Ănggen
Chống Duyhring


III. Sản xuất

Sau tất cả những điều đã nói trên đây, bạn đọc sẽ không lấy làm ngạc nhiên khi được biết rằng sự trình bày về những nét cơ bản của chủ nghĩa xã hội trong chương trên hoàn toàn không làm vừa lòng ông Đuy-rinh. Trái lại, ông buộc phải vứt nó xuống vực thẳm cùng với tất cả những cái bị ruồng bỏ, nhà là "những sản phẩm lai căng của trí tưởng tượng lịch sử và trí tưởng tượng lô-gic" các "quan niệm man rợ", các "khái niệm mơ hồ và lộn xộn" v.v... khác. Đối với ông ta, chủ nghĩa xã hội tuyệt nhiên không phải là một kết quả tất yếu của sự phát triển lịch sử, và lại càng không phải là kết quả của những điều kiện kinh tế vật chất thô thiển của thời nay, chỉ nhằm đạt tới mục đích nhét đầy bụng. Ở ông ta, vấn đề được đặt ra một cách tốt hơn nhiều. Chủ nghĩa xã hội của ông ta là một chân lý tuyệt đỉnh cuối cùng rồi:

Nó là "hệ thống tự nhiên của xã hội" nó bắt nguồn từ một "nguyên tắc công bằng phổ biến".

và nếu ông ta không thể nào không chú ý đến cái trạng thái từ trước tới nay do lịch sử tội lỗi đã tạo ra để cải thiện trạng thái ấy, thì nói cho đúng ra, cần phải coi đó là một điều không may cho cái nguyên tắc công bằng thuần túy. ông Đuy-rinh tạo ra chủ nghĩa xã hội của mình cũng như tất cả mọi cái khác, nhờ hai anh chàng nổi tiếng của mình. Đáng lẽ đóng vai người chủ và người đầy tớ như trước tới nay thì lần này hai con rối đó diễn các vở về quyền bình đẳng - và ấy thế là cơ sở của chủ nghĩa xã hội của ông Đuy-rinh đã sẵn sàng.

Vì thế, dĩ nhiên là ở ông Đuy-rinh, những cuộc khủng hoảng công nghiệp có tính chất định kỳ tuyệt nhiên không có cái ý nghĩa lịch sử như chúng ta đã phải gán cho chúng.

Ở ông ta, các cuộc khủng hoảng chỉ là những trường hợp ngẫu nhiên đi trệch ra ngoài "trạng thái bình thường", và bất quá cũng chỉ là một lý do để "phát triển một chế độ có trật tự hơn" mà thôi. Cái "cách thức quen thuộc" để giải thích các cuộc khủng hoảng bằng sản xuất thừa thì tuyệt nhiên chưa đủ đối với cái "quan niệm đúng đắn hơn" của ông ta. Tuy nhiên, cách giải thích đó "cũng có thể chấp nhận được đối với những cuộc khủng hoảng đặc biệt trong những lĩnh vực cá biệt". Ví dụ như trường hợp "thị trường sách báo đầy ứ vì những bản in những tác phẩm có thể bán hàng loạt, mà bỗng nhiên người ta tuyên bố mọi người có thể tự do in lại".[101]

Dĩ nhiên ông Đuy-rinh có thể lên giường nằm nghỉ với một ý thức thanh thản rằng những tác phẩm bất hủ của mình sẽ không bao giờ gây ra một tai họa cho toàn thế giới như thế được.

Nhưng đối với các cuộc khủng hoảng lớn, thì không hải là do sản xuất thừa, mà đúng ra là do "sự lạc hậu của tiêu dùng của nhân dân... tình trạng tiêu dùng không đủ bị gây ra một cách giả tạo... việc gây trở ngại cho nhu cầu của nhân dân (A!) trong sự phát triển tự nhiên của nó, những điều này rốt cuộc đã tạo nên một cái hố nghiêm trọng như vậy giữa các dự trù hàng hóa và việc tiêu thụ chúng".

Và ông ta thậm chí còn có cái may mắn tìm được một đồ đệ cho cái lý luận về các cuộc khủng hoảng đó của ông ta.

Nhưng tiếc thay, tình trạng tiêu dùng không đủ của quần chúng, việc hạn chế sự tiêu dùng của quần chúng ở mức tối thiểu cần thiết để duy trì đời sống và việc sinh con đẻ cái, là một hiện tượng tuyệt nhiên không phải là mới mẻ. Hiện tượng đó đã tồn lại từ khi có những giai cấp bóc lột và những giai cấp bị bóc lột. Ngay trong những thời kỳ lịch sử mà hoàn cảnh của quần chúng được đặc biệt thuận lợi, ví dụ như ở Anh hồi thế kỷ XV, quần chúng vẫn tiêu dùng không đủ. Họ còn xa mới cho phối được toàn bộ sản phẩm hàng năm của họ cho sự tiêu dùng của họ. Như vậy, nếu tình trạng tiêu dùng không đủ là một hiện tượng lịch sử thường xuyên từ mấy nghìn năm nay, còn như tình trạng đình trệ phổ biến trong tiêu thụ xảy ra các cuộc khủng hoảng do sản xuất thừa, thì chỉ mới trở thành rõ rệt từ năm mươi năm nay thôi - nếu như vậy thì cần phải có tất cả sự nông cạn của thứ kinh tế học tầm thường của ông Đuy-rinh mới không lấy cái hiện tượng mới là sản xuất thừa để giải thích sự xung đột ấy. Điều đó cũng giống như là trong toán học, có người đã muốn giải thích sự thay đổi của tỷ số giữa hai đại lượng - một bất biến và một khả biến- không phải bằng việc đại lượng khả biến đã thay đổi, mà bằng việc đại lượng bất biến đứng nguyên không thay đổi. Tình trạng tiêu dùng không đủ của quần chúng là một điều kiện tất yếu của tất cả mọi hình thái xã hội dựa trên sự bóc lột, do đó cũng là một điều kiện tất yếu của xã hội tư bản chủ nghĩa; nhưng chỉ có hình thức tư bản chủ nghĩa của sản xuất mới đưa đến những cuộc khủng hoảng. Do đó tình trạng tiêu dùng không đủ của quần chúng cũng là một điều kiện tiên quyết của các cuộc khủng hoảng ấy, nhưng nó cũng không nói cho chúng ta biết những nguyên nhân của những cuộc khủng hoảng đang tồn tại hiện nay, cũng như những nguyên nhân vì sao trước kia lại không có những cuộc khủng hoảng ấy.

