được coi là những hội thuần tuý thương nghiệp, không có một ý nghĩa kinh tế nào nên về phương diện chính trị, đều trở thành những phương tiện để đoàn kết giai cấp vô sản. Ngày 13 tháng Sáu đã khiến cho các đảng phái nửa cách mạng bị mất hết những người cầm đầu chính thức, nên khối quần chúng còn lại được tự do hành động theo ý mình. Những chàng hiệp sĩ của đảng trật tự đã doạ nạt bằng những lời tiên đoán về sự khủng bố của nền cộng hoà đỏ; song những hành vi tàn bạo đê tiện, những điều khủng khiếp cùng cực của thế lực phản cách mạng thắng lợi ở Hung-ga-ri, ở Ba-đen, ở La Ma, đã giải oan cho " chế độ cộng hoà đỏ". Còn những tầng lớp trung gian bất mãn trong xã hội Pháp thì lại bắt đầu thích những lời tiên đoán về nền cộng hoà đỏ cùng với những điều khủng khiếp tưởng tượng của nó hơn là những điều khủng khiếp do nền quân chủ đỏ mang lại kèm theo tính chất tuyệt vọng thực sự. ở Pháp, không có một người xã hội chủ nghĩa nào lại tuyên truyền cho cách mạng nhiều hơn là Hay - nau. à chaque capacité selon ses oeuvres![11]

Trong khi đó, Lu-i Bô-na-pác-tơ lợi dụng kỳ nghỉ của Quốc hội để tiến hành những cuộc tuần du vương hầu của hắn ở các tỉnh; những tên theo phái chính thống nhiệt tình nhất đã hành hương đến Em-xơ để bái yết người cháu của thánh Lu-i[12], còn đông đảo các đại biểu nhân dân, bạn của đảng trật tự thì âm mưu trong các hội đồng hàng tỉnh vừa mới được nhóm họp. Vấn đề lúc đó là cần phải làm cho các hội đồng hàng tỉnh này nói lên cái điều mà phe đa số trong Quốc hội chưa dám nói: tuyên bố yêu cầu xét lại hiến pháp ngay lập tức. Theo hiến pháp thì chỉ đến năm 1852, bản hiến pháp đó mới có thể được xem xét lại trong một phiên họp quốc hội được đặc biệt triệu tập nhằm mục đích ấy. Nhưng nếu đa số các hội đồng hàng tỉnh đều phát biểu theo hướng đó thỉ phải chăng Quốc hội lại chẳng vì tiếng gọi của nước Pháp mà hy sinh tính chất trong trắng của hiến pháp đi hay sao? Quốc hội nuôi cũng những hy vọng như vậy về các hội nghị hàng tỉnh cũng như các nữ tu sĩ trong tập "Hen-ri-a-đơ" của Vôn-te nuôi hy vọng về bọn Pan-đua[13]. Nhưng trừ một vài trường hợp ngoại lệ, bọn Pu-ti-pha[14] trong Quốc hội gặp phải không ít những I-ô-dép ở các tỉnh. Tuyệt đại đa số đều đã không muốn hiểu sự gợi ý cấp thiết đó. Việc xét lại hiến pháp đã bị phá hoại bởi chính ngay những công cụ được dùng để lập ra hiến pháp, tức là bởi sự biểu quyết của các hội đồng hàng tỉnh. ý kiến của nước Pháp, và nói cho đúng ra, ý kiến của nước Pháp tư sản đã được nói lên và đã phản đối việc xét lại hiến pháp.

Đầu tháng Mười, Quốc hội lập pháp họp lại tantum mutatus ab illo[15]! Bộ mặt của nó đã thay đổi hoàn toàn. Việc bị các hội đồng hàng tỉnh đột nhiên bác bỏ việc xét lại hiến pháp đã đưa quốc hội quay về trong giới hạn của hiến pháp và đã vạch cho quốc hội thấy rõ giới hạn tồn tại của nó. Phái Oóc-lê-ăng đã đâm ra nghi ngờ về cuộc hành hương của phái chính thống đến Em-xơ, còn phái chính thống thì bắt đầu làm cho người ta hoài nghi về những cuộc đàm phán của Oóc-lê-ăng với Luân Đôn[16]; báo chí của cả hai phe phái đã nhen cho ngọn lửa bốc cháy và đã cân nhắc những yêu cầu đối với nhau của những người muốn lên ngôi vua; phái Oóc-lê-ăng và chính thống liên minh đều hằn thù phái Bô-na-pác-tơ về những âm mưu của bọn này đã từng biểu hiện ra ở những cuộc tuần du vương hầu của tổng thống, ở những mưu toan ít nhiều rõ rệt của hắn ta muốn thoát khỏi sự trói buộc của hiến pháp, và biểu hiện rõ ở cái giọng lưỡi đầy tự phụ của những tờ báo thuộc phái Bô-na-pác-tơ; Lu-i Bô-na-pác-tơ, thù cái Quốc hội đã thừa nhận những âm mưu của phái chính thống và phái Oóc-lê-ăng là chính đáng và thù cái nội các đã luôn luôn phản bội hắn để làm lợi cho Quốc hội. Sau hết, bản thân nội các cũng không nhất trí về chính sách đối với La Mã và về thuế thu nhập, do bộ trưởng Pat-xi đề nghị và bị phái bảo thủ cho là có tính chất xã hội chủ nghĩa.

Một trong những đề nghị đầu tiên của nội các Ba-rô với Quốc hội lập pháp khi Quốc hội họp lại, là yêu cầu cấp một khoản kinh phí 300000 phrăng làm tiền phụ cấp quả phụ hằng năm cho nữ công tước Oóc-lê-ăng. Quốc hội chuẩn y, và như vậy là đã làm cho sổ nợ của nước Pháp tăng thêm bảy triệu phrăng. Như vậy là trong khi Lu-i Phi-líp tiếp tục đóng một cách thành công cái vai một gã "pauvre honteux" - một kẻ nghèo khổ ngượng ngùng thì nội các đã không dám đề nghị tăng thêm lương bổng cho Bô-na-pác-tơ, mà Quốc hội hình như cũng không sẵn sàng chuẩn y điều đó. Và vẫn như mọi khi, Lu-i Bô-na-pác-tơ đã do dự trước cái tình thế lưỡng nan này: Aut Caesar, aut Clichy![17].

Đề nghị thứ hai của nội các yêu cầu cấp chín triệu phrăng để trả các khoản chi phí của cuộc viễn chinh đến La Mã càng làm tăng thêm sự căng thẳng giữa một bên là Bô-na-pác-tơ với bên kia là các bộ trưởng và Quốc hội. Lu-i Bô-na-pác-tơ đã cho công bố trên tờ "Moniteur" một bức thư gửi cho viên sĩ quan tùy tùng của hắn là ét-ga Nây trong đó hắn buộc chính phủ của giáo hoàng phải có được nhiều điều bảo đảm có tính chất hiến pháp. Về phần mình giáo hoàng cũng tung ra một bản tuyên bố "motu proprio"[18], trong đó ông ta cự tuyệt mọi sự hạn chế đối với quyền lực mà ông ta đã khôi phục được. Bằng bức thư của mình, Bô-na-pác-tơ làm như là đã vô tình vén bức màn của nội các của mình lên, để cho bản thân mình xuất hiện trước quần chúng khán giả như một thiên tài đầy thiện chí, nhưng không được ai biết đến và bị trói buộc ở chính ngay trong nhà của mình. Đó không phải là lần đầu tiên hắn chơi một cách rất đỏm dáng cái trò "vỗ trộm đôi cánh của một tâm hồn tự do"[19]. Chi-e, báo cáo viên của ủy ban, chẳng thèm đếm xỉa gì đến cái vỗ cánh của Bô-na-pác.tơ, chỉ biết dịch lại bằng tiếng Pháp, bản tuyên bố của giáo hoàng. Không phải nội các, mà chính Vích-to Huy-gô là người đã tìm cách cứu vãn thể diện của tổng thống bằng một bản nhật lệnh, trong đó Quốc hội cần tỏ ý tán thành bức thư của Na-pô-lê-ông. Allons donc! Allons donc![20]- chính bằng những tiếng đã thốt ra một cách khinh suất và vô lễ đó mà phe đa số đã chôn lấp lời đề nghị của Huy-gô. Chính sách của tổng thống à? Bức thư của tổng thống à? Chính bản thân tổng thống à? "Allons donc! Allons donc!". Ai lại coi lời nói của ông Bô-na-pác-tơ là nghiêm chỉnh được. ông Vích-to Huy-gô ơi, dễ thường ông tưởng rằng chúng tôi tin ông khi ông nói rằng ông tin vào tổng thống ư? Allons donc? Allons donc?".

Sau hết, quan hệ giữa Bô-na-pác-tơ và Quốc hội lại càng đi đến chỗ chóng tan vỡ do cuộc tranh luận về việc triệu hồi dòng Oóc-lê-ăng và dòng Buốc-bông. Nhân lúc nội các không có mặt tại cuộc họp, người anh em họ của tổng thống[21] là con trai của vua cũ ở Ve-xtơ-pha-len đã đưa ra nghị viện đề án ấy, nhằm mục đích duy nhất là hạ những người thuộc dòng chính thống và dòng Oóc-lê-ăng đang nhòm ngó ngôi vua xuống ngang hàng, hay nói cho đúng ra là xuống thấp hơn người thuộc dòng Bô-na-pác-tơ, vì ít ra là trên thực tế người này cũng đang đứng đầu nhà nước.

Na-pô-lê-ông Bô-na-pác-tơ cũng đã khá vô lễ nên mới gộp cả việc triệu hồi họ hàng các dòng vua đang lưu vong ở nước ngoài với việc ân xá những người khởi nghĩa hồi tháng Sáu thành những điều khoản của cùng một đề án. Sự phẫn nộ của phe đa số đã buộc hắn phải xin lỗi ngay lập tức về việc đã gộp chung lại một cách tội lỗi như thế cái thiêng liêng với cái xấu xa, những huyết thống nhà vua với dòng giống vô sản, những ngôi sao của xã hội với những đốm lửa ma trơi trong đám bùn lầy và buộc hắn phải đặt mỗi đề án vào đúng vị trí của nó. Phe đa số cương quyết bác bỏ việc triệu hồi dòng họ nhà vua, và Be-ri-ê, một chàng Đê-mô-xten của phái chính thống đã đánh tan mọi mối hoài nghi về ý nghĩa của cuộc đầu phiếu này. Hạ những người nhòm ngó ngôi vua xuống ngang hàng với người công dân bình thường, đó là mục đích mà người ta theo đuổi! Người ta muốn tước đoạt sạch cả vòng hào quang thiêng liêng của họ, muốn tước đoạt nốt cái oai phong cuối cùng của họ, tức là oai phong của cuộc sống lưu vong! Be-ri-ê la lên rằng người ta sẽ nghĩ như thế nào về việc một vị nào đó trong số những người nhòm ngó ngôi vua lại quên được cái dòng dõi tôn quý của mình để trở về Pháp, chịu sống ở đây như một dân thường! Người ta không thể nói được rõ ràng hơn với Lu-i Bô-na-pác-tơ rằng sự có mặt của hắn ở đây cũng chẳng có lợi gì cho hắn cả, và nếu các phái bảo hoảng liên minh còn cần đến hắn ở nước Pháp này để làm một nhân vật trung lập trên ghế tổng thống, thì những người thật sự có quyền được nối ngôi vua ở Pháp đành phải sống ẩn náu trong đám mây mù của cuộc lưu vong, để tránh con mắt của những kẻ phàm tục.

Ngày 1 tháng Mười một, Lu-i Bô-na-pác-tơ trả lời Quốc hội lập pháp bằng một thông điệp, với những lời lẽ khá thô bạo, báo tin việc giải tán nội các Ba-rô và thành lập một nội các mới. Nội các Ba-rô - Phan-lu là nội các của khối liên minh bảo hoàng; nội các ô-pu-lơ là nội các của Bô-na-pác-tơ, là công cụ mà tổng thống dùng để đối địch với Quốc hội lập pháp, là nội các của bọn tay sai.

