V.I.Lenin
Cách mạng vô sản và tên phản bội cau-xky


Cách mạng vô sản

Tôi đã bắt đầu viết một cuốn sách với nhan đề như thể nhằm phê phán cuốn "Chuyên chính vô sản" của Cau-xky vừa mới xuất bản ở Viên. Nhưng vì công việc tôi làm còn lâu mới xong, nên tôi quyết định đề nghị ban biên tập báo "Sự thật" dành chỗ cho một bài ngắn cũng về chủ đề ấy.

Hơn bốn năm của một cuộc chiến tranh phản động và hao tổn nhất đã mang lại những hậu quả của nó. Người ta cảm thấy ngọn gió của cách mạng vô sản đang lên ở châu âu: ở áo, ở ý , ở Đức, ở Pháp, thậm chí ở cả Anh nữa (chẳng hạn, bài "Những lời thú nhận của một nhà tư bản" mà chúng ta thấy đăng hồi tháng Bảy trên "Tạp chí xã hội chủ nghĩa", một tạp chí cơ hội chủ nghĩa cực đoạn, do một người nửa tự do chủ nghĩa, Ram- xây Mác - Đô-nan, chủ biên, là một chứng cớ rất tốt).

Và chính hồi đó, vị lãnh tụ của Quốc tế II, ông Cau-xky đã cho xuất bản một cuốn sách về chuyên chính vô sản, nghĩa là về cách mạng vô sản, một cuốn sách còn trăm lần đê tiện, đáng ghét và phản bội hơn cuốn sách lừng danh "Những tiền đề của chủ nghĩa xã hội" của Béc-stanh. Ngót 20 năm đã trôi qua kể từ khi cuốn sách phản bội đó ra đời; và hôm nay đây, Cau-xky lại lặp lại và phát triển luận điệu phản bội đó!

Trong cuốn sách đó, chỉ có một phần không đáng kể là nói riêng về cuộc cách mạng bôn-sê-vích Nga. Cau-xky nhắc lại y nguyên những luận điệu thâm thuý kiểu men-sê-vích khiến cho công nhân Nga chỉ có ôm bụng mà cười thôi. Các bạn đọc hãy tưởng tượng xem, chẳng hạn, người ta gọi là "chủ nghĩa Mác", cái nghị luận - có xen kẽ những đoạn trích dẫn trong các bài viết nửa tự do chủ nghĩa của anh chàng nửa tự do chủ nghĩa Ma-xlốp, - nói rằng nông dân giàu đang ra sức chiếm đoạt ruộng đất (thật là một điều mới mẻ!), giá cả lúa mì cao là có lợi cho họ, v.v... Đã thế, "nhà mác-xít" của chúng ta lại còn tuyên bố một cách kiêu kỳ, sặc mùi tự do chủ nghĩa, như thế này: " ở đây, người bần nông được coi" (nghĩa là được những người bôn-sê-vích trong nước Cộng hoà xô-viết coi) "là một sản phẩm thường xuyên và phổ biến của cuộc cải cách ruộng đất xã hội chủ nghĩa của "chuyên chính vô sản" (sách của Cau-xky, tr. 48).

Như thế há chẳng phải là rất hay đó sao? Một nhà xã hội chủ nghĩa, một nhà mác-xít mà lại ra sức chứng minh cho chúng ta thấy tính chất tư sản của cuộc cách mạng, và do đó đã khinh miệt, hoàn toàn theo tinh thần của Ma- xlốp, Pô-tơ-rê-xốp và bọn dân chủ - lập hiến, tổ chức nông dân nghèo ở nông thôn.

"Việc tước đoạt những nông dân giàu chỉ gây thên một nhân tố rối ren và nội chiến mới trong quá trình sản xuất, là quá trình đòi hỏi nhất thiết phải có sự yên ổn và an toàn mới kiện toàn được" (tr. 49).

Thật là kỳ quái, nhưng đó lại là một sự thật. Chính Cau-xky đã viết điều đó trên giấy trắng mực đen, chứ không phải Xa-vin-cốp hay Mi-li-u-cốp!