Nói chung, ông Đuy-rinh có những ý kiến kỳ khôi về thị trường thế giới. Chúng ta đã thấy ông ta, với tư cách là một tác gia Đức thực thụ, đã mưu toan lấy những cuộc khủng hoảng tưởng tượng trên thị trường sách báo ở Leipzig để làm sáng tỏ những cuộc khủng hoảng công nghiệp đặc biệt xẩy ra trong thực tế, lấy trận bão táp trong một cốc nước để giải thích trận bão táp ở ngoài biển như thế nào. Tiếp nữa, ông ta cho rằng nền sản xuất của các nhà kinh doanh hiện nay "chủ yếu phải xoay quanh việc tiêu thụ của mình, trong phạm vi bản thân các giai cấp có của" điều đó đã không ngăn cản ông ta, chỉ sau có mười sáu trang, thừa nhận như mọi người đều biết rằng công nghiệp sắt và công nghiệp bông sợi là những ngành công nghiệp hiện đại có tính chất quyết định, tức là đúng hai ngành sản xuất mà sản phẩm chỉ được tiêu thụ một phần cực kỳ nhỏ trong phạm vi các giai cấp có của, và trước hết là để cung cấp cho sự tiêu dùng của quần chúng. Bất cứ lấy một lập luận nào của ông Đuy-rinh, chúng ta cũng chỉ thấy thuần túy là lời ba hoa rỗng tuyếch và mâu thuẫn đủ về mọi thứ chuyện. Nhưng chúng ta hãy lấy một thí dụ trong ngành công nghiệp bông sợi. Nếu chỉ riêng trong cái thành phố Oldham tương đối nhỏ thôi, - một thành phố trong một tá thành phố có từ 5 đến 10 vạn dân ở xung quangh Manchester, làm công nghiệp bông sợi, - nếu chỉ riêng trong thành phố đó người ta cũng đã thấy từ năm 1872 đến năm 1875, tức là trong khoảng 4 năm, con số cọc sợi chuyên sản xuất lanh sợi số 32 đã từ 2 triệu rưởi cái tăng lên tới 5 triệu cái, thành thử chỉ riêng trong một thành phố trung bình của nước Anh cũng đã có một số lượng cọc sợi chuyên sản xuất loại sợi cùng số bằng tất cả ngành công nghiệp bông sợi của toàn nước Đức cộng lại, kể cả tỉnh Alsace; nếu trong tất cả các ngành và các địa phương khác của công nghiệp bông sợi ở Anh và ở Scotland, người ta cũng thấy có một sự mở rộng gần gần như thế, thì phải có một sự càn rỡ khá lớn "đến tận gốc" mới dám giải thích tình trạng hoàn toàn đình đốn hiện nay trong việc tiêu thụ sợi bông và vải bông bằng sự tiêu dùng không đủ của quần chúng Anh, chứ không phải bằng sự sản xuất thừa của bọn chủ xưởng bông sợi ở Anh.

Thế là đủ. Chẳng cần phải tranh luận với những người không hiểu biết về kinh tế chính trị đến nỗi coi thường thị trường sách báo Leipzig nói chung là một thị trường theo ý nghĩa của nền công nghiệp hiện đại. Vì thế chúng ta chỉ cần vạch ra rằng, trong những lập luận sau đó, ông Đuy-rinh đã chẳng biết nói gì hơn về các cuộc khủng hoảng ngoài điều nói rằng khủng hoảng chẳng qua chỉ là

"một sự biến đổi thông thường từ trạng thái quá căng thẳng sang trạng thái uể oải", rằng nạn đầu cơ quá quắt "không phải chỉ là do sự chất đống lại một cách không có kế hoạch của các xí nghiệp tư nhân", mà "cũng cần phải coi sự xốc nổi của những chủ xí nghiệp cá biệt và sự thiếu thận trọng của tư nhân là một trong những nguyên nhân làm nảy sinh lượng cung quá thừa".

Nhưng đến lượt nó, "nguyên nhân làm nảy sinh" sự xốc nổi và sự thiếu thận trọng của tư nhân là cái gì? thì cũng lại là chính sự thiếu kế hoạch đó của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, biểu hiện ra trong chất đống lại một cách không có kế hoạch của các xí nghiệp tư nhân. Coi việc chuyển một sự kiện kinh tế thành một điều đáng chê trách về mặt đạo đức là phát hiện ra một nguyên nhân mới - thì đó cũng chính là một điều cực kỳ "nông nổi".

Chúng ta hãy chấm dứt vấn đề khủng hoảng ở đây. Sau khi đã chứng minh ở chương trên sự nảy sinh có tính chất tất yếu của các cuộc khủng hoảng từ phương thức sản xuất như tư bản chủ nghĩa và ý nghĩa của chúng xem như là những cuộc khủng hoảng của chính ngay phương thức sản xuất ấy, là những thủ đoạn cưỡng chế của cuộc cách mạng xã hội, thì chúng ta không cần phải nói thêm một lời nào nữa để chống lại những ý kiến hời hợt của ông Đuy-rinh về vấn đề ấy. Bây giờ chúng ta hãy bàn sang những điều sáng tạo tích cực của ông ta, bàn sang cái "hệ thống tự nhiên của xã hội".