Giờ đây, Bô-na-pác-tơ không phải chi giản đơn là nhân vật trung lập của ngày 10 tháng Chạp 1848 như trước kia nữa. Việc nắm được quyền hành pháp đã làm cho hắn trở thành trung tâm của những lợi ích nhất định, cuộc đấu tranh chống tình trạng vô chính phủ đã buộc chính bản thân đảng trật tự phải làm tăng thêm ảnh hưởng cho hắn, và nếu nói rằng Bô-na-pác-tơ không còn thu được nhân tâm nữa, thì chính bản thân đảng trật tự cũng đã bị thất nhân tâm rồi. Hắn lẽ nào lại chẳng có thể hy vọng rằng sự tranh chấp giữa phái Oóc-lê-ăng và phái chính thống và sự tất yếu, một mặt, phải đi đến một cuộc phục tích quân chủ nào đó, mặt khác, sẽ buộc hai phái đó phải thừa nhận một người trung lập để đưa lên ngôi vua hay sao?

Kể từ ngày 1 tháng Mười một 1849 là bắt đầu bước vào thời kỳ tồn tại thứ ba của chế độ cộng hòa lập hiến, thời kỳ này kết thúc vào ngày 10 tháng Ba 1850. Không phải chỉ có việc vận dụng thường lệ các thiết chế hợp hiến, sự vận dụng mà Ghi-dô đã từng khen ngợi mãi, mới mở đầu cho cuộc tranh giành giữa quyền hành pháp và quyền lập pháp. Chống lại những tham vọng phục tích của phái Oóc-lê-ăng và phái chính thống liên minh với nhau, là Na-pô-lê-ông bảo vệ cơ sở pháp lý của quyền lực thực sự của hắn, tức là chế độ cộng hòa; còn chống lại những tham vọng phục tích của Bô-na-pác-tơ, là đảng trật tự bảo vệ cơ sở pháp lý của sự thống trị chung của đảng ấy, tức là chế độ cộng hoà; chống lại phái Oóc-lê-ăng, là phái chính thống, chống lại phái chính thống là phái Oóc-lê-ăng bảo vệ cái status quo[22], tức là chế độ cộng hòa. Tất cả những phái đó trong đảng trật tự - mà mỗi phái đều ôm ấp in petto[23] một ông vua của mình và đều muốn phục tích dòng vua của mình,- đồng thời, để chống lại những than vọng tiếm đoạt và nổi loạn của phe đối địch đều phải kiên trì sự thống trị chung của giai cấp tư sản, cái hình thức trong đó các tham vọng riêng của mỗi bên đều được trung hòa và được bảo tồn, đó là chế độ cộng hòa.

Cũng như Can-tơ đã coi chế độ cộng hòa, một hình thức nhà nước duy nhất hợp lý, là một tiêu chuẩn cơ bản của lý tính thực tế, một tiêu chuẩn mà người ta không bao giờ đạt được nhưng cứ luôn luôn phải lấy đó làm mục đích và luôn luôn phải để tâm đến những người bảo hoàng này cũng coi chế độ quân chủ là như vậy.

Như vậy là chế độ cộng hòa lập hiến sản sinh ra từ tay những người cộng hòa tư sản với tư cách là một công thức tư tưởng trống rỗng, thì vào tay những người bảo hoàng liên minh, đã trở thành một hình thức sinh động và có nội dung phong phú. Và khi Chi-e tuyên bố rằng: "Chính những người bảo hoàng chúng ta mới thật sự là những trụ cột của chế độ cộng hòa lập hiến" thì hắn có ngờ đâu rằng lời hắn nói lại bao hàm biết bao chân lý.

Việc lật đổ nội các liên minh, việc thành lập nội các của bọn tay sai còn có một ý nghĩa khác nữa. Bộ trưởng bộ tài chính của nội các này tên là Phun-đơ. Phun-đơ làm bộ trưởng bộ tài chính như thế có nghĩa là của cải quốc dân của Pháp được chính thức trao vào tay sở giao dịch, là tài sản quốc gia được trao cho sở giao dịch quản lý vì lợi ích của sở giao dịch. Bằng việc bổ nhiệm Phun-đơ, tầng lớp quý tộc tài chính đã tuyên bố sự phục tích của họ trên tờ "Moniteur" . Sự phục tích này là sự bổ sung tất nhiên vào với các cuộc phục tích khác và bao nhiêu những cuộc phục tích như vậy là bấy nhiêu mắt của cái sợi xích của chế độ cộng hòa lập hiến.

Trước kia, Lu-i Phi-líp không bao giờ dám cử một tên loup - cervier[24] chính cống làm bộ trưởng bộ tài chính cả. Cũng như trước kia, triều vua của hắn là cái danh hiệu lý tưởng cho sự thống trị của bọn chóp bu trong giai cấp tư sản, thì trong những nội các của nó, những lợi ích đặc quyền cũng phải mang những danh hiệu của một lý tưởng không vụ lợi. Bây giờ thì bất cứ ở đâu chế độ cộng hòa tư sản cũng giơ ra trước tiền sân khấu những cái mà trước kia các nền quân chủ của phái chính thống cũng như của phái Oóc-lê-ăng vẫn giấu đi sau hậu trường. Nền cộng hòa đã trần tục hóa những cái mà các nền quân chủ kia đã thần thánh hóa. Nó đã bỏ những danh hiệu thần thánh của những lợi ích của giai cấp thống trị, mà thay chúng bằng những danh hiệu riêng, tư sản.

Tất cả những điều chúng tôi đã trình bày chúng tỏ rằng chế độ cộng hòa, ngay từ khi mới ra đời, đã không lật đổ sự thống trị của tầng lớp quý tộc tài chính, mà trái lại, đã củng cố tầng lớp đó. Nhưng việc đó phải nhượng bộ tầng lớp quý tộc tài chính là một định mệnh mà nó phải phục tùng, mặc dù nó không muốn thế. Cử Phun-đơ lên, tức là quyền chủ động của chính phủ lại rơi vào tay tầng lớp quý tộc tài chính.

Người ta sẽ tự hỏi rằng làm sao mà những thế lực liên minh của giai cấp tư sản lại có thể chịu đựng được và dung thứ được sự thống trị của bọn quý tộc tài chính, là bọn trước kia, dưới thời Lu-i Phi-líp, đã đứng vững được, do đã gạt bỏ được hoặc đã chi phối được các phái tư sản khác?

Câu trả lời thật là giản đơn.

Trước hết, bản thân giới quý tộc tài chính là một bộ phận lãnh đạo trọng yếu trong khối liên minh bảo hoàng, mà quyền lực chính phủ chung của họ được gọi là chế độ cộng hòa. Những diễn giả và "những nhân vật tài năng của phái Oóc-lê-ăng lẽ nào lại chẳng đã là những đồng minh và những kẻ đồng lõa cố cựu của tầng lớp quý tộc tài chính đó sao? Bản thân tầng lớp quý tộc tài chính này lẽ nào lại chẳng phải là đội quân vàng trong hàng ngũ của phái Oóc-lê-ăng đó sao? Còn về phái bảo hoàng chính thống, thì ngay từ dưới thời Lu-i Phi-líp, họ quả đã thực tế tham gia vào tất cả các cuộc hoan hỉ của những hoạt động đầu cơ chứng khoán, hầm mỏ và đường sắt. Sau hết, sự liên minh của giai cấp đại địa chủ với tầng lớp quý tộc tài chính là một hiện tượng thông thường. Nước Anh là một bằng chứng, và ngay cả nước áo cũng là một bằng chứng.

Trong một nước như nước Pháp trong đó sản lượng quốc dân là quá thấp so với quốc trái, trong đó lợi tức công trái là đối tượng đầu cơ quan trọng nhất, trong đó sở giao dịch là thị trường chính để đầu tư tư bản một cách phi sản xuất, - trong một nước như thế thì cần phải có một số người vô cùng đông đảo thuộc tất cả các giai cấp tư sản và nửa tư sản tham gia vào quốc trái, vào những hoạt động đầu cơ ở sở giao dịch, vào công việc tài chính. Tất cả những kẻ thuộc lớp dưới đó mà tham gia vào những việc ấy thì lẽ nào lại chẳng thấy rằng những rường cột tự nhiên và những thủ lĩnh tự nhiên của họ là cái tập đoàn đại biểu cho những lợi ích đó trên những quy mô hết sức to lớn, đại biểu cho toàn bộ những lợi ích đó hay sao?

Vì sao tài sản quốc gia lại rơi vào tay tầng lớp quý tộc tài chính? Vì công nợ của nhà nước cứ ngày một chồng chất thêm mãi. Còn tại sao nhà nước lại mắc nợ? Vì số chi của nhà nước cứ luôn luôn vượt quá số thu, một sự mất cân đối vừa là nguyên nhân vừa là hậu quả của chế độ công trái quốc gia.

Muốn thoát khỏi tình trạng nợ nần ấy, thì nhà nước phải hoặc là giảm bớt các khoản chi tiêu của mình lại, nghĩa là tinh giản bộ máy chính quyền lại, phải hết sức thu hẹp phạm vi quản lý của mình lại, phải sử dụng hết sức ít nhân viên, phải can dự càng ít vào xã hội công dân càng hay. Đảng trật tự thì không thể nào thực hiện được biện pháp đó, vì đảng đó nhất định càng phải tăng cường những phương tiện đàn áp của nó, tăng cường việc lấy danh nghĩa nhà nước mà chính thức can thiệp vào mọi việc, tăng cường sự có mặt của nó ở khắp mọi nơi bằng những cơ quan nhà nước, - chừng nào mà sự thống trị của nó và những điều kiện sống còn của giai cấp của nó, càng bị đe dọa về nhiều mặt. Người ta không thể giảm bớt đội hiến binh khi những vụ xâm phạm vào thân thể con người và vào tài sản cứ ngày càng nhiều thêm.

Hoặc là, nhà nước phải tìm cách tránh không vay nợ nữa, và tạo ra được một sự thăng bằng tạm thời trong ngân sách - dù là nhất thời - bằng cách bắt các giai cấp giàu có nhất phải gánh những khoản thuế đặc biệt. Muốn cho tài sản quốc dân thoát khỏi sự bóc lột của sở giao dịch, lẽ nào đảng trật tự lại phải hy sinh của cải của chính mình trên bàn thờ tổ quốc hay sao? Pas si bête![25].

Như vậy là nếu không cải biến hoàn toàn nhà nước Pháp đi thì không thể cải biến ngân sách quốc gia Pháp được. Với cái ngân sách quốc gia như thế thì nhất định nhà nước phải mang công mắc nợ; và nhà nước mà mang công mắc nợ thì nhất định phải dẫn đến sự thống trị của bọn đầu cơ quốc trái, của bọn chủ nợ của nhà nước, của bọn chủ ngân hàng, bọn buôn tiền, của những con chó sói ở sở giao dịch. Trong đảng trật tự chỉ có một bộ phận là đã trực tiếp tham gia vào việc lật đổ bọn quý tộc tài chính: đó là các chủ xưởng. Chúng ta không nói các nhà công nghiệp hạng trung, cũng không nói các nhà công nghiệp hạng nhỏ mà nói tầng lớp đầu sỏ trong công nghiệp, tức là những kẻ dưới thời Lu-i Phi-líp đã hình thành cái cơ sở rộng rãi của phe đối lập của vương triều. Lợi ích của họ hiển nhiên là ở chỗ bớt các chi phí sản xuất, tức là giảm các thuế má làm tăng chi phí sản xuất, tức là giảm bớt các khoản nợ của nhà nước, vì tiền lãi của các khoản nợ đó đổ vào đầu thuế má, - nói một cách khác, lợi ích của họ là ở chỗ lật đổ bọn quý tộc tài chính.