ở nước Nga, chúng ta đã nhiều lần thấy những người khoác áo "mác-xít" bênh vực bọn cu-lắc nên những luận điệu của Cau-xky không làm cho chúng ta ngạc nhiên. Nhưng đối với độc giả châu âu, có lẽ nên nói kỹ hơn về sự phục tùng giai cấp tư sản một cách hèn nhát như thế và về tâm lý sợ sệt như thế của phái tự do đối với nội chiến. Còn đối với công nhân và nông dân Nga thì chỉ cần vạch ra cho họ thấy hành đồng phản bội của Cauixky - là đủ.

Chín phần mười cuốn sách của Cau-xky, hoặc gần như thế, là để chuyên nói về một vấn đề lý luận chung có một ý nghĩa quan trọng bậc nhất, đó là vấn đề: quan hệ giữa chuyên chính vô sản và chế độ "dân chủ". Chính trong vấn đề đó, ta thấy rất rõ Cau-xky đã hoàn toàn đoạn tuyệt với chủ nghĩa Mác.

Với cái giọng hết sức nghiêm túc và hết sức "thông thái", Cau-xky quả quyết với độc giả của y rằng theo Mác thì "chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản" không phải là "một hình thức quản lý" gạt bỏ dân chủ, mà là một trạng thái, tức là: "một trạng thái thống trị". Còn sự thống trị của giai cấp vô sản, với tư cách là đa số trong dân cư, thì có khả năng thực hiện được trong điều kiện hết sức tôn trọng dân chủ, và Công xã Pa-ri, chẳng hạn, chính là chuyên chính vô sản, thì đã được bầu lên bằng đầu phiếu phổ thông. Và Mác, khi nói tới chuyên chính của giai cấp vô sản, không coi đó là "một hình thức quản lý" (hay hình thức chính quyền, Regierungsform), điều đó dường như đã được "chứng minh ngay bằng việc chính Mác đã cho rằng Anh và Mỹ có khả năng quá độ (lên chủ nghĩa cộng sản) bằng con đường hoà bình, nghĩa là bằng con đường dân chủ" (tr. 20 - 21).

Thật là kỳ quái, nhưng đó lại là sự thật! Cau-xky đã lập luận đúng như thế và y còn kịch liệt công kích những người bôn-sê-vích là đã vi phạm "dân chủ" trong hiến pháp của họ, trong toàn bộ chính sách của họ, đồng thời y cũng luôn luôn ra sức tuyên truyền một "phương pháp dân chủ, chứ không phải chuyên chính".

Như thế là chạy hẳn sang hàng ngũ bọn cơ hội (kiểu bọn cơ hội Đức: Đa-vít, Côn-bơ và những cột trụ khác của phái xã hội - sô-vanh, hay kiểu bọn Pha-biêng và phái độc lập Anh, hay kiểu bọn cải lương Pháp và ý ), tức là bọn đã tuyên bố thẳng thắn và trung thực hơn rằng họ bác bỏ học thuyết của Mác về chuyên chính vô sản, vì theo họ, học thuyết đó trái với chế độ dân chủ.

Như thế là hoàn toàn quay trở về quan điểm của chủ nghĩa xã hội Đức trước Mác: mong muốn một "nhà nước nhân dân tự do", tức là quan điểm của bọn dân chủ tiểu tư sản là bọn không hiểu rằng bất cứ nhà nước nào cũng là một bộ máy để một giai cấp này trấn áp giai cấp khác.

Như thế là hoàn toàn phủ nhận cách mạng của giai cấp vô sản, thay cách mạng đó bằng lý luận của phái tự do về "tranh thủ đa số", về "lợi dụng chế độ dân chủ"! Tất cả những điều Mác và Ăng-ghen đã tuyên truyền và chứng minh trong bốn chục năm trời, từ năm 1852 đến 1891, rằng giai cấp vô sản nhất thiết phải "đập tan" bộ máy nhà nước tư sản, đều bị tên phản bội Cau-xky hoàn toàn quên mất, bóp méo cả và vứt đi hết.

