V.I.Lenin
Mục lục


"Tổ chức cân đối" và chuyên chính

Nghị quyết của đại hội các Xô-viết vừa qua họp tại Mát-xcơ-va vạch rõ rằng nhiệm vụ đầu tiên hiện nay là tạo ra một "tổ chức cân đối" và tăng cường kỷ luật1). Giờ đây, mọi người đều sẵn sàng "thông qua" những nghị quyết như thế và "ký tên" vào đấy; nhưng người ta thường không suy nghĩ kỹ rằng việc thi hành những nghị quyết đó đòi hỏi phải có sự cưỡng bách, và sự cưỡng bách chính là dưới hình thức chuyên chính. Thế mà ai tưởng rằng bước chuyển từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội có thể thực hiện được mà không cần đến cưỡng bách và chuyên chính, thì sẽ phạm một điều dại dột hết sức lớn và tỏ ra không tưởng một cách hết sức vô lý. Từ rất lâu, lý luận của Mác đã phản đối một cách hết sức rõ ràng cái luận điệu ngông cuồng nhuộm màu dân chủ - tiểu tư sản và vô chính phủ ấy. Và về mặt đó, nước Nga năm l9l7 - l9l8 xác minh lý luận của Mác một cách rất hiển nhiên, rất rõ rệt và rất hùng hồn, nên chỉ có những người hoàn toàn đần độn hoặc cố tình không muốn thừa nhận sự thật, mới có thể lầm lạc về điểm đó mà thôi. Hoặc là nền chuyên chính của Coóc-ni-lốp (nếu người ta xem hắn như một tên Ca-vai-nhắc tư sản kiểu Nga), hoặc là nền chuyên chính của giai cấp vô sản; đối với một nước đang ở trong một quá trình phát triển vô cùng nhanh chóng với những bước ngoặt hết sức đột ngột, đang ở trong tình trạng của một sự tàn phá ghê gớm về kinh tế do hậu quả của một cuộc chiến tranh tàn khốc nhất, thì không thể nói đến một lối thoát nào khác được. Tất cả mọi giải pháp trung gian đều hoặc là một sự lừa bịp nhân dân bởi giai cấp tư sản, là giai cấp không dám nói sự thật, không dám nói rằng chúng cần đến Coóc-ni- lốp, - hoặc là kết quả của sự ngu xuẩn của bọn dân chủ - tiểu tư sản, bọn Tséc-nốp, bọn Txê-rê-tê-li và bọn Mác-tốp, với những lời ba hoa của chúng về sự thống nhất của phái dân chủ, về chuyên chính của phái dân chủ, về mặt trận chung của phái dân chủ và những lời nhảm nhí khác nữa. Không còn trông mong gì được ở những kẻ đã thấy bước tiến của cuộc cách mạng Nga năm 1917 - l9l8 rồi, mà cũng vẫn còn không hiểu rằng không thể nào có những giải pháp trung gian được.