ở nước Anh - các chủ xưởng lớn nhất ở Pháp, so với các đối thủ người Anh của họ thì chỉ là những anh tư sản nhỏ, - chúng tôi quả thật đã thấy những chủ xưởng, chẳng hạn như một Cốp-đen, một Brai-tơ nào đó, đứng đầu một đội quân thập tự chống lại ngân hàng và tầng lớp, quý tộc ở sở giao dịch. Tại sao ở Pháp lại không có như vậy? ở Anh thì công nghiệp chiếm địa vị thống trị ở Anh, công nghiệp cần có free trade[26]; ở Pháp, công nghiệp cần có thuế quan bảo hộ, cần có chế độ độc quyền quốc gia bên cạnh các độc quyền khác. Công nghiệp Pháp không chi phối nền sản xuất của nước Pháp, do đó các chủ xưởng Pháp không chi phối giai cấp tư sản Pháp. Muốn làm cho lợi ích của mình thắng lợi ích của các tập đoàn khác trong giai cấp tư sản, các chủ xưởng Pháp không thể làm như những người Anh là đứng đầu phong trào và đưa lợi ích giai cấp của họ lên hàng đầu được, mà họ cần phải đi theo cách mạng và phục vụ những lợi ích trái ngược với lợi ích chung của giai cấp họ. Hồi tháng Hai, họ đã không hiểu rõ vị trí của họ, nhưng tháng Hai đã mở mắt cho họ. Và ai là người bị công nhân trực tiếp đe dọa hơn là kẻ thuê mướn công nhân, tức là nhà tư bản công nghiệp? Bởi vậy, ở Pháp, chủ xưởng tất nhiên phải trở thành một đảng viên cuồng nhiệt nhất của đảng trật tự. So với việc lợi nhuận của hắn bị giai cấp vô sản xóa bỏ hoàn toàn thì việc lợi nhuận của hắn bị bọn quý tộc tài chính làm giảm sút đi có nghĩa lý gì đâu?

ở Pháp anh tiểu tư sản đã làm cái việc mà thông thường nhà tư sản công nghiệp phải làm; công nhân đã làm cái nhiệm vụ mà thông thường anh tiểu tư sản phải làm; thế còn nhiệm vụ của công nhân thì ai làm đây. Không ai làm cả. ở Pháp, người ta không giải quyết nhiệm vụ đó; ở Pháp, người ta chỉ tuyên bố nhiệm vụ đó ra mà thôi. Bất cứ ở đâu, nhiệm vụ đó cũng đều không được giải quyết trong phạm vi quốc gia[27]; cuộc chiến tranh giai cấp trong nội bộ xã hội Pháp sẽ mở rộng ra thành một cuộc chiến tranh thế giới giữa các nước với nhau. Nhiệm vụ của công nhân chỉ bắt đầu được giải quyết khi cuộc chiến tranh thế giới đẩy giai cấp vô sản lên địa vị lãnh đạo cái dân tộc đang chi phối thị trường thế giới, tức là địa vị lãnh đạo ở nước Anh. Song, cách mạng không kết thúc ở đó, mà bắt đầu được tổ chức, nên nó sẽ không phải là một cuộc cách mạng trong chốc lát. Thế hệ hiện nay giống như những người Do Thái mà Mô-i-dơ dẫn qua sa mạc.

Nó không phải chỉ có nhiệm vụ giành lấy một thế giới mới, nó còn cần phải chết đi để nhường chỗ cho những người ngang với tầm vóc của thế giới mới.

Bây giờ ta hãy trở lại nói về Phun-đơ.

Ngày 14 tháng Mười một 1849, Phun-đơ bước lên diễn đàn của Quốc hội và trình bày chế độ tài chính của y: tán dương chế độ thuế khóa cũ! duy trì thuế rượu? xóa bỏ thuế thu nhập của Pát-xi!

Song Pát-xi lại không phải là một người cách mạng, đó là một bộ trưởng cũ của Lu-i Phi-líp. Y thuộc số những tín đồ thanh giáo và hạng Duy-phô-rơ, và thuộc số những kẻ thân tín nhất của Te-xtơ, người phải giơ đầu chịu báng hộ chế độ Quân chủ tháng Bảy[28]. Chính Pát-xi trước đây cũng đã từng ca ngợi chế độ thuế khóa cũ, đã từng đề nghị duy trì thuế rượu, nhưng đồng thời, cũng đã vạch rõ cái tình trạng thiếu hụt của ngân sách quốc gia.

Y đã tuyên bố rằng cần thiết phải có một thứ thuế mới, thuế thu nhập, nếu không muốn cho nhà nước đi đến chỗ phá sản. Phun-đơ, người đã có lúc nói cho Lơ-đruy-Rô-lanh biết tình trạng phá sản của nhà nước, bây giờ lại nói cho Quốc hội lập pháp biết tình trạng thiếu hụt của ngân sách quốc gia. Y hứa hẹn thi hành những khoản tiết kiệm mà sau này người ta mới thấy rõ bí mật là như thế nào: chẳng hạn như các khoản chi thì giảm đi 60 triệu, nhưng khoản nợ thì tăng lên 200 triệu - đó chỉ là những mánh khóe trong việc phân loại các con số, trong việc quyết toán các tài khoản, nhưng cuối cùng thì kết quả cũng là lại phải đi vay nữa.

Dưới thời của Phun-đơ, dĩ nhiên là tầng lớp quý tộc tài chính, đứng bên cạnh các tập đoàn tư sản khác đang ganh ghét với họ, nên không làm nhiều chuyện đồi bại vô liêm sỉ như dưới thời Lu-i Philíp. Nhưng trước hết chế độ vẫn y nguyên như cũ, nợ nần tăng lên không ngừng, tình trạng thiếu hụt bị che giấu. Thế rồi, dần dà những hành vi lừa đảo cũ ở sở giao dịch lại càng biểu lộ ra một cách còn vô liêm sỉ hơn. Bằng chứng là: đạo luật về đường sắt A-vi-nôn, những sự lên xuống bí hiểm của giá cả của các chứng khoán quốc gia mà một dạo khắp Pa-ri người ta đều nói đến, sau hết là những vụ đầu cơ không thành công của Phun-đơ và của Bô-na-pác-tơ trong cuộc tuyển cử ngày 10 tháng Ba.

Với sự phục tích chính thức của bọn quý tộc tài chính, nhân dân Pháp không tránh khỏi ở vào ngày hôm trước của một ngày 24 tháng Hai mới.

Trong cơn căm giận kẻ thừa kế mình, Quốc hội lập hiến đã bãi bỏ thuế rượu cho năm 1850. Nhưng không phải là xóa bỏ các khoản thuế cũ là có thể trả được các món nợ mới. Ngay trước khi Quốc hội lập pháp nghỉ họp thì Crê-ông một kẻ ngu xuẩn thuộc đảng trật tự, đã đề nghị cứ duy trì thuế rượu. Nhân danh nội các của Bô-na-pác-tơ, Phun-đơ lại đưa ra đề nghị đó, và ngày 20 tháng Chạp 1849, tức là ngày kỷ niệm một năm nhậm chức tổng thống của Bô-na-pác-tơ, Quốc hội lại quyết định phục hồi thuế rượu.

Kẻ đầu tiên lên tiếng bênh vực việc phục hồi thuế đó không phải là một nhà tài chính mà lại là lãnh tụ dòng Tên, Mông-ta-lăn-be. Y lập luận một cách thật là đơn giản không ngờ: thuế, đó là cái vú sữa cho chính phủ bú. Chính phủ, đó là những công cụ đàn áp, là những cơ quan của quyền uy, là quân đội, là cảnh sát, là những quan chức, là những vị quan tòa, là những bộ trưởng, là những giáo sĩ. Sự đả kích vào thuế khóa, tức là sự đả kích của bọn vô chính phủ vào những vệ sĩ của trật tự đang bảo vệ nền sản xuất vật chất và tinh thần của xã hội tư sản chống sự tấn công của những vô sản nổi loạn. Thuế khóa chính là một ông thần thứ năm, bên cạnh chế độ tư hữu, gia đình trật tự và tôn giáo. Mà thuế rượu thì đương nhiên là một thứ thuế rồi và ngoài ra, đó không phảỉ là một thứ thuế thông thường, mà là một thứ thuế cổ truyền, mang tinh thần quân chủ, và đáng kính. Vive l'impôt des boissons! Three cheers and one more[29].

Người nông dân Pháp, mổi khi nghĩ đến một con quỷ, thì hình dung nó giống như một nhân viên thu thuế. Kể từ lúc Mông-ta-lăm-be tuyên bố thuế là một vị thần, thì nông dân liền trở thành một kẻ không tin thần, một kẻ vô thần và lao mình vào tay quỷ, vào tay chủ nghĩa xã hội. Tôn giáo của trật tự đã khinh thường nông dân, giòng Tên đã khinh thường nông dân, Bô-na-pác-tơ đã khinh thường nông dân. Ngày 20 tháng Chạp 1849 đã làm hại đến thanh danh của ngày 20 tháng Chạp 1848 một cách không sao cứu vãn được. Đứa "cháu của bác" không phải là người đầu tiên trong gia đình hắn bị thuế rượu đánh bại, thứ thuế như lời Mông-ta-lăm-be đã nói, báo trước một cơn phong ba cách mạng Na-pô-lê-ông thật sự, Na-pô-lê-ông vĩ đại đã từng tuyên bố ở Xanh-Hê-len rằng việc lập lại thuế rượu đã góp phần nhiều hơn cả vào việc làm cho hắn sụp đổ vì đã tước mất của hắn những nông dân ở miền Nam nước Pháp. Ngay từ thời Lu-i XIV thuế rượu đã là cái mà nhân dân căm ghét nhất (xem các trước tác của Boa-ghin-be và Vô-băng), sau đó bị cuộc cách mạng lần thứ nhất bãi bỏ rồi lại được Na-pô-lê-ông khôi phục lại năm 1808 dưới một hình thức mới. Khi dòng vua được phục tích trở về Pháp, thì đi trước, không phải chỉ có bọn kỵ binh Cô-dắc, mà còn có cả những câu hứa hẹn long trọng về việc bãi bỏ thuế rượu nữa. Dĩ nhiên là gentilhommerie[30] chẳng cần phải giữ lời hứa với gent taillable à merci et miséricorde[31] làm gì cả. Năm 1830 đã hứa hẹn xóa bỏ thuế rượu. Nhưng năm đó không thuộc cái loại làm cái điều nó nói và nói cái điều nó làm. Năm 1848 hứa hẹn xóa bỏ thuế rượu cũng như nó đã hứa hẹn tất cả mọi thứ. Sau hết Quốc hội lập hiến không hứa hẹn gì hết, nhưng như đã nói ở trên, nó đã ra một mệnh lệnh di chúc lại rằng từ ngày 1 tháng Giêng 1850 thì thuế rượu phải được bãi bỏ hẳn. ấy thế mà đúng mười ngày trước hôm 1 tháng Giêng 1850, Quốc hội lập pháp đã lập lại thuế đó. Như vậy là nhân dân Pháp đã luôn luôn xua đuổi thứ thuế đó, nhưng đuổi nó ra bằng cửa ra vào thì nó lại quay trở lại bằng cửa sổ.

