V.I.Lenin
Mục lục


Sự phát triển của tổ chức Xô-viết

Tính chất xã hội chủ nghĩa của chế độ dân chủ xô-viết, - tức là chế độ dân chủ vô sản nếu áp dụng nó một cách cụ thể, nhất định, - là ở chỗ: trước hết, các cử tri đều phải là quần chúng lao động và bị bóc lột, còn giai cấp tư sản thì bị loại ra; hai là, mọi thủ tục và những sự hạn chế có tính chất quan liêu đều bị xóa bỏ, quần chúng tự quy định lấy thể thức và thời hạn bầu cử, hoàn toàn có quyền tự do bãi miễn những người mà họ đã bầu ra; ba là, hình thành một tổ chức quần chúng tốt nhất của đội tiền phong của những người lao động - giai cấp vô sản đại công nghiệp, tổ chức đó giúp cho đội tiền phong có thể lãnh đạo được đại đa số quần chúng bị bóc lột, có thể thu hút số quần chúng đó độc lập tham gia vào sinh hoạt chính trị, và có thể lấy kinh nghiệm của bản thân mà giáo dục họ về mặt chính trị, và do đó có thể bắt tay, lần đầu tiên, vào việc thi hành nhiệm vụ sau đây: làm thế nào cho thực sự toàn thể nhân dân đều học tập được công tác quản lý và bắt đầu đảm nhận công tác quản lý.

Đó là những đặc trưng chủ yếu của chế độ dân chủ đã được thi hành ở Nga, một chế độ dân chủ kiểu cao hơn, hoàn toàn trái ngược với sự xuyên tạc của giai cấp tư sản đối với chế độ dân chủ, và đánh dấu bước chuyển sang chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa và sang những điều kiện trong đó nhà nước sẽ có thể bắt đầu tiêu vong.

Dĩ nhiên, cái yếu tố tự phát của tính vô tổ chức tiểu tư sản (trong mọi cuộc cách mạng vô sản, yếu tố này nhất định biểu hiện ra đến một chừng mực nào đó, còn trong cuộc cách mạng của chúng ta, thì do tính chất tiểu tư sản, do tình trạng lạc hậu của nước ta và do những hậu quả của cuộc chiến tranh phản động, nên yếu tố đó biểu hiện ra một cách đặc biệt mạnh mẽ) không thể không ảnh hưởng đến ngay cả các Xô-viết nữa.

Chúng ta phải cố gắng không ngừng trong việc phát triển tổ chức của các Xô-viết và của Chính quyền xô-viết. Hiện nay có một khuynh hướng tiểu tư sản muốn biến đại biểu của các Xô-viết thành "những nghị sĩ" hay, mặt khác, thành những phần tử quan liêu. Phải đả phá khuynh hướng đó bằng cách làm cho hết thảy những đại biểu của các Xô-viết đều thực sự tham gia việc quản lý. Tại nhiều địa phương, có những bộ phận của các Xô-viết biến thành những cơ quan dần dần hợp nhất với các bộ dân ủy. Mục đích của chúng ta là làm cho hết thảy những người nghèo khổ, không trừ một ai, đều thực tế tham gia quản lý; và tất cả mọi biện pháp dùng để đạt đến mục đích đó - những biện pháp này càng có nhiều hình thức khác nhau càng tốt - cần phải được ghi lại, nghiên cứu, hệ thống hóa kỹ càng, cần phải được thẩm tra lại bằng kinh nghiệm rộng rãi hơn, cần phải được biến thành đạo luật. Mục đích của chúng ta là làm cho mỗi người lao động, một khi đã kết thúc "thời hạn" 8 tiếng đồng hồ sản xuất rồi, thì còn đảm nhiệm không công những nghĩa vụ nhà nước: chuyển sang thực hiện chế độ ấy thì đặc biệt khó khăn, nhưng chỉ có làm được như thế mới đảm bảo hoàn toàn củng cố được chủ nghĩa xã hội. Dĩ nhiên là cái mới mẻ và khó khăn của bước thay đổi ấy gây ra rất nhiều bước có thể nói là mò mẫm, rất nhiều sai lầm và rất nhiều sự dao động, - mà không như thế thì sẽ không bao giờ tiến mạnh lên được. Tất cả tính chất độc đáo của tình hình hiện nay, theo quan điểm của nhiều kẻ muốn tự xưng là xã hội chủ nghĩa, là ở chỗ người ta có thói quen đem chủ nghĩa tư bản ra đối lập với chủ nghĩa xã hội một cách trừu tượng; họ ra vẻ suy nghĩ sâu sắc khi đặt giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội danh từ: "bước nhảy vọt" (có một số người nhớ lại những đoạn văn đọc được của Ăng-ghen và nói thêm một cách có vẻ sâu sắc hơn nữa, là: "bước nhảy vọt từ vương quốc của tất yếu sang vương quốc của tự do"74). Phần đông những kẻ tự xưng là xã hội chủ nghĩa ấy, đã "đọc trong sách" về chủ nghĩa xã hội, nhưng không bao giờ nghiền ngẫm về vấn đề một cách nghiêm chỉnh, nên họ không thể hiểu được rằng các vị thầy của chủ nghĩa xã hội quan niệm "bước nhảy vọt" là một bước ngoặt, xét về mặt lịch sử toàn thế giới; rằng những bước nhảy vọt như thế kéo dài hàng mười năm và có khi hơn thế nữa. Lẽ tự nhiên là trong những thời kỳ như thế thì trong "giới trí thức" khét tiếng nảy sinh ra vô số những mụ khóc mướn: mụ này thì khóc Quốc hội lập hiến, mụ kia thì khóc kỷ luật tư sản, mụ thứ ba lại khóc trật tự tư bản chủ nghĩa, mụ thứ tư khóc địa chủ có văn hóa, mụ thứ năm khóc chủ nghĩa đế quốc nước lớn v.v và v.v...