Mặt khác, cũng không khó khăn gì mà không hiểu được rằng, trong tất cả mọi bước chuyển từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, thì chuyên chính là tất yếu vì hai nguyên nhân chủ yếu hoặc hai hướng chủ yếu. Trước hết, người ta không thể chiến thắng và diệt trừ được chủ nghĩa tư bản, nếu không thẳng tay đập tan sự phản kháng của bọn bóc lột, là bọn mà người ta không thể nào tước hết ngay được tất cả của cải của chúng, những ưu thế của chúng về mặt tổ chức và mặt hiểu biết, và do đó trong một thời gian khá dài chúng không khỏi có những âm mưu lật đổ chính quyền của những người nghèo khổ, chính quyền mà chúng rất thù ghét. Hai là, nếu ngay như không có chiến tranh với nước ngoài, thì cũng không thể nào có được một cuộc đại cách mạng nào nói chung, và nhất là một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, mà lại không có một cuộc chiến tranh trong nước, nghĩa là một cuộc nội chiến gây ra một tình trạng tàn phá kinh tế còn to lớn hơn cả sự tàn phá của một cuộc chiến tranh với nước ngoài nữa, tình trạng hàng nghìn và hàng triệu trường hợp do dự và chạy từ phía này sang phía khác, tình trạng cực kỳ không ổn định, mất thăng bằng, hỗn loạn. Và hiển nhiên là tất cả những phần tử hủ bại của xã hội cũ - nhất định là chúng đang còn rất nhiều và chủ yếu đều có liên hệ với giai cấp tiểu tư sản (vì bất cứ cuộc chiến tranh hay cuộc khủng hoảng nào cũng đều trước hết đánh vào giai cấp này và làm cho nó phá sản) - đều không thể không "lộ chân tướng" ra trong một cuộc cách mạng sâu xa như thế. Và chúng không thể "lộ chân tướng" bằng cách nào khác hơn là qua việc tăng thêm những tội ác, những hành động lưu manh, hối lộ và đầu cơ, những hành vi xấu xa, ti tiện đủ loại. Để trừ bỏ hiện tượng đó, cần phải có thời gian và phải có một bàn tay sắt.

Trong lịch sử, chưa từng có một cuộc đại cách mạng nào mà trong đó nhân dân lại không cảm thấy điều đó, do bản năng của mình, và không tỏ ra là có một sự cương quyết cứu tinh bằng cách xử bắn bọn kẻ cắp tại chỗ. Điều chẳng may cho các cuộc cách mạng trước kia là ở chỗ nhiệt tình cách mạng của quần chúng - nhiệt tình này đã duy trì tinh thần nỗ lực của quần chúng và đã đem lại cho họ sức mạnh để thẳng tay trấn áp những phần tử hủ bại - thì lại không bền. Nguyên nhân xã hội, tức là nguyên nhân giai cấp đã làm cho nhiệt tình cách mạng của quần chúng không được bền vững như thế, là ở sự non yếu của giai cấp vô sản, tức là giai cấp duy nhất có khả năng (nếu nó khá đông đảo, giác ngộ và có kỷ luật) tranh thủ được đa số những người lao động và bị bóc lột (nói một cách đơn giản và đại chúng hơn: đa số những người nghèo khổ), và giữ lấy chính quyền trong thời gian khá lâu để có thể trấn áp hoàn toàn cả những bọn bóc lột và những phần tử hủ bại.

Chính cái kinh nghiệm lịch sử ấy của tất cả các cuộc cách mạng, chính bài học có ý nghĩa lịch sử thế giới đó - về mặt kinh tế lẫn chính trị - Mác đã tổng kết lại trong một công thức vắn tắt, rõ ràng, chính xác và nổi bật là: chuyên chính vô sản. Và cách mạng Nga đã tìm đươc phương pháp đúng đắn để thực hiện nhiệm vụ lịch sử có ý nghĩa toàn thế giới ấy - đó là điều mà bước tiến thắng lợi của tổ chức xô-viết trong tất cả các dân tộc và bộ tộc ở Nga đã chứng minh. Vì Chính quyền xô-viết không phải là cái gì khác mà chỉ là hình thức tổ chức của chuyên chính vô sản, chuyên chính của giai cấp tiền phong đã phát động được hàng chục và hàng chục triệu người lao động và bị bóc lột thực hiện một nền dân chủ mới và chủ động tham gia quản lý nhà nước; những người lao động và bị bóc lột này đã nhờ kinh nghiệm bản thân mà thấy được rằng đội tiền phong có kỷ luật và giác ngộ của giai cấp vô sản là lãnh tụ đáng tin cậy nhất của họ.