Nhân dân sở dĩ đều căm ghét thuế rượu là vì thứ thuế này mang trong lòng nó tất cả những mặt xấu xa đáng ghét của chế độ thuế ở Pháp. Cách thu thuế thì đáng ghét; cách phân bố thì có tính chất quý tộc, vì tỷ lệ thuế đánh vào rượu vang thông thường nhất và vào rượu vang quý nhất, cũng đều như nhau, nên tiền của những người tiêu dùng càng giảm xuống thì thuế lại càng tăng lên theo cấp số nhân; đó là một thứ thuế lũy tiến lộn ngược. Nó trực tiếp gây ra việc đầu độc các giai cấp lao động vì nó là một thứ tiền thưởng cho các loại rượu vang giả và bắt chước. Thứ thuế đó đã làm cho sự tiêu dùng giảm đi vì nó lập ra chế độ thuế nhập thị ở tất cả thị trấn có trên 4000 dân và biến tất cả các thị trấn này thành những nước ngoài có chế độ thuế quan bảo hộ để chống rượu vang Pháp. Thế mà các nhà buôn rượu lớn và hơn nữa, các nhà buôn rượu nhỏ, những kẻ được gọi là marchands de vin, tức là những chủ tiệm bán rượu, nghĩa là tất cả những kẻ mà thu nhập phụ thuộc vào việc tiêu dùng rượu, lại đều là những tử thù của thuế rượu. Và sau hết, trong khi làm cho sự tiêu dùng giảm đi, thuế rượu đã làm cho sản xuất mất luôn cả thị trường tiêu thụ. Làm cho công nhân thành thị không thể mua được rượu, đồng thời nó cũng làm cho những nông dân trồng nho không thể bán được rượu. Thế mà nước Pháp lại có một số dân trồng nho là 12 triệu người. Như vậy cũng dễ hiểu được rằng tại sao nhân dân nói chung đều căm ghét thuế rượu, nhất là tại sao nông dân lại cuồng nhiệt căm thù thuế rượu. Ngoài ra, nông dân không coi việc khôi phục lại thuế rượu là một sự kiện đơn độc, ít nhiều ngẫu nhiên đâu. Nông dân có một loại truyền thống lịch sử truyền từ đời cha đến đời con, và tại trường hợp đó của lịch sử, người ta rỉ tai nhau rằng mỗi chính phủ, chừng nào muốn lừa gạt nông dân, thì đều hứa hẹn bãi bỏ thuế rượu, và khi đã lừa gạt được rồi thì liền duy trì hay khôi phục lại thứ thuế đó. Nông dân căn cứ vào thuế rượu để nhận ra hương vị của chính phủ, nhận ra xu hướng của chính phủ. Việc lập lại thuế rượu ngày 20 tháng Chạp có nghĩa là: Lu-i Bô-na-pác-tơ đang giống như tất cả những kẻ khác; nhưng hắn đã không giống như những kẻ khác, hắn đã là một nhân vật do nông dân nặn ra cho nên trong các bản kiến nghị có hàng mấy triệu chữ ký phản đối thuế rượu, nông dân đã thu hồi lại những lá phiếu mà một năm trước đây họ đã bỏ cho tên "cháu của bác".

Dân cư nông thôn chiếm trên hai phần ba dân số nước Pháp, thì phần lớn là những chủ ruộng mang tiếng là tự do. Thế hệ thứ nhất nhờ cuộc cách mạng 1789 đã không nất gì mà được giải phóng khỏi những đảm phụ phong kiến đã không phải trả gì về ruộng đất cả. Nhưng các thế hệ sau thì đã phải trả dưới hình thức giá cả của ruộng đất, cái mà xưa kia ông cha họ là những nửa nông nô đã phải trả dưới hình thức địa tô, thuế thập phân, lao dịch, v.v. Một mặt dân cư ngày càng tăng thêm; mặt khác, ruộng đất ngày càng bi chia manh mún thì giá cái mảnh đất nhỏ càng lên cao, vì những mảnh đất nhỏ ấy càng bị chia ra manh mún thì lượng cầu càng tăng lên. Nhưng cái giá mà người nông dân phải trả cho mảnh đất cỏn con, cái mảnh đất mà hoặc là anh ta trực tiếp mua hoặc là do những người cùng hưởng thừa kế với anh ta cấp cho anh ta để làm vốn, tăng lên chừng nào thì nợ nần của người nông dân tức là việc cầm cố cũng tăng lên chừng ấy. Đúng thế, tờ văn tự cầm ruộng đất để vay nợ thì gọi là văn tự cầm cố, văn tự cầm cố ruộng đất. Những đặc quyền đặc lợi đã chồng chất lên như thế nào trên những ruộng đất thời trung cổ thì những văn tự cầm cố cũng đang chồng chất lên như thế ấy trên cái mảnh đất cỏn con của thời nay. Mặt khác, dưới chế độ ruộng đất manh mún thì đối với người chủ, ruộng đất chỉ thuần túy là một công cụ sản xuất thôi. Người ta càng chia nhỏ ruộng đất ra bao nhiêu thì ruộng đất lại càng kém phì nhiêu đi bấy nhiêu. Việc sử dụng máy móc để canh tác, sự phân công lao động, các biện pháp đại quy mô nhằm cải tạo ruộng đất như đảo những con kênh tưới tiêu nước, v.v., càng ngày càng trở nên khó thực hiện, đồng thời các khoản hư phí về canh tác cũng ngày càng tăng lên tỷ lệ với sự phân chia manh mún những công cụ sản xuất. Và dù người chủ mảnh đất đó có hay không có vốn liếng thì tình hình cũng vẫn như thế. Nhưng sự phân chia ruộng đất càng tăng, thì toàn bộ vốn liếng của người nông dân phân tán lại càng chỉ là cái mảnh đất cỏn con cùng với số nông cụ vô cùng thảm hại của nó; và số vốn liếng bỏ vào ruộng đất càng ít thì người tiểu nông [Kotsass] càng thiếu ruộng đất, thiếu tiền bạc và thiếu những kiến thức đế sử dụng những tiến bộ của ngành nông học và việc canh tác ruộng đất lại càng thụt lùi. Sau hết, thu nhập ròng càng giảm đi, khi tổng số tiêu dùng càng tăng, khi toàn thể gia đình người nông dân càng bị tài sản tư hữu của anh ta gạt ra khỏi mọi công việc làm ăn khác, nhưng cũng không có khả năng nuôi sống được gia đình anh ta.

Như vậy là dân số càng tăng lên bao nhiêu và ruộng đất càng bị chia nhỏ ra bao nhiêu, thì công cụ sản xuất, tức là ruộng đất, cũng đắt lên bấy nhiêu và độ phì của ruộng đất cũng giảm đi bấy nhiêu, nông nghiệp cũng suy sụp đi bấy nhiêu và nông dân cũng lại càng mắc nợ thêm bấy nhiêu. Và cái trước kia là kết quả thì bây giờ lại trở thành nguyên nhân. Thế hệ trước để cho thế hệ sau càng mắc nợ nhiều hơn; mỗi một thế hệ mới lại bắt đầu trong những điều kiện kém thuận lợi hơn và gay go hơn; cầm cố đẻ ra cầm cố, và khi người nông dân không thể đem cái mảnh đất của mình để bảo đảm cho những món nợ mới được nữa nghĩa là để lại cầm cố lần nữa thì anh ta trực tiếp trở thành miếng mồi cho bọn cho vay nặng lãi, những khoản lãi nặng càng ngày càng trở nên to lớn hơn.

Như vậy, ta thấy có tình trạng là dưới hình thức tiền lãi trả về việc cầm cố ruộng đất, dưới hình thức tiền lãi trả về những món tiền của bọn cho vay nặng lãi ứng cho nhưng không phải cầm cố ruộng đất, người nông dân Pháp đã nộp cho tên tư bản không những một món địa tô, không những lợi nhuận công nghiệp, nói tóm lại, không những toàn bộ số lãi ròng mà thôi, mà còn nộp cả một phần tiền công nữa; thành thử người nông dân Pháp bị rơi xuống tình cảnh của người tá điền Ai-rơ-len. và người nông dân phải chịu tất cả những điều đó, vì anh ta là người có tài sản riêng.

Ở Pháp, quá trình đó đã diễn ra ngày càng nhanh vì thuế má ngày càng tăng và vì những tiền án phí, hậu quả trực tiếp của chính ngay những thủ tục mà pháp chế của nước Pháp quy định cho chế độ tư hữu ruộng đất, hoặc của vô số những cuộc xung đột do các mảnh đất cỏn con ở đâu đâu cũng nằm kề bên nhau và chằng chịt với nhau gây ra, hoặc của tính hay kiện cáo cuồng nhiệt của nông dân mà sự hưởng thụ về tài sản chỉ là ở chỗ cuồng nhiệt bảo vệ cái tài sản tưởng tượng tức là bảo vệ quyền sở hữu mà thôi.

Theo một bản thống kê của năm 1840 thì tổng sản lượng nông nghiệp ở Pháp là 5.237.178.000 phrăng. Trong số đó, phải trừ đi 3.552.000.000 phrăng phí tổn canh tác, kể cả tiêu dùng của những người canh tác ruộng đất. Còn lại một số sản lượng ròng là 1.685.178.000 phrăng, trong đó phải trừ đi 550 triệu về tiền lãi cầm cố 100 triệu nộp cho bọn quan lại tư pháp, 350 triệu để nộp và 107 triệu về tiền trước bạ, tiền tem và tiền tem thuế cầm cố v.v.. còn lại cái phần thứ ba của sản lượng ròng là 538 triệu, đem chia ra thì mỗi đầu người có được một số thu nhập ròng chưa đầy 25 phrăng[32]. Dĩ nhiên là chưa kể đến tiền trả cho các khoản vay nặng lãi không phải cầm cố ruộng đất cũng như những khoản tiền trả cho trạng sư, v.v.

Giờ đây có thể hiểu được tình cảnh của nông dân Pháp khi ngoài những đảm phụ đã có, chế độ cộng hòa lại còn đặt thêm ra những đảm phụ mới nữa. Rõ ràng là việc bóc lột nông dân chỉ khác việc bóc lột giai cấp vô sản công nghiệp về hình thức mà thôi. Kẻ bóc lột vẫn là một: đó là tư bản. Từng tên tư bản đã bóc lột từng người nông dân bằng việc cầm cố cho vay nặng lãi. Giai cấp các nhà tư bản bóc lột giai cấp nông dân bằng thuế của nhà nước. Tờ chứng nhận quyền sở hữu của nông dân là một lá bùa mà từ trước đến nay tư bản đã dùng để mê hoặc nông dân, là một cái cớ mà tư bản đã dựa vào để kích động nông dân chống giai cấp vô sản công nghiệp. Chỉ có sự sụp đổ của tư bản mới có thể nâng được nông dân lên; chỉ có một chính phủ chống chủ nghĩa tư bản, một chính phủ vô sản mới có thể giải thoát nông dân khỏi tình trạng khốn cùng về mặt kinh tế và thoái hóa về mặt xã hội. Chế độ cộng hòa lập hiến, đó chính là nền chuyên chính của cái khối liên minh những kẻ bóc lột nông dân; chế độ cộng hòa dân chủ - xã hội, tức là chế độ cộng hòa đỏ, đó là nền chuyên chính của những bạn đồng minh của nông dân. Và cán cân lên hay xuống ra sao, đó là tùy theo số phiếu mà nông dân bỏ vào trong hòm phiếu quyết định. Chính bản thân nông dân phải quyết định lấy số phận của mình. Đó là điều mà những người xã hội chủ nghĩa đã nói trong những bài văn công kích, những cuốn lịch tay, những cuốn lịch hàng ngày, những truyền đơn thuộc đủ các loại. Những tư tưởng đó đã trở thành dễ hiểu hơn đối với nông dân nhờ có những tác phẩm luận chiến của đảng trật tự. Nó nói với nông dân những điều phóng đại thô thiển, nó xuyên tạc một cách vô sỉ những ý đồ và tư tưởng của những người xã hội chủ nghĩa, nên đã ăn khớp với cái giọng điệu chính cống của người nông dân và kích thích họ muốn nếm thử quả cấm. Nhưng dễ hiểu nhất lại là chính những kinh nghiệm mà giai cấp nông dân đã trải qua khi thực hiện quyền bầu cử, họ đã nói lên những nỗi thất vọng mà nông dân đã phải liên tiếp chịu đựng trong tiến trình phát triển dồn dập của cách mạng. Các cuộc cách mạng đều là những đầu tàu của lịch sử.