Xây dựng trên một "nguyên tắc công bằng phổ biến" và do đó, không cần phải quan tâm đến những sự thật vật chất phiền toái, hệ thống đó bao gồm một liên bang các công xã kinh tế giữa chúng có.

"Sự tự do đi lại và sự bắt buộc phải kết nạp các thành viên mới, theo những luật lệ và những quy tắc hành chính nhất định".

Bản thân công xã kinh tế trước hết là

"một sơ đồ bao quát có tầm lịch sử toàn thế giới" và vượt xa những "biện pháp nửa vời lầm lạc" của một Mác nào đó chẳng hạn. Nó có nghĩa là "một cộng đồng những người gắn bó với nhau do cái quyền công cộng của họ được sử dụng một diện tích đất đai nhất định và một nhóm xí nghiệp sản xuất nhất định, để cùng nhau hoạt động và cùng nhau tham dự vào thu nhập. Quyền công cộng đó là "một thứ quyền đối với các vật... hiểu theo ý nghĩa một mối quan hệ thuần túy công pháp đối với tự nhiên và đối với các cơ quan sản xuất.

Chúng ta hãy để cho các nhà luật học tương lai của công xã sẽ nát óc ra để tìm hiểu xem điều đó có nghĩa là gì, còn chúng ta thì dám từ bỏ mọi mưu toan làm công việc ấy. Chúng ta chỉ biết rằng quyền đó hoàn toàn không đồng nhất với "sở hữu có tính chất nghiệp đoàn của các hội công nhân", sở hữu này sẽ không loại trừ sự cạnh tranh lẫn nhau, và thậm chí cả sự bóc lột lao động làm thuê nữa.

Đồng thời, ông ta còn nói qua rằng

quan niệm "sở hữu chung", như người ta cũng gặp thấy ở Mác, "ít ra cũng là một quan niệm không rõ ràng và đáng nghi ngờ, vì cái quan niệm về tương lai ấy lúc nào cũng có vẻ như chỉ có ý nghĩa là một chế độ sở hữu có tính chất nghiệp đoàn của các nhóm công nhân".

Đây lại là một trong nhiều "thói đê tiện" đánh lộn sòng quen thuộc của ông Đuy-rinh, đối với "tính chất tầm thường của nó" (như bản thân ông ta nói) "thì chỉ có cái từ tầm thường "bỉ ổi" là hoàn toàn thích hợp", đây lại là một điều dối trá cũng trắng trợn như một điều bịa đặt khác của ông Đuy-rinh nói rằng ở Mác chế độ sở hữu công cộng là một "sở hữu vừa có tính chất cá thể vừa có tính chất xã hội".

Nhưng dù sao thì một điều rõ ràng là: quyền công pháp của một công xã kinh tế đối với các tư liệu lao động của nó là một thứ quyền sở hữu đặc biệt, ít ra là đối với xã hội và Nhà nước.

Nhưng quyền đó lại không được phép "cách biệt... với bên ngoài, bởi vì giữa các công xã kinh tế khác nhau vẫn có sự tự do đi lại và có sự cần thiết phải kết nạp các thành viên mới theo những luật lệ và những quy tắc hành chính nhất định... cũng giống hệt như hiện nay việc gia nhập một tổ chức chính trị và việc tham gia các công việc kinh tế của công xã".

Như vậy là sẽ có những công xã kinh tế giàu và những công xã nghèo, và sự san bằng sẽ được thực hiện thông qua việc dân cư bỏ các công xã nghèo và dồn đến các công xã giầu. Như vậy nếu ông Đuy-rinh muốn xóa bỏ sự cạnh tranh về sản phẩm giữa các công xã bằng cách tổ chức việc buôn bán trong cả nước, thì ông ta lại để cho sự cạnh tranh về những người sản xuất vẫn tiếp tục tồn tại một cách yên tĩnh. Các vật được rút ra khỏi cạnh tranh, nhưng con người thì vẫn ở trong vòng cạnh tranh như cũ.

Nhưng điều đó hoàn toàn không giải thích cho chúng ta rõ về cái "quyền công pháp". Tiếp sau đó hai trang, ông Đuy-rinh tuyên bố với chúng ta rằng:

"Trước hết" công xã buôn bán bao quát "một cách cũng rộng lớn như một lĩnh vực chính trị - xã hội mà những thành thành viên được tập hợp lại thành một pháp nhân duy nhất, và với tư cách ấy, họ đều được quyền sử dụng toàn bộ ruộng đất, nhà cửa và các xí nghiệp sản xuất."

Như vậy là không phải các công xã riêng lẻ; mà là cả nước đều có quyền sử dụng. Như vậy thì cái "quyền công cộng" cái "quyền đối với vật", "mối quan hệ công pháp đối với tự nhiên" v.v..., không những "ít ra cũng là một khái niệm không rõ ràng và đáng nghi ngờ": nó còn trực tiếp mâu thuẫn với chính ngay nó nữa. Thật thế nó là "một sở hữu vừa có tính chất cá thể, vừa có tính chất xã hội" - ít ra là trong chừng mực mỗi công xã kinh tế cũng đồng thời là một pháp nhân - và vì vậy một lần nữa, cái "quái thai mơ hồ" đó người ta chỉ thấy ở chính bản thân ông Đuy-rinh mà thôi!

Dù sao thì công xã kinh tế cũng được quyền sử dụng các tư liệu lao động của nó để sản xuất. Việc sản xuất ấy diễn ra như thế nào? Theo tất cả những điều mà ông Đuy-rinh đã cho chúng ta biết, thì việc sản xuất ấy vẫn hoàn toàn theo như kiểu cũ, chỉ khác có một điều là thay cho nhà tư bản bây giờ là công xã. Nhiều lắm thì chúng ta cũng chỉ biết thêm rằng, chỉ giờ đây mỗi người mới được tự do lựa chọn nghề nghiệp của mình, và nghĩa vụ lao động thì tất cả mọi người đều có ngang nhau.

