Ănggen
Cách mạng và phản cách mạng ở Đức


X.Cuộc khởi nghĩa ở Pa-ri. Quốc hội Phran-Phuốc

Ngày 18 tháng 03 năm 1852

Ngay từ đầu tháng Tư 1848, dòng thác cách mạng đã bị chặn đứng ở trên khắp lục địa châu âu, vì các giai cấp xã hội được lợi từ những thắng lợi đầu tiên, đã ký kết liên minh ngay với những kẻ chiến bại. Ở Pháp, giai cấp tiểu tư sản và bộ phận cộng hòa trong giai cấp tư sản đã liên minh với phái tư sản bảo hoàng để chống lại những người vô sản; ở Đức và ở I-ta-li-a, giai cấp tư sản chiến thắng đã vội vã tìm kiếm sự ủng hộ của bọn quý tộc phong kiến, của bộ máy quan liêu nhà nước và của quân đội để chống lại quần chúng nhân dân và những người tiểu tư sản. Chẳng bao lâu các đảng bảo thủ và phản cách mạng liên hiệp với nhau đã chiếm được ưu thế trở lại. Ở Anh, một cuộc biểu tình của nhân dân diễn ra không đúng lúc và không được chuẩn bị chu đáo (ngày 10 tháng Tư) đã kết thúc bằng thất bại hoàn toàn và quyết định của đảng của phong trào[29*]. ở Pháp, hai cuộc vận động tương tự (ngày 16 tháng Tư và ngày 15 tháng Năm) cũng thất bại[30*]. ở I-ta-li-a, ngày 15 tháng Năm, chỉ bằng một đòn đánh, vua Bom[1] đã khôi phục lại ngay quyền lực của mình[31*]. ở Đức, nhiều chính phủ tư sản mới và các hội nghị lập hiến của họ được củng cố, và nếu ngày 15 tháng Năm, một ngày có nhiều sự biến đến thế, đã đem lại thắng lợi cho quần chúng ở Viên, thì sự kiện này cũng chỉ là một sự kiện thứ yếu và có thể coi đó là ngọn lửa thắng lợi cuối cùng của nghị lực nhân dân. Ở Hung-ga-ri, phong trào hình như đã được hướng vào những con đường hòa bình hoàn toàn hợp pháp, và phong trào Ba Lan, như chúng ta đã nói đến trong một bài báo trước, đã bị lưỡi lê của Phổ dập tắt từ trong trứng nước. Nhưng cuối cùng tình hình sẽ xoay chuyển ra sao thì chưa có gì rõ ràng, và mỗi tấc đất mà các đảng cách mạng ở các nước đã mất đi chỉ khiến cho họ càng ngày càng siết chặt hàng ngũ lại để chuẩn bị trận chiến đấu quyết định.

Những trận chiến đấu quyết định ấy đang đến gần. Nó chỉ có thể được tiến hành ở Pháp; và chừng nào nước Anh chưa tham gia vào cuộc đấu tranh cách mạng và nước Đức còn bị chia cắt, thì nước Pháp, do nền độc lập dân tộc của nó, do nền văn minh và chế độ trung ương tập quyền của nó, là nước duy nhất có thể thúc đẩy một sự biến động mạnh mẽ tại các nước xung quanh. Vì vậy khi cuộc chiến đấu đổ máu đã bắt đầu nổ ra ở Pa-ri vào ngày 23 tháng Sáu 1848, khi mỗi bức điện mới, mỗi chuyến bưu kiện mới đều làm cho châu âu thấy rõ hơn rằng cuộc đấu tranh ấy đã được tiến hành giữa một bên là toàn bộ quần chúng công nhân, với bên kia là tất cả các giai cấp khác của dân cư Pa-ri được quân đội ủng hộ; khi những trận chiến đấu đã kéo dài nhiều ngày với một mức độ khốc liệt chưa từng thấy trong lịch sử nội chiến hiện đại nhưng không bên nào có ưu thế rõ ràng, thì lúc đó mọi người đã nhận thấy rõ ràng rằng trận chiến đấu lớn quyết định ấy, nếu cuộc khởi nghĩa thành công, sẽ làm cho làn sóng cách mạng mới lan tràn khắp lục địa, còn nếu cuộc khởi nghĩa thất bại, thì sẽ khôi phục lại chế độ phản cách mạng, ít ra là trong một thời gian.