Sự chuyển biến dần dần đã biểu lộ ra trong nông dân qua nhiều triệu chứng khác nhau. Nó đã biểu lộ ra ngay trong cuộc bầu Quốc hội lập pháp; nó đã biểu lộ ra trong tình trạng thiết quân luật được ban hành trong năm tỉnh tiếp giáp với Ly-ông; mấy tháng sau, vào ngày 13 tháng Sáu, nó lại biểu lộ ra trong việc tỉnh Gi-rông-đơ bầu một người thuộc phái Núi thay cho vị chủ tịch cũ của cái "nghị viện có một không hai" [chambre introuvable][33] ngày 20 tháng Chạp 1849 nó lại biểu lộ ra trong việc bầu cử ở tỉnh Gác-đơ[34], - đất thánh của phái chính thống, nơi đã diễn ra những tội ác ghê gớm nhất chống lại những người cộng hòa hồi 1794 và 1795, trung tâm của terreur blanche[35] hồi 1815, hồi mà những người theo chủ nghĩa tự do và theo đạo Tin lành bị sát hại một cách công khai, - một nghị sĩ đỏ thay cho một nghị sĩ thuộc phái chính thống đã từ trần. Chính sau khi thuế rượu đã được lập lại thì sự cách mạng hóa đó của cái giai cấp trì trệ nhất đã biểu lộ ra một cách rõ rệt hơn cả. Các biện pháp của chính phủ và các đạo luật hồi tháng Giêng và tháng Hai 1850 đều hầu như chỉ hoàn toàn nhằm chống lại các tỉnhnông dân. Đó là bằng chứng rõ rệt nhất chứng tỏ sự thức tỉnh của nông dân.

Bản thông tri của ô-pu-lơ biến tên hiến binh thành một tên soi mói của tỉnh trưởng, của huyện trưởng và trước hết là của xã trưởng, một tên tổ chức việc do thám đến tận hang cùng ngõ hẻm của những thôn xã hẻo lánh nhất; đạo luật chống các giáo viên đã đặt các giáo viên, những tài năng, những lãnh tụ, những nhà giáo dục, những người phát ngôn của giai cấp nông dân, dưới sự độc đoán của viên tỉnh trưởng thường truy nã họ, những người vô sản của tầng lớp có học thức, như đuổi bắt những con thú, hết từ xã này sang xã khác; dự luật chống các xã trưởng đem việc cách chức ra làm thanh gươm của Đa-mô-clét treo lủng lẳng trên đầu họ và luôn luôn đặt họ, những viên xã trưởng ở các xã ở nông thôn, đối lập với tổng thống của nước cộng hòa và với đảng trật tự; bản quân lệnh biến 17 quân khu ở nước Pháp thành bốn pa-sa-lích[36] và biến các doanh trại và trại dã ngoại thành phòng trà dân tộc của người Pháp; đạo luật về giáo dục mà thông qua nó, đảng trật tự tuyên bố rằng tình trạng không giác ngộ của nước Pháp và chính sách dùng bạo lực để làm cho nước Pháp ngu muội là điều kiện sống còn của nó dưới chế độ phổ thông đầu phiếu - tất cả những đạo luật và biện pháp ấy là gì? Đều là những biện pháp tuyệt vọng để mưu toan giành lại các tỉnh và nông dân ở các tỉnh cho đảng trật tự.

Với tính cách là những biện pháp trấn áp, những biện pháp này thật là thảm hại và đi ngược lại chính ngay mục đích của chúng. Những biện pháp lớn như việc duy trì thuế rượu, thuế 45 xăng-tim, việc bác bỏ một cách khinh miệt kiến nghị của nông dân yêu cầu hoàn lại mấy tỉ phrăng, v.v. - từ trung ương, tất cả những đòn sấm sét đó của pháp luật đã giáng xuống đầu giai cấp nông dân, trên quy mô lớn trong chỉ độc một lần. Còn các đạo luật và biện pháp nói trên đã coi sự tấn công và phản kháng mang một tính chất phổ biến, làm cho chúng trở thành đề tài cho những câu chuyện hàng ngày trong từng ngôi nhà tranh, khiến cho cách mạng thâm nhập vào mỗi làng xóm, đưa cách mạng về các địa phương và làm cho nó trở thành cuộc cách mạng nông dân.

Mặt khác, những đề nghị ấy của Bô-na-pác-tơ, việc Quốc hội phê chuẩn các đề nghị đó, chẳng phải đã chứng minh cho sự liên kết giữa hai thế lực của chế độ cộng hòa lập hiến trong việc trấn áp thế lực vô chính phủ, nghĩa là trấn áp tất cả các giai cấp nổi dậy chống lại nền chuyên chính của giai cấp tư sản, đó sao? Xu-lu-cơ, ngay sau khi đã gửi bức thông điệp thô bạo của mình[37], lẽ nào đã chẳng cam đoan với Quốc hội lập pháp sự trung thành của mình với đảng trật tự, bằng một bản thông điệp tiếp ngay sau đó của Các-li-ê[38], một kẻ bắt chước Phu-sê một cách thô bỉ và vụng về, cũng như bản thân Lu-i Na-pô-lê-ông đã bắt chước Na-pô-lê-ông một cách tầm thường đó sao?

Đạo luật về giáo dục cho ta thấy rõ sự liên minh của phái công giáo trẻ với phái Vôn-te già. Sự thống trị của bọn tư sản liên minh còn có thể là cái gì nữa, nếu không phải là chế độ độc tài liên minh giữa phái phục tích thân phái dòng Tên với phái Quân chủ tháng Bảy lợi dụng trào lưu tư tưởng tự do. Những vũ khí mà trước đây một trong các phái tư sản đã phân phát cho nhân dân để chống lại phái kia trong cuộc đấu tranh giữa chúng với nhau để giành quyền thống trị, thì từ khi mà nhân dân đã đứng lên chống lại nền chuyên chế liên hiệp của chúng, lẽ nào chúng lại chẳng cần phải đoạt lại những vũ khí đó từ tay nhân dân hay sao? Không có cái gì, ngay cả việc bác bỏ đạo luật về concordats à l'amiable lại làm cho anh chủ tiệm buôn ở Pa-ri tức tối bằng cái lối phô trương cái chủ nghĩa dòng Tên một cách duyên dáng như thế.

Tuy nhiên, các cuộc xung đột vẫn cứ tiếp tục diễn ra cả giữa các phe phái trong đảng trật tự, lẫn giữa Quốc hội và Bô-na-pác-tơ. Quốc hội chẳng vừa lòng chút nào về việc Bô-na-pác-tơ, ngay lập tức sau coup d'état của hắn, sau sự thành lập cái nội các kiểu Bô-na-pác-tơ của hắn, đã triệu tập những gã tàn phế của thời quân chủ hiện vừa được bổ nhiệm làm tỉnh trưởng, và coi việc họ cổ động chống lại hiến pháp để ủng hộ cho hắn được tái cử làm tổng thống, là một điều kiện để duy trì chức vụ của họ; về việc Các-li-ê ăn mừng việc nhận chức của hắn bằng cách đóng cửa một câu lạc bộ của phái chính thống; về việc Bô-na-pác-tơ sáng lập tờ báo riêng của hắn, tờ "Napoléon"[39], tức là tờ báo để lộ cho công chúng thấy những khát vọng thầm kín của tổng thống, trong khi các bộ trưởng của hắn lại cứ phải chối cãi tại diễn đàn của Quốc hội lập pháp là không có những tham vọng ấy; về cái việc Bô-na-pác-tơ vẫn khăng khăng không chịu bãi chức các bộ trưởng của hắn, mặc dầu đã có nhiều cuộc bỏ phiếu không tín nhiệm; cũng chẳng vừa lòng chút nào về cái mưu toan mua chuộc các hạ sĩ quan bằng cách tăng lương cho họ thêm bốn xu một ngày và mua chuộc giai cấp vô sản bằng cách đánh cắp văn trong "Những bí mật của thành Pa-ri" của Ơ-gien Xuy, tức là bằng việc thành lập một "ngân hàng cho vay trên danh dự"; sau hết, chẳng vừa lòng chút nào về sự vô liêm sỉ trong việc người ta đã khiến các bộ trưởng của Bô-na-pác-tơ đề nghị đày sang An-giê-ri những người khởi nghĩa tháng Sáu hãy còn sót lại để trút sự thất nhân tâm en gros[40] lên đầu Quốc hội lập pháp, trong khi tổng thống cố thu đươc cho bản thân hắn nhân tâm en détail[41] bằng một vài hành động ban ơn. Chi-e buông ra những lời đe dọa nào là "coup d'état", nào là "coups de tête"[42], còn Quốc hội lập pháp thì trả thù Bô-na-pác-tơ bằng cách bác bỏ mọi dự luật mà hắn đưa ra vì lợi ích của bản thân hắn, bằng cách tiến hành điều tra một cách ầm ĩ và đầy nghi kỵ mỗi dự luật mà hắn đưa ra vì lợi ích chung, để xét xem, trong khi tăng cường quyền hành pháp, hắn có tăng cường quyền lực cá nhân của hắn ta không. Nói tóm lại, Quốc hội đã trả thù bằng âm mưu tỏ thái độ khinh bỉ.

Về phần mình, phái chính thống lấy làm không vừa lòng khi thấy phái Oóc-lê-ăng, khôn khéo hơn, đã lại giành được hầu hết các chức vụ nhà nước và thấy chế độ trung ương tập quyền lớn mạnh lên, trong khi nó phải dựa vào chế độ địa phương phân quyền mới thành công được. Và quả thật, thế lực phản cách mạng đã thực hiện chế độ trung ương tập quyền bằng bạo lực, nghĩa là nó chuẩn bị cơ cấu của cách mạng. Bằng cách quy định cho giấy bạc ngân hàng một thị giá cưỡng bức, thế lực phản cách mạng đã tập trung ngay cả vàng và bạc của nước Pháp vào ngân hàng Pa-ri do đó mà lập nên cái ngân khố chiến tranh sẵn sàng của cách mạng.

Sau hết, phái Oóc-lê-ăng lấy làm tức giận rằng người ta đem nguyên tắc ngành chính thống đối lập với cái nguyên tắc ngành thứ của mình, rằng lúc nào mình cũng bị coi thường và bị đối xử tàn tệ như một người vợ tư sản không xứng với anh chồng quý tộc.

Chúng ta đã thấy rằng nông dân, những người tiểu tư sản, các tầng lớp trung đẳng, nói chung, đều dần dần đứng về phía giai cấp vô sản, dần dần bị đẩy về phía đối lập công khai với chế độ cộng hòa chính thức và bị nền cộng hòa này coi là kẻ thù. Nổi dậy chống ách chuyên chính của giai cấp tư sản, yêu cầu về một sự thay đổi của xã hội, việc duy trì các thiết chế cộng hoà dân chủ làm những công cụ để thực hiện sự thay đổi đó, việc tập hợp xung quanh giai cấp vô sản để làm thành lực lượng quyết định của cách mạng, - đó là những đặc điếm chung của cái nà người ta gọi là đảng của phái dân chủ xã hội, đảng của chế độ cộng hòa đỏ. " Cái đảng của tình trạng vô chính phủ" đó, - những kẻ thù của nó vẫn gọi nó như thế, - cũng là một liên minh những lợi ích khác nhau, không kém gì đảng trật tự cả. Từ việc cải cách nhỏ bé nhất đối với tình trạng hỗn loạn của xã hội cũ cho đến việc đánh đổ trật tự xã hội cũ từ chủ nghĩa tự do tư sản cho đến chế độ khủng bố cách mạng, đó là hai cực cách xa nhau, cấu thành điểm xuất phát và điểm kết thúc của "đảng của tình trạng vô chính phủ".

Xóa bỏ những thuế quan bảo hộ, đó là chủ nghĩa xã hội! vì nó xâm phạm vào độc quyền của bộ phận công nghiệp trong đảng trật tự. Chỉnh đốn ngân sách nhà nước, đó là chủ nghĩa xã hội! vì nó đụng chạm đến độc quyền của bộ phận tài chính trong đảng trật tự. Tự do nhập khẩu thịt và ngũ cốc từ nước ngoài vào, đó là chủ nghĩa xã hội! vì nó phá vỡ sự độc quyền của bộ phận thứ ba trong đảng trật tự, của chế độ chiếm hữu ruộng đất lớn. Các yêu sách của phái mậu dịch tự do, tức là của đảng tư sản tiến bộ nhất ở Anh, thì ở Pháp đều được coi là những yêu sách xã hội chủ nghĩa. Chủ nghĩa Vôn-te, đó là chủ nghĩa xã hội! vì nó tấn công vào bộ phận thứ tư trong đảng trật tự, tức là bộ phận Thiên chúa giáo. Tự do báo chí, quyền lập hội, giáo dục phổ thông toàn dân, đó là chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa xã hội! vì tất cả những cái đó đều xâm phạm vào toàn bộ chế độ độc quyền của đảng trật tự!