Hình thức cơ bản của mọi nền sản xuất từ trước tới nay là sự phân công lao động, một mặt là trong nội bộ xã hội, mặt khác là ở trong nội bộ mỗi xí nghiệp sản xuất. Cái "xã hội xã hội chủ nghĩa" của ông Đuy-rinh có thái độ như thế nào đó với sự phân công lao động đó?

Sự phân công lao động xã hội lớn đầu tiên là sự tách rời giữa thành thị và nông thôn.

Theo ông Đuy-rinh, sự đối kháng đó là "không thể tránh khỏi, xét theo bản chất của sự vật". Nhưng "nếu nghĩ rằng cái vực sâu giữa nông nghiệp và công nghiệp... là không thể lấp được, thì lại là không hoàn toàn đúng. Trên thực tế thì hiện nay cũng đã có, ở một mức độ nào đó, một sự thường xuyên qua lại rồi, và trong tương lai nó còn hứa hẹn tăng lên rất nhiều nữa:. Ngay hiện nay có lẽ cũng đã có hai ngành công nghiệp len vào trong ngành trồng trọt và nông nghiệp, trước hết là ngành cất rượu, và sau đến ngành sản xuất đường từ củ cải... việc sản xuất rượu còn có một ý nghĩa to lớn đến nỗi người ta đánh giá nó quá cao". Và "nếu như do những phát minh nào đó mà hình thành nên một nhóm ngành công nghiệp đông hơn thì cần phải bố trí sản xuất tại nông thôn trực tiếp gắn liền với việc sản xuất nguyên liệu", có lẽ do đó sự đối lập giữa thành thị và nông thôn sẽ giảm bớt đi, và "người ta sẽ có được một cơ sở rộng rãi nhất để phát triển nền văn minh". Tuy nhiên, một cái gì tương tự như thế cũng có thể nảy sinh bằng một con đường khác. Ngoài sự tất yếu về mặt kỹ thuật ra, những nhu cầu đó trở nên có tính chất quyết định đối với việc phân loại những hoạt động của con người, thì lúc đó sẽ không còn có thể coi thường được những điều lợi do mối liên hệ chặt chẽ và có hệ thống giữa những công việc của nông thôn với hoạt động chế biến sản phẩm theo kỹ thuật đem lại".

Nhưng trong công xã kinh tế, lại nảy sinh đúng vấn đề đề những nhu cầu xã hội, và như vậy có lẽ công xã kinh tế sẽ vội vàng nắm ngay lấy một cách đầy đủ nhất những điều lợi đã nói trên đây trong việc kết hợp nông nghiệp với công nghiệp chăng? ông Đuy-rinh chắc sẽ không quên cho chúng ta biết theo cái lối dông dài ưa thích của ông ta, cái "quan niệm chính xác hơn" của ông ta về lập trường của công xã kinh tế đối với vấn đề đó chăng ? Bạn đọc nào tin tưởng như thế thì sẽ bị lừa. Những câu sảo ngữ nghèo nàn và rối dắm đã dẫn ra trên đây, cứ quanh đi quẩn lại mãi hết ngành cất rượu mạnh lại đến công nghiệp làm đường củ cái theo luật pháp Phổ. Đó là tất cả những gì mà ông Đuy-rinh có thể nói cho chúng ta biết về sự đối lập giữa thành thị và nông thôn trong hiện tại và trong tương lai.

Bây giờ chúng ta hãy chuyển sang bàn một cách chi tiết về vấn đề phân công lao động. Ở đây, ông Đuy-rinh đã "chính xác hơn" đôi chút. ông ta nói đến

"Một người chỉ nên chuyên hẳn về một loại hoạt động thôi". Nếu đây là nói đến việc thiết lập một ngành sản xuất mới nào đó thì vấn đề chỉ là ở chỗ, liệu người ta có thể tạo ra được một số người nào đó chỉ chuyên sản xuất một loại sản phẩm, đồng thời liệu có thể tạo ra được sự tiêu dùng (!) cần thiết cho họ hay không. Trong xã hội chủ nghĩa, bất kỳ một ngành sản xuất nào cũng "sẽ không đòi hỏi lao động của một số lớn dân cư". Và ngay ở trong xã hội chủ nghĩa cũng có "những biện chứng kinh tế" của những con người phân biệt theo lối sống.

Như vậy là trong lĩnh vực sản xuất, tất cả đều gần như vẫn y nguyên như cũ. Quả thật ông Đuy-rinh thừa nhận là trong xã hội từ trước đến nay vẫn có một "sự phân công lao động sai lầm"; nhưng sự phân công lao động sai lầm đó là ở chỗ nào, và trong công xã kinh tế, sự phân công lao động ấy cần phải được thay thế bằng cái gì, thì về điều đó, chúng ta chỉ biết được như sau:

"Về vấn đề bản thân sự phân công lao động, thì như chúng ta đã nói ở trên, nó có thể coi là đã được giải quyết một khi người ta chú ý đến sự khác nhau trong những điều kiện tự nhiên và những năng lực cá nhân".

Bên cạnh các năng lực, thiên hướng của cá nhân cũng có vai trò của nó:

"Sự ham muốn vươn lên những loại hoạt động đòi hỏi phải có nhiều năng lực hơn và phải có một sự đào luyện trước, sự ham muốn đó chỉ hoàn toàn dựa trên cái thiên hướng của người ta đối với công việc đó và trên sự vui thích của người ta được làm chính ngay sự vật này chứ không phải làm một sự vật khác" (làm một sự vật).

Như thế, trong xã hội chủ nghĩa, thi đua sẽ được thúc đẩy, và

"bản thân sản xuất cũng sẽ có hứng thú, còn cái lối kinh doanh ngu ngốc chỉ coi sản xuất là một phương tiện để kiếm lời, thì sẽ không còn in dấu ấn sâu sắc của nó lên mọi quan hệ xã hội nữa".

Trong mọi xã hội có nền sản xuất phát triển một cách tự phát, - và xã hội hiện giờ chính là như thế - thì không phải là những người sản xuất chi phối các tư liệu sản xuất, mà tư liệu sản xuất chi phối người sản xuất. Trong một xã hội như thế, thì mọi đòn bẩy mới của sản xuất tất nhiên cũng đều biến thành một phương tiện mới để cho tư liệu sản xuất nô dịch người sản xuất. Điều đó đúng trước hết là đối với cái đòn bẩy mạnh mẽ nhất của sản xuất trước khi đại công nghiệp xuất hiện: tức là đối với sự phân công lao động. Ngay sự phân công lao động lớn thứ nhất, tức là sự tách rời giữa thành thị với nông thôn, đã đẩy dân cư nông thôn hàng mấy nghìn năm vào vòng ngu tối, còn những người ở thành thị thì mỗi người đều bị nô dịch bởi cái nghề thủ công cá thể của mình. Nó đã thủ tiêu cái cơ sở phát triển thế lực của dân cư ở nông thôn, và cơ sở phát triển thế lực của dân cư ở thành thị. Nếu người nông dân chiếm hữu ruộng đất và người thành thị nắm nghề thủ công của mình, thì ruộng đất cũng chi phối người nông dân và nghề thủ công cũng chi phối người thợ thủ công. Do lao động bị phân chia, nên con người cũng bị phân chia. Tất cả mọi năng khiếu thể lực và trí lực khác nhau đều bị hy sinh cho việc hình thành một hoạt động duy nhất. Sự phân công lao động càng phát triển thì con người càng mòn mỏi đi, sự phân công lao động này đạt tới mức phát triển cao nhất của nó trong công trường thủ công. Công trường thủ công chia nghề thủ công ra thành những động tác riêng biệt có tính chất bộ phận, và giao mỗi một động tác đó cho một công nhân riêng biệt, coi đó là nghề nghiệp suốt đời của họ, do đó mà trói buộc người công nhân đó suốt đời vào một chức năng bộ phận nhất định và vào một công cụ nhất định. "Công trường thủ công làm cho người lao động què quặt đi, trở thành quái dị, bằng cách thúc đẩy một cách giả tạo sự khéo léo cái tính chất bộ phận của họ và bằng cách đè bẹp cái thế giới những năng khiếu và bản năng sản xuất của người lao động... Bản thân cá nhân cũng bị phân chia ra và biến thành một chiếc máy tự động của một công việc bộ phận nhất định" (Mác)[102], - một chiếc máy, trong nhiều trường hợp chỉ đạt đến chỗ hoàn hảo bằng cách đúng là làm què quặt thể lực và trí lực của người công nhân. Máy móc của nền đại công nghiệp đã hạ thấp người công nhân từ chỗ là một chiếc máy xuống thành một phụ tùng giản đơn của một chiếc máy. "Từ một nghề chuyên môn suốt đời điều khiển một công cụ bộ phận, nó trở thành một nghề chuyên môn suốt đời phục vụ một chiếc máy bộ phận. Người ta đã lạm dụng máy móc để biến người công nhân ngay từ lúc họ còn thơ ấu thành một bộ phận của cái máy bộ phận" (Mác)[103]. Và không chỉ công nhân, mà cả những giai cấp trực tiếp hay gián tiếp bóc lột công nhân cũng bị bị nô dịch - thông qua sự phân công lao động - bởi những công cụ hoạt động của mình ; nhà tư sản có tâm hồn trống rỗng trở thành nô lệ của tư bản của chính họ và của lòng ham mê lợi nhuận của chính họ; nhà luật học trở thành nô lệ của những quan niệm pháp luật cứng đờ của họ, chi phối họ như một quyền lực độc lập ; những "giai cấp bóc lột có học thức" thì nói chung bị nô dịch bởi tính chất hạn chế cục bộ và tính chất phiến diện về nhiều mặt, bởi tính cận thị của chính họ về thể chất và tinh thần, bởi tình trạng què quặt của họ vì một nền giáo dục khuôn theo một nghề chuyên môn nhất định và vì bị trói buộc suốt đời vào bản thân ngành chuyên môn đó - ngay cả khi ngành chuyên môn này là thuần tuý chẳng làm gì cả.

Những nhà không tưởng đã hoàn toàn hiểu rõ những hậu quả của phân công lao động, đã nhìn thấy một mặt là sự què quặt của người công nhân, và mặt khác là của chính ngay sự hoạt động lao động, hoạt động này chỉ giới hạn trong việc lặp đi lặp lại mãi một động tác một cách máy móc, đơn điệu suốt cả cuộc đời. Fourier cũng như Owen đã đòi hỏi phải xoá bỏ sự đối lập giữa thành thị và nông thôn, coi đó là điều kiện cơ bản đầu tiên để xoá bỏ sự phân công lao động cũ nói chung. Cả hai ông đều chủ trương rằng dân cư phải phân ra thành những nhóm từ 1600 đến 3000 người ở khắp nước; mỗi nhóm đều sống trong một lâu đài đồ sộ ở trung tâm lãnh thổ của mình, và tiến hành công việc nội trợ chung. Mặc dầu ở đôi chỗ, Fourier cũng có nói đến thành thị, nhưng bản thân thành thị cũng chỉ gồm có độ bốn năm cái lâu đài như thế nằm ở cạnh nhau. Cả hai ông đều cho rằng mỗi thành viên trong xã hội đều tham gia cả nông nghiệp lẫn công nghiệp; theo Fourier thì trong công nghiệp, ngành thủ công và công trường thủ công đóng vai trò chủ yếu, trái lại, Owen thì cho rằng vai trò đó đã do đại công nghiệp hoá đóng rồi, và ông cũng đòi hỏi phải áp dụng hơi nước và kỹ thuật máy móc vào công việc nội trợ. Nhưng cả trong nông nghiệp cũng như trong công nghiệp, cả hai ông đều đòi hỏi một sự luân phiên công việc càng nhiều càng tốt cho mỗi một người riêng rẽ, và tương ứng với điều đó, đào tạo cho thanh niên có một khả năng hoạt động kỹ thuật càng toàn diện càng tốt. Cả hai ông đều cho rằng con người phải được phát triển một cách toàn diện thông qua hoạt động thực tiễn toàn diện, và lao động phải có được trở lại cái niềm say mê mà sự phân công lao động đã làm mất đi, trước hết là bằng sự luân phiên công việc nói trên đó và tương ứng với điều đó là độ dài không lớn lắm của mỗi "phiên" (để dùng danh từ của Fourier) dành cho mỗi công việc riêng rẽ đó [93]. Cả hai ông đều vượt rất xa các phương thức tư duy của giai cấp bóc lột đã để lại cho ông Đuy-rinh, cho rằng sự đối lập giữa thành thị và nông thôn là không thể tránh khỏi do chính ngay bản chất của sự vật, cái phương thức tư duy hạn chế cho rằng một số "người" nào đó, trong mọi trường hợp, đều bị bắt buộc phải sản xuất chỉ một thứ sản phẩm thôi, và muốn duy trì mãi mãi các "biến chứng kinh tế" của những người phân biệt theo lối sống - tức là những con người chỉ thích làm một việc này chứ không thích làm bất cứ một việc nào khác, do đó, đã sa đoạ đến một trình độ thấp kém đến nỗi lấy làm vui thích về tình trạng bị nô dịch của mình và tính chất phiến diện của mình. So với những tư tưởng cơ bản ngay cả trong phần ảo tưởng ngông cuồng nhất của anh chàng Fourier "ngu ngốc", so với ngay cả những tư tưởng nghèo nàn nhất của anh chàng Owen "thô lỗ, nhạt nhẽo và nghèo nàn" thì cái ông Đuy-rinh, bản thân vẫn còn hoàn toàn là một nô lệ của sự phân công lao động, chỉ là một anh lùn tự cao tự đại thôi.

Bằng cách làm cho mình trở thành người chủ của toàn bộ các tư liệu sản xuất để sử dụng chúng một cách có kế hoạch trên quy mô toàn xã hội, xã hội sẽ thủ tiêu được tình trạng con người từ trước tới nay vẫn bị nô dịch bởi tư liệu sản xuất của chính họ. Dĩ nhiên là xã hội không thể nào giải phóng cho mình được, nếu không giải phóng cho mỗi cá nhân riêng biệt. Do đó phương thức sản xuất cũ nhất định phải bị lật đổ tận gốc rễ, và nhất là sự phân công lao động cũ phải biến đi. Thay cho nó, phải có một tổ chức sản xuất trong đó, một mặt, không một cá nhân nào lại có thể trút sang cho người khác cái phần tham dự của mình vào lao động sản xuất, điều kiện tự nhiên đó của cuộc sống con người; trong đó, mặt khác, lao động sản xuất không còn là một thủ đoạn để nô dịch nữa, mà trở thành một phương tiện để giải phóng con người, bằng cách đưa lại cho mỗi người cái cơ hội để phát triển và vận dụng toàn bộ các năng khiếu thể chất và tinh thần của mình theo tất cả mọi hướng, - và trong đó, như vậy là lao động sản xuất từ chỗ là một gánh nặng thì nay trở thành một sự vui thú.

Ngày nay, điều đó không còn là một ảo tưởng, một điều mong ước thành tín nữa. Với sự phát triển hiện nay của các lực lượng sản xuất, thì sự tăng lên của sản xuất do chính ngay việc xã hội hoá các lực lượng sản xuất đem lại, việc gạt bỏ những trở ngại và những sự hỗ loạn do phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa gây ra, việc gạt bỏ tình trạng lãng phí sản phẩm và tư liệu sản xuất - chỉ những việc đó cũng đủ để trong trường hợp mọi người đều tham gia lao động, có thể rút thời gian lao động xuống tới mức rất không đáng kể, theo những quan niệm hiện nay.

Việc xoá bỏ sự phân công lao động cũ cũng hoàn toàn không phải là một yêu sách chỉ có thể thực hiện được bằng cách làm thiệt hại đến năng suất lao động. Trái lại, do nền công nghiệp lớn, nó đã trở thành một điều kiện của bản thân sản xuất. "Việc sản xuất bằng máy móc đã xoá bỏ sự cần thiết phải củng cố sự phân chia theo kiểu công trường thủ công bằng cách không ngừng buộc chặt cùng một công nhân ấy vào cùng một công việc. Vì toàn bộ sự hoạt động của công xưởng không phải xuất phát từ công nhân, mà xuất phát từ máy móc, cho nên có thể xảy ra sự thay đổi thường xuyên mà không làm gián đoạn quá trình lao động... cuối cùng, vì người ta có thể học đứng máy rất nhanh chóng khi còn trẻ cho nên không cần thiết phải đào tạo một loại công nhân đặc biệt để đứng máy" [104]. Nhưng trong khi phương thức sử dụng máy móc theo kiểu tư bản chủ nghĩa vẫn phải tiếp tục duy trì sự phân công lao động cũ với những chức năng bộ phận cứng đờ của nó, mặc dù về mặt kỹ thuật điều đó đã trở thành thừa - thì bản thân máy móc cũng nổi lên chống lại sự lỗi thời đó. Cơ sở kỹ thuật của nền đại công nghiệp là có tính chất cách mạng. "Nhờ máy móc, các quá trình hoá học và những phương pháp khác, nền đại công nghiệp không ngừng gây nên những cuộc đảo lộn trong cơ sở kỹ thuật của sản xuất, và cùng với nó là trong những chức năng của người công nhân và trong sự kết hợp có tính chất xã hội trong quá trình lao động. Như vậy là nó luôn luôn cách mạng hoá sự phân công lao động ở trong xã hội và không ngừng ném hàng khối tư bản và hàng khối công nhân từ một ngành sản xuất này sang một ngành sản xuất khác. Vì vậy, bản chất của đại công nghiệp quy định sự thay đổi trong lao động, sự lưu chuyển của các chức năng, sự cơ động toàn diện của người công nhân... chúng ta đã thấy mâu thuẫn tuyệt đối này... đã biểu hiện một cách ghê gớm như thế nào trong những cuộc tế lễ đem hy sinh không ngừng giai cấp công nhân... trong sự lãng phí không hạn độ sức lao động và trong những sự tàn phá gắn liền với tình trạng vô chính phủ trong xã hội". Đó là mặt tiêu cực. Nhưng nếu sự thay đổi trong lao động giờ đây chỉ tự vạch đường cho mình như là một quy luật tự nhiên ghê gớm và với sức tàn phá mù quáng của quy luật tự nhiên đâu đâu cũng đều gặp phải những trở lực, thì mặt khác bản thân đại công nghiệp, với những tai họa của nó, lại đặt thành vấn đề sinh tử là phải thừa nhận sự thay đổi trong lao động, và vì vậy, phải thừa nhận tính chất đại diện càng lớn càng tốt của người công nhân như là một quy luật phổ biến của nền sản xuất xã hội mà các quan hệ phải thích ứng với sự thực hiện bình thường của quy luật đó. Đại công nghiệp đặt thành vấn đề sinh tử là phải thay thế cái quái trạng là số dân cư lao động ở rỗi khốn khổ, được giữ làm dự trữ cho nhu cầu bóc lột biến đổi của tư bản, bằng sự thích dụng tuyệt đối của con người đối với những nhu cầu biến đổi của lao động; là phải thay thế con người bộ phận, kẻ chỉ mang một chức năng xã hội có tính chất bộ phận, bằng một con người phát triển toàn diện, đối với người này thì những chức năng xã hội khác nhau là những phương thức hoạt động thay thế nhau" (Mác, "Tư bản")[105].

Bằng cách dạy chúng ta biến sự vận động của phân tử, mà ít nhiều người ta đều có thể thực hiện được ở khắp nơi, thành một sự vận động có tính chất đông đảo cho những mục đích kỹ thuật, đại công nghiệp đã giải phóng trên một mức độ rất lớn nền sản xuất công nghiệp khỏi những hạn chế có tính chất địa phương; sức nước trước kia là một sức mạnh có tính chất địa phương; sức hơi nước bây giờ có tính chất tự do. Nếu sức nước nhất thiết phải gắn với nông thôn, thì sức hơi nước tuyệt nhiên không nhất thiết phải gắn với thành thị. Chính việc áp dụng sức hơi nước theo kiểu tư bản chủ nghĩa đem tập trung hơi nước chủ yếu vào các thành thị và biến những làng công xưởng thành những thành thị công xưởng. Nhưng chính vì thế mà nó cũng đồng thời phá hoại luôn cả những điều kiện sản xuất của chính nó. Yêu cầu đầu tiên của máy hơi nước và yêu cầu chủ yếu của hầu hết tất cả các ngành sản xuất trong nền đại công nghiệp là phải có một thứ nước tương đối sạch. Nhưng thành thị công xưởng lại biến mọi thứ nước thành nước phân hôi thối. Do đó, sự tập trung ở thành thị là một điều kiện cơ bản của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa bao nhiêu, thì mỗi nhà tư bản công nghiệp cá biệt lại có xu hướng muốn rời bỏ các thành phố lớn bấy nhiêu - những thành phố này tất yếu do sự tập trung đó đẻ ra - để di chuyển cơ sở kinh doanh về nông thôn. Người ta có thể nghiên cứu quá trình đó một cách chi tiết trong các khu công nghiệp dệt Lanca-shire và Yorkshire; ở các nơi đó nền đại công nghiệp tư bản chủ nghĩa không ngừng tạo ra những thành phố lớn mới, bằng cách không ngừng bỏ thành thị để chạy về nông thôn. Trong các vùng công nghiệp luyện kim ở đó những kết quả như thế một phần do những nguyên nhân khác gây ra, thì tình hình cũng như vậy.

Một lần nữa, chỉ có thủ tiêu tính chất tư bản chủ nghĩa của nền công nghiệp hiện đại, thì mới có thể thủ tiêu được cái vòng luẩn quẩn mới đó. Mối mâu thuẫn cứ luôn luôn tái sinh đó của nền công nghiệp hiện đại. Chỉ có một xã hội nào có khả năng phối hợp được các lực lượng sản xuất của nó một cách nhịp nhàng, theo một kế hoạch chung duy nhất, thì mới cho phép phân bố được công nghiệp trên khắp cả nước, sao cho thích hợp nhất đối với sự phát triển và sự bảo tồn của bản thân công nghiệp, cũng như đối với sự phát triển các yếu tố sản xuất khác.

Như vậy, việc xóa bỏ sự đối lập giữa thành thị và nông thôn không chỉ là một việc có thể thực hiện được, - nó đã trở thành một sự cần thiết trực tiếp của chính ngay nền sản xuất công nghiệp, cũng như của nền sản xuất nông nghiệp, và ngoài ra, còn cho cả nền vệ sinh công cộng nữa. Chỉ có hợp nhất thành thị với nông thôn thì mới có thể trừ khử được nạn nhiễm độc hiện nay của không khí, nước và đất; chỉ có sự hợp nhất như thế mới làm cho quần chúng hiện đang sống mòn mỏi ở thành thị đạt tới chỗ là phân của họ sẽ được dùng để trồng cây cối, chứ không phải để sinh ra bệnh tật nữa.

Nền công nghiệp tư bản chủ nghĩa đã trở nên tương đối độc lập đối với những giới hạn có tính chất địa phương của những nơi sản xuất ra nguyên liệu cho nó. Công nghiệp dệt chế biến chủ yếu là những nguyên liệu nhập khẩu. Những quặng sắt của Tây-Ban-Nha được chế biến ở Anh và ở Đức; những quặng đồng của Tây-Ban-Nha và Nam Mỹ được chế biến ở Anh. Mỗi vùng than đều cung cấp nhiên liệu vượt ra ngoài những ranh giới của nó rất xa, cho một khu vực công nghiệp mỗi năm một tăng lên. Trên suốt dọc bờ biển châu âu, các máy hơi nước đều chạy bằng than của Anh, đôi nơi thì của Đức và của Bỉ.

Sau khi được giải phóng khỏi những sự hạn chế của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, xã hội còn có thể tiến xa hơn rất nhiều nữa. Bằng cách tạo ra một thế hệ mới những người sản xuất phát triển về mọi mặt, hiểu rõ những cơ sở khoa học của toàn bộ nền sản xuất công nghiệp, và mỗi người trong bọn họ đều thực tiễn nghiên cứu từ đầu đến cuối cả một loạt ngành sản xuất xã hội sẽ tạo ra được một sức sản xuất mới bù lại được một cách thừa thãi công việc vận chuyển các nguyên liệu và nhiên liệu từ những khoảng cách rất xa về.

Như vậy, việc xóa bỏ sự tách rời giữa thành thị và nông thôn không phải là một ảo tưởng, ngay cả về phương diện là nó đòi hỏi điều kiện phải phân phối cho hết sức đều nền đại công nghiệp trên khắp cả nước. Quả thật là trong các thành phố lớn, nền văn minh đã để lại cho chúng ta một di sản mà chúng ta sẽ phải tốn kém rất nhiều thời gian và công sức mới xóa bỏ được. Nhưng chúng nhất định phải bị xóa bỏ, và sẽ bị xóa bỏ mặc dù điều đó là một quá trình hết sức lâu dài. Dầu cho vận mệnh của đế chế Đức của dân tộc Phổ có ra sao chăng nữa, nhưng Bismarck vẫn có thể nằm xuống mộ với cái ý thức kiêu hãnh rằng nguyện vọng tha nhất của mình chắc chắn sẽ được thực hiện; các thành phố lớn nhất định sẽ tiêu vong.

Và ở đây, người ta có thể đánh giá một cách xứng đáng cái quan niệm trẻ con của ông Đuy-rinh cho rằng xã hội có thể nắm được toàn bộ các tư liệu sản xuất mà không cần phải đảo lộn đến tận gốc phương thức sản xuất cũ và trước hết là không cần phải thủ tiêu sự phân công lao động cũ; và tất cả đều coi như là đã được giải quyết một khi mà người ta chỉ mới "chú ý đến các điều kiện tự nhiên và các năng lực cá nhân", đồng thời, cũng như trước đây, cả một khối đông những con người vẫn bị trói buộc vào việc sản xuất một thứ sản phẩm, cả một loại "dân cư" sẽ phải làm việc trong một ngành sản xuất cá biệt, và nhân loại vẫn bị phân chia như trước kia thành một số "biến chủng kinh tế" bị què quặt khác nhau, như những "người đẩy xe" và những "kiến trúc sư". Thành thử xã hội nói chung phải trở thành chủ nhân của toàn bộ các tư liệu sản xuất, để cho mỗi cá nhân vẫn làm nô lệ cho tư liệu sản xuất của mình, và chỉ còn có quyền lựa chọn thứ tư liệu sản xuất nào mà thôi. Và ta cũng hãy đánh giá cái cách mà ông Đuy-rinh coi sự tách rời giữa thành thị và nông thôn là "không thể tránh khỏi do chính ngay bản chất của sự vật" và chỉ có thể tìm ra được một phương thuốc nho nhỏ tạm thời trong việc kết hợp hai ngành sản xuất đặc biệt Phổ: ngành cất rượu và ngành làm đường củ cải: Cái cách ông ta đặc việc phân phố công nghiệp trong khắp cả nước phụ thuộc vào những phát kiến tương lai, và vào sự cần thiết phải đem sản xuất gắn trực tiếp vào việc khai thác các nguyên liệu, - những nguyên liệu mà ngay hiện nay cũng được tiêu dùng ở mọi nơi ngày càng cách xa nơi sản xuất ra chúng! - và cuối cùng, ông ta tìm cách che giấu cái đuôi của ông ta bằng lời quả quyết rằng những nhu cầu của xã hội thế nào rồi cũng sẽ thực hiện việc kết hợp nông nghiệp với công nghiệp, ngay cả khi nó chống lại các lý do kinh tế, làm như thế nó là một sự hy sinh nào đó về mặt kinh tế!

Dĩ nhiên, để thấy được rằng những yếu tố cách mạng sẽ xóa bỏ sự phân công lao động cũ cùng với sự tách rời giữa thành thị và nông thôn và sẽ đảo lộn toàn bộ nền sản xuất, rằng những yếu tố đều đã chứa đựng dưới hình thức mầm mống trong những điều kiện sản xuất của nền đại công nghiệp hiện đại rồi, và chỉ phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa hiện nay mới ngăn cản những nhân tố ấy phát triển, - để thấy được điều đó thì người ta phải có một chân trời rộng hơn một chút so với phạm vi tác động của luật Phổ, nơi mà rượu mạnh và đường củ cải là những sản phẩm quyết định của nền công nghiệp và ở đây người ta có thể nghiên cứu những cuộc khủng hoảng thương nghiệp trên thị trường sách báo. Để thấy được điều đó thì người ta phải biết rõ nền đại công nghiệp thực sự trong lịch sử của nó và trong thực tế hiện nay của nó; và khi đó người ta cũng sẽ không nghĩ đến việc tầm thường hóa chủ nghĩa xã hội khoa học hiện đại và hạ thấp chủ nghĩa xã hội đó thành một thứ chủ nghĩa xã hội đặc biệt kiểu Phổ của ông Đuy-rinh.


[Chương trước]   [Mục lục]   [Chương tiếp theo]