Những người vô sản Pa-ri đã bị đánh bại, bị tàn sát, đè bẹp đến mức đến tận bây giờ, họ vẫn chưa hồi phục. Và lập tức, khắp châu âu những phần tử bảo thủ và phản cách mạng mới và cũ lại ngóc đầu dậy, với một thái độ láo xược chứng tỏ rằng chúng đã hiểu rõ như thế nào ý nghĩa của sự biến ấy. Khắp nơi, báo chí bị truy nã, quyền hội họp và lập hội bị hạn chế, chỉ một sự biến nhỏ xảy ra trong bất cứ một thành phố nhỏ nào cũng là một cái cớ để tước vũ khí của quần chúng, để tuyên bố thiết quân luật và tập dượt quân đội theo những cách và chiến thuật mới do Ca-ve-nhắc đã huấn luyện. Ngoài ra, lần đầu tiên kể từ tháng Hai đến giờ, tính vô địch của một cuộc khởi nghĩa nhân dân trong một thành phố lớn đã được chứng minh là một ảo tưởng; quân đội đã phục hồi lại được danh dự của mình; những đội quân, cho đến bấy giờ, vẫn bị đánh bại trong bất cứ một trận chiến đấu đường phố quan trọng nào, đã lấy lại được lòng tự tin và tin rằng mình có thể đảm nhiệm được kiểu chiến tranh ấy.

Có thể nói rằng thất bại đó của những công nhân Pa-ri đánh dấu những hành động tích cực đầu tiên, những kế hoạch cụ thể đầu tiên của đảng phong kiến và quan liêu cũ ở Đức nhằm trút bỏ được ngay cả người bạn đồng minh tạm thời của mình, tức giai cấp tư sản, và nhằm kéo nước Đức lui về tình trạng trước những sự biến tháng Ba. Quân đội lại trở thành lực lượng quyết định của nhà nước, nó không thuộc về giai cấp tư sản mà là thuộc về đảng này. Ngay cả ở Phổ, nơi mà trước năm 1848, người ta đã nhận thấy rằng một bộ phận hạ sĩ quan ngả mạnh theo hướng tán thành một chính phủ lập hiến thì tình trạng lộn xộn do cách mạng gây ra trong quân đội, đã kéo những thanh niên hay biện luận ấy trở lại phục tùng nghiêm ngặt; chỉ cần một người lính bình thường có một cử chỉ đôi chút tùy tiện đối với sĩ quan thì sĩ quan lập tức thấy rõ rằng kỷ luật và sự phục tùng thụ động là điều cần thiết. Bọn quý tộc và quan lại bị đánh bại bắt đầu nhận thấy rằng chúng cần phải làm gì; người ta chỉ cần thường xuyên lôi cuốn quân đội vào những cuộc xung đột nhỏ với nhân dân, - cái quân đội đã đoàn kết hơn bao giờ hết, kiêu căng về những chiến thắng trong những cuộc đàn áp khởi nghĩa nhỏ và trong những cuộc chiến tranh với nước ngoài, cái quân đội mong muốn có được những chiến thắng lớn như những chiến thắng mà quân đội Pháp vừa giành được, - quân đội ấy, sẽ có thể, trong giờ phút quyết định và chỉ bằng một cú đánh mạnh, đè bẹp những người cách mạng và chấm dứt những tham vọng của bọn nghị viên tư sản. Và thời cơ thuận lợi để đánh cái đòn quyết định như vậy cũng chẳng còn lâu nữa.

Chúng tôi không nói tới những cuộc tranh cãi ở nghị trường và những cuộc đấu tranh ở địa phương - đôi khi cũng lý thú nhưng thường thường là chán ngấy - đã xảy ra giữa những đảng phái ở Đức trong suốt mùa hè. Chỉ cần nói rằng đa số những kẻ bảo vệ lợi ích tư sản, mặc dầu đạt được nhiều thắng lợi ở nghị trường trong đó không một thắng lợi nào có lấy một chút kết quả thực tiễn, nói chung người ta cảm thấy rằng ngày càng không duy trì được vị trí của họ giữa các đảng cực đoan cho nên hôm nay, họ phải tìm kiếm sự liên minh với bọn phản động để rồi ngày mai lại bợ đỡ các đảng dân chủ hơn trong việc tìm kiếm sự rộng lòng của họ. Thái độ do dự thường xuyên ấy đã hạ uy tín của họ trước dư luận xã hội, và do tình hình xoay chuyển như vậy, việc chúng bị khinh bỉ lại tạm thời có lợi chủ yếu cho bọn quan lại và phong kiến.