Tiến trình của cách mạng đã làm cho tình hình chín muồi nhanh đến nỗi những người ủng hộ cải cách thuộc đủ các màu sắc các giai cấp trung đẳng với những yêu sách ôn hòa nhất cũng đều buộc phải tập hợp xung quanh lá cờ của đảng chủ trương lật đổ và có tính chất cực đoan nhất, tức là xung quanh lá cờ đỏ.

Vả chăng, mặc dầu chủ nghĩa xã hội của các bộ phận chủ yếu cấu thành "đảng vô chính phủ" có do những điều kiện kinh tế của giai cấp họ hay của bộ phận giai cấp của họ và tùy theo tất cả những nhu cầu cách mạng chung nảy sinh từ những điều kiện kinh tế đó mà khác nhau đến đâu chăng nữa thì nó cũng có một điểm chung là: tuyên bố rằng nó là phương tiện giải phóng của giai cấp vô sản và việc giải phóng giai cấp vô sản là mục đích của nó. Nó là một sự lừa gạt cố ý của một số người, nó là một ảo tưởng của một số người khác, họ tuyên bố rằng thế giới được cải tạo theo nhu cầu của họ là một thế giới tốt đẹp nhất cho tất cả mọi người, là sự thực hiện tất cả những yêu cầu cách mạng và sự xóa bỏ tất cả những cuộc xung đột cách mạng.

Nấp sau những câu nói xã hội chủ nghĩa chung chung khá giống như những câu của "đảng vô chính phủ", thứ nhất, có chủ nghĩa xã hội của tờ "National", của tờ "Presse" và tờ "Siècle", một thứ chủ nghĩa muốn ít nhiều cũng triệt để, - lật đổ sự thống trị của bọn quý tộc tài chính và làm cho công nghiệp và thương nghiệp thoát khỏi những xiềng xích trước kia của chúng. Đó là chủ nghĩa xã hội của giới công nghiệp, thương nghiệp và nông nghiệp, cái chủ nghĩa xã hội mà những lợi ích của nó thường bị bọn cầm đầu của những giới đó có chân trong đảng trật tự đem hy sinh khi những lợi ích ấy không còn phù hợp với các độc quyền tư nhân của họ nữa. Khác với thứ chủ nghĩa xã hội tư sản đó, một thứ chủ nghĩa xã hội cũng như mọi loại chủ nghĩa xã hội khác, dĩ nhiên là đều thu hút được một bộ phận nhất định công nhân và những người tiểu tư sản, - là chủ nghĩa xã hội tiểu tư sản chính cống, tức là thứ chủ nghĩa xã hội par excellence[43]. Tư bản bóc lột giai cấp này chủ yếu với tư cách là chủ nợ nên giai cấp này đòi hỏi phải có những cơ quan tín dụng; tư bản đè bẹp giai cấp này bằng cạnh tranh, nên giai cấp này đòi hỏi phải có những hội liên hiệp do nhà nước trợ cấp; tư bản đánh bại giai cấp này bằng sự tích tụ, nên giai cấp này đòi hỏi phải có những thuế lũy tiến, đòi hạn chế quyền thừa kế, đòi nhà nước bỏ tiền ra để tiến hành các công trình lớn và các biện pháp dùng sức mạnh để ngăn cản sự phát triển của tư bản. Vì giai cấp này mơ ước thực hiện chủ nghĩa xã hội của mình bằng con đường hòa bình - nhiều lắm thì cũng chỉ làm một cuộc cách mạng tháng Hai một lần nữa, trong độ một vài ngày thôi, - cho nên dĩ nhiên là nó thấy quá trình lịch sử sắp tới là sự thực hiện những hệ thống mà các nhà tư tưởng xã hội đang hoặc đã, cùng nhau hay độc lực, nghĩ ra. Như vậy là những người xã hội chủ nghĩa này đã trở thành những người chiết trung chủ nghĩa hay những người ủng hộ những hệ hống xã hội chủ nghĩa hiện có, chủ nghĩa xã hội khống luận, một chủ nghĩa xã hội chỉ là biểu hiện lý luận của giai cấp vô sản chừng nào mà giai cấp này chưa phát triển đầy đủ đến chỗ trở thành một phong trào lịch sử tự do độc lập.

Như vậy là trong khi mà điều không tưởng ấy, tức là chủ nghĩa xã hội khống luận, bắt toàn bộ phong trào phải phụ thuộc vào một trong những giai đoạn của phong trào đem hoạt động trí óc của một học giả cá biệt thay thế cho hoạt động sản xuất chung của xã hội, mà chủ yếu là có cái ảo tưởng muốn xóa bỏ cuộc đấu tranh cách mạng của các giai cấp cùng với những biểu hiện tất yếu của cuộc đấu tranh ấy bằng những mánh khóe nhỏ nhặt hay những niềm thương cảm lớn; trong khi mà chủ nghĩa xã hội khống luận ấy thật ra chỉ lý tưởng hóa xã hội hiện thời, vẽ lên hình ảnh của xã hội đó không có chút bóng đen nào và muốn làm cho lý tưởng của mình thắng thực tế xã hội đó; trong khi mà giai cấp vô sản nhường thứ chủ nghĩa xã hội ấy cho giai cấp tiểu tư sản; trong khi mà cuộc đấu tranh giữa những người đứng đầu phái xã hội chủ nghĩa khác nhau làm cho thấy rõ rằng mỗi một cái mệnh danh là hệ thống ấy đều là một sự xác nhận một cách tự phụ một trong những điểm quá độ của chuyển biến xã hội, đối lập với điểm quá độ khác, thì giai cấp vô sản càng ngày càng tập hợp xung quanh chủ nghĩa xã hội cách mạng, xung quanh chủ nghĩa cộng sản mà chính giai cấp tư sản đã gán cho cái tên là Blăng-ki. Chủ nghĩa xã hội này là lời tuyên bố cách mạng không ngừng, là chuyên chính giai cấp của giai cấp vô sản, coi đó là giai đoạn quá độ tất yếu để đi đến xóa bỏ những sự khác biệt giai cấp nói chung, xóa bỏ tất cả những quan hệ sản xuất làm cơ sở cho những sự khác biệt ấy, xóa bỏ tất cả những mối quan hệ xã hội thích ứng với những quan hệ sản xuất đó, để đi đến cải biến tất cả những tư tưởng nảy sinh ra từ những quan hệ xã hội đó.

Giới hạn của phần trình bày này không cho phép chúng ta phát triển vấn đề trên đây chi tiết hơn nữa.

Chúng ta đã thấy rằng nếu trong đảng trật tự, giai cấp nhất định phải cầm đầu là giai cấp quý tộc tài chính, thì trong "đảng vô chính phủ", đó là giai cấp vô sản. Trong khi các giai cấp khác nhau đoàn kết trong một liên minh cách mạng, đã tập hợp chung quanh giai cấp vô sản trong khi các tỉnh ngày càng tỏ ra không đáng tin cậy và trong khi chính ngay Quốc hội lập pháp cũng càng ngày càng phẫn nộ hơn trước những tham vọng của gã Xu-lu-cơ người Pháp thì đã gần đến ngày phải tiến hành tuyển cử bổ sung - cuộc tuyển cử mà người ta đã hoãn lại một thời gian dài - để thấy những đảng viên phái Núi bị truất quyền vào ngày 13 tháng Sáu.

Bị kẻ thù khinh miệt, bị những kẻ mệnh danh là bạn đối xử thậm tệ và hằng ngày làm nhục, chính phủ thấy chỉ còn có một biện pháp để thoát khỏi tình cảnh ghê tởm và không thể chịu nổi của mình: đó là bạo động. Một cuộc bạo động nổ ra ở Pa-ri sẽ là một cái cớ để tuyên bố thiết quân luật ở thủ đô và ở các tỉnh, và do đó sẽ làm chủ được những cuộc tuyển cử. Mặt khác, đứng trước một chính phủ đã chiến thắng đảng vô chính phủ thì những người bạn của trật tự buộc phải có những nhượng bộ, nếu họ không muốn chính mình lại là những người vô chính phủ.

Chính phủ bắt đầu hành động. Vào đầu tháng Hai 1850, chính phủ cho triệt hạ những cây tự do[44] để khiêu khích dân chúng. Nhưng không có hiệu quả. Một khi những cây đó đã mất nơi an thân thì bản thân chính phủ cũng đâm kinh hoảng và phải lùi bước run sợ vì sự khiêu khích của chính mình. Nhưng trước cái mưu toan vụng về đó của Bô-na-pác-tơ hòng thoát khỏi sự ràng buộc, Quốc hội đã có một thái độ nghi kỵ lạnh lùng. Việc vứt bỏ những vòng hoa cúc trường sinh đặt ở đài kỷ niệm tháng Bảy[45] cũng không có hiệu quả gì hơn. Đó là một dịp để cho một bộ phận trong quân đội tổ chức những cuộc biểu tình cách mạng và để cho Quốc hội tiến hành một cuộc bỏ phiếu không tín nhiệm, ít nhiều được ngụy trang, đối với nội các. Báo chí của chính phủ đưa việc bãi bỏ chế độ phổ thông đầu phiếu, sự xâm chiếm của quân Cô-dắc ra để dọa nạt, nhưng cũng vô ích. Giữa phiên họp của Quốc hội lập pháp ô-pu-lơ khích những hội viên cánh tả xuống đường đấu tranh bằng cách tuyên bố rằng chính phủ sẵn sàng nghênh chiến, nhưng cũng không có hiệu quả gì. ô-pu-lơ chẳng thu được kết quả gì khác ngoài việc bị chủ tọa phiên họp nhắc phải tôn trọng trật tự, còn đảng trật tự thì với một sự thích thú ngầm và có ác ý, đã để mặc cho một nghị sĩ cánh tả thóa mạ những mưu toan tiếm vị của Bô-na-pác-tơ. Sau hết, chính phủ lại tiên đoán là đến ngày 24 tháng Hai, sẽ có một cuộc cách mạng nhưng cũng vô ích. Chính phủ đã làm cho nhân dân không biểu hiện gì vào ngày 24 tháng Hai

Giai cấp vô sản không để cho người ta khiêu khích mình làm một cuộc bạo động vì nó sắp làm một cuộc cách mạng.

Không lùi bước trước những sự khiêu khích của chính phủ khiến chính phủ khiến cho lòng phẫn nộ của toàn dân trước tình hình hiện tại chỉ có tăng thêm, ủy ban tuyển cử, hoàn toàn chịu ảnh hưởng của công nhân, đã đưa ra ba ứng cử viên ở Pa-ri: Đơ Phlốt, Vi-đan Các-nô. Đơ Phlốt là một người bị phát vãng sau sự biến tháng Sáu, được ân xá nhân một trong những lần mà Bô-na-pác-tơ ra sức lấy lòng dân, là bạn của Blăng-ki và là người tham gia vào sự kiện 15 tháng Năm. Vi-đan nổi tiếng là một nhà văn cộng sản do tác phẩm của ông ta "Bàn về sự phân phối của cải"[46], là cựu bí thư của Lu-i Blăng trong Uỷ ban Lúc-xăm-buốc Các-nô, con của một người có chân trong Hội nghị Quốc ước và đã tổ chức cuộc chiến thắng. Các-nô là người ít bị mất uy tín nhất trong số thành viên của nhóm "National", là bộ trường bộ giáo dục trong chính phủ lâm thời và trong Uỷ ban chấp hành là tác giả của dự luật có tính chất dân chủ về nền giáo dục toàn dân, một sự phản đối sinh động chống lại đạo luật của phái dòng Tên về giáo dục. Ba ứng cử viên đó đại biểu cho ba giai cấp đã liên minh với nhau: đứng đầu là người tham gia cuộc khởi nghĩa tháng Sáu, đại biểu cho giai cấp vô sản cách mạng; tiếp đó là người xã hội chủ nghĩa khống luận đại biểu cho giai cấp tiểu tư sản xã hội chủ nghĩa; sau cùng, người thứ ba là đại biểu cho phái cộng hòa tư sản là phái mà những công thức dân chủ của nó trong cuộc xung đột với đảng trật tự, đã có được một ý nghĩa xã hội chủ nghĩa và đã mất hết ý nghĩa riêng của nó từ lâu rồi. Cũng như hồi tháng Hai, đây là một khối liên ninh chung chống lại giai cấp tư sản chính phủ . Nhưng lần này thì giai cấp vô sản đứng đầu khối liên minh cách mạng.