Phân tích tỉ mỉ những sai lầm lý luận của Cau-xky, tức là nhắc lại những điều tôi đã nói trong "Nhà nước và cách mạng". Trong bài này không cần phải làm điều đó. Tôi chỉ xin nói vắn tắt như sau:

Cau-xky đã phủ nhận chủ nghĩa Mác khi quên rằng bất cứ nhà nước nào cũng là một bộ máy để một giai cấp này trấn áp giai cấp khác, rằng nền cộng hoà tư sản dân chủ nhất cũng là một bộ máy để giai cấp tư sản áp bức giai cấp vô sản.

Chuyên chính vô sản không phải là một "hình thức quản lý", mà là một nhà nước thuộc một kiểu khác, nhà nước vô sản, một bộ máy để giai cấp vô sản, trấn áp giai cấp tư sản. Trấn áp như vậy là cần thiết, vì giai cấp tư sản sẽ luôn luôn chống lại một cách điên cuồng, khi nó bị tước đoạt.

(Viện cớ rằng trong những năm 70, Mác đã thừa nhận Anh và Mỹ có khả năng quá độ hoà bình lên chủ nghĩa xã hội [1], như thế là nguỵ biện, hay nói cho dễ hiểu hơn, như thế là hành vi của một kẻ gian dối dùng trích dẫn và dẫn chứng để lừa người. Một là ngay từ hồi đó, Mác cũng đã coi khả năng ấy là một ngoại lệ. Hai là hồi đó, còn chưa có chủ nghĩa tư bản độc quyền, tức là chủ nghĩa đế quốc. Ba là hồi đó, ở chính nước Anh và nước Mỹ, chưa có (hiện nay đã có) tập đoàn quân phiệt với tư cách là bộ phận chủ chốt trong bộ máy nhà nước tư sản).

Ở đâu có áp bức, thì ở đó không thể có tự do, không thể có bình đẳng,v.v... Vì thế nên Ăng-ghen nói: "chừng nào giai cấp vô sản còn cần đến nhà nước thì nó cần đến nhà nước không phải là vì tự do, mà là để trấn áp kẻ thù của mình; và khi nào có thể nói đến tự do thì nhà nước sẽ không còn tồn tại với tư cách là nhà nước nữa". [2]

Chế độ dân chủ tư sản, tuy giá trị không thể phủ nhận của nó là ở chỗ đã giáo dục và rèn luyện giai cấp vô sản đứng lên đấu tranh, nhưng trước sau nó vẫn chật hẹp, giả dối, lừa bịp, giả mạo, nó luôn luôn vẫn là một thứ dân chủ đối với những kẻ giàu và là một trò bịp bợm đối với những người nghèo.

Chế độ dân chủ vô sản trấn áp những kẻ bóc lột, trấn áp giai cấp tư sản; do đó, nó không giả dối, nó không hứa hẹn cho bọn chúng tự do và dân chủ; nhưng đối với những người lao động thì nó đưa lại cho họ một chế độ dân chủ thật sự. Chỉ có nước Nga xô-viết mới mang lại cho giai cấp vô sản và tuyệt đại đa số nhân dân lao động nước Nga một quyền tự do và một nền dân chủ chưa hề có, không thể có được và không thể quan niệm được trong bất cứ một nước cộng hoà dân chủ tư sản nào, vì nó đã tước đoạt, chẳng hạn, các cung điện và các biệt thự của giai cấp tư sản (không tước đoạt như vậy thì tự do hội họp chỉ là giả dối), đã tước đoạt các nhà in và giấy của bọn tư bản (nếu không thì tự do báo chí của đa số nhân dân lao động trong nước chỉ là lừa dối), đã thay chế độ đại nghị tư sản bằng một tổ chức dân chủ, tức là các Xô-viết, 1000 lần gần "nhân dân" hơn, "dân chủ" hơn cái nghị viện tư sản dân chủ nhất. Và vân vân.

Cau-xky đã vứt bỏ... "đấu tranh giai cấp" áp dụng vào chế độ dân chủ! Cau-xky đã trở thành một tên phản bội hoàn toàn, một tên đầy tớ của giai cấp tư sản.