Nhưng chuyên chính là một danh từ có ý nghĩa lớn. Và những danh từ có ý nghĩa lớn thì không nên tùy tiện nói bừa bãi. Chuyên chính là một chính quyền sắt, có dũng khí cách mạng và nhanh chóng, thẳng tay khi cần trấn áp bọn bóc lột cũng như bọn lưu manh. Thế mà, chính quyền ta lại quá hiền: thường thường nó giống thạch hơn là giống sắt. Không một phút nào được quên rằng thế lực tự phát tư sản và tiểu tư sản đang đấu tranh chống Chính quyền xô-viết bằng hai cách: một mặt, nó hành động từ bên ngoài vào bằng những thủ đoạn của bọn Xa-vin-cốp, Gô-txơ, Ghê-ghê-tsơ-cô-ri, Coóc-ni-lốp, bằng những âm mưu và những cuộc nổi loạn, bằng sự phản ánh bẩn thỉu trên lĩnh vực "tư tưởng" của chúng, tức là bằng vô số những lời dối trá và vu khống tràn ngập trong báo chí của bọn dân chủ - lập hiến, bọn xã hội chủ nghĩa - cách mạng cánh hữu và bọn men-sê-vích; mặt khác, thế lực tự phát đó hành động từ trong ra, bằng cách lợi dụng từng phần tử hủ bại, từng nhược điểm, để mua chuộc, để làm cho tình trạng vô kỷ luật, phóng túng và hỗn loạn càng thêm trầm trọng. Chúng ta càng tiến gần đến ngày hoàn toàn đè bẹp được giai cấp tư sản bằng quân sự, thì thế lực tự phát tiểu tư sản vô chính phủ lại càng trở thành nguy hiểm đối với chúng ta. Và cuộc đấu tranh chống thế lực đó, không thể chỉ tiến hành đơn thuần bằng tuyên truyền và cổ động, đơn thuần bằng việc tổ chức thi đua và lựa chọn các nhà tổ chức; mà cũng cần phải tiến hành cả bằng sự cưỡng bức nữa.

Đến khi nhiệm vụ cơ bản của chính quyền không còn là nhiệm vụ trấn áp bằng quân sự nữa, mà là nhiệm vụ quản lý, thì lúc bấy giờ tòa án, chứ không phải là hình phạt xử bắn tại chỗ, sẽ trở thành biểu hiện điển hình của sự trấn áp và cưỡng bức. Và về mặt này, quần chúng cách mạng đã đi vào con đường đúng đắn sau ngày 25 tháng Mười l9l7 và đã chứng minh sức sống của cách mạng bằng cách bắt đầu tổ chức các tòa án công nông riêng của họ, ngay khi chưa có một sắc lệnh nào về giải tán bộ máy tư pháp quan liêu tư sản. Nhưng các tòa án cách mạng và tòa án nhân dân của chúng ta lại vô cùng yếu, yếu không tưởng tượng được. Người ta cảm thấy rằng cái quan điểm mà ách áp bức của bọn địa chủ và tư sản đã truyền lại cho nhân dân - tức là quan điểm cho tòa án là một cái gì quan liêu và xa lạ - hiện nay vẫn chưa bị đả phá hoàn toàn. Người ta chưa có ý thức đầy đủ rằng tòa án chính là một cơ quan có trách nhiệm làm cho tất cả những người nghèo khổ, không trừ một ai, đều có thể tham gia việc quản lý nhà nước (vì hoạt động của các tòa án là một trong những chức năng cửa việc quản lý nhà nước); rằng tòa án là một cơ quan chính quyền của giai cấp vô sản và của nông dân nghèo, rằng tòa án là một công cụ để giáo dục kỷ luật. Người ta chưa có ý thức đầy đủ về sự thật giản đơn và rõ ràng rằng nếu nạn đói và nạn thất nghiệp là những tai họa chủ yếu của nước Nga thì chẳng có một thứ nhiệt tình nhất thời nào có thể thắng được những tai họa ấy cả, mà chỉ có một sự tổ chức toàn diện, phổ biến, toàn dân, chỉ có xây dựng kỷ luật để tăng sản xuất bánh mì cho con người và bánh mì cho công nghiệp (tức là nhiên liệu) và đảm bảo kịp thời việc vận chuyển và phân phối đúng đắn sản phẩm đó, mới có thể thắng được những tai họa ấy; rằng bởi vậy, kẻ nào vi phạm kỷ luật lao động trong bất cứ xí nghiệp nào, bất cứ ngành nào và bất cứ việc gì đều phải chịu trách nhiệm về những nỗi khổ do nạn đói và nạn thất nghiệp gây ra, rằng phải biết truy cho ra bọn thủ phạm ấy, truy tố chúng trước tòa án và thẳng tay trừng trị chúng. Tính tự phát tiểu tư sản mà hiện nay chúng ta phải chống lại bằng một cuộc đấu tranh kiên qưyết nhất, biểu hiện ra chính ở chỗ người ta còn kém giác ngộ về mối liên hệ về mặt kinh tế và chính trị giữa nạn đói và nạn thất nghiệp, với tính phóng túng của tất cả mọi người về mặt tổ chức và kỷ luật; và ở chỗ quan điểm tiểu tư hữu vẫn còn ăn sâu trong đầu óc người ta: miễn là vơ vét được phần hơn còn thì sống chết mặc bay!