Bất chấp mọi cố gắng của kẻ địch, những ứng cử viên xã hội chủ nghĩa đã thắng. Thậm chí, quân đội cũng đã bỏ phiếu cho người tham gia cuộc khởi nghĩa tháng Sáu chứ không phải cho chính người của mình là bộ trưởng bộ quốc phòng La ít-tơ. Đảng trật tự như bị sét đánh ngang tai. Những cuộc bầu cử ở các tỉnh không an ủi nổi đảng ấy, đa số người trúng cử lại thuộc phái Núi.

Cuộc bầu cử ngày 10 tháng Ba 1850! Đó là một sự bác bỏ lại sự kiện tháng Sáu 1848: bọn đã giết và đã lên án tù đày những người khởi nghĩa tháng Sáu nay lại trở lại Quốc hội nhưng chúng đã khúm núm đi sau những người bị tù đày, luôn mồm nói những nguyên tắc của họ. Đó là sự bác bỏ lại ngày 13 tháng Sáu 1849: phái Núi bị Quốc hội truất quyền lại trở lại Quốc hội, nhưng giờ đây, như là người lính kèn đi hàng đầu của cách mạng chứ không phải là người lãnh đạo cách mạng nữa. Đó là sự bác bỏ lại ngày 10 tháng Chạp: Na-pô-lê-ông và bộ trưởng của hắn là La ít-tơ đã nếm mùi thất bại. Lịch sử quốc hội của Pháp chỉ có mỗi một trường hợp tương tự thôi: đó là sự thất bại vào năm 1830 của ô-xê, bộ trưởng của Sác-lơ X. Sau cùng, cuộc bầu cử ngày 10 tháng Ba 1850 đã bác bỏ cuộc bầu cử ngày 13 tháng Năm tức là cuộc bầu cử ngày 10 tháng Ba đã phản đối phe đa số của ngày 18 tháng Năm. Ngày 10 tháng Ba là một cuộc cách mạng. Đằng sau những lá phiếu, là những viên đá lát đường.

Xê-guya d'A-ghét-xô, một trong những đảng viên tiến bộ nhất của đảng trật tự đã kêu lên: "Cuộc đầu phiếu ngày 10 tháng Ba, đó là chiến tranh".

Cùng với ngày 10 tháng Ba 1850, chế độ cộng hòa lập hiến bước vào một giai đoạn mới, giai đoạn an rã. Các nhóm của phe đa số một lần nữa lại liên kết với nhau và với Bô-na-pác-tơ. Những nhóm đó lại trở thành những chiến sĩ bảo vệ trật tự và Bô-napác-tơ lại là người trung lập của họ. Mỗi khi các nhóm đó nhớ ra rằng chúng là những người bảo hoàng thì đó chỉ là vì chúng tuyệt vọng, không tin vào khả năng tồn tại của chế độ cộng hòa tư sản; mỗi khi Bô-na-pác-tơ nhớ ra rằng hắn là tổng thống thì đó chỉ là vì hắn tuyệt vọng không tin vào khả năng tiếp tục ở ngôi tổng thống nữa.

Đối phó với việc trúng cử của Đơ Phlốt, người khởi nghĩa tháng Sáu thì Bô-na-pác-tơ, do phe trật tự xúi giục, đã trả đũa bằng cách cử Ba-rô-sơ - kẻ đã buộc tội Blăng-ki và Bác-be, Lơ-đruy-Rô-lanh và Ghi-na, - làm bộ trưởng bộ nội vụ. Đối phó với việc trúng cử của Các-nô, Quốc hội lập pháp đã trả đũa bằng việc thông qua đạo luật về giáo dục; còn đối phó với việc trúng cử của Vi-đan thì bằng cách cấm các báo chí xã hội chủ nghĩa. Đảng trật tự tìm cách xua tan nỗi lo sợ của bản thân nó bằng những tiếng la lối trên báo chí của nó. Một trong những cơ quan ngôn luận của nó loa lên rằng: "Gươm là một vật thiêng liêng". Tờ khác kêu: "Những người bảo vệ trật tự phải tấn công lại đảng đỏ". Còn con gà trống thứ ba của trật tự thì gáy: Giữa chủ nghĩa xã hội và xã hội đang diễn ra một cuôc chiến đấu sống mái, một cuộc đấu tranh khốc liệt, liên tục; trong cuộc đấu tranh tuyệt vọng ấy, phải có một mất một còn; nếu xã hội không bóp chết chủ nghĩa xã hội thì chủ nghĩa xã hội sẽ bóp chết xã hội". Hãy dựng lên những lũy chướng ngại của trật tự, những lũy chướng ngại của tôn giáo, những lũy chướng ngại của gia đình! Phải thanh toán bằng hết cái đám 127000 cử tri ở Pa-ri! Hãy cho bọn xã hội chủ nghĩa nếm mùi một tối của Bác-tô-lô-mê! và đảng trật tự đã có lúc tưởng là nắm chắc được thắng lợi.

Chính là chống lại những "chủ tiệm ở Pa-ri" mà những cơ quan báo chí của đảng đó đã hành động điên cuồng nhất! Những người khởi nghĩa tháng Sáu là do các chủ tiệm ở Pa-ri bầu ra? Như thế có nghĩa là một vụ tháng Sáu 1848 thứ hai không thể xảy ra được; như thế có nghĩa là không thể có được một ngày 13 tháng Sáu 1849 thứ hai nữa; như thế có nghĩa là ảnh hưởng tinh thần của tư bản đã bị đập tan; như thế có nghĩa là Quốc hội tư sản chỉ còn đại diện cho giai cấp tư sản thôi; như thế có nghĩa là chế độ sở hữu lớn không còn đất sống nữa, vì chư hầu của nó là giai cấp tiểu tư sản đã chạy sang hàng ngũ những người không có của để tìm lối thoát.

Dĩ nhiên là đảng trật tự lại đem áp dụng cái biện pháp quen thuộc, không sao tránh khỏi của nó. Nó hò hét: "Phải đàn áp hơn nữa, phải đàn áp gấp mười lần kia!"; nhưng lực lượng đàn áp của nó lại yếu đi mười lần, trong khi đó thì phe đối lập lại mạnh lên gấp trăm lần. Đối với ngay cả công cụ chủ yếu của bộ máy đàn áp, - tức là quân đội, - thì có cần phải đàn áp không. Và đảng trật tự tuyên bố lời nói cuối cùng của nó: "Phải bẻ gãy vòng đai sắt hợp pháp đang bóp nghẹt chúng ta. Không thể thành lập chế độ cộng hòa lập hiến được nữa. Chúng ta cần phải chiến đấu bằng vũ khí thực sự của chúng ta; từ tháng Hai 1848, chúng ta đã chống lại cách mạng bằng vũ khí của nó và trên trận địa của nó, chúng ta đã chịu nhận những thiết chế của nó; hiến pháp là một pháo đài chỉ bảo vệ người bao vây chứ không bảo vệ người bị vây! Lúc chúng ta núp trong bụng con ngựa thành Tơ-roa, trong thành phố I-li-ôn thần thánh, hòng bắt chước tổ tiên chúng ta là những người Grecs[47] thì chúng ta đã không chiếm được thành của kẻ địch, mà ngược lại, chúng ta đã tự mình giam mình lại".

Nhưng cơ sở của hiến pháp lại là chế độ phổ thông đầu phiếu. Nên việc bãi bỏ chế độ phổ thông đầu phiếu là lời nói cuối cùng của đảng trật tự, là lời nói cuối cùng của chuyên chính tư sản.

Chế độ phổ thông đầu phiếu đã thừa nhận nền chuyên chính đó của giai cấp tư sản trong ngày 4 tháng Năm 1848, ngày 20 tháng Chạp 1848, ngày 13 tháng Năm 1849, ngày 8 tháng Bảy 1849. Chế độ phổ thông đầu phiếu đã tự làm hại mình vào ngày 10 tháng Ba 1850. Sự thống trị của giai cấp tư sản, với tư cách là kết luận và kết quả của chế độ phổ thông đầu phiếu, là biểu hiện kiên quyết của ý chí chủ quyền của nhân dân, đó chính là ý nghĩa của hiến pháp tư sản. Nhưng từ lúc mà nội dung của quyền bầu phiếu ấy, của ý chí chủ quyền của nhân dân ấy không còn là sự thống trị của giai cấp tư sản nữa thì thử hỏi hiến pháp ấy còn có ý nghĩa gì nữa không? Nhiệm vụ trực tiếp của giai cấp tư sản chẳng phải là quy định quyền bầu cử thế nào cho quyền ấy đem lại một chế độ hợp lý, tức là đem lại sự thống trị của giai cấp tư sản đó sao? Chế độ phổ thông đầu phiếu luôn luôn thủ tiêu quyền lực nhà nước hiện tồn, và mỗi lần như thế lại đẻ ra một quyền lực mới thì như thế chẳng đã xóa bỏ mọi sự ổn định, chẳng đã luôn luôn đặt những quyền lực đã được thiết lập thành vấn đề, chẳng đã phá bỏ quyền uy, chẳng đã đe dọa làm cho cả đến trạng thái vô chính phủ cũng trở thành quyền uy đó sao? Sau ngày 10 tháng Ba 1850, liệu có ai còn không tin điều đó nữa.

Xóa bỏ chế độ phổ thông đầu phiếu, cái mà từ trước đến nay nó vẫn dùng để che thân, cái đã đem lại cho nó quyền vạn năng thì như vậy là giai cấp tư sản đã thú nhận công khai rằng: " Cho đến nay, nền chuyên chính của chúng ta sở dĩ được giữ vững là nhờ ý chí của nhân dân, bây giờ, chúng ta phải củng cố nền chuyên chính ấy chống lại ý chí của nhân dân". Và trước sau như một, nó đã đi tìm chỗ dựa không phải ở Pháp nữa, mà là ở ngoài, ở nước ngoài, ở một cuộc xâm lược.

Với việc hô hào xâm lược, một Cô-blen-txơ[48] thứ hai có trụ sở ngay trên đất Pháp, đã khuấy động tất cả những tình cảm dân tộc nổi lên chống lại nó. Tấn công vào chế độ phổ thông đầu phiếu, ông ta đã đem lại cho cuộc cách mạng mới một lý do chung và cách mạng cần có một lý do kiểu ấy. Mọi lý do riêng sẽ chia rẽ các phái trong liên minh cách mạng và sẽ làm nổi bật tính chất khác nhau của các phái ấy. Nhưng lý do chung làm cho những giai cấp nửa cách mạng bối rối, làm cho chính những giai cấp ấy có những ảo tưởng về tính chất xác định của cuộc cách mạng sau này, về hậu quả những hành động của bản thân họ. Bất cứ một cuộc cách mạng nào cũng cần đến vấn đề tiệc tùng. Chế độ phổ thông đầu phiếu chính là vấn đề tiệc tùng của cuộc cách mạng mới.

Nhưng các bộ phận tư sản liên minh đã tự lên án mình, khi từ bỏ cái hình thức duy nhất có thể có của quyền lực liên hiệp của chúng, cái hình thức mạnh nhất và hoàn bị nhất của sự thống trị giai cấp của chúng, tức là chế độ cộng hòa lập hiến, để chạy đến, nấp dưới cái hình thức thấp không hoàn bị và yếu kém hơn, tức là chế độ quân chủ. Các bộ phận ấy giống như cái ông già tưởng rằng cứ việc khoác lại những tấm áo đẹp của thời thơ ấu và cố tìm cách che được đôi tay khẳng khiu của mình bằng những tấm áo ấy, là đủ để lấy lại được sức lực của thời trai tráng của mình. Chế độ cộng hòa của chúng chỉ có mỗi một công lao là làm chiếc nhà kính ấm để ươm cách mạng.