Nhân dịp này, không thể không nhận xét về vài điều châu báu của sự phản bội đó.

Cau-xky buộc phải thừa nhận rằng tổ chức xô-viết có ý nghĩa không những đối với nước Nga mà còn đối với cả thế giới nữa, rằng nó là một trong số "những hiện tượng quan trọng nhất ở thời đại chúng ta", nó hứa hẹn có được một "tác dụng quyết định" trong "những cuộc đấu tranh" vĩ đại "giữa tư bản và lao động" sau này. Nhưng lặp lại những luận điệu cao siêu của bọn men-sê-vích là bọn đã bình yên vô sự chạy sang phía giai cấp tư sản để chống lại giai cấp vô sản, Cau-xky "suy luận ra" rằng: với tư cách là "tổ chức đấu tranh" thì Xô-viết là tốt, nhưng với tư cách là "tổ chức nhà nước" thì Xô-viết không tốt.

Thật là tuyệt diệu! Vô sản và nông dân nghèo hãy tổ chức nhau lại thành các Xô-viết đi! Nhưng, - cầu trời phù hộ cho các bạn! Các bạn đừng có thắng! Các bạn chớ có nghĩ đến thắng! Hễ mà các bạn thắng giai cấp tư sản thì hỏng bét cả, vì các bạn không nên trở thành các tổ chức "nhà nước" trong một nhà nước vô sản. Chính sau khi đã thắng rồi, các bạn phải tự giải tán đi!!

Chà, Cau-xky mới thật là một "nhà mác-xít" tuyệt diệu làm sao! Chà, Cau-xky thật là "nhà lý luận" vô song về mặt phản bội!

Điều châu báu số hai. Nội chiến là "kẻ tử thù" của "cách mạng xã hội", vì như chúng ta từng nghe nói, cách mạng xã hội "cần phải có an ninh" (cho những kẻ giàu có ư?) "và an toàn" (cho những nhà tư bản ư?).

Các bạn vô sản châu âu! Chừng nào các bạn còn chưa thấy có một giai cấp tư sẩn không thuê mướn bọn Xa-vin-cốp và Đan, Đu-tốp và Cra-xnốp, bọn Tiệp và bọn cu-lắc đi đánh các bạn trong cuộc nội chiến thì các bạn chớ có nghĩ đến cách mạng làm chi!

Hồi 1870, Mác đã viết: hy vọng chủ yếu là chiến tranh sẽ dạy cho công nhân Pháp biết sử dụng vũ khí [3]. Sau 4 năm chiến tranh, "nhà mác-xít" Cau-xky lại không mong công nhân sử dụng vũ khí để đánh giai cấp tư sản (nhờ trời phù hộ! Chắc là điều đó không hoàn toàn "dân chủ" đâu), mà... mong bọn tư bản tốt ký kết một hoà ước tốt!

Điều châu báu số ba. Nội chiến còn có mặt xấu nữa là: nếu trong "chế độ dân chủ", "thiểu số được bảo vệ" (nhân tiện phải nhắc rằng đó là sự bảo vệ mà những người bênh vực cho Đrây-phuýt ở Pháp, hay những người như Liếp-nếch, Ma-clin, Đép-xơ trong thời gian gần đây, đã thể nghiệm sâu sắc) thì trong nội chiến (xin lắng nghe! Xin lắng nghe cho kỹ!) "kẻ thua có thể bị tiêu diệt hoàn toàn".

Đó, cái ông Cau-xky này há chẳng phải là một nhà cách mạng chân chính đó ư? ông ta hết lòng tán thành cách mạng... nhưng chỉ với điều kiện là cách mạng được tiến hành không có đấu tranh mạnh mẽ chữa đựng nguy cơ tiêu diệt! ông ta đã hoàn toàn "khắc phục" sai lầm cũ của ông già Ăng-ghen là người đã từng nhiệt liệt ca ngợi tác dụng giáo dục của các cuộc cách mạng bạo lực[4]. Chính Cau-xky, với tư cách là nhà sử học "nghiêm túc", đã hoàn toàn từ bỏ các sai lầm của những người nói rằng nội chiến tôi luyện những người bị bóc lột và dạy cho họ lập lên một xã hội mới không có kẻ bóc lột.