Trong ngành đường sắt là nơi có lẽ thể hiện rõ hơn hết những mối liên hệ kinh tế của một cơ thể do chủ nghĩa đại tư bản tạo ra, thì cuộc đấu tranh đó giữa tính phóng túng của thể lực tự phát tiểu tư sản với tính tổ chức của giai cấp vô sản, càng hiện ra đặc biệt nổi bật. Trong số những người tham gia "quản lý", có rất nhiều kẻ phá hoại ngầm và ăn hối lộ; còn bộ phận ưu tú trong thành phần vô sản thì đấu tranh cho kỷ luật. Nhưng cố nhiên là trong cả hai thành phần đều còn có nhiều kẻ do dự, nhiều kẻ "yếu ớt" không có khả năng cưỡng lại sự "cám dỗ" của nạn đầu cơ, của đút lót, của những mối lợi cá nhân thu được bằng cách làm tan rã toàn thể bộ máy, thế mà muốn khắc phục nạn đói và thất nghiệp, thì bộ máy ấy phải hoạt động tốt.

Cuộc đấu tranh đang diễn ra chung quanh sắc lệnh vừa mới được ban hành về việc quản lý ngành đường sắt và về việc trao cho một số người lãnh đạo những quyền hành độc tài (hay những quyền "vô hạn"71), cuộc đấu tranh đó thật là tiêu biểu. Những đại biểu có ý thức (và phần đông, thì chắc là vô ý thức) của tính phóng túng tiểu tư sản muốn coi việc trao những quyền hành "vô hạn" (nghĩa là quyền hành độc tài) cho một số cá nhân, là rời bỏ những nguyên tắc tập thể, rời bỏ dân chủ và những nguyên tắc của Chính quyền xô-viết. Đây đó, người ta đã thấy những đảng viên xã hội chủ nghĩa - cách mạng cánh tả mở ra một cuộc cổ động chống sắc lệnh ban hành những quyền hành độc tài, một cuộc cổ động hoàn toàn có tính chất lưu manh vì nó khêu gợi những bản năng xấu xa và đầu óc tư hữu nhỏ muốn "vơ vét được" phần hơn về mình. Vấn đề này qủa thật có một ý nghĩa vô cùng to lớn. Trước hết, đó là vấn đề nguyên tắc: đề cử ra người này người nọ có những quyền độc tài vô hạn định, thì nói chung, như thế có phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của Chính quyền xô-viết không? Sau nữa, mối quan hệ giữa trường hợp này - hay gọi là tiền lệ cũng được - với những nhiệm vụ đặc biệt của chính quyền trong một giai đoạn cụ thể nhất định, là như thế nào? Chúng ta cần nghiên cứu hai vấn đề ấy một cách rất kỹ càng.