Điều thật sự đáng chú ý trong thời kỳ những bước nhảy vọt lớn lao, chính là: có vô số những mảnh vụn của trật tự cũ đôi khi chất đống lại một cách nhanh hơn những mầm mống (không phải bao giờ cũng thấy rõ ngay được) của trật tự mới, cho nên đòi hỏi phải biết phân biệt cái cơ bản nhất trong chiều hướng phát triển hay trong cái dây xích phát triển. Có những thời kỳ lịch sử trong đó muốn làm cho cách mạng thắng lợi thì điều quan trọng nhất là phải tích lữy được thật nhiều mảnh vụn, nghĩa là phải đập tan được thật nhiều cơ quan cũ; có những thời kỳ trong đó người ta đã đập tan khá nhiều những cơ quan đó và nhiệm vụ cấp thiết được đề ra lại là một công việc "tầm thường" ("tẻ ngắt" đối với nhà cách mạng tiểu tư sản), tức là: dọn sạch những mảnh vụn còn ngổn ngang; có những thời kỳ trong đó điều quan trọng nhất lại là vun bón chu đáo những mầm mống của trật tự mới, đang từ dưới những mảnh vụn nhú lên trên đám đất còn ngổn ngang những mảnh đá vụn chưa quét sạch.

Làm một nhà cách mạng, một người tán thành chủ nghĩa xã hội, hay một người cộng sản nói chung, như thế chưa đủ. Trong mỗi thời kỳ đặc biệt, cần phải biết tìm cho ra cái mắt xích đặc biệt mà ngưòi ta phải đem toàn lực ra nắm lấy để giữ vững được toàn bộ cái xích và chuẩn bị để chuyển vững chắc sang mắt xích kế bên; hơn nữa trình tự nối tiếp, hình thức, mối liên hệ của các mắt xích, và những đặc điểm khác nhau của mắt xích này với mắt xích khác trong cái xích những sự biến lịch sử, đều không đơn giản, và cũng không phải sơ sài như trong cái xích thường do bàn tay người thợ rèn làm ra.

Cuộc đấu tranh chống sự lệch lạc quan liêu chủ nghĩa đối với tổ chức xô-viết, được đảm bảo bởi tính vững chắc của những mối liên hệ gắn liền các Xô-viết với "nhân dân", nghĩa là với những người lao động và những người bị bóc lột; bởi tính chất linh hoạt và mềm dẻo của những mối liên hệ đó. Những nghị viện tư sản, ngay cả đến nghị viện của nước cộng hòa tư bản chủ nghĩa dân chủ nhất trên thế giới, cũng không bao giờ được những người nghèo coi là những cơ quan "của mình". Còn các Xô-viết, thì quần chúng công nông lại coi đó là "của mình" chứ không phải là của kẻ khác, Ngày nay, "những người dân chủ - xã hội" kiểu Sai-đê-man hoặc cũng na ná như thế, tức là kiểu Mác-tốp, đều không ưa các Xô-viết, và thiên về cái thứ nghị viện tư sản đoan trang hay Quốc hội lập hiến, cũng hệt như cách đây 60 năm, Tuốc-ghê-nép đã thiên về chế độ lập hiến quân chủ và quý tộc ôn hòa và đã không ưa chủ nghĩa dân chủ mu-gích của Đô-brô-li-u-bốp và của Tséc-nư- sépxki 75.

Chính sự gần gũi của các Xô-viết với "nhân dân" lao động đã tạo ra những hình thức đặc biệt của sự bãi miễn và của thứ kiểm tra khác từ dưới lên, những hình thức mà hiện nay chúng ta phải thật cố gắng phát triển. Thí dụ, những hội đồng giáo dục quốc dân - tức là những hội nghị định kỳ mà các cử tri xô-viết và các đại biểu của họ cùng nhau họp để thảo luận và kiểm tra sự hoạt động trong lĩnh vực này của các cơ quan chính quyền xô-viết - đều đáng được chúng ta đồng tình và ủng hộ đầy đủ nhất. Không gì ngu dại hơn là biến các Xô-viết thành một cái gì cứng đờ, thành một cái gì độc lập tự tại. Ngày nay, chúng ta càng cương quyết chủ trương phải có một chính quyền thẳng tay cứng rắn, phải thi hành chế độ chuyên chính cá nhân trong những quá trình công tác nào đó, trong những chức năng thuần túy có tính chất thực hành nào đó, - thì những hình thức và những phương pháp kiểm tra từ dưới lên, càng phải hết sức muôn vẻ để làm tê liệt mọi khả năng, dù nhỏ đến đâu, dẫn tới xuyên tạc Chính quyền xô-viết, để tiếp tục và luôn luôn trừ cho tiệt cái thứ cỏ dại chủ nghĩa quan liêu.

[Chương trước]   [Mục lục]