Điều châu báu số bốn. Về ý nghĩa lịch sử, chuyên chính của những người vô sản và những người tiểu thị dân trong cuộc cách mạng 1789 có gì là vĩ đại và bổ ích không? Hoàn toàn không. Vì Na-pô-lê-ông đã nhảy lên vũ đài. "Chuyên chính của các tầng lớp dưới mở đường cho chuyên chính của thanh kiếm" (tr. 26). Nhà sử học "nghiêm túc" của chúng ta, cũng như cả bọn tự do chủ nghĩa mà ông ta đã đi theo, tin chắc rằng trong những nước không trải qua "chuyên chính của các tầng lớp dưới", như nước Đức chẳng hạn, thì không có chuyên chính của thanh kiếm. Nước Đức chưa bao giờ khác nước Pháp bởi một nền chuyên chính của thanh kiếm, thô bạo hơn, xấu xa hơn, đó là điều vu khống do Mác và Ăng-ghen đã tưởng tượng ra khi hai ông nói dối một cách trắng trợn rằng cho đến ngày nay, trong "nhân dân" Pháp, những người bị áp bức đã tỏ ra yêu tự do và tỏ ra tự hào hơn những người bị áp bức ở Anh hay ở Đức, rằng nước Pháp được như thế chính là nhờ có những cuộc cách mạng của nó.

... Thôi thế là đủ lắm rồi! Muốn nếu lên tất cả những điều châu báu của sự phản bội của tên phản bội đểu cáng Cau-xky thì phải viết riêng một cuốn sách.

Không thể không nói đến "chủ nghĩa quốc tế" của ông Cau-xky. Cũng là vô tình mà Cau-xky đã cho ta thấy rõ về vấn đề đó, khi ông ta dùng những từ nói lên sự đồng tình sâu sắc nhất của ông ta, để mô tả chủ nghĩa quốc tế của bọn men-sê-vích là những người Xim-méc-van - như ông Cau-xky ngọt ngào đã quả quyết với chúng ta - và là - các bạn đừng cười! - "anh em" của những người bôn-sê-vích nữa đấy!.

Đây, ông ta đã mô tả một cách ngọt ngào "chủ nghĩa Xim-méc-van" của phái men-sê-vích như sau:

"Phái men-sê-vích muốn thực hiện một nền hoà bình phổ biến. Họ muốn rằng tất cả các nước tham chiến sẽ chấp nhận khẩu hiệu: hoà bình không thôn tính, không bồi thường. Chừng nào mục tiêu đó chưa đạt được thì theo họ, quân đội Nga cần phải sẵn sàng chiến đấu..." Song, những người bôn-sê-vích tai ác "đã làm tan rã" quân đội và đã ký kết cái hoà ước Brét tai ác... Và Cau-xky tuyên bố một cách hết sức rõ ràng rằng cần phải duy trì Quốc hội lập hiến, rằng những người bôn-sê-vích không nên giành chính quyền.

Như vậy thì chủ nghĩa quốc tế là ở chỗ ủng hộ chính phủ đế quốc "nước mình", cũng như phái men-sê-vích và phái xã hội chủ nghĩa - cách mạng đã ủng hộ Kê-ren-xki; là ở chỗ bưng bít các hiệp ước bí mật của chính phủ đó, lừa dối nhân dân bằng những lời đường mật: chúng tôi "đòi", họ nói thế, các con dã thú phải trở thành hiền lành, chúng tôi "đòi" các chính phủ đế quốc phải "chấp nhận khẩu hiệu hoà bình không thôn tính, không bồi thường".

Theo Cau-xky, đó là chủ nghĩa quốc tế.

Nhưng theo chúng tôi, đó là một sự phản bội hoàn toàn.