Vào đầu mùa thu, quan hệ giữa các đảng đã trở nên cực kỳ căng thẳng và gay gắt đến nỗi khó lòng tránh khỏi một cuộc đấu tranh quyết định. Trận đầu tiên của cuộc chiến tranh ấy giữa quần chúng dân chủ và cách mạng với quân đội đã xảy ra ở Phran-phuốc. Mặc dù chỉ là thứ yếu, trận ấy cũng là thắng lợi đáng kể đầu tiên của quân đội đối với cuộc khởi nghĩa, và đã có tác dụng lớn về mặt tinh thần. Với những lý do rất hiển nhiên, nước Phổ đã cho phép cái chính phủ hữu danh vô thực do Quốc hội Phran-phuốc lập nên, ký kết hiệp nghị đình chiến với Đan Mạch, một hiệp nghị không những chỉ nộp những người Đức ở Slê-dơ-vích cho người Đan Mạch tàn sát, mà còn hoàn toàn phủ nhận những nguyên tắc ít nhiều cách mạng mà dư luận chung coi là cơ sở của cuộc chiến tranh Đan Mạch. Hiệp nghị đình chiến ấy bị Quốc hội Phran-phuốc bác bỏ với đa số hơn hai hay ba phiếu. Sau cuộc bỏ phiếu ấy là vở hài kịch của một cuộc khủng hoảng nội các, nhưng ba ngày sau, Quốc hội xét lại biểu quyết của mình và trên thực tế đã đi đến chỗ thủ tiêu quyết nghị cũ và phê chuẩn cuộc đình chiến. Hành động ô nhục ấy đã gây căm phẫn trong nhân dân. Người ta dựng chiến lũy, nhưng quân đội đã được tập trung khá đủ ở Phran-phuốc và chỉ sau sáu giờ chiến đấu, cuộc khởi nghĩa đã bị dập tắt. Do sự kiện ấy, những phong trào tương tự, dù kém phần quan trọng hơn, đã nổ ra ở các vùng khác của nước Đức (ở Ba-đen, Khuên), nhưng cũng đều bị dập tắt như vậy.

Trận chiến đấu sơ bộ ấy đã mang lại cho đảng phản cách mạng mối lợi lớn là từ nay, cái chính phủ duy nhất và ít ra là có vẻ được nhân dân bầu ra, cái chính phủ đế chế Phran-phuốc, cũng như cái Quốc hội ở đấy, đều mất hết uy tín đối với nhân dân, Chính phủ và Quốc hội ấy đã buộc phải nhờ đến lưỡi lê của quân đội để chống lại những sự biểu hiện của ý chí nhân dân. Như vậy là chúng đã mất uy tín, và trước lúc đó nếu chúng còn được kính trọng chút nào thì việc lìa bỏ nguồn gốc của mình, sự lệ thuộc của chúng vào các chính phủ phản nhân dân và vào quân đội của những chính phủ ấy, cũng đã làm cho, từ nay trở đi, viên nhiếp chính của đế chế, các bộ trưởng và các nghị viên của hắn biến thành những con số không hoàn toàn. Rồi đây chúng ta sẽ thấy rằng trước hết là áo, sau là Phổ, rồi đến các bang nhỏ, coi khinh như thế nào mỗi một mệnh lệnh, mỗi một yêu cầu, mỗi một phái đoàn mà họ tiếp nhận của cái Quốc hội gồm những kẻ mơ mộng bất lực ấy.

Bây giờ, chúng ta nói đến cái tiếng vang lớn mà cuộc chiến đấu tháng Sáu ở Pháp đã dội vào nước Đức, đến cái sự biến cũng có tính quyết định đối với nước Đức giống như cuộc chiến đấu của giai cấp vô sản Pa-ri đối với nước Pháp; đó là cuộc khởi nghĩa ở Viên và tiếp theo sau là cuộc tấn công thành phố này vào tháng Mười 1848. Nhưng trận chiến đấu này có một ý nghĩa lớn lao và việc giải thích những hoàn cảnh khác nhau đã tác động trực tiếp hơn vào kết cục của nó cần phải chiếm trên tờ "Tribune" một vị trí đến mức khiến chúng tôi phải dành một bài riêng để nói về nó.

Luân Đôn. Tháng Hai 1852

[Chương trước]   [Mục lục]   [Chương tiếp theo]


Chú thích

[1] - Phéc-đi-năng II