Kinh nghiệm không thể chối cãi được của lịch sử đã chứng minh rằng, trong lịch sử các phong trào cách mạng, rất nhiều khi sự chuyên chính của một số cá nhân là sự biểu hiện, sự tiêu biểu, sự thực hiện nền chuyên chính của các giai cấp cách mạng. Không nghi ngờ gì nữa, chuyên chính cá nhân là thích hợp với nền dân chủ tư sản. Nhưng về điểm này, bọn tư sản chê bai Chính quyền xô-viết, cũng như bọn tiểu tư sản phụ họa với chúng, luôn luôn tỏ ra hết sức khôn khéo; một mặt, chúng tuyên bố rằng Chính quyền xô-viết hoàn toàn chỉ là một cái kỳ quặc, vô chính phủ và man rợ, đồng thời chúng lại tìm cách bỏ qua không nói đến những sự so sánh về mặt lịch sử và những lý lẽ về mặt lý luận mà chúng ta đã dùng để chứng minh rằng các Xô-viết thực ra là hình thức cao nhất của nền dân chủ, thậm chí hơn thế nữa, nó còn là hình thức xã hội chủ nghĩa đầu tiên của nền dân chủ; mặt khác, chúng đòi hỏi chúng ta phải thiết lập một nền dân chủ cao hơn nền dân chủ tư sản và nói với chúng ta rằng: chế độ chuyên chính cá nhân tuyệt đối không thể nào dung hợp được với nền dân chủ bôn-sê-vích (nghĩa là không phải dân chủ tư sản mà là dân chủ xã hội chủ nghĩa), với nền dân chủ xô-viết của các anh đâu.

Những lập luận đó không đứng vững. Nếu chúng ta không phải là những người vô chính phủ, thì chúng ta phải thừa nhận rằng, để chuyển từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội, cần phải có nhà nước, tức là phải có cưỡng bức. Những điều kiện quyết định hình thức của sự cưỡng bức ấy trước hết là trình độ phát triển của giai cấp cách mạng lúc bấy giờ, tiếp đến là những hoàn cảnh đặc biệt, chẳng hạn như tình trạng do một cuộc chiến tranh phản động lâu dài để lại; cuối cùng là những hình thức phản kháng của giai cấp tư sản và tiểu tư sản. Cho nên giữa nền dân chủ xô-viết (nghĩa là dân chủ xã hội chủ nghĩa) và việc dùng đến quyền độc tài cá nhân, tuyệt đối không có một sự mâu thuẫn nào về nguyên tắc cả. Sự khác nhau giữa chuyên chính vô sản và chuyên chính tư sản, trước hết, chính là ở chỗ chuyên chính vô sản, vì lợi ích của đa số những người bị bóc lột, đã đánh vào thiểu số đi bóc lột, và sau nữa là ở chỗ người thực hiện chuyên chính vô sản - cũng thông qua cả những cá nhân - không những chỉ là quần chúng lao động và bị bóc lột, mà cả những tổ chức được xây dựng nên chính là nhằm để thức tỉnh số quần chúng đó, để nâng cao họ lên đến mức sáng tạo lịch sử (những tổ chức xô-viết thuộc loại các tổ chức đó).

Về vấn đề thứ hai, tức là vấn đề ý nghĩa của chính cái chính quyền độc tài cá nhân xét theo giác độ những nhiệm vụ đặc biệt hiện nay thì phải nói rằng mọi nền đại công nghiệp cơ khí - tức chính là cái nguồn và nền tảng sản xuất vật chất của chủ nghĩa xã hội - đều đòi hỏi phải có một sự thống nhất ý chí hết sức chặt chẽ, tuyệt đối, điều tiết được công việc chung của hàng trăm, hàng nghìn và hàng vạn người. Về mặt kỹ thuật, kinh tế cũng như về mặt lịch sử, hiển nhiên là cần phải như thế, và tất cả những người nào đã nghiền ngẫm về chủ nghĩa xã hội đều luôn luôn thừa nhận rằng sự cần thiết đó là một trong những điều kiện để thực hiện chủ nghĩa xã hội. Nhưng một sự thống nhất ý chí hết sức chặt chẽ có thể được đảm bảo bằng cách nào? Bằng cách làm cho ý chí của hàng nghìn người phục tùng ý chí của một người.