Chủ nghĩa quốc tế là ở chỗ đoạn tuyệt với những người xã hội sô-vanh (tức là bọn vệ quốc) của nước mình và với chính phủ đế quốc của nước mình, tiến hành đấu tranh cách mạng chống lại chính phủ ấy, lật đổ nó, sẵn sàng hy sinh những lợi ích dân tộc lớn nhất (thậm chí phải ký hoà ước Brét) nếu điều đó có lợi cho sự phát triển của cách mạng công nhân quốc tế.

Chúng ta hiểu rõ ràng Cau-xky và bè lũ (thuộc loại Stơ-rơ-ben, Béc-stanh v.v.) rất "bực tức" về việc ký hoà ước Brét; họ muốn chúng ta có một "cử chỉ"... là trao ngay lập tức chính quyền ở Nga vào tay giai cấp tư sản! Những anh chàng tiểu tư sản Đức đần độn nhưng rất tốt và rất nhã nhặn ấy không muốn cho nước Cộng hoà xô-viết vô sản, - chế độ cộng hoà đầu tiên trên thế giới đã dùng cách mạng đánh đổ chủ nghĩa đế quốc trong nước, - lại đứng vững được cho đến ngày cách mạng châu âu bùng nổ, đồng thời lại nhen lên những đám lửa ở các nước khác (bọn tiểu tư sản sợ đám cháy ở châu âu, họ sợ nội chiến phá huỷ "an ninh và an toàn"). Không. Họ muốn rằng ở tất cả các nước, chủ nghĩa dân tộc tiểu tư sản, cái chủ nghĩa tự xưng là "chủ nghĩa quốc tế", sẽ đứng vững được nhờ "tính ôn hoà và tử tế" của nó. Nước Cộng hoà Nga hãy cứ là nước tư sản và... hãy cứ đợi... Thế là trên trái đất này, tất cả mọi người sẽ đều là những người tiểu tư sản dân tộc chủ nghĩa tốt bụng, ôn hoà, không có đầu óc xâm lược; và chủ nghĩa quốc tế chính là ở chỗ ấy!

Chính đó là điều mà bọn Cau-xky ở Đức, bọn Lông-ghê ở Pháp, bọn độc lập (I. L. P) ở Anh, Tu-ra-ti và "anh em" của hắn ta về mặt phản bội ở ý , v.v. và v.v.., nghĩ đến.

Hiện nay, chỉ có những người quá ngu độn mới không thấy rằng chúng ta không những chỉ đúng trong việc đánh đổ giai cấp tư sản (cùng bọn tôi tớ của chúng, bọn men-sê-vích và bọn xã hội chủ nghĩa - cách mạng) ở nước ta, mà còn đúng trong việc kỳ hoà ước Brét sau khi giai cấp tư sản trong phe Đồng minh bác bỏ lời kêu gọi công khai về việc các nước ký hoà ước chung, lời kêu gọi được chứng thực bằng việc công bố và đoạn tuyệt với các hiệp ước bí mật. Trước hết, nếu như chúng ta không ký hoà ước Brét, thì như thế là chúng ta lập tức để cho chính quyền rơi vào tay giai cấp tư sản Nga, và do đó làm cho cách mạng xã hội chủ nghĩa thế giới phải chịu tổn thất lớn nhất. Thứ hai, nhờ những hy sinh dân tộc, chúng ta đã duy trì được một ảnh hưởng cách mạng quốc tế, khiến cho hiện nay Bun-ga-ri đã trực tiếp noi gương chúng ta, áo và Đức thì đang sôi sục, cả hai phe đế quốc đó đều suy yếu, còn chúng ta đã được củng cố và đã bắt đầu xây dựng được một đạo quân vô sản chân chính.

Theo sách lược của tên phản bội Cau-xky, bây giờ công nhân Đức phải sát cánh với giai cấp tư sản mà bảo vệ tổ quốc và phải hết sức sợ nổ ra cuộc cách mạng ở Đức, vì người Anh có thể bắt họ phải chịu một hoà ước mới như Brét. Đó chính là hành vi phản bội. Đó chính là chủ nghĩa dân tộc tiểu tư sản.