Ngày 10 tháng Ba 1850 đã mang câu đề từ này:

Après moi le délugel[49].

[Chương trước]   [Mục lục]   [Chương tiếp theo]


Chú thích

[1]. Điều khoản V thuộc về phần mở đầu của hiến pháp; những điều khoản của văn bản chính của hiến pháp được đánh số bằng chữ số A-rập. - 91.

[2]. Từ đây cho đến hết, khi nói Quốc hội, có nghĩa là nói Quốc hội lập pháp đã hoạt động từ 28 tháng Năm 1849 đến tháng Chạp 1851.

[3]. Cuộc họp các nhà hoạt động của phái Núi được tổ chức vào buổi tối ngày 12 tháng Sáu 1849 tại trụ sở ban biên tập tờ nhật báo của phái Phu-ri-ê "La Démocratie Pacifique" ("Dân chủ hoà bình"), xuất bản ở Pa-ri trong những năm 1843-1851 do V. Công-xi-đê-răng làm chủ biên. Những người tham gia cuộc họp đã từ chối việc đấu tranh vũ trang và quyết định giới hạn hoạt động bằng biểu tình hoà bình. - 95.

[4]. Những người theo phái Núi (từ chữ "montagne", có nghĩa là "núi").

[5]. Trong bản tuyên ngôn đăng trên báo "Le Peuple" ("Nhân dân") số 206, ngày 13 tháng Sáu 1849, "Hội dân chủ của những người bạn của hiến pháp" đã kêu gọi các công dân Pa-ri đi biểu tình hoà bình để phản đối "những tham vọng ngông cuồng" của chính quyền hiện hành. - 95.

[6]. Bản tuyên bố của phái Núi đã được đăng trên tờ "Réforme" và trên tờ "Démocratie Pacifique" và cả trên báo của Pru-đông "Peuple" ngày 13 tháng Sáu 1849. - 95.

[7]. "Công dân"

[8]. Mác có ý muốn nói đến uỷ ban gồm ba vị hồng y giáo chủ, uỷ ban này dựa vào sự ủng hộ của quân đội Pháp, sau khi đàn áp nước Cộng hoà La Mã đã khôi phục lại chế độ phản động ở La Mã. Các vị hồng y giáo chủ mang áo đỏ. - 101.

[9]. "Le Siècle" ("Thế kỷ") - tờ nhật báo xuất bản ở Pa-ri từ năm 1836 đến 1939; trong những năm 40 thế kỷ XIX đã phản ánh những quan điểm của một bộ phận của giai cấp tiểu tư sản, bộ phận này giới hạn hoạt động của mình ở những yêu cầu cải cách hiến pháp ôn hoà. - 102.

[10]. "La Presse" ("Báo chí") - tờ nhật báo tư sản xuất bản ở Pa-ri từ năm 1836; trong những năm 1848 - 1849 là cơ quan ngôn luận của phái cộng hoà tư sản; sau này trở thành báo của phái Bô-na-pác-tơ. - 102.

[11]. Căn cứ vào việc làm của mỗi người mà định được khả năng của họ. (ở đây Mác lợi dụng công thức nổi tiếng của Xanh - Xi-mông).

[12]. Có ý muốn nói đến bá tước Săm-bo (tự xưng là Hăng-ri V), xuất thân từ nhánh trưởng của dòng họ Buống-bông, rắp ranh lên nối ngôi vua Pháp. Ngoài thành phố Vi-xba-đen ra, thành phố Em-xơ là một trong những nơi Săm-bo thường cư trú ở Tây Đức. - 103.

[13]. Lính Hung-ga-ri thời đó, những kẻ tàn ác hay cướp bóc.

[14]. Pu-ti-pha là sĩ quan trong hoàng cung Ai Cập. I-ô-dép là học trò của Pu-ti-pha.

[15]. đã khác trước biết bao! (Véc-gi-li-ô, "ê-nê-ít").

[16]. ở ngoại ô Luân Đôn, vùng Cle- rợ-mơn có một người lánh nạn từ Pháp sang là Lu-i Phi-líp sau cuộc cách mạng tháng Hai 1848. - 103.

[17]. Hoặc là Xê-đa, hoặc là nhà tù giam con nợ! (Phỏng theo câu hói của Giu-li- út Xê-đa: "Aut Caesar, aut nihil" - "hoặc là Xê-đa, hoặc không là gì cả").

[18]. "Motu proprio" ("tự ý mình") - là những lời đầu trong các thông điệp đặc biệt của giáo hoàng được thông qua không cần sự đồng ý của các giáo chủ và thường đề cập đến những vấn đề hành chính và chính sách đối nội của vùng đất Toà thánh. ở đây là nói về thông điệp của giáo hoàng Pi IX ra ngày 12 tháng Chín 1849. - 104.

[19]. Trích trong bài thơ của nhà thơ Đức G. Héc-vếch "Từ vùng núi" ("Aus den Bergen"). Xem H. Herwegh. "Gedichte eines Lebendigen" ("Thơ của một con người sôi nổi"). - 105.

[20]. Thôi đủ rồi! Thôi đủ rồi!

[21]. Hoàng thân Na-pô-lê-ông Bô-na-pác-tơ.

[22]. Tình trạng hiện nay, chế độ hiện tồn.

[23]. Trong thâm tâm.

[24]. Con sói ở sở giao dịch.

[25]. Nó cũng không ngu ngốc lắm đâu!

[26]. Mậu dịch tự do.

[27]. Kết luận này về thắng lợi của cách mạng vô sản chỉ có thể đạt được cùng một lúc ở các nước tư bản tiên tiến và do đó, không thể đạt được ở một nước riêng biệt, đã được diễn đạt đầy đủ nhất trong tác phẩm của Ăng-ghen "Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản" (1847) - là kết luận đúng đắn đối với thời kỳ trước chủ nghĩa tư bản độc quyền. Trong những điều kiện lịch sử mới, trong thời kỳ chủ nghĩa tư bản độc quyền, V. I. Lê-nin - xuất phát từ quy luật do Người phát hiện ra về sự phát triển không đồng đều về kinh tế và chính trị của chủ nghĩa tư bản trong thời kỳ đế quốc chủ nghĩa - đã đi đến một kết luận mới là thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa có thể đạt được trước hết ở một số nước hoặc thậm chí ở một nước riêng lẻ, và thắng lợi của cách mạng không thể đạt được đồng thời ở tất cả các nước hoặc ở đa số các nước. Kết luận mới đó lần đầu tiên được trình bày trong bài viết của V. I. Lê-nin "Bàn về khẩu hiệu Liên bang châu âu" (1915). - 112.

[28]. Ngày 8 tháng Bảy 1847, Viện nguyên lão ở Pa-ri bắt đầu xử án Pác-măng-chi-ê và tướng Quy-bi-e-rơ về tội hối lộ các quan chức nhằm mục đích xin được tô nhượng những mỏ muối, và xử án bộ trưởng Bộ các công trình công cộng hồi đó là Te-xtơ về tội ăn hối lộ. Trong khi xét xử, Te- xtơ đã toan tự tử. Tất cả đều bị phạt tiền nặng. Ngoài ra, Te-xtơ còn bị ba năm tù. (Chú thích của Ph. Ăng-ghen viết cho lần xuất bản năm 1895).

[29]. Thuế rượu muôn năm! Vạn tuế, vạn vạn tuế!

[30]. Tầng lớp quý tộc

[31]. Cái đám dân chúng mạt hạng vô quyền.

[32]. Con số không ăn khớp: đáng ra phải là 578.178.000, chứ không phải 538.000.000; có lẽ là những chữ số trên bị in sai. Song điều đó cũng không làm ảnh hưởng đến kết quả tổng quát: trong trường hợp nào cũng vậy, số thực thu tính theo đầu người vẫn ít hơn 25 phrăng. - 118.

[33]. Trong lịch sử, đó là tên gọi của cái hạ nghị viện được bầu ra ngay sau khi Na-pô-lê-ông bị lật đổ lần thứ hai vào năm 1815, một nghị viện cuồng tín bảo hoàng đến cực đoan, phản động. (Chú thích của Ăng-ghen viết cho lần xuất bản năm 1895).

[34]. ở tỉnh Gác-đơ đã tiến hành bầu cử bổ sung vì nghị sĩ đơ Bô bị chết. Pha-vô-nơ là ứng cử viên của những người ủng hộ phái Núi đã trúng cử với đa số phiếu là 20 nghìn trên 36 nghìn phiếu. - 120.

[35]. Khủng bố trắng.

[36]. Để gây áp lực đối với cử tri trong các cuộc bầu cử bổ sung vào Quốc hội lập pháp sắp tiến hành vào ngày 10 tháng Ba 1850, chính phủ đã chia lãnh thổ Pháp thành năm quân khu lớn, kết quả là Pa-ri và những tỉnh sát nó bị bao vây giữa bốn quân khu kia; đứng đầu các quân khu đó là những phần tử cực kỳ phản động. Để nhấn mạnh sự giống nhau giữa quyền lực vô hạn của những viên tướng phản động đó với quyền lực độc tài của các pa-sa Thổ Nhĩ Kỳ, các báo chí cộng hoà đã gọi những quân khu đó là những pa-sa-líc. - 120.

[37]. Đây là nói đến bức thông điệp của tổng thống Lu-i Bô-na-pác-tơ gửi cho Quốc hội lập pháp ngày 31 tháng Mười 1849, trong đó ông ta thông báo việc bãi bỏ nội các Ba-rô và thành lập một nội các mới. - 121.

[38]. Trong bức thông điệp ngày 10 tháng Mười một 1849 viên cảnh sát trưởng Pa-ri mới được bổ nhiệm là Các-li-ê đã kêu gọi thành lập "đồng minh xã hội chống chủ nghĩa xã hội" nhằm bảo vệ "tôn giáo, lao động, gia đình, sở hữu, lòng trung thành với chính phủ". Thông điệp này đã được đăng trên tờ "Moniteur universel" ngày 11 tháng Mười một 1849. - 121.

[39]. "Le Napoléon" ("Na-pô-lê-ông") - tờ tuần báo của phái Bô-na-pác-tơ, cơ quan ngôn luận của Lu-i Bô-na-pác-tơ, xuất bản ở Pa-ri từ ngày 6 tháng Giêng đến ngày 19 tháng Năm 1850. - 122.

[40]. Toàn bộ.

[41]. Từng chút một.

[42]. Chơi chữ: "coup d’état" có nghĩa là "cuộc chính biến", còn "coups de tête" có nghĩa là "những hành động nông nổi".

[43]. Thượng hạng.

[44] . Cây tự do được trồng trên các phố ở Pa-ri sau khi cuộc cách mạng tháng Hai 1848 thắng lợi. Tục lệ trồng cây tượng trưng cho nền tự do Pháp - thường là cây sồi hoặc bạch dương - đã có từ thơì kỳ cách mạng tư sản cuối thế kỷ XVIII và lúc bấy giờ được Hội nghị Quốc ước quy định. - 127.

[45] . Đài kỷ niệm tháng Bảy được dựng lên ở Pa-ri năm 1840 để kỷ niệm ngày ngục Ba-xti-ơ thất thủ 14 tháng Bảy 1789; kể từ cuộc cách mạng tháng Hai 1848 được trang trí bằng những vòng hoa bất tử. - 127.

[46] . F. Vidal. "De la répartition des richesses". Paris, 1846. - 128.

[47]. Chơi chữ: "Grecs" có nghĩa là "người Hy Lạp", nhưng cũng có nghĩa là "kẻ chuyên lừa đảo". (Chú thích của Ăng-ghen viết cho lần xuất bản năm 1895).

[48] .Cô-blen-txơ - một thành phố ở Tây Đức, trung tâm hoạt động của lực lượng lưu vong phản cách mạng trong thời kỳ cuộc cách mạng tư sản Pháp cuối thế kỷ XVIII. - 132.

[49] . Cho dù sau ta có xảy ra nạn hồng thuỷ. (Câu này được người ta cho là của Lút-vích XV).