Sự phục tùng đó có thể giống việc chỉ huy nhẹ nhàng của một viên nhạc trưởng, nếu như những người tham gia công việc chung đều tự giác và có kỷ luật một cách lý tưởng. Và sự phục từng đó có thể được thực hiện bằng những hình thức độc tài gay gắt, nếu không có một kỷ luật và một sự tự giác lý tưởng. Nhưng, dù sao đi nữa thì sự phục tùng không điều kiện đối với một ý chí duy nhất là tuyệt đối cần thiết cho thắng lợi của một quá trình công tác được tổ chức theo kiểu đại công nghiệp cơ khí. Trong ngành đường sắt, sự phục tùng đó lại còn cấp thiết gấp đôi, gấp ba. Và chính bước chuyển đó từ một nhiệm vụ chính trị này sang một nhiệm vụ chính trị khác mà trông bề ngoài thì hoàn toàn khác hẳn với nhiệm vụ trên, - chính là toàn bộ sự độc đáo của thời cuộc hiện nay. Cách mạng vừa mới đập tan được những xiềng xích lâu đời nhất, vững chắc nhất và nặng nề nhất mà chế độ dùi cui đã dùng để buộc quần chúng tuân theo. Đó là việc hôm qua. Còn hôm nay, cũng cuộc cách mạng đó lại đòi hỏi quần chúng phải phục tùng vô điều kiện ý chí duy nhất của những người lãnh đạo quá trình lao động, chính là vì lợi ích của sự nghiệp phát triển và củng cố cách mạng, chính là vì lợi ích của chủ nghĩa xã hội. Hiển nhiên, không thể nào hoàn thành ngay được một bước chuyển như thế. Rõ ràng bước chuyển đó chỉ có thể hoàn thành được qua những sự thúc đẩy rất dữ dội, những sự chấn động, những bước quay lùi về quá khứ, một sự nỗ lực ghê gớm của đội tiền phong vô sản đang lãnh đạo nhân dân tiến đến một trật tự mới. Đó là điều mà những kẻ đang lên cơn loạn trí tầm thường thưộc bọn "Đời sống mới" hay "Tiến lên"72, "Sự nghiệp nhân dân" hay "Thế kỷ chúng ta"73, không suy nghĩ đến.

Hãy lấy tâm lý một đại biểu bình thường, trung bình của quần chúng lao động và bị bóc lột, rồi đối chiếu tâm lý ấy với những điều kiện vật chất, khách quan của đời sống xã hội của anh ta. Trước Cách mạng tháng Mười, anh ta thực tế chưa từng thấy những giai cấp hữu sản, bóc lột, lại thật sự hy sinh, nhượng bộ cho anh ta một cái gì thật đáng kể cả. Anh ta chưa hề thấy những giai cấp đó mang lại cho anh ta ruộng đất và tự do, - cái mà chúng đã bao lần hứa hẹn - hay mang lại cho anh ta hòa bình; chưa hề thấy chúng hy sinh cho anh ta mảy may lợi ích "cường quốc" của chúng hay lợi ích của những hiệp ước bí mật cường quốc chủ nghĩa của chúng, hy sinh tư bản hay lợi nhuận của chúng. Anh ta chỉ thấy được những cái đó sau ngày 25 tháng Mười l9l7, khi bản thân anh ta đã dùng vũ lực giành lấy tất cả những cái đó, và rồi anh ta cũng phải dùng vũ lực để bảo vệ những cái đó chống lại bọn Kê-ren-xki, Gô-txơ, Ghê-ghê-tsơ-cô-ri, Đu-tốp, Coóc- ni-lốp. Cố nhiên là trong một thời gian nào đó, tất cả mọi sự chú ý, mọi ý nghĩ, mọi tinh lực của anh ta đều chỉ nhằm một điều: lấy hơi, lấy sức, vươn mình lên và chiếm lấy những phúc lợi sẵn có ở trước mắt mà anh ta có thể lấy được cái mà trước kia bọn bóc lột (bọn này ngày nay đã bị lật đổ) đã ngăn cấm không cho anh ta được hưởng. Cố nhiên là phải trải qua một thời gian nào đó thì một người đại diện bình thường của quần chúng mới có thể không những nhìn thấy và nhận rõ được, mà còn tự mình cảm thấy thấm thía rằng người ta không thể nào chỉ đơn thuần "chiếm lấy", vơ vét, giành lấy, rằng như thế sẽ làm cho cảnh tàn phá càng thêm trầm trọng, và làm cho nước nhà đi tới chỗ diệt vong, làm cho bọn Coóc-ni-lốp trở lại. Sự chuyển hướng đó trong những điều kiện sinh hoạt (và do đó cả trong tâm lý) của quần chúng lao động bình thường chỉ mới bắt đầu diễn ra. Và tất cả nhiệm vụ của chúng ta, nhiệm vụ của đảng cộng sản (bôn-sê-vích), người đại biểu có ý thức cho nguyện vọng của những người bị bóc lột muốn tự giải phóng, - là phải thấy rõ sự chuyển hướng ấy, phải hiểu rõ tính tất yếu của sự chuyển hướng ấy, phải dẫn đầu những quần chúng đã kiệt sức và đang kiệt lực trong việc tìm một lối thoát, phải hướng họ đi theo con đường đúng đắn, con đường kỷ luật lao động, con đường phối hợp nhiệm vụ họp mít-tinh thảo luận về điều kiện lao động với nhiệm vụ phải tuyệt đối phục tùng ý chí của nhà lãnh đạo xô-viết, của nhà độc tài, trong khi làm việc.

Bọn tư sản, bọn men-sê-vích, bọn người trong phái "Đời sống mới" chỉ nhìn thấy sự hỗn loạn, sự lộn xộn, sự bộc lộ rõ nét của tính ích kỷ tiểu tư hữu, chúng châm biếm và hơn nữa, thường hay chế nhạo một cách hằn học "lối họp mít-tinh để thảo luận". Song nếu không họp mít-tinh để thảo luận thì quần chúng bị áp bức sẽ không bao giờ có thể chuyển từ kỷ luật do bọn bóc lột bắt buộc phải theo, sang kỷ luật tự giác và tự nguyện được. Họp mít-tinh để thảo luận, đó chính là chế độ dân chủ thật sự của những người lao động, là sự vươn mình lên của họ, sự thức tỉnh của họ để sống một cuộc đời mới, những bước đầu tiên của họ trên đường hoạt động mà chính họ đã quét sạch hết những bọn sâu mọt (bọn bóc lột, bọn đế quốc, bọn địa chủ, bọn tư bản), và họ muốn học tập để tự tổ chức theo cách thức của mình và vì lợi ích của mình, đúng theo những nguyên tắc của Chính quyền xô-viết của họ, chứ không phải của một chính quyền quý tộc, tư sản, xa lạ vói họ. Chính là cần phải có thắng lợi của những người lao động đối với bọn bóc lột trong Cách mạng tháng Mười, cần phải có cả một thời kỳ lịch sử trong đó bản thân những người lao động bước đầu thảo lưận về những điều kiện sinh hoạt mới và về những nhiệm vụ mới, - thì mới có thể chuyển vững chắc lên những hình thức cao hơn của kỷ luật lao động, tới chỗ tự giác thấm nhuần tư tưởng về sự cần thiết phải có chuyên chính vô sản, đến một sự phục tùng tuyệt đối những mệnh lệnh cá nhân của các đại diện Chính quyền xô-viết trong khi làm việc.

Bước chuyển ấy hiện nay đã bắt đầu.

Chúng ta đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ thứ nhất của cách mạng, chúng ta thấy quần chúng lao động đã tạo ra trong hàng ngũ của họ điều kiện chủ yếu của thắng lợi đó: hợp nhất tất cả những sự cố gắng chống bọn bóc lột để lật đổ chúng. Những giai đoạn, như giai đoạn tháng Mười l905, giai đoạn tháng Hai và tháng Mười 19l7, đều có một ý nghĩa lịch sử toàn thế giới.

Chúng ta đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ thứ hai của cách mạng là: thức tỉnh và phát động chính những tầng lớp xã hội "bên dưới" đứng lên hành động, những tầng lớp mà bọn bóc lột đã dìm xuống tận đất đen, và chỉ sau ngày 25 tháng Mười 19l7, họ mới được toàn quyền tự do lật đổ bọn bóc lột, tự do định phương hưóng cho mình và tổ chức nhau lại theo ý muốn của mình. Chính những quần chúng lao động bị áp bức, bị uy hiếp hơn hết, kém hiểu biết hơn hết đã tiến hành các cuộc mít-tinh, họ đã chuyển sang phía những người "bôn-sê-vích", họ đã thiết lập tổ chức xô-viết của họ trên khắp đất nước, - đó là giai đoạn vĩ đại thứ hai của cách mạng.

Hiện nay, giai đoạn thứ ba đang bắt đầu. Chúng ta phải củng cố cái mà bản thân chúng ta đã giành được, cái mà chúng ta đã ban bố trong các sắc lệnh, đã biến thành đạo luật, đã thảo luận, đã vạch ra; chúng ta phải củng cố tất cả những cái đó dưới những hình thức vững bền của kỷ luật lao động hàng ngày. Đó là nhiệm vụ khó khăn nhất, nhưng cao cả nhất, vì chỉ có hoàn thành nhiệm vụ đó, chúng ta mới thiết lập được chế độ xã hội chủ nghĩa. Chúng ta phải học tập kết hợp tinh thần dân chủ sôi sục, tràn trề, tựa như nước lũ mùa xuân, của quần chúng lao động trong các cuộc mít-tinh với một kỷ luật sắt trong lao động, với sự phục tùng tuyệt đối trong lao động đối với ý chí của một người duy nhất, của nhà lãnh đạo xô-viết.

Chúng ta chưa biết làm việc đó.

Chúng ta sẽ học được cách làm việc đó.

Ngày hôm qua, nguy cơ phục hồi chế độ bóc lột của giai cấp tư sản còn đe dọa chúng ta; biểu hiện của nguy cơ ấy là những hành động của bọn Coóc-ni-lốp, Gô-txơ, Đu-tốp, Ghê-ghê-tsơ-cô-ri, Bô-ga-ép-xki. Chúng ta đã đánh bại chúng. Ngày nay, nguy cơ đó, cũng vẫn nguy cơ đó, đang đe dọa chúng ta dưới một hình thức khác, dưới bộ mặt tự phát của tính phóng túng tiểu tư sản và của xu hướng vô chính phủ, của đạo đức tiểu tư hữu: "tôi chỉ biết phần tôi", dưới hình thức của những cuộc tấn công hàng ngày, tuy nhỏ nhưng nhiều vô kể, mà thế lực tự phát đó đang tiến hành chống lại tính kỷ luật vô sản. Chúng ta phải chiến thắng thế lực tự phát tiểu tư sản vô chính phủ đó, và chúng ta sẽ chiến thắng được nó.

[Chương trước]   [Mục lục]   [Chương tiếp theo]