Còn chúng ta, chúng ta nói: việc để cho U-cra-i- na bị xâm chiếm là một hy sinh dân tộc vô cùng to lớn, nhưng việc đó đã tôi luyện và củng cố hàng ngũ những người vô sản và nông dân nghèo U-cra-i- na là những chiến sĩ của cách mạng công nhân thế giới. U-cra-i- na đã bị đau khổ, nhưng cách mạng quốc tế lại được lợi, vì nó đã làm "ruỗng nát" quân đội Đức, đã làm suy yếu chủ nghĩa đế quốc Đức, đã làm cho công nhân cách mạng Đức, U-cra-i- na và Nga gần gũi nhau.

Nếu chỉ tiến hành một cuộc chiến tranh mà có thể lật đổ được cả Vin- hem lẫn Uynh-xơn, thì đương nhiên là "dễ chịu hơn" rồi. Nhưng đó là vô lý. Chúng ta không thể lật đổ được chúng bằng một cuộc chiến tranh ngoài nước. Nhưng chúng ta có thể đẩy nhanh sự tan rã nội bộ của chúng. Chúng ta đã làm được điều đó bằng cuộc cách mạng xô-viết, vô sản, trên một quy mô to lớn.

Công nhân Đức sẽ đạt được thành tựu còn to lớn hơn, nếu họ đứng lên làm cách mạng mà không tính đến những hy sinh dân tộc (chỉ có như thế mới là chủ nghĩa quốc tế), nếu họ nói (và chứng minh bằng hành động) rằng đối với họ, lợi ích của cuộc cách mạng công nhân quốc tế cao hơn cả sự toàn vẹn lãnh thổ, sự an toàn và sự an ninh của một nhà nước dân tộc nào đó, tức là của chính ngay nước họ.

Điều bất hạnh và điều nguy hiểm to lớn nhất đối với châu âu, chính là chỗ ở châu âu không có chính đảng cách mạng. Có đảng của những kẻ phản bội, như bọn Sai-đê-man, bọn Rơ-nô-đen, bọn Hen-đéc-xơn, bọn Ve-bơ và bè lũ, hoặc đảng của những bọn tôi tớ như Cau-xky. Không có chính đảng cách mạng.

Dĩ nhiên, một phong trào cách mạng mạnh mẽ của quần chúng có thể sửa chữa được thiếu sót đó, nhưng sự thật đó vẫn là điều bất hạnh lớn và điều nguy hiểm lớn.

Chính vì thế nên phải tìm đủ mọi cách để lật mặt nạ những kẻ phản bội như Cau-xky, và do đó, ủng hộ những nhóm cách mạng của những người vô sản thực sự quốc tế chủ nghĩa, đã có ở trong tất cả các nước. Giai cấp vô sản sẽ mau chóng lìa bỏ bọn đầu hàng và bọn phản bội mà đi theo các nhóm đó, và trong những người của các nhóm đó, họ sẽ bồi dưỡng ra những lãnh tụ của họ. Không phải là vô cớ mà giai cấp tư sản ở tất cả các nước lại la lối về "chủ nghĩa bôn-sê-vích thế giới".

Chủ nghĩa bôn-sê-vích thế giới sẽ thắng giai cấp tư sản thế giới.

9. X. 1918.
Sự thật, số 219, ngày 11 tháng Mười 1918.
Ký tên: N. Lê-nin.


Chú thích

[1].Mác ám chỉ khả năng này trong bức thư gửi Kuguelmann ngày 12-4-1871 (Mác-Ănggen toàn tập,Mát cơ va,1955,318-19). Và trong bài phát biểu ở đại hội Hague trong phiên họp ngày 8-9-1872 tại Amsterdam (Marx/Engels, Werke, Pd. 18, Dietz Verlag, Berlin, 1962, p. 160).

[2].Mark and Engels, Selected Correspondence, Moscow, 1955, p. 357.

[3].Ibid., p. 307.

[4]. Engels, Anti-Duhring, Moscow, 1959, pp. 253-54